Ứng xử văn hóa trong du lịch

6,8 triệu lượt khách quốc tế và 160.000 tỷ đồng cho du lịch trong năm 2012 là con số đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung. Tuy nhiên những gì du khách chưa hài lòng phần lớn lại nằm ở yếu tố con người – đó chính là ứng xử văn hóa .

 

Chèo kéo, xô đẩy, tranh giành khách là những hình ảnh thường thấy tại nhiều điểm du lịch Việt Nam. Du khách thường xuyên bị bủa vây bởi một đội quân đủ mọi thể loại từ ăn xin, móc túi, bán hàng rong cho tới đánh giầy, bán lưu niệm. Bất kể giờ giấc, có nhu cầu hay không, khách vẫn bị “ đè” ra để phục vụ.

Sự tăng trưởng khá ổn định của du lịch Việt Nam trong suốt 3 năm qua có thể coi là điểm sáng đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thì du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Trong một báo cáo đánh giá cạnh tranh về du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện thì Việt Nam có thế mạnh về văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực tuy nhiên lại bị đánh giá thấp về môi trường và cơ sở hạ tầng, dịch vụ.

 

Theo những số liệu khảo sát gần đây, trong suốt 5 năm qua, luôn có khoảng 80-85% số du khách nước ngoài được hỏi không muốn quay lại Việt Nam. Một phần do họ cảm thấy nhàm chán với những sản phẩm du lịch trùng lặp, tuy nhiên phần lớn là do những vấn nạn như: ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo khách, chèn ép, tự ý nâng giá, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và an toàn trong các điểm du lịch. Và cũng chưa bao giờ du khách được nghe nhiều đến cụm từ văn hóa du lịch.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11-2012 ước đạt gần 656.000 lượt khách, tăng 24,4 % so với tháng 10-2012 và tăng 7,2 % so với cùng kỳ năm 2011. Tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng vượt 6 triệu lượt, ước đạt gần 6.036.000 lượt khách, tăng 14,4 % so với cùng kỳ năm 2011, đạt 93% mục tiêu đón khách quốc tế của năm 2012. Rất nhiều du khách lẫn các nhà tổ chức lữ hành quốc tế đến Việt Nam đều phải thán phục trước những cảnh đẹp, nhưng cũng chỉ có 15% trong số đó quay lại lần thứ 2.

Công ty Viettravel cho biết, trung bình mỗi tháng họ có từ 5-7 khách Nhật Bản bị móc túi hoặc bị cướp giật đồ. Giao thông, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là nỗi ám ảnh của khách quốc tế khi đến với Việt Nam. Chưa bao giờ người ta nhắc nhiều đến cụm từ văn hóa du lịch đến vậy. Vẻ đẹp thiên nhiên, di sản, sự phong phú của ẩm thực có thể hấp dẫn du khách tới Việt Nam khám phá. Nhưng liệu vẻ đẹp ấy có thực sự bất tận khi chỉ có 15% số du khách nước ngoài muốn quay lại Việt Nam lần hai.

Bên cạnh đó thì nạn chặt chém cũng là một hiện trạng đáng báo động của du lịch Việt Nam, thậm chí có những vụ khiến ai nghe thấy cũng phải giật mình, như vụ gánh hàng rong chém khách 1 triệu đồng cho 4 miếng dứa cộng với công chụp ảnh ở Hồ Gươm.

 

Mới đây, tờ TTR Weekly của Thái Lan đã đăng tải một bài viết có tiêu đề “Những bàn tay tàng hình ở phố cổ Hà Nội”, phản ánh tình trạng du khách quốc tế bị “đội quân” hàng rong móc túi tại đây.

Theo bài báo, do rào cản ngôn ngữ và sự tin tưởng từ khách du lịch, nhiều du khách nước ngoài đã bị những người bán hàng rong “khôn ngoan” lừa những khoản tiền lớn bằng rất nhiều cách thức khác nhau. Trong khi đó, những tên trộm lợi dụng sự đông đúc của các đường phố để hoành hành. Những hiện tượng này làm tổn hại đến danh tiếng của du lịch Hà Nội trong con mắt quốc tế, khiến chính quyền thành phố Hà Nội phải đưa ra những giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn. Bài báo cũng nêu ra các mánh lới phổ biến của những người bán hàng rong ở phố cổ để du khách nước ngoài cảnh giác khi đến Hà Nội.

Theo ông Ian-Lyne, Trưởng nhóm tư vẫn chương trình năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội EU: “Cần phải có một dự án giáo dục cộng đồng, giáo dục cho những người bán hàng rong và người làm dịch vụ nhỏ để biết du lịch là gì, khách du lịch cần gì và quan trọng là giáo dục cho họ ý thức tự hào về đất nước và thành phố họ đang sống. Điều này phải làm tại tất cả các địa phương của Việt Nam”.
Đành rằng những người bán hàng rong hay làm dịch vụ du lịch nhỏ chủ yếu đến từ các vùng quê và có cuộc sống vô cùng khó khăn. Tất cả cũng chỉ vì mưu sinh. Tuy nhiên nếu cứ để tỉnh trạng như trên tiếp diễn thì hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ đi đến đâu khi khách du lịch tiếp tục là nạn nhân của sự chèo kéo và chặt chém, thậm chí là móc túi.

Thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam chuẩn bị các biện pháp chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, triển khai ký kết giữa các doanh nghiệp cam kết không vi phạm để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, có các hình thức phổ biến thông tin quảng bá, khuyến khích các cơ sở có chất lượng dịch vụ tốt. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để nắm bắt diễn biến thực tiễn các hoạt động dịch vụ du lịch tại một số trung tâm du lịch thường xảy ra các vụ việc như tại Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm các vụ việc.

Nhiều địa phương đã ban hành quyết định bình ổn giá, khung giá, giao Sở Tài chính cùng các cơ quan liên quan tổ chức nhiều đợt kiểm tra trước, trong và sau đợt cao điểm, yêu cầu các cơ sở lưu trú trên địa bàn không được tăng giá quá 50% so với mức giá ngày thường, có cam kết bình ổn giá và nâng cao chất lượng dịch vụ. Một số địa phương đã thành lập đường dây nóng để các tổ chức, công dân và khách du lịch phản ánh kịp thời những sai phạm về giá, chất lượng dịch vụ để các cơ quan quản lý có biện pháp xử lý kịp thời.

CN

Phát hiện thành cổ Chăm Pa ngàn năm

Các nhà khoa học vừa phát hiện một khu thành cổ thời Vương quốc Chăm Pa xưa, nằm sâu dưới lòng đất ở Quảng Nam.

Một đoạn thành cổ Vương quốc Chăm Pa vừa phát lộ. Ảnh: Congannhandan.
Một đoạn thành cổ Vương quốc Chăm Pa vừa phát lộ. Ảnh: Congannhandan.

Sau hơn nửa tháng tìm kiếm và khai quật trên diện tích 300 m2 tại làng Viên Thành, thôn Trung Đông, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khoa học vùng Nam Bộ và trường Showa Women’s University, Nhật Bản, phát hiện khu thành cổ Vương quốc Chăm Pa xưa.

Thạc sĩ Đặng Ngọc Kính, trưởng đoàn khai quật cho biết, tại một hố khai quật có chiều dài 20 m, chiều ngang 2 m và sâu khoảng 50-60 cm, sau khi bóc tách phần đất đã phát lộ một đoạn thành cổ hai bên xây bằng gạch rộng 1,5 m đến 1,6 m chạy song song với nhau, ở giữa bờ thành là đất sét.

Đo đạc ban đầu, giới khoa học xác định, mặt thành bao gồm phần đất sét đắp hai bên, ở giữa cũng nện đất sét chiều rộng hơn 9 m. Cấu trúc của bề mặt thành cổ xây dựng kiên cố với kỹ thuật rất cao; tường thành còn nguyên vẹn. Đặc biệt, trong quá trình tìm kiếm tại các hố khai quật, nhóm khảo cổ thấy một Kendi (bình đựng nước có vòi dùng để hành lễ) và nhiều mảnh ngói, gạch cổ bị vỡ.

Sau khi khai quật và phát hiện nhiều hiện vật, nhóm khảo cổ tham chiếu các tư liệu lịch sử và họ đưa ra nhận định ban đầu, đây là thành cổ của người Chăm xưa, cụ thể là khu thành bao bọc quanh kinh đô Sinhapura của Vương quốc Chăm Pa (nay là Trà Kiệu). Thành cổ này được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 4, thứ 5.

Theo Công an nhân dân

Xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 3

Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1419/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 11 di tích trong cả nước.

Cổ loa thành.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 3) đối với các di tích:

Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa (huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội)

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và Chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).

Di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh).

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử (thành phố Uông Bí, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa).

