Du lịch “bụi” mùa nước nổi

Khác với những cơn lũ dữ dội ở các vùng miền khác, mùa lũ ở ĐBSCL được gọi là mùa nước nổi và cũng là mùa “hái ra tiền” của hàng chục ngàn hộ dân vùng đầu nguồn. Không những vậy, mấy năm gần đây, lũ về còn là mùa thu hút đông khách du lịch.

Phượt mùa lũ

Sau khi tham quan chợ nổi Cái Răng, vườn trái cây Mỹ Khánh và có một buổi tối nghe đờn ca tài tử trên Du thuyền Cần Thơ, nhóm của Lê Minh Tĩnh (SV ĐH Cần Thơ, quê ở Đắk Lắk) quyết định về vùng đầu nguồn của tỉnh An Giang để trải nghiệm mùa nước nổi, nơi mà nhiều người sinh sống ở thành phố như Tĩnh chưa hề biết tới. Cả nhóm đi xe máy đến TP.Long Xuyên rồi theo quốc lộ 91 lên Châu Đốc tham quan miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chợ biên giới Tịnh Biên… rồi tiếp tục hành trình đến nơi nước lũ đầu nguồn đang đổ về. Dọc tuyến đường từ Tân Châu sang An Phú, nhiều cánh đồng nước lũ đã ngập trắng xóa. Nhiều chỗ, giữa đồng chỉ còn những rặng cây bạch đàn, dấu tích của 2 bên bờ những con kênh lớn. Tại kênh Bảy Xã, (đoạn qua ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, TX.Tân Châu), hàng chục chiếc ghe của dân chài lưới nổ máy phành phạch, tiến về phía cánh đồng ngập lũ.

Kéo lưới mùa lũ tại H.Tịnh Biên, An Giang
Kéo lưới mùa lũ tại H.Tịnh Biên, An Giang

Chòng chành trên chiếc xuồng mỏ quạ cùng ông Đặng Văn Bé, nhóm của Tĩnh tiến về cánh đồng mênh mông nước, giáp nước bạn Campuchia. Khi xuồng cách xa bờ kênh chừng 500 m, ông Bé liền trầm mình xuống dòng nước để “thăm” dớn. Hàng dớn của ông Bé dài mấy chục mét, ngoằn ngoèo như một ma trận dẫn dụ cá tôm vào đáy. Lê Đình Tình (SV Trường ĐH Cần Thơ, quê ở Hải Dương) phấn khích: “Trước đến giờ chỉ nghe nói đến dớn, đú, lợp, lờ chứ chưa bao giờ thấy tận mắt. Hôm nay được đi nhấc dớn đã quá”.

Khi ông Bé nhấc đáy dớn lên rồi đổ cá ra khoang xuồng. Chừng 30 kg cá linh, cá heo, lòng tong bay… thi nhau nhảy tanh tách. Cả nhóm xúm lại  bắt cá, cười giỡn vang đồng. Ông Bé tiếp tục thả đáy dớn rồi cho xuồng quay đầu đi nhấc lưới. “2 năm nay, có khá nhiều khách du lịch đến đây ngắm lũ. Họ xin quá giang theo bắt cá rồi nhờ nấu mấy món mùa lũ để họ thưởng thức”, ông Bé nói.

Hôm ấy, nhóm của Tĩnh cũng được ăn bữa cơm “nhớ đời” tại nhà ông Bé, chỉ với món đặc sản mùa lũ duy nhất: lẩu cá linh nhúng bông súng, bông điên điển.

Tour mùa nước nổi

Bà Huỳnh Thị Thúy Kiều, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ lữ hành An Giang, cho biết ngoài loại hình du lịch “bụi” như nhóm bạn trẻ trên tự tổ chức, những năm gần đây, nhiều công ty du lịch cũng triển khai các tour mùa nước nổi. Riêng năm nay, lượng khách từ TP.HCM, Đông Nam bộ và miền Trung đăng ký tour mùa nước nổi ở An Giang tăng lên khá cao. Hiện  công ty đã chuẩn bị xong phương tiện, địa điểm và nhân lực để sẵn sàng phục vụ tốt cho khách. Cũng theo bà Kiều, năm nay công ty sẽ tổ chức đưa khách tham quan mùa nước nổi ở 2 điểm là rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, H.Tịnh Biên) và Búng Bình Thiên (H.An Phú).

Mùa lũ, ở rừng tràm Trà Sư cá tôm sinh sản nhiều, chim cò cũng về nhiều hơn. Khám phú khu rừng bằng những chiếc xuồng lướt nhẹ trên mặt nước phủ kín màu xanh mơn mởn của bèo tấm, khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn những cây tràm cổ thụ cùng nhiều loài chim, cò, vạc, chàng nghịch…Vọng gác giữa rừng là nơi khách có thể ngắm toàn cảnh khu rừng tràm trải rộng giữa đồng nước mênh mông, nhìn về phía đông là dãy Thất Sơn hùng vĩ. Đêm đến, khách được đưa lên núi Cấm, nơi có khí hậu như Đà Lạt để nghỉ ngơi và giao lưu văn hóa với người Chăm ở địa phương.

Còn tại Búng Bình Thiên hay còn gọi là Hồ Nước Trời lớn nhất miền Tây, ngoài hoạt động tham quan, khách còn được tham gia sinh hoạt cùng người dân địa phương, như: thi tài hái bông điên điển, đua xuồng, bắt lươn… Bữa cơm tại đây là thứ khách chờ đợi nhất với các món ăn đồng quê mùa nước nổi như: cá linh nướng trui, bánh xèo cá linh, canh chua bông điên điển cá linh, gỏi tép bông súng đồng… Kết thúc tour du lịch mùa nước nổi, khách còn có thể mang về những đặc sản như: dưa bông điên điển, mắm cá linh, cá linh kho mía, cá linh kho cà đóng hộp…  Đó là những món quà chỉ có từ vùng nước nổi.

Tú Uyên

Miền tây đón lũ: Du lịch mùa nước nổi

Mùa lũ về, trong khi người dân tất bật tìm cách mưu sinh, các công ty du lịch cũng không bỏ lỡ cơ hội làm ăn nhân mùa nước nổi. Nhiều công ty đã mở các tour du lịch dân dã để du khách tìm hiểu về đời sống sinh hoạt và cách mưu sinh của người dân vùng lũ.

Ở ĐBSCL, Công ty CP Du lịch An Giang được xem là doanh nghiệp khởi đầu trong việc khai thác du lịch mùa nước nổi. Đã 6 năm nay, các tour trong mùa lũ của công ty này được xem là “điểm nhấn” của ngành du lịch An Giang.

Dân dã nhưng hấp dẫn

Hằng năm, khi nước lũ tràn ngập các cánh đồng vùng tứ giác Long Xuyên cũng là thời điểm khởi động các tour du lịch dân dã để du khách tìm hiểu về đời sống sinh hoạt và cách mưu sinh của người dân vùng nước nổi. Trung tâm Dịch vụ Du lịch An Giang (Công ty CP Du lịch An Giang) đã hợp tác với một số hộ dân sống ven kênh Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc chuyên sinh sống bằng nghề săn bắt, lưới cá trong mùa lũ để mở tour du lịch. Điểm đến của các chuyến du lịch này là cánh đồng ngập lũ ở Châu Đốc với những chuyến đi săn chuột, lưới cá.

Theo ông Lý Chấn An, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Du lịch An Giang, mỗi tour kiểu này thường từ 1 đến 2 ngày, chủ yếu để du khách tìm hiểu về sinh hoạt của người dân vùng lũ. “Chuyện đánh bắt cá, thả lưới, hái rau, săn chuột…, chúng tôi đều “tận dụng” từ những sinh hoạt thực tế của người dân. Khi nào khách yêu cầu đi trái giờ giấc sinh hoạt, làm ăn bình thường của người dân, chúng tôi mới nhờ tới những người mà công ty đã thỏa thuận hợp tác để dựng lên những chuyến đi săn chuột, bắt cá… Tuy nhiên, đi săn thật vẫn tạo sức sinh động và hấp dẫn của tour hơn”- ông An nhận xét. Anh Trần Hùng Oai, một người có thâm niên trong nghề săn chuột đồng mùa nước nổi và là đối tác trong các tour dân dã của Công ty CP Du lịch An Giang, cho biết anh đã hợp tác với công ty từ khi tour mới được hình thành 6 năm trước. “Tham gia tour vui lắm, vừa có lợi vì được nhận tiền bồi dưỡng của công ty, chúng tôi vừa giới thiệu được đời sống, cách mưu sinh của người dân mình với du khách. Nhiều du khách nước ngoài rất thích các tour du lịch dân dã này. Họ reo lên hứng khởi mỗi khi chúng tôi chĩa trúng một con chuột hay bắt được chú cá to. Có người còn đề nghị được trổ tài săn bắt”- anh Oai nói.