Di tích lịch sử Khu lưu niệm Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Keo (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).

Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn).

Danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Phước).

Cũng theo Quyết định, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.

Quyết định cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

T.H

Chính thức công nhận 30 bảo vật quốc gia Việt Nam

Ngày 01/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận bảo vật quốc gia (đợt I, năm 2012) cho 30 hiện vật, nhóm hiện vật.

Trống đồng Ngọc Lũ.

Ngày 06/7/2012 Bộ VHTTDL đã có Tờ trình số 129/TTr-BVHTTDL gửi Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận 30 hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt I, năm 2012).

Ngày 01/10, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận bảo vật quốc gia (đợt I, năm 2012) cho 30 hiện vật, nhóm hiện vật. Các bảo vật quốc gia gồm:

1. Trống đồng Ngọc Lũ (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

2. Trống đồng Hoàng Hạ (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

3. Thạp đồng Đào Thịnh (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

4. Tượng đồng hai người cõng nhau thổi khèn (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

5. Cây đèn đồng hình người quỳ (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

6. Trống đồng Cảnh Thịnh (thời Tây Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

7. Ấn đồng “Môn Hạ Sảnh ấn” (thời Trần, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

8. Bình gốm hoa lam vẽ Thiên Nga (thời Lê sơ, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

9. Cuốn “Đường Kách mệnh” (tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

10. Tác phẩm “Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) (tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

11. Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (bản viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

12. Bản thảo “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” (văn bản Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17/7/1966, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh).

13. Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (văn bản gốc Bác Hồ viết từ ngày 10/5/1965 – 19/5/1969, hiện lưu giữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng).

14. Tượng Phật Đồng Dương (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

15. Tượng Nữ Thần Devi (Hương Quế) (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

16. Tượng Thần Vishnu (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

17. Tượng Phật Lợi Mỹ (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

18. Tượng Thần Surya (Văn hóa Óc Eo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh).

19. Tượng Bồ tát Tara (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng).

20. Đài thờ Mỹ Sơn E1 (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng).

21. Đài thờ Trà Kiệu (Văn hóa Chăm Pa, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng).

22. Tượng Phật A Di Đà (thời Lý, hiện lưu giữ tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

23. Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (thời Lê Trung Hưng, hiện lưu giữ tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

24. Bộ Cửu vị thần công (thời Nguyễn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).

25. Bộ Cửu đỉnh (thời Nguyễn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế)

26. Pháo cao xạ 37mm (súng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Phòng không – Không quân).

27. Máy bay Míc 21 F96, số hiệu 5121 (máy bay chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).

28. Sổ trực ban “Chiến dịch Hồ Chí Minh” (sổ trực ban chép tay tình hình chiến sự Chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 25/4 – 1/5/1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 7).

29. Xe tăng T54B, số hiệu 843 (tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).

30. Xe tăng T59, số hiệu 390 (tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tăng thiết giáp).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia, Thủ trưởng Bộ, ngành, người đứng đầu tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

T.H

Di sản văn hóa: Trùng tu để giữ gìn văn hóa Việt

Không thể phủ nhận việc tu bổ, tôn tạo di tích đã cứu không ít di tích có giá trị văn hóa, lịch sử thoát khỏi nguy cơ thành phế tích song trước sự việc hàng loạt di tích bị “trùng tu”, “tôn tạo” theo “kiểu đập đi làm mới” thời gian qua, dư luận đang bức xúc đặt dấu hỏi cho việc bảo tồn di sản tại Việt Nam.

>Hàng loạt di tích bị xâm phạm

Có lẽ ngày 24 tháng 8 năm nay sẽ là ngày mà các nhà nghiên cứu, bảo tồn nhớ nhất trong năm. Bởi vào ngày này, vụ việc tự ý hạ giải, trùng tu phá hỏng kiến trúc văn hóa lịch sử nghìn năm của chùa Trăm gian đã được báo chí phát hiện. Để rồi từ đây, một làn sóng phẫn nộ, bức xúc đã nổ ra và được đẩy lên cao trào. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó và cũng không phải chùa Trăm Gian là di tích đầu tiên bị xâm phạm.

Khi dư luận chưa hết bức xúc về vụ việc chùa Trăm gian thì đầu tháng 9 tại tỉnh Hưng Yên, đình cổ Ngu Nhuế – một di tích cấp quốc gia bị san phẳng lại được phát hiện. Đình cổ Ngu Nhuế là một ngôi đình cổ được khởi dựng từ thế kỷ XII, dưới thời vua Tự Đức, đình được trùng tu lại và đến năm 1989 đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Trải qua thời gian dài, đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng ở nhiều hạng mục vì thế năm 2010, Ban quản lý đình đã gửi đơn xin kinh phí, tu bổ, sửa chữa tới Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên. Các đơn vị chức năng của Sở VHTTDL Hưng Yên đã về kiểm tra và cũng thừa nhận tình trạng xuống cấp này song với lý do đã hết chỉ tiêu kinh phí nên đợi năm 2011 giải quyết. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà đình cổ Ngu Nhuế đã bị hạ giải để tu bổ, tôn tạo mà không có bất kỳ một giấy tờ nào xin phép. Khi đoàn thanh tra Bộ VHTTDL phát hiện ra sai phạm và yêu cầu tỉnh Hưng Yên ngừng ngay việc tu bổ thì đình đã kịp được san phẳng.

Dư luận chưa quên năm  2009, đền Và ở thôn Vân Gia, thị xã Sơn Tây, Hà Nội cũng đã bị “bức tử ” với danh nghĩa núp bóng việc trùng tu di tích. Đền Và thờ thần núi Tản Viên, vị thần đứng đầu trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đền được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1964. Thực tế nhìn nhận thì đền Và cũng đã có một số hạng mục bị xuống cấp và hư hỏng, điều này dễ hiểu thôi vì đền đã mấy trăm năm tuổi nên việc hỏng hóc một số chỗ là điều tất yếu song chưa đến mức để phải đập đi làm mới..

Rồi sự việc Đền Mẫu, một di tích cấp quốc gia quan trọng nằm trong quần thể di tích Phố Hiến cũng bị xâm hại. Đền Mẫu là di tích kiến trúc tiêu biểu được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1990. Đây còn là điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều du khách đến tham quan, cúng lễ. Đền Mẫu thuộc sự quản lý của UBND phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên. Hàng năm Đền Mẫu đón hàng vạn lượt khách tham quan du lịch, và là điểm du lịch tín ngưỡng nổi tiếng lâu nay của khu vực phía Bắc. Vậy nhưng mới đây, Đền Mẫu đã bị xâm phạm khi chưa có được sự đồng ý của các cơ quan chức năng ngành văn hóa. Đầu tháng 7 năm 2012, UBND phường Quang Trung có tờ trình số 64 lập ngày 7/7/2012 lên UBND thành phố Hưng Yên xin được cải tạo, nâng cấp, xây dựng cổng khuôn viên đền Mẫu gồm khuôn viên và 9 gian ki ốt bán hàng thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ II. Trong khi còn đang chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, đồng thuận 9 gian ki ốt đã chuẩn bị hoàn tất để đưa vào khai thác sử dụng. Mặc dù sau đó Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung, TP. Hưng Yên đã lý giải cho sự việc này. Chưa nói đến việc tự ý tiến hành xây dựng khi tờ trình chưa được phê duyệt, thì ngay cả việc Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho phép cải tạo nâng cấp đền Mẫu vẫn là không đúng quy định của pháp luật Theo Luật Di sản, UBND thành phố Hưng Yên không có quyền cho xây mới hạng mục thuộc vùng II của di tích cấp quốc gia. Mục 3 điều 32 của Luật Di sản quy định rõ việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị ở khu bảo vệ II đối với di tích cấp quốc gia phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.


>>Cần trùng tu, tôn tạo để giữ gìn lịch sử, văn hóa
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt di tích đã được xếp hạng đã và đang bị ép “làm mới” được đưa ra công luận khiến quần chúng nhân dân không khỏi bức xúc, phẫn nỗ. Việc này đã khiến nhiều người tự hỏi, vậy có nên chăng tiếp tục việc trùng tu, tôn tạo di tích?

Tính đến hết tháng 8 năm 2012, cả nước có 40.000 di tích văn hóa được kiểm kê, 23 di tích được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia cấp đặc biệt, trên 6.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đó là chưa kể đến những Di tích, địa danh đã được Unesco công nhận như: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng Thành Thăng Long… Trong số hàng chục nghìn di tích và di sản này, phần nhiều đã bị xuống cấp bởi để được xếp hạng nghĩa là phải đạt đủ những tiêu chí về kiến trúc, văn hóa, lịch sử,..

Việc tôn tạo và trùng tu đã cứu không ít di tích thoát khỏi việc bị xóa sổ, góp phần đưa cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn…lên bản đồ thế giới và trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong cũng như ngoài nước.

Mục đích của việc bảo tồn nói cụ thể là để góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc. Các di tích nói chung chính là chứng cứ lịch sử của mỗi quốc gia vì thế việc gìn giữ là điều tất yếu. Không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, việc bảo tồn văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, luôn luôn là vấn đề được coi trọng. Một quốc gia sẽ mất đi hồn cốt nếu không có lịch sử, thiếu tính văn hóa. Vì thế không thể nói là không nên trùng tu, tôn tạo di tích. Nếu như chúng ta không làm, mà cứ để các di tích hư hỏng rồi theo thời gian bị xóa sạch thì chúng ta sẽ để lại những gì cho thế hệ mai sau?

Dư luận bức xúc là điều dễ hiểu nhưng cần bình tĩnh và xem xét mọi việc theo cách nhìn toàn diện và công bằng. Việc phân cấp quản lý di tích ở nước ta rất rõ ràng và chặt chẽ. Bộ VHTTDL quản lý vĩ mô, xây dựng quy chế, chế tài và ban hành văn bản pháp lý. Các địa phương được phân cấp là đơn vị quản lý trực tiếp di tích. Nói vậy không phải để quy kết hay đùn đẩy trách nhiệm mà là để tìm chính xác nguyên nhân qua đó có định hướng giải quyết cụ thể gốc rễ vấn đề.
Vừa mới đây ngày 11 tháng 9, Ba Lan tiếp tục hỗ trợ cho Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế mở một lớp học cho 30 cán bộ về tập huấn kỹ thuật bảo tồn di sản. Vậy nhưng tất cả những cán bộ đã được học qua lớp về tôn tạo, trùng tu di tích đều là cán bộ của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, và các lớp học này đều do quốc tế tài trợ. Vậy những di sản còn lại thì sao? Nếu yêu cầu người thực hiện công việc trùng tu phải có giấy phép hành nghề thì thiết nghĩ phải có lớp học trước đã, bởi dù người thực hiện có muốn cũng chưa biết cần học ở đâu? Về việc này, Bộ VHTTDL cần xem xét, nghiên cứu và sớm cho thực hiện. Bên cạnh đó việc có thể thực hiện ngay đó là nâng cao nhận thức về văn hóa, lịch sử cho các cán bộ quản lý cấp địa phương. Đây là vấn đề không khó để thực hiện bởi ngành văn hóa không thiếu các chuyên gia đủ và thừa kiến thức để giảng dạy về văn hóa, lịch sử, ý nghĩa các di tích đổi với vận mệnh quốc gia..Ngoài những hội thảo về các vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản di tích được tổ chức nhiều đến mức thành thừa cho các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, cần tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn cho các cán bộ văn hóa từ cấp xã, huyện, tỉnh để sớm chấm dứt tình trạng kém nhận thức như vừa qua.Theo Luật Di sản sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2010, các tổ chức, cá nhân muốn tham gia trùng tu phải có giấy phép hành nghề trùng tu di tích. Vậy nhưng trên cả nước Việt Nam cho đến nay có được bao nhiêu người có giấy phép hành nghề trùng tu tôn tạo di tích? Tháng 7 vừa qua, được sự tài trợ của CHLB Đức, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế có mở một lớp đào tạo ngắn hạn cho 8 cán bộ về công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích. Kết thúc khóa học các cán bộ này được cấp chứng chỉ công nhận đã học qua lớp trùng tu bảo tồn di tích.

Cuối cùng, mỗi di tích đều có một ý nghĩa văn hóa, lịch sử, tâm linh riêng biệt tạo nên hồn cốt Việt Nam. Việc gìn giữ di tích không nên chỉ coi là việc của ngành văn hóa, mỗi cá nhân, tập thể cần ý thức rõ vấn đề này. Các di tích, di sản không chỉ là niềm tự hào mà chính là nguồn cội của mỗi con người Việt, vì thế tất cả chúng ta cần chung tay giữ gìn và bảo tồn.

Nguyễn Hương

Quan họ – Ba năm sau công nhận

Ba năm sau ngày Quan họ chính thức được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (30/9/2009),cùng với niềm vui, tự hào là những trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Chặng đường 3 năm qua, tuy chưa phải là dài song cũng đã đủ để nói lên nhiều điều.

Sau ba năm, di sản văn hóa thế giới đã làm được điều gì

Tại kỳ họp thứ 4 của Liên Hiệp Quốc diễn ra tại Adu Dhabi, có 111 hồ sơ nằm trong danh sách đề cử trong đó 76 hồ sơ được chọn và 35 hồ sơ bị loại. Quan họ của Việt Nam đã được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao về giá trị văn hóa, về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, ngôn từ và cả trang phục. Hồ sơ đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí để Quan họ Bắc Ninh trở thành di sản đại diện của nhân loại với các kết luận: Quan họ luôn được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội, của cộng đồng, được cộng đồng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang lưu giữ, trao quyền từ nhiều thế hệ trở thành bản sắc của đia phương và lan tỏa trở thành không gian văn hóa đặc thù.

Sau 3 năm kể từ ngày được Unesco công nhận là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại, Quan họ đã, đang và sẽ phát huy được các giá trị di sản cho nhân loại?

>Những điều đã thực hiện

Ngay sau khi quan họ được Unesco công nhận là di sản văn hoa đại diện của nhân loại, Quan họ đã nhận được sự quan tâm lớn của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức nhằm tìm ra cách thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản của quan họ. Không giống như các loại hình di sản văn hóa khác đa phần đã bị mai một và thất truyền đồng thời ít được phổ biến, Trải qua hàng trăm năm, quan họ vẫn đang sống khỏe, gắn liền với đời sống người dân Bắc Ninh nói riêng và người dân Kinh Bắc nói chung. Vì vậy trong các cuộc hội thảo, vấn đề chủ yếu được bàn đến không phải là bảo tồn quan họ mà làm sao để giữ quan họ gốc đồng thời khai thác được giá trị của di sản văn hóa này.

Một trong những vấn đề nổi trội được nhắc đến trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Quan họ là “Bảo tồn quan họ theo hình thái động”. Bảo tồn quan họ theo dạng “ động” chính là dựa vào qui luật tất  yếu gắn với đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân. Sự hoàn thiện, từng bước nâng cáo chất lượng về cả âm nhạc lẫn lời ca của dân ca quan họ cũng chính là sự lựa chọn, bổ sung những tri thức mới, sự sáng tạo mới của nhân dân, đặc biệt là của những trí thức bình dân vào kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc.

Bên cạnh đó, bảo tồn theo cách thức để quan họ được sống đúng nguyên bản cũng rất được quan tâm. . Giáo sư Ngô Đức Thịnh – Ủy viên hội đồng Di sản quốc gia, kiêm Phó chủ tịch Hội văn hóa dân gian Châu Á đã nói trong một cuộc hội thảo: “ Không có ai bảo tồn văn hóa tốt bằng chính người đã sáng tạo ra nó. Để văn hóa sống tốt hãy trả lại vai trò chủ thể văn hóa cho người dân”. Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng để quan họ phát triển tốt hãy kiến tạo một không gian quan họ, một đời sống quan họ như quan họ đã từng có, trong đó vai trò của người dân là cốt lõi, một đời sống văn hóa quan họ mà trong đó vai trò của người dân là cốt lõi và tránh tạo ra những sân khấu chỉ để diễn  thì quan họ mới thực sự được “sống”.
Ngoài ra sự quan tâm của ngành văn hóa cũng như các cơ quan Nhà nước với Quan họ cũng rất đáng kể. Trong giai đoạn năm 2009 – 2015, Bộ VHTTDL cùng Viện Âm nhạc, Sở VHTTDl Bắc Ninh, Bắc Giang sẽ thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ di sản quan họ. Giúp công đồng nhận diện và kiểm kê dân ca quan họ định kỳ từng năm; hoàn thiện danh sách nghệ nhân;  xây dựng chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân; hoàn thiện tư liệu; kết quả nghiên cứu, phân loại và hệ thống tư liệu; tổ chức các liên hoan quan họ Bắc Ninh hai năm một lần; xây dựng đồi Lim thành trung tâm văn hóa quan họ, có khu trình diễn; xây dựng hội Lim; lễ hội chùa Bồ Đà ( Việt Yên, Bắc Giang) thành hội đối đáp, hát thi giải quan họ; khôi phục hình thức hát thờ ở hội làng Viêm Xá ( TP Bắc Ninh) để bảo tồn các giọng lề lối của quan họ Bắc Ninh, thành lập Hiệp hội nghệ nhân quan họ…

Bên cạnh đó từ nhiều năm nay, UBND tỉnh Bắc Ninh vẫn định kỳ tổ chức  hội Lim – một lễ hội truyền thống đặc sắc nhất của vùng Kinh Bắc. Một lễ hội với không gian văn hóa đậm màu quan họ, và cũng là nơi giao lưu trao đổi giữa các đoàn quan họ trong cũng như ngoài tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh có những chính sách ủng hộ, hỗ trợ khuyến khích các câu lạc bộ quan họ. Chính quyền các xã luôn đạo điều kiện để các câu lạc bộ quan họ có được không gian diễn xướng hợp lý. Có làng còn đào cả hồ để mùa xuân đến các câu lạc bộ có không gian diễn xướng. .Tỉnh cũng đã có những chính sách nuôi, hỗ trợ cuộc sống đối với các nghệ nhân có tên tuổi trong tỉnh….