Sau chuyến đi săn chuột và đánh bắt cá cùng người dân, chiếc xuồng máy đuôi tôm sẽ chở du khách xuôi dòng Vĩnh Tế để họ chứng kiến cảnh sinh sống bình dị của dân cư hai bên bờ kênh. Đoàn tiếp tục khởi hành đến tham quan rừng tràm Trà Sư ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên – An Giang. Tại đây, du khách lên xuồng máy hoặc xuồng composite bơi tay len lỏi vào các ngõ ngách của rừng tràm. Không gian chợt thay đổi hẳn bởi tiếng hót líu lo của hàng trăm loại chim. Chiều đến, du khách sẽ tận mắt ngắm nhìn từng đàn chim bay về tổ từ ống ngắm trên đài quan sát.


Nối tour hòn Đá Bạc
“Chúng tôi còn tổ chức tiệc chiêu đãi hết sức dân dã tại lán trại cặp bìa rừng để tạo điểm nhấn với du khách. Món ăn được tận dụng từ nguồn của thiên nhiên trong mùa lũ, như: cá linh nướng, cá linh kho mía, cá linh chiên bột, cá linh nấu canh chua… Tour du lịch trong mùa nước nổi rất thành công và được rất nhiều du khách đón nhận. Phần lớn du khách nước ngoài rất thích thú khi chứng kiến cuộc sống dân dã, phong phú của người dân mùa nước nổi”- ông Lý Chấn An cho biết.

Cà Mau có nhiều địa danh nổi tiếng hấp dẫn du khách nhưng hầu hết nằm trên những địa bàn sông nước hiểm trở. Mỗi năm đến mùa mưa lũ, du khách đến Cà Mau đều tìm tới tham quan hòn Đá Bạc. Hòn Đá Bạc là tên gọi chung cụm đảo đẹp bao gồm ba đảo nhỏ: hòn Ông Ngộ, hòn Đá Lẻ và hòn Đá Bạc, nằm sát bờ biển Tây ở huyện Trần Văn Thời. Hòn Đá Bạc được chia làm 4 ngọn: 2 cao, 2 thấp đưa ra ngoài biển, ngày đêm sóng vỗ rì rào không dứt. Xung quanh Đá Bạc có nhiều tảng đá chồng chất lên nhau, xen giữa khe đá là những bụi cây rậm rạp với những tán cây bồ đề rợp bóng mát. Nhìn từ xa, hòn Đá Bạc giống như một hòn non bộ kỳ thú giữa biển trời mênh mang sóng nước…

Hòn Đá Bạc được cấu tạo từ đá granit, những dãy đá già chen chúc với những hòn sỏi non. Đá như được thiên nhiên cố nhào nặn bằng một bàn tay huyền năng nào đó để có được những hình thù kỳ lạ, được đặt tên là Sân Tiên, Giếng Tiên, Bàn Chân Tiên…, đi cùng với nhiều câu chuyện huyền thoại. Từ TP Cà Mau đến hòn Đá Bạc, đi bằng đường thủy dài khoảng 50 km, đi đường bộ bằng xe gắn máy mất hơn một giờ. Dọc hai bên đường tới hòn Đá Bạc là bạt ngàn bông sậy trắng trời trên bờ kinh nước đỏ ngầu phù sa mùa nước nổi. Dù cách cửa sông Kinh Hòn đặc quánh phù sa không xa song xung quanh hòn Đá Bạc luôn giữ một màu xanh biêng biếc.

Với cảnh quan thơ mộng, lại gần bờ, hòn Đá Bạc ngày càng thu hút nhiều du khách tham quan. Đặc biệt, khi mùa lũ về, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch ở ĐBSCL lẫn TPHCM đều tổ chức nối tour từ vùng lũ đến với hòn Đá Bạc. Ngoài việc thưởng thức phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, du khách còn có thể đi xem người dân ở đây cạy hàu hoặc câu cá nâu – những món đặc sản của hòn Đá Bạc.

Theo Quốc Dũng – Duy Nhân

Du lịch Miền Tây mùa nước lũ: Sự dân dã làm nên sức hút

 

Đưa vào hoạt động đã hơn 3 năm, “Miền Tây mùa nước nổi”- tour du lịch khám phá, kết hợp khai thác các sản vật địa phương vào mùa nước lũ đã và đang tạo sự chú ý, thích thú cho đông đảo du khách gần xa…

Hằng năm vào tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Mekong tràn về châu thổ Cửu Long, biến vùng Đồng Tháp Mười vàtứ giác Long Xuyên nước ngập trắng đồng; tạo nên “mùa nước nổi” kỳ thú. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của người dân thành thị muốn tận hưởng cuộc sống của người miền quê trong không gian “nước nổi”, một số đơn vị lữ hành tại TP.HCM như Saigontourist, Bến Thành tourist… tiến hành liên kết, nối tour với các công ty du lịch tại những địa phương có môi trường tự nhiên đặc trưng, cùng nhau khai thác tạo nên một sản phẩm tour hấp dẫn mỗi khi lũ về.

Theo đại diện các đơn vị lữ hành, nét nổi bật của chương trình là du khách được trải nghiệm các hành trình đa dạng từ 2 – 4 ngày với nhiều điểm đến có điều kiện sông nước tương đồng như: tour Tiền Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Châu Đốc – Hà Tiên hay Sa Đéc – Cao Lãnh – VQG Tràm Chim – KDL Xẻo Quýt…

Cụ thể đến Tiền Giang-Bến Tre, khách du lịch được bố trí tham quan cụm cù lao “tứ linh” Long, Lân, Quy, Phụng trên sông Tiền; tận mắt chứng kiến nơi làm ra các món quà đặc sản xứ này như kẹo dừa các loại, trà mật ong, thưởng thức các loại trái cây theo mùa của xứ miệt vườn Bến Tre và đắm mình trong làn điệu mùi mẫn của nghệ thuật đờn ca tài tử…

Dừng chân ở Cần Thơ, khách được thăm chợ nổi Cái Răng; ghé Châu Đốc thì đi thuyền trên sông Hậu khám phá làng nổi nuôi cá bè. Về An Giang thì chiêm ngưỡng khu rừng ngập nước Trà Sư đang vào mùa đẹp nhất. Xuyên suốt hành trình, du khách được ngồi thuyền rong ruổi trên đồng, các hướng dẫn viên sẽ hướng dẫn khách cách câu cá, đặt lờ, giăng lưới, hái bông điên điển, nhổ bông súng đồng… Đặc biệt, nhiều công ty du lịch còn tổchức cho khách tham gia sinh hoạt cùng người dân địa phương với một số trò chơi như: thi tài hái bông điên điển, giăng lưới bắt cá linh, bắt lươn vào trúm, săn chuột đồng… Những sản vật mà du khách có được sau một ngày lao động sẽ được các đầu bếp chế biến thành những món ăn dân dã mà ngon miệng như: cá linh kho me, tép đồng bóp gỏi bông súng, bánh xèo cá linh, canh chua bông điên điển, cá lóc nướng trui…

Hiện tại, để tăng thêm sức hút cho tour, các đơn vị còn đưa khách đến với cộng đồng Chăm ở các địa phương như Châu Giang, Khánh Hòa, Phú Hiệp để tham quan làng nghề truyền thống, mua sắm các loại thổ cẩm, xem đồng bào nơi đây biểu diễn văn nghệ.