>>Những vấn đề chưa thể thực hiện và còn thiếu xót

Mặc dù đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức song cho đến nay tuy đã 3 năm kể từ ngày được công nhận là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại, dân ca quan họ vẫn chưa thực sự tìm được một hướng đi nhất quán. Không những vậy, quan họ đang phát triển theo hướng “ mạnh ai nấy làm”.

Hội Lim – một lễ hội của nghệ thuật quan họ, tuy vẫn được tổ chức hàng năm song 3 năm liên tiếp đã khiến công chúng lo ngại về sự “ biến chất” của quan họ Kinh Bắc.

Cái hay, nét đặc sắc của quan họ không chỉ nằm ở lời ca, tiếng hát mà còn ở không gian diễn xướng vô cùng độc đáo. Vậy nhưng vài năm trở lại đây công chúng yêu nghệ thuật thường xuyên thấy sự có mặt của “quan họ” tại các quán ăn, nhà hàng..Còn ở Hội Lim thay vì những nét đẹp thửa xưa với những liền anh, liền chị duyên dáng trao đổi tình cảm bằng những câu ca thì nay là những liền anh, liền chị thản nhiêm ngửa nón xin tiền khách. Du khách cũng không còn ngạc nhiên khi bắt gặp những hình ảnh các “liền chị trẻ con”, chỉ mới chừng 10,11 tuổi những đã mắt xanh, môi đỏ “lả lơi” những câu hát tình yêu và tất nhiên cũng không quên “nghiêng nón xin tiền”..

Nền tảng vật chất để hồn cốt của quan họ ngụ chính là không gian và những thiết chế văn hóa xã hội của những ngôi làng Việt vùng Kinh Bắc. Vậy nhưng những ngôi làng Kinh Bắc thửa nào đang mất dần theo sự phát triển của xã hội. Ít nhất là 3 kỳ hội Lim gần đây, khách thập phương về trẩy hội không khỏi ngậm ngùi trước cảnh các “ liền anh”. “liền chị” ngồi trên thuyền rồng hẳn hoi nhưng lại “bơi” trong những ao cạn, rộng khoảng vài trăm mét có bờ đá kè bao quanh. Đồi Lim, trung tâm hẹn hò của khách thập phương mê quan họ hằng năm về tụ hội cũng đang biến dạng, xung quanh mọc lên hàng trăm ngôi nhà bê tông đúc với những chóp tù, chóp nhọn. Người dân Bắc Ninh đang ngày một giàu lên là điều đáng mừng nhưng một khi cảnh quan thay đổi thì sự vang vọng của lời ca tiếng hát hẳn sẽ không còn được nhung tuyết mượt mà như xưa nữa. Hát quan họ trong làng, trên đường, sông hồ hẳn là khác với hát quan họ trên những cái ao tù, trên con đường nửa làng, nửa phố.

Ngoài ra, ngôn ngữ cũng chính là một nền tảng quan trọng làm nên hồn cốt của quan họ. Song với sự phát triển ồ ạt và bừa bãi như hiện nay, không khó để công chúng nhận thấy sự biến tướng trong các ngôn từ, lời ca của quan họ. Thay vì những làn điệu mượt mà, khiêm nhường ngày xưa, quan họ ngày nay đang được dùng những ngôn từ thị trường, khoa trương…

>>>Những điều cần thực hiện

Đã ba năm qua đi, nhiều người mừng khi thấy quan họ ngày càng được phổ biến rộng rãi. Nhưng xem ra mừng cũng có mà lo cũng nhiều bởi  với kiểu “phổ biến” như hiện nay thì nghệ thuật quan họ đang xuống dốc. Để chấm dứt tình trạng này việc đầu tiên cần làm để gìn giữ những nét đẹp của quan họ, UBND tỉnh Bắc Ninh cần kiên quyết chấm dứt tình trạng “xin tiền” của các liền anh, liền chị tại các kỳ hội Lim. Những lộn xộn trong công tác tổ chức cũng cần phải được nghiêm túc xem xét để không tái diễn từ năm này sang năm khác cảnh buôn bán, ăn uống, cờ bạc, chặt chém du khách tại hội Lim. Không gian diễn xướng trên đồi Lim cũng cần quy hoạch cụ thể không thể để tái diễn một “bãi chiến trường quan họ” . Khi ở góc bên phải một câu lạc bộ vác loa ra hát, góc bên trái một nhóm khác kê loa “đối mặt” hát một bài khác…Nếu cứ tiếp tục những tình trạng lộn xộn này tại các kỳ hội Lim thì liệu bao năm nữa, hội Lim sẽ mất hoàn toàn? Và nếu khách nước ngoài đến tham dự, họ sẽ phải hiểu thế nào về Di sản văn hóa thế giới của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc phát triển quan họ mới là một điều đáng mừng chứ không đáng trách. Nhìn nhận thực tế có thể thấy nếu chỉ có quan họ cũ với áo nâu sòng, hát tại đình làng thì quan họ có thể sống khỏe đến tận hôm nay? Cái các cơ quan quản lý cần làm là cần phải có những quy định, khiểm soát chặt chẽ hơn. Nếu suy lý ra thì 70% ca từ của quan họ là thể hiện tình cảm nam nữ là lời đối đáp trong các cuộc giao duyên, vậy nếu theo ý kiến nhiều  nhà nghiên cứu là cứ phải các cụ nghệ nhân hát, thực sự có mấy khán giả chịu ngồi mà nghe?

Những bài hát cổ, được trình bày bởi các nghệ nhân chỉ nên để trình diễn tại  các chương trình đặc biệt có chuyên môn cao và dành cho nghiên cứu. Cần khuyến khích những sáng tác mới, những nhân tố mới trong quan họ nhưng không nên tùy tiện, dễ dãi để nét văn hóa nghìn năm này bị biến tướng.

Bộ VHTTDL cần có những chính sách cụ thể cho các nghệ nhân quan họ, cũng như những chính sách khuyến khích lớp trẻ học hát quan họ để Việt Nam ngày càng có nhiều hơn những liền anh, liền chị trẻ tuổi có thể hát và hiểu quan họ chính thống..

Ba năm tuy chưa phải là thời gian dài, những việc đã đang và chưa thực hiện được cần được xem xét nghiêm túc để có một kế hoạch phát triển dài hạn cho Di sản văn hóa thế giới – quan họ,

Nguyễn Hương

Ca trù 3 năm sau công nhận là Di sản cần được bảo vệ khẩn cấp

Gần 3 năm kể từ ngày Ca trù chính thức được Unesco vinh danh, ngày 1 tháng 10 năm 2009. Có vẻ như ca trù đang ngày càng khẳng định rõ nét việc “ cần bảo vệ khẩn cấp” đúng như danh hiệu đã được Unesco công nhận “Ca trù – Di sản văn hóa thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp”.

>Thực trạng của ca trù 3 năm qua

Qua nhiều cuộc khảo sát những năm vừa qua, Việt Nam hiện còn 18 nghệ nhân ca trù ( khi gửi hồ sơ tới Unesco có 21 nghệ nhân tuy nhiên 3 nghệ nhân đã mất sau khi ca trù được công nhận), đều ở độ tuổi ngoài 80. Thế hệ kế cận cũng rất thưa, thế hệ tiếp nối muốn gắn bó với ca trù lại càng ít. Trên cả nước có khoảng 60  câu lạc bộ ca trù với 500 thành viên tham gia, nhưng số người có thể hát ca trù thì không nhiều như vậy. Theo tư liệu Hán Nôm, ca trù có khoảng 99 thể cách, cho đến ngày hôm nay thì chúng ta chỉ còn lưu giữ được 26 thể cách và 3 thể cách không được tài liệu Hán Nôm ghi nhận nhưng đã được tư liệu tiếng ghi lại…Chỉ vài con số sơ lược như vậy đã đủ để thấy di sản văn hóa này cần được bảo vệ đến mức nào.