Trong số các đơn vị lữ hành kinh doanh chùm tour “Miền Tây mùa nước nổi” hiệu quả, đáng chú ý là Công ty cổ phần dịch vụ Lữ hành An Giang (An Giang Travel) – một trong những doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh An Giang bán được tour tham quan mùa nước nổi cho khách (một sản phẩm du lịch mà lâu nay tại ĐBSCL hầu như chỉ tổ chức cho khách mời).

Tính từ đầu tháng 7 (Âm lịch) đến nay, công ty này đã tiếp đón trên 9 đoàn khách tham gia, chủ yếu là khách nội địa và Việt kiều. Dự kiến vào khoảng tháng 10 (Âm lịch) là thời gian đẹp nhất của mùa lũ trong năm, công ty sẽ tiếp tục liên kết với nhiều hãng lữ hành tại TP.HCM để đón và phục vụ hàng nghìn lượt khách tham gia chương trình.

 Hoàn Khả

Sự thật những chiếc bàn tự quay thần bí

(VTC News) – Trong những năm gần đây, báo chí liên tục có những bài viết về hiện tượng chiếc bàn tự quay kỳ lạ ở miền Trung và Tây Nguyên. Những chiếc bàn quay này khiến nhiều người nửa tin, nửa ngờ, thực hư chưa rõ ràngThế nhưng, TS. Vũ Thế Khanh (Liên hiệp UIA), đã từng nghiên cứu và lý giải rất rõ ràng về hiện tượng này.Theo ông Khanh, những chiếc bàn quay xuất hiện ở các tỉnh như Bình Định, Lâm Đồng, Đà Nẵng… từ hàng trăm năm nay. Đây là trò chơi dân gian được lưu truyền ở một số tỉnh phía Nam.

Những chiếc bàn có tuổi thọ cả trăm năm, chuyên dùng để biểu diễn khiến khán giả kinh ngạc. Bàn quay có cấu tạo hình tròn, được làm bằng gỗ, đồng, nhôm hoặc thủy tinh. Mặt bàn được đặt trên một ổ trục để giảm tối đa lực ma sát khi quay.

Những người tham gia cuộc chơi đứng quanh bàn, đặt tay lên mặt bàn và “ra lệnh” liên tục trong đầu: “quay, quay, quay…”. Mặt bàn quay thuận hoặc ngược chiều kim đồng hồ là do quy ước với nhau khi tham gia.

Mặt chiếc bàn quay. Ảnh Khắc Lịch

Khi người chơi đọc liên tục thì mặt bàn bắt đầu quay theo chiều đã quy ước. Mọi người chỉ còn biết chạy theo chiều bàn quay đến lúc mệt. Khi muốn dừng thì tất cả lại cùng đọc: “hãy dừng lại, hãy dừng lại…”. Đọc như vậy một lúc thì bàn cũng dừng hẳn.

Cứ theo lời đồn, từ cả trăm năm nay, các nhà khoa học – những người tỉnh táo nhất đều đã thử nghiệm, song bàn đều quay tít mù. Ai cũng tin chiếc bàn tự quay được.

Ông Khanh đã nghe nói đến chuyện bàn quay từ 35 năm trước, khi lần đầu tiên báo chí đưa tin, khiến cả nước sửng sốt. Từ ngày biết tin, ông đã rất sốt sắng tìm ra sự thật. Với ông, những chuyện bí hiểm, kỳ lạ luôn có sức lôi cuốn đặc biệt.

Để nghiên cứu về chiếc bàn quay, ông đã kỳ công lập một hội đồng khoa học, có cả các nhà ngoại cảm để xem xét khía cạnh tâm linh. Đoàn nghiên cứu đã vào tận Đà Lạt, nơi có chiếc bàn quay mà báo giới nhắc đến ròng rã trong nhiều năm qua. Chiếc bàn quay thuộc sở hữu của chị Phong Lan, chủ một nhà nghỉ nằm ngay cạnh chùa Tàu.

Theo phân tích của các nhà khoa học, bàn chỉ có thể quay khi có lực tác động vào bàn tạo ra mô-men quay, lực này nằm trong mặt phẳng của bàn, có phương vuông góc với bán kính quay, tức là tiếp tuyến với đường tròn quay.

Mặc dưới bàn quay. Ảnh Khắc Lịch

Đoàn nghiên cứu đã nhận định, những loại tác động có thể gây ra mô-men quay được xác định gồm: Tác động của điện từ trường, tác động của lực sinh học và tác động của lực cơ học. Các nhà ngoại cảm đưa ra nguyên nhân nữa là do năng lượng, điện từ trường đặc biệt. Hầu hết người dân cũng như chủ nhân của những chiếc bàn quay đều khẳng định do cõi giới tâm linh vô hình.

Chiếc bàn quay của chị Lan được đặt trong một căn phòng 20 m2. Chiếc bàn làm bằng gỗ, đặt trên một ổ trục quay được thiết kế khá công phu.

Chị bảo rằng, chiếc bàn đã rất lâu đời vì ông nội chị cũng không xác định được từ đời nào để lại. Chị Lan mang cho ông Khanh xem 10 cuốn sổ, mỗi cuốn dày cả trăm trang ghi cảm tưởng của khách thập phương nói về sự kỳ diệu của bàn quay.

Căn cứ vào các trang cảm tưởng thì thấy nhiều tầng lớp xã hội đã từng thí nghiệm tại đây: học sinh, sinh viên, kỹ sư, tiến sỹ, các cán bộ nghiên cứu khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, ở khắp các địa phương trên toàn quốc, thậm chí có cả người ngoại quốc.

Chiếc bàn tự quay? Ảnh Khắc Lịch

Tất cả các ý kiến đều ca ngợi sự kỳ lạ của bàn quay, thậm chí còn thần thánh hóa về chiếc bàn quay, chẳng hạn như: “Thật tuyệt vời, chuyện khó tin mà là sự thật. Đề nghị các nhà khoa học hãy vào cuộc, không nên võ đoán, đừng vội phủ định nếu chưa tự mình làm thí nghiệm…”.

Có người còn viết: “Đây là sự thật 100%, đề nghị các cơ quan khoa học Nhà nước kiểm định và công nhận đây là di sản văn hóa quốc gia”.

Rồi thì: “Bàn quay được là do siêu năng lượng, cần nghiên cứu và khai thác dạng siêu nặng lượng này để phục vụ cho khoa học…”.

Có nhà nghiên cứu còn thốt lên thế này: “Đây là hiện tượng cộng hưởng của “thần giao cách cảm”, dù bạn có phủ nhận thì nó vẫn hiện hữu. Thế giới này quả là kỳ diệu…! Nếu tìm được bản chất của hiện tượng quay này thì đó là phát minh thế kỷ!”.

Ông Khanh lật mặt bàn ra khỏi ổ trục quay, xem trong đó có cài các thiết bị có thể bị ảnh hưởng của sóng điện từ điều khiển từ xa hay không. Nhưng phương án này cũng nhanh chóng bị loại bỏ vì chẳng tìm được gì, hơn nữa, từ xa xưa chiếc mâm đã được biểu diễn như vậy, mà lúc đó cũng chưa thể có thiết bị điều khiển từ xa bằng sóng điện từ như bây giờ.

Khi mọi người đặt tay lên bàn, đọc “thần chú” thì chiếc bàn tự quay.

Ảnh Vũ Thế Khanh

Để tiến hành thí nghiệm, trước hết ông Khanh cũng làm theo đúng quy trình như các nhóm khác đã làm trước đây. Mọi người đứng xung quanh, đặt tay trực tiếp lên mặt bàn và đọc cho bàn “quay”.

Lần đầu ra lệnh cho bàn quay theo chiều kim đồng hồ. Sau hơn 4 phút đọc “thần chú”, bàn từ từ quay, càng lúc càng nhanh. Khoảng 10 phút sau, ông Khanh yêu cầu mọi người cùng đọc “hãy dừng lại”. Sau hơn 2 phút, bàn đã dừng lại hẳn.

Lần hai, đoàn khảo nghiệm lại làm đúng như đợt đầu, nhưng “ra lệnh” cho bàn quay ngược chiều kim đồng hồ. Lần này, chỉ khoảng 3 phút bàn đã quay và khi muốn dừng lại thì cũng chỉ mất hơn một phút. Điều này hết sức kỳ lạ, bởi những người tham gia thí nghiệm đều là cán bộ của Liên hiệp UIA.