Còn nhớ trước thềm Đại lễ nghìn năm Thăng Long, cả nước đã hân hoan đón nhận bằng vinh danh của Unesco, điều này càng thêm phần ý nghĩa khi ca trù có lịch sử gắn với Thăng Long – Hà Nội. Tương truyền vào thời vua Lý Thái Tổ ( 1010 – 1028) đã từng có một ca nhi hát hay múa giỏi tên là Đào Thị biểu diễn xuất sắc dòng nhạc này và rất được vua khen ngợi. Người thời đó mộ danh tiếng của Đào Thị nên cứ phàm là con hát thì đều gọi là Ả đào vì vậy nên từ những ngày đầu ca trù được biết đến với cái tên hát ả đào.

Tuy nhiên niềm vui chưa bao lâu thì những nỗi lo về trách nhiệm đã đến. Với tính cấp thiết của việc tìm lại những thể cách ca trù đã mất và bảo tồn những gì còn lại để phát triển một loại hình nghệ thuật đang đứng trên bờ vực thất truyền, hàng loạt các cuộc hội thảo đã được tổ chức. Vậy nhưng để thực hiện được các kế hoạch đã đặt ra không hề đơn giản do nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở nguồn lực thiếu….Vậy nên mặc dù có nhiều câu lạc bộ ca trù từ địa phương đến thành phố được lập nên song đa số là tự phát chạy theo phong trào sau khi ca trù được vinh danh. Trước năm 2005, cả nước mới có 22 câu lạc bộ ca trù, 21 nghệ nhân, thế hệ đào nương trẻ đa phần chỉ ca được ba bài: hát nói, xẩm huê tình, hát ru..Đến năm 2010 sau khi ca trù được công nhận, con số CLB đã lên tới 60 tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội…Riêng tại Hà Nội số lượng các câu lạc bộ có lẽ phải chiếm 1/3 tổng số trên cả nước. Mặc dù số đào nương, kép đàn, trống chầu giàu về số lượng nhưng không đạt về chất lượng. Nguyên nhân cũng bởi có nghệ nhân còn ít, lớp đệ tử kế cận các nghệ nhân cũng không có mấy người, nên dù muốn đào tạo cơ bản cũng không có mấy người có khả năng giảng dạy.

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thực trạng còn buồn hơn khi cả thành phố có 14 đào nương, hầu hết là dưới 60 tuổi, nếu không có bước đột phá trong đào tạo cơ bản thì khoảng 10-20 năm nữa, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tự xóa tên khỏi bản đồ các địa phương có di sản ca trù.

Còn nhớ năm 2005, lần đầu tiên Liên hoan ca trù toàn quốc được tổ chức, số lượng các câu lạc bộ tham dự chưa đếm đủ đầu ngón tay. Cho đến Liên hoan năm 2011, con số này đã lên tới vài chục. Nhưng đừng vội nhìn vào số lượng câu lạc bộ tham gia tăng lên mà mừng bởi ngay trọng cuộc họp giữa các cơ quan chức năng và đại diện 15 tỉnh, thành có câu lạc bộ tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011. Nhiều đơn vị đã thừa nhận, họ chẳng biết gì về ca trù, chẳng qua cũng chỉ là học được mấy bài của các nghệ nhân rồi đăng ký tham gia Liên hoan vậy thôi. Đến chính đại diện Viện Âm nhạc – đơn vị đăng cai tổ chức Liên hoan ca trù toàn quốc cũng cho biết: không phải tất cả các câu lạc bộ tham gia Liên hoan đều có đào nương, kép đàn có thể biểu diễn ca trù chuẩn song Liên hoan ca trù vẫn khuyến khích mọi đối tượng tham gia để thúc đẩy phong trào trên cả nước cũng như nâng cao nhận thức của người dân. Thế nhưng sau những cuộc liên hoan,  kết quả có được như mong muốn? Câu trả lời rất đơn giản chỉ cần nhìn vào sự phát triển của của những câu lạc bộ mới hình thành theo phong trào và số lượng nghệ sĩ ca trù hay độ phủ sóng của di sản này là sẽ thấy.


>>Những bất cập
Vài chục câu lạc bộ ca trù được thành lập theo phong trào từ địa phương đến thành phố, cái thì đã “chết hẳn”, cái thì đang “thoi thóp”, cái thì chật vật hoạt động cầm chừng bằng nguồn kinh phí các hội viên câu lạc bộ tự đóp góp…Số lượng người dân biết về ca trù có khác cũng chỉ khác là giờ đây qua các phương tiện truyền thông, họ biết Việt nam có 1 di sản là ca trù, còn hỏi ca trù như thế nào chắc không mấy người có thể trả lời…Còn về các đào nương, kép đàn, không tính đến những người tâm huyết với ca trù từ nhiều năm nay, con số các nghệ sĩ chạy theo phong trào học ca trù ( những người cho rằng  sau khi được vinh danh với số lượng nghệ sĩ hạn chế, ca trù sẽ được trọng vọng )… đến nay đều đã bỏ ca trù để lo cho thân mình.

Ngay sau khi ca trù được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Bộ VHTTDL đã công bố chương trình hành động quốc gia bảo vệ ca trù giai đoạn 2010-2015 với các nội dung chính: Nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng, chủ thể văn hóa; tạo điều kiện để cộng đồng giao lưu, tìm kiếm, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các cộng đồng khác nhằm bảo vệ và phát huy di sản; ban hành chính sách đãi ngộ, phong tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú cho các cá nhân có tài năng, có đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn phát huy giá trị di sản ca trù; tăng cường nguồn đầu tư nhà nước, đi đôi với các nguồn lực xã hội góp phần bảo vệ di sản…

Đã 3 năm trôi qua, những việc đã làm được so với kế hoạch chương trình đặt ra mới chỉ là kiểm kê, lên danh sách các nghệ nhân, các câu lạc bộ, tổ chức hội thảo, hội nghị, và các cuộc liên hoan ca trù…Còn việc để có một chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân, nghệ sĩ..có những chính sách cho các câu lạc bộ ca trù thì chúng ta lại chưa làm. Điều này khiến cho những con người tâm huyết với ca trù đang dần nản chí.
Được mệnh danh là đất tổ của ca trù ở Hà Thành, tồn tại đã 600 năm với nhiều nghệ nhân danh tiếng nhưng nay làng Lỗ Khê, Đông Anh cũng chỉ còn vài “đào”, “kép”.  Câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê hiện có khoảng gần 20 em đang học, chủ yếu là do gia đình khuyến khích để ca trù của làng không mất hẳn. Nghệ nhân của làng có cụ Sông năm nay đã 82 tuổi, sức đã yếu không còn có khả năng dạy. Mọi hoạt động của câu lạc bộ chủ yêu trông cậy vào đào nương Phạm Thị Mận, Nguyễn Thị Thảo và kép đàn Văn Tuyến. Đây là lớp học trò kế cận của cụ Sông, cụ Mùi, cụ Kỷ. Tuy nhiên không thể sống bằng nghề và phải mưu sinh, các đào kép cũng chỉ tranh thủ dạy được cho các em trong câu lạc bộ một tháng đôi ba lần.

Câu lạc bộ ca trù Hà Nội do đào nương Bạch Vân làm chủ nhiệm là một trong những câu lạc bộ được thành lập đầu tiên. Thời gian đầu, câu lạc bộ sinh hoạt 2 buổi/1 tuần, định kỳ vào tối thứ 5 và 7 tại Đền Bích Câu. Sau một thời gian, rút xuống 1 buổi/1 tuần bởi không có khách, có những ngày chỉ có thành viên câu lạc bộ ngồi hát cho nhau. Đến hiện nay thì chỉ khi nào có khách yêu cầu câu lạc bộ mới sinh hoạt và có phục vụ cả hát văn, quan họ…

Tại câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên mặc dù được dạy miễn phí song cũng chả có mấy người đến học. Lý do bởi họ còn phải kiếm tiền mưu sinh, còn lo cuộc sống không có thời gian đâu để học một môn nghệ thuật chỉ để cho vui. Còn các em nhỏ thì phải bận đi học, chuẩn bị cho tương lai, chả có mấy gia đình nào trong thôn muốn cho các em theo học ca trù vì chưa nhìn thấy tương lai gì nếu theo học môn nghệ thuật này.
Còn nhớ trong kỳ Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2012, PGS. TS Đặng Hoành Loan đã phát biểu với báo chí một cách đầy tự tin rằng: Chỉ khoảng 2 năm ( từ thời điểm liên hoan ca trù 2011) nữa thôi, Việt Nam có thể làm hồ sơ đề nghị Unesco rút ca trù khỏi danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp để trở thành di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.Năm 2009, khi Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long do một đơn vị tư nhân đứng ra thành lập với mong muốn xây dựng 1 sân khấu chuyên nghiệp cho ca trù đồng thời tạo chỗ làm ổn định cho các “đào”, “kép”, nhiều người quan tâm đến văn hóa đã khấp khởi vui mừng. Vậy nhưng, tâm huyết cũng không thay đổi được vận mệnh khi nguồn lực không đủ mạnh. Được đầu tư hoành tráng với quy mô như một nhà hát với một sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp cho 150 khách, cùng một đội ngũ “đào, kép” hùng hậu và phiên dịch tiếng Anh, tiếng Pháp rất chuyên nghiệp. Chưa hết, Trung tâm còn đã làm việc trực tiếp với các đơn vị du lịch cũng như Tổng cục du lịch, Sở VHTTDL Hà Nội, nhằm giới thiệu và đưa một sản phẩm du lịch mới đến với đông đảo công chúng. Song kết quả nhận được cũng vẫn chỉ là những lời hứa sẽ đưa khách đến từ phía các đơn vị du lịch. Còn về phía các cơ quan chức năng, cái Trung tâm nhận được chỉ là những lời động viên, khích lệ chứ không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ mặt kinh phí hoạt động đến những chính sách ưu đãi. Và kết quả sau gần 2 năm hoạt động, tiêu tốn nhiều tỉ đồng mặc dù có rất nhiều buổi diễn hơn chục nghệ sĩ chỉ để phục vụ một vài khán giả và với một giá vé khá khiêm tốn chỉ 35.000 đồng. Có những lúc 3-4 ngày liên tục không có đến 1 khán giả trong khi Trung tâm vẫn phải mở cửa vì đã cam kết với các đơn vị du lịch. Không có khán giả, không có bất kỳ nguồn thu hay kinh phí hỗ trợ nào khác trong khi đó tiền lương nghệ sĩ, diễn viên vẫn phải trả hàng tháng…cuối cùng Trung tâm cũng phải đóng cửa…

Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, có vẻ như lời phát biểu trên khó thành sự thật. Khi mà Tổ chức Unesco Thế giới đánh giá công tác bảo tồn di sản của Việt Nam là thiếu và yếu. Nghệ nhân, những báu vật sống của di sản chưa nhận được chế độ đãi ngộ của Nhà nước để dốc sức truyền dạy, bảo tồn di sản. Theo quy định của UNESCO, sau 5 năm được công nhận, nước sở tại nếu không có các chính sách bảo tồn hợp lý, danh hiệu sẽ bị thu hồi

Ngày 1.10.2012, ca trù đã tròn 3 năm sau ngày được công nhận. Những cái chúng ta đã làm được hay chưa khi trên thực tế đã có nhiều các câu lạc bộ hoặc đóng cửa, hoặc ngừng hoạt động; khi các “đào, kép” đã bỏ nghề kiếm việc làm mưu sinh; khi các nghệ nhân vài người đã khuất núi, số còn lại đang ngày một yếu đi…Hai năm nữa, chưa dám khẳng định chúng ta có thể thực hiện tốt công tác bảo tồn tránh việc danh hiệu bị thu hồi chỉ thấy rằng Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp đang ngày càng khẩn cấp hơn.

Nguyễn Hương

Sức hút từ di sản văn hoá Biển Việt Nam

 

Lễ hội Cầu Ngư (làng Hưng Lương, xã Nhơn Lý, Quy Nhơn, Bình Định) Ảnh: T.L

VH- Trên diện tích trưng bày 200m2, triển lãm “Di sản văn hoá Biển Việt Nam” khai mạc ngày 18.5 tới tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hứa hẹn sẽ là sự kiện hấp dẫn với đầy ắp những thông tin, hình ảnh, hiện vật đa dạng và phong phú.

Đây cũng là sự kiện mà ở đó, mỗi hiện vật, tài liệu đều chứa đựng những thông điệp về tình yêu Tổ quốc, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc và nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo VN.

Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, triển lãm chuyên đề Di sản văn hoá Biển VN do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bảo tàng Bà Rịa- Vũng Tàu, Bảo tàng Cà Mau, Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tàng Hưng Yên, Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Quảng Ngãi, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An và Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa tổ chức nhân dịp kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18.5.

Triển lãm không chỉ là mong muốn của những người làm công tác bảo tàng mà còn của đông đảo học giả và khách tham quan trong và ngoài nước. Những tài liệu, hình ảnh, hiện vật được trưng bày khoa học nhằm giới thiệu khái quát vai trò, vị trí của Biển Đông và các thành phố, thương cảng VN trong lịch sử hình thành và hoạt động của tuyến đường giao thương hàng hải quốc tế; mối giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa VN với các nền văn minh, văn hóa dọc theo con đường thương mại trên biển; đồng thời giới thiệu, quảng bá rộng rãi tới đông đảo công chúng về lịch sử khám phá, khai thác kinh tế biển và thực thi chủ quyền của VN trên Biển Đông.

Sẽ có ba nội dung trưng bày trong không gian triển lãm, bao gồm: Di sản văn hóa Biển VN từ Tiền sử tới thế kỷ X; Di sản văn hóa Biển VN từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII và Di sản văn hóa Biển VN từ thế kỷ XIX đến hiện đại. Khách tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng rất nhiều những hiện vật độc đáo tại đây. Nếu như ở không gian Di sản văn hoá Biển VN từ Tiền sử đến thế kỷ X, sức hút là những hiện vật khảo cổ học các di chỉ Hạ Long, Quỳnh Văn, Xóm Ốc (đảo Lý Sơn), phản ánh sự giao lưu, giao thoa văn hoá giữa các nhóm cư dân lục địa và hải đảo hay các tài liệu quý như Bản đồ Con đường gia vị thời cổ đại, bản đồ Ptolemy; tài liệu, hình ảnh khai quật di chỉ Óc Eo năm 1944; hiện vật khảo cổ học di tích Hoà Diêm… thì ở phần trưng bày Di sản văn hoá Biển VN từ thế kỷ XI- XVIII lại giới thiệu nhiều hiện vật, tài liệu quý như hiện vật khảo cổ học Vân Đồn; tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (Hội An); tàu đắm cổ Hòn Dầm (Kiên Giang); bản đồ Đông Nam Á, bản in sao tranh vẽ thương cảng Kẻ Chợ; hiện vật khảo cổ học Domea, Tiên Lãng, Phố Hiến, Hội An hay hiện vật tàu cổ Hòn Cau, Bình Thuận, Cà Mau; đồ gốm sứ mậu dịch Arita Nhật Bản thế kỷ 17-18; sưu tập súng thần công thời Minh, Trung Quốc vớt ở vùng biển Vũng Tàu…

Ở nội dung Di sản văn hoá Biển VN từ thế kỷ XIX đến hiện đại trưng bày những tài liệu khoa học quan trọng như bản in sao Đại Nam nhất thống toàn đồ triều Minh Mệnh, bản in sao An Nam đại quốc hoạ đồ của Đức giám mục Jean- Louis Taberd, bản in sao Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Minh Mạng 19 (1838) về việc đo đạc, cắm mốc và vẽ bản đồ Hoàng Sa; bản số hóa Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Bảo Đại 13 (1939) về Hoàng Sa; bản in trang nội dung trong Đại Nam thực lục về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và ngoại thương hàng hải thời Nguyễn… Bên cạnh đó là những hình ảnh, tài liệu về chủ quyền biển đảo VN từ 1945- 1975; đặc biệt là những tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ của nước CHXHCN VN…

Không chỉ là những tài liệu, hình ảnh có sức cuốn hút mạnh mẽ, trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Biển Việt Nam còn là chứng minh sinh động về những đóng góp quan trọng vào lịch sử hình thành và hoạt động của hệ thống giao thương hàng hải quốc tế của VN. Đồng thời, cũng là những thông điệp vững chắc về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thời gian trưng bày từ 18.5 đến 30.11.2012.

Phương Hà

Hội thi tuyên truyền “Biên giới và biển đảo VN”: Thu hút hàng ngàn lượt người xem
Kết thúc sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, Hội thi tuyên truyền “Biên giới và biển đảo VN” khu vực phía Bắc đã bế mạc tối 8.5 tại TP Móng Cái (Quảng Ninh). Hội thi có sự tham gia của trên 350 nghệ sĩ, diễn viên với nhiều tiết mục, chương trình biểu diễn sôi động, thu hút hàng ngàn lượt người xem. Các đội tuyên truyền lưu động đã chia thành 5 nhóm biểu diễn phục vụ nhân dân tại các địa phương: Hoành Bồ, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Tiên Yên. Các tiết mục tham dự chủ yếu ca ngợi truyền thống quê hương đất nước, xây dựng nông thôn mới… Kết thúc hội thi, BTC đã trao 16 HCV, 32 HCB và 16 Giấy khen cho các đơn vị, tiết mục xuất sắc và xe trang trí diễu hành cổ động. A.T

Vận động ủng hộ quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”

Nhằm hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho quân dân đang sinh sống ở huyện đảo Trường Sa, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã triển khai cuộc vận động ủng hộ quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”, kêu gọi các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tiếp thêm nguồn sức mạnh để quân và dân Trường Sa chung tay bảo vệ chủ quyền đất nước.

Ngoài ra, cuộc vận động còn nhằm giáo dục và nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm cũng như nhận thức của người dân về tầm quan trọng, vai trò và vị trí của biển đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. H.Q

Quản lý, tổ chức lễ hội cổ truyền ở các tỉnh phía Nam: Cần đảm bảo không gian cho hoạt động lễ hội

Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam 2011

VH- Ngày 14.5, Viện Văn hóa Nghệ thuật VN (Bộ VHTTDL) tổ chức hội thảo khoa học “Hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội cổ truyền ở các tỉnh phía Nam – Nghiên cứu trường hợp Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam”.

 Lễ hội cổ truyền là loại hình sinh hoạt cộng đồng đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội VN. Ngoài việc lễ hội là nơi thu hút một số lượng lớn người tham gia thì đó còn là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Song bên cạnh đó lễ hội cũng là nơi nảy sinh nhiều vấn đề, hiện tượng tiêu cực, gây khó khăn trong việc quản lý và phát triển.

Có thể nói lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam là một trong những lễ hội điển hình ở khu vực miền Tây Nam Bộ nói riêng và phía Nam nói chung. Khách quan mà nói, công tác quản lý, tổ chức lễ hội Bà Chúa Xứ đã làm rất tốt. Tuy nhiên tình trạng chen lấn xô đẩy giữa khách hành hương; nạn ăn xin; xe ôm, bán vé số chèo kéo khách thập phương; hệ thống hàng quán dịch vụ vẫn còn lộn xộn… Bên cạnh đó vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa đảm bảo. Đặc biệt, việc đốt đồ vàng mã, thắp hương trong khu vực nội tự vẫn diễn ra phổ biến. Một số đồ thờ tự bày trong di tích chưa phù hợp.

Đề cập về vấn đề này, ông Hồ Viết Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, những tồn tại nêu trên hiện đang được chính quyền địa phương xử lý triệt để, mặt khác tăng cường công tác quản lý đảm bảo an ninh trật tự, văn minh. Qua đó rút kinh nghiệm để lễ hội ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ địa phương.

Ngoài những tồn tại mang tính chất “khách quan” cũng cần phải thẳng thắn thấy rằng công tác quản lý, tổ chức lễ hội, quản lý tiền công đức… đang nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế và tồn tại. Đó là nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng, tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hóa các loại hình dịch vụ… đã làm giảm đi giá trị truyền thống của lễ hội.

PGS.TS Trương Quốc Bình (Viện Văn hóa Nghệ thuật VN) cho rằng, hiện nay việc tổ chức lễ hội đang xuất hiện xu hướng nâng cấp lễ hội lên tầm cao hơn thành cấp khu vực và cấp quốc gia “thành cái gọi là Festival”. Việc áp đặt suy nghĩ chủ quan, đưa các yếu tố hiện đại không phù hợp vào nội dung của lễ hội dân gian, sự can thiệp quá sâu và cụ thể của các cấp chính quyền vào lễ hội dẫn đến hiện tượng đơn điệu hóa, trần tục hóa và thương mại hóa lễ hội…

Hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội, 90% là lễ hội dân gian. Sự phong phú của lễ hội Việt Nam vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn khách nước ngoài. Do đó công tác kiểm tra, đánh giá thực trạng về lễ hội nhằm phát huy mặt tốt, khắc phục hạn chế và tồn tại trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Qua đó làm cho lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn ngày càng tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, hiện nay cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý việc tổ chức, quản lý lễ hội. Riêng đối với lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam cần phải sớm rà soát lại quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cho phù hợp với quy mô. Bởi nếu như không sớm quy hoạch, điều chỉnh lại sẽ dẫn đến tình trạng quá tải không phục vụ tốt khách thập phương về với lễ hội.

Ông Trần Minh Chính, Phó cục trưởng phụ trách Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho hay, hiện nay chúng ta có đầy đủ hành lang pháp lý trong việc quản lý, tổ chức và xử lý những vấn đề lệch lạc trong lễ hội. Vì vậy việc quy hoạch lại không gian lễ hội mới chỉ giải quyết được một số vấn đề, trong khi để đảm bảo không gian lễ hội, đặc biệt là các lễ hội lớn liên quan đến vấn đề quỹ đất. Thực tế hiện nay di tích Bà Chúa Xứ Núi Sam đang bị đô thị hóa, phố xá vây quanh… Không riêng gì di tích này mà các di tích khác có không gian rộng lớn như Chùa Hương, Yên Tử cũng trở nên chật chội.

Bàn giải pháp quản lý lễ hội cổ truyền và đương đại

Hôm nay 16.5 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL và Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Lễ hội cổ truyền và đương đại- Nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý”. Đây là cuộc hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi các vấn đề về lễ hội đang được xã hội đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh những nhận định tổng quan, hội thảo sẽ tiến hành thảo luận tại 3 tiểu ban: Lý thuyết, nhận thức và cách tiếp cận về lễ hội; giá trị lịch sử, văn hoá, xã hội của lễ hội và giải pháp quản lý lễ hội.

Không chỉ phân tích về những giá trị của lễ hội cổ truyền trong đời sống cộng đồng, diễn đàn này còn bàn thảo xung quanh những vấn đề “nóng” của lễ hội hiện nay như: làm rõ thế nào là mê tín dị đoan; quản lý, phân cấp quản lý lễ hội; mô hình ban quản lý lễ hội tại các địa phương… Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu… P.A

Nguyễn Hiếu

Một số điều lưu ý khi vào thăm bản dân tộc

Dưới đây là một số điều lưu ý tớ thấy rất cần biết khi dân tình mình đổ sô đi phượt vùng cao .Người dân bản rất thân thiện và cởi mở .Nhưng nếu ko rõ những phong tục tập quán của họ bạn rất dễ
làm mất đi những cảm tình của dân bản dành cho bạn mà bạn đang muốn gây dựng và củng cố. Một số những lưu ý này sẽ giúp bạn trước khi bạn thực hiện hành trình du lịch đến với những miền đất bí ẩn đầy hấp dẫn:

Trên đường vào bản:

Khi vào bản, làng, vào nhà dân, nếu trên đường có cắm “lá cây xanh” hoặc cắm “cọc dấu” thì không nên vào. Vì dân làng (hoặc chủ nhà) đang kiêng người lạ đến)- Khi đã đến với dân làng (hoặc trong nhà dân) cần lưu ý những điểm sau:

Ứng xử đối với thiên nhiên:
+ Không vào khu rừng kiêng, rừng cấm;
+ Không làm mất vệ sinh nơi có nguồn nước sinh hoạt;
+ Không chặt phá cây đã được dánh dấu;
+ Không lấy măng, mộc nhĩ, tổ ong khi đã có người khác đánh dấu sở hữu;
+ Không bẻ mầm non dang mọc

Ứng đối với cộng đồng:
+ Khi vào nhà không được đi thẳng một mạch từ ( cầu thang lên nhà) đầu nhà vào bếp trong ( thường có 2 bếp, 1 bếp ngoài dành cho khách)
+ Không ngồi vào cửa móng ( cửa sổ gian tiếp khách)
+ Không ngồi ngay vào đệm ngồi khi chủ nhà chưa mời ( thường dành cho bề trên và khách quý)
+ Không ngồi dạng chân (mất lịch sự)

Khi ngồi cạnh bếp lửa:
+ Không được dùng chân đẩy củi vào bếp
+ Không được đút ngược ngọn tre, luồng, cây củi và bếp (quan niệm đẻ ngược)
+ Không nướng cơm, đồ ( xôi) vì quan niệm mất mùa

Khi đi ngủ:
+ Không nằm ngủ dọc theo đòn nóc nhà ( chỉ người chết mới được nằmn như vậy)
+ Không nên mắc màn trắng vì lộ liễu
+ Không ngủ dậy quá muộn ( và chướng)
+ Không được ngủ dưới bàn thờ

Khi tiếp xúc với dân:
+ Cần tránh gọi các từ khiếm nhã như Mèo, Mán (Nên gọi là đồng bào Mông, Dao)
+ Không nên nói quá to với cử chỉ gay gắt
+ Không tranh cãi với người già, phụ nữ và trẻ em
+ Không xoa đầu trẻ em đồng bào Mông( vì sợ mất vía)
– Khi ngồi ăn cơm cần chú ý:
+ Không ngồi ngang hàng với người già nhất trong mâm (nếu chủ nhà không mời)
+ Không ngồi trước và quay lưng vào bàn thờ
+ Không gắp đầu gà chân gà, gan gà trước khi chủ nhà mời ( thường để chung một đĩa với dụng ý để khách chứng kiến lòng thành của chủ nhà)
+ Khi ăn không nên vừa ăn vừa nói quá to

Khi vui chơi:
+ Không nên thổ lộ tình cảm thái quá với phụ nữ đã có chồng, con gái đã có người yêu, phụ nữ goá chồng
+ Khi uống rượu cần phải mời mọi người xung quanh, không nên cầm uống ngay.

Ngoài ra, còn một số điều kiêng kỵ khác trong các nghi lễ như chọn đất làm nương rẫy, chọn ngày dựng nhà, chọn ngày cưới hỏi vợ chồng, kiêng cữ khi phụ nữ mới sinh, trong nhà có người mất hay các lễ thức cúng bái khác trong sinh hoạt cộng đồng…Còn nhiều điều lưu ý nữa rất mong được mọi người chia sẻ để chuyển đi của chúng ta được vui vẻ trọn vẹn và ý nghĩa

phuot -chupy

Một số điểm cần lưu ý nhằm tăng cường kỹ năng công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc dù số dân có ít đến đâu, dù trình độ phát triển kinh tế, xã hội thế nào thì từng dân tộc cũng đều có bản sắc văn hóa riêng; bản sắc đó góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng trong tính thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

Tìm hiểu, tôn trọng những phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số là trách nhiệm của cán bộ trong hệ thống chính trị nói chung, của cán bộ làm công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Bài viết này xin trao đổi một số nội dung xung quanh vấn đề trên; hy vọng sẽ là những thông tin bổ ích cho nhiều cán bộ, nhất là những cán bộ trẻ mới làm, hoặc chuẩn bị làm công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ nhất, về tên gọi và một số thuật ngữ thường dùng trong công tác dân tộc: Trong thực tế còn gặp một số người khi viết, khi nói xác định tên dân tộc lại dùng tên do các dân tộc tự gọi, tên theo nhóm địa phương, hoặc tên gọi khác. Ví dụ: dân tộc Hoa gọi là dân tộc Xạ Phang, dân tộc Hán… dân tộc Chứt gọi là dân tộc Rục, dân tộc Mã Liềng, dân tộc Sách; dân tộc Dao gọi là dân tộc Mán; dân tộc Khơ Mú gọi là dân tộc Xá, dân tộc Chăm gọi là dân tộc Chàm… cách gọi trên dùng để nghiên cứu dân tộc. Trong công tác dân tộc gọi theo danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam do nhà nước ban hành là đúng hơn cả. Theo số liệu thông kê, nước ta có 54 dân tộc trừ dân tộc Kinh chiếm đa số, dân số của 53 dân tộc còn lại chỉ chiếm tỷ lệ 13,8% của cả nước. Khi nói, khi viết là để chỉ chung cho các dân tộc (trừ dân tộc Kinh) là đúng và đã được ghi trong điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Thứ hai, một số việc cụ thể cần lưu ý: Khi vào làng, vào bản, vào nhà dân nếu trên đường vào ở cổng bản hay cổng nhà thấy có cắm lá xanh hoặc cọc dấu thì không nên vào vì dân bản hoặc chủ nhà đang kiêng người lạ. Khi đã đến với dân bản thì không được tự ý vào khu rừng kiêng, rừng cấm, không làm mất vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, không chặt cây khi thấy cây có dành dấu (X), không lấy măng, mộc nhĩ, lấy mật ong… khi đã có người đánh dấu, không bẻ mầm non đang mọc.

Khi vào nhà dân, nếu thấy dân ở nhà sàn mà nhà lại có hai cầu thang thì cần quan sát xem đi cầu thang nào; nếu đi cùng chủ nhà hoặc có cán bộ cơ sở đi cùng thì nên để cho chủ nhà hoặc cán bộ cơ sở lên trước (thông thường nhìn từ ngoài vào, cầu thang phía bên tay trái dành cho đàn ông và khách, cầu thang bên tay phải dành cho phụ nữ). Khi đã vào trong nhà nếu thấy trong nhà có hai bếp thì không nên đi thẳng một mạch từ đầu nhà vào bếp trong (bố trí 2 bếp, bếp ngoài đồng bào dành cho khách). Khi ngồi cạnh bếp lửa không dùng chân đẩy củi, không đút ngược cây củi vào bếp (ngược ở đây được hiểu là đút chiều ngọn của cây củi vào trước) vì đồng bào quan niệm làm như thế trong nhà sẽ có người đẻ ngược. Không nướng cơm đồ (xôi) vì nếu cơm đã đồ mà đem nướng đồng bào cho rằng năm đó sẽ xảy ra mất mùa. Khi ngồi cần chú ý không ngồi vào “cửa móng” (cửa sổ gian tiếp khách), nếu chủ nhà chưa mời không nên ngồi ngay vào đệm (thường dành cho bề trên và khách quý).

Khi ăn cơm nếu chủ nhà không mời thì không được ngồi ngang hàng với người già nhất trong mâm đồng thời tôn trọng sự sắp đặt vị trí ngồi của chủ nhà; không được gắp đầu gà, chân gà, gan gà (những thứ này thường để chung một đĩa với dụng ý để khách chứng giám lòng thành của chủ). Khi uống rượu nếu thấy trong mâm có 2 ly rượu (cốc, chén) để giữa chủ nhà và khách hoặc giữa chủ nhà và người già nhất thì không được uống 2 ly rượu này (đồng bào quan niệm đây là 2 ly rượu dâng lên tổ tiên). Khi có người mời, hoặc mời mọi người xung quanh mới uống, không nên cầm ly uống ngay. Đặc biệt để tỏ lòng mến khách những người trong mâm rượu dùng rất nhiều “lý” để chúc rượu nhau (chúc chung cả mâm, chúc riêng từng người, ly rượu làm quen, chúc sức khỏe…) trong trường hợp ấy không nên từ chối (uống được bao nhiêu do khả năng của mình) và nên chủ động chúc rượu lại chủ nhà và những người trong mâm rượu. Ngoài ra khi mời rượu không nên dùng từ “uống hết” mà chỉ nên dùng từ “uống cạn” (đồng bào quan niệm nếu dùng từ “uống hết” nghĩa là chủ và khách không còn tình cảm gì, không còn gì để uống), trong khi ăn uống không nên vừa ăn vừa nói quá to.

Khi đi ngủ không nằm ngủ dọc theo đòn nóc nhà (chỉ người chết mới nằm như vậy), không ngủ dậy quá muộn, không đắp ngược chăn. Khi tiếp xúc với cán bộ là người dân tộc thiểu số ở cơ sở, tiếp xúc với dân bản không nói quá to với cử chỉ gay gắt, đặc biệt không dùng ngón tay trỏ của mình chỉ vào mặt người đang đối thoại với mình. Không tranh cãi với người già, phụ nữ và trẻ em, không xoa đầu trẻ nhỏ, không nên biểu lộ tình cảm thái quá đối với phụ nữ đã có chồng, con gái đã có người yêu, phụ nữ goá chồng. Khi nói chuyện với bà con dân bản cần tránh dùng từ kiêng, từ có tính miệt thị dân tộc như: gọi người đàn ông có tuổi là “bố bản”, dùng từ “xá” (có nghĩa là rách rưới) chỉ dân tộc Khơ Mú, “Thổ mừ” chỉ dân tộc Thổ… hoặc có khi nói những từ chung chung như “ông Mông”, “ông Thái”, “ông Dao”…

Ngoài ra một số dân tộc thiểu số có những điều “kiêng”, “cấm” trong các nghi lễ như chọn đất làm nương rẫy, chọn ngày dựng nhà, chọn ngày cưới hỏi vợ, chồng; kiêng cữ khi phụ nữ mới sinh. Những nghi lễ khi trong nhà có người chết; những nghi lễ trong việc cúng bản, cúng mường; gặp những trường hợp này tốt nhất là chúng ta lắng nghe, quan sát không nên vội vàng phê phán chê bai như: mất vệ sinh, lạc hậu, tốn kém; mê tín dị đoan…

Cán bộ công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những thế hệ kế tiếp nhau được bổ sung trong quá trình phát triển của đất nước. Những nội dung nêu trên mặc dù chỉ ở mức độ chung nhất nhưng sẽ là cần thiết cho cán bộ mới làm công tác dân tộc tham khảo góp phần tăng cường kỹ năng công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đỗ Trọng Cố