Cuộc thí nghiệm lần ba, ông Khanh đưa cho mỗi người tham gia thí nghiệm một quả cầu mà ông mang theo từ trước, cỡ xấp xỉ bằng quả bóng bàn. Lần thí nghiệm này mọi người không đặt tay trực tiếp lên mặt bàn mà đặt tay thông qua quả cầu trên mặt bàn.

Ngăn cách mặt bàn và bàn tay bằng quả cầu, thì mặt bàn không quay được nữa. Ảnh Vũ Thế Khanh

Các quá trình đọc “thần chú” vẫn thực hiện như các thí nghiệm trước đây. Nhưng lạ thay, mọi người đọc đến 30 phút mà bàn vẫn không nhúc nhích.

Dù đổi “thần chú” đọc cho bàn quay ngược lại, nhưng bàn vẫn trơ trơ bất động. Người chủ nhà thốt lên: “Từ trước tới nay, chưa có vụ nào bàn không quay. Các bác là nhóm đầu tiên đọc “thần chú” mà bàn không chịu nghe lời”.

Sau khi tổng kết, đánh giá các thí nghiệm, ông Khanh phát biểu trước đông đảo các nhà khoa học và những người dân kéo đến chứng kiến:

“Khi tay người chơi không tiếp xúc với mặt bàn, mà phải gián tiếp thông qua quả cầu, thì người chơi chỉ có thể tác dụng lực vuông góc với mặt bàn (mà phương này thì không gây ra mô-men quay cho bàn).

Quan sát kỹ các lần làm thí nghiệm, thấy rõ người chơi dù vô tình hay cố ý đẩy tay đi thì quả cầu lập tức lăn ngay, không truyền lực đẩy ngang xuống bàn được nữa. Phương pháp này đã triệt tiêu ma sát tạo mô-men quay và làm cho bàn hết “phép lạ”.

Như vậy, có thể khẳng định không hề có tác động của lực từ trường, lực sinh học, điện từ trường hay lực lượng tâm linh siêu hình nào đó như mọi người vẫn từng nghĩ. Bàn chỉ quay khi có lực cơ học do tay người chơi đặt trực tiếp vào mặt bàn tạo mômen quay. Nếu lực này bị khử mất do quả cầu lăn thì bàn không thể quay được nữa”.

Ông Vũ Thế Khanh đã làm sáng tỏ sự thật về chiếc bàn quay

Nhưng lực cơ học gây ra mô-men quay do đâu mà có? Đây là câu hỏi mà các nhà khoa học cũng như những người chứng kiến hoặc đã khảo nghiệm đều muốn có câu trả lời.

Ông Khanh nói rõ: “Khi người chơi đặt tay trực tiếp lên mặt bàn, liên tục đọc khẩu lệnh cho bàn quay, thì tâm lý phát sinh tự kỷ ám thị, dần dần bị rơi vào ảo giác: hình như đang có lực vô hình nào đó làm cho bàn quay, và cảm thấy bàn “chuẩn bị quay”, nên người chơi có xu hướng nương theo chiều quay quy ước trong đầu.

Khi nương theo, vô tình hay hữu ý đã gia tăng lực vào mặt bàn. Cứ như vậy bàn sẽ quay càng lúc càng nhanh hơn. Đấy là chưa kể đến trường hợp trong số đó có một người cố tình đẩy cho bàn quay. Quá trình dừng bàn lại cũng theo nguyên tắc ấy để phát sinh tâm lý tương ứng.

Như vậy, thực chất của hiện tượng “bàn quay” là do tay người chơi đã tác động lực cơ học vào mặt bàn tạo mô-men quay. Người chơi cũng vô tình không hề nghĩ rằng chính mình bị tự kỷ ám thị, đã tưởng tượng ra bàn đang quay (hoặc sắp quay), nên đã gia tăng lực vào khiến bàn quay nhanh hơn”.

Theo ông Khanh, những người tập thiền, luyện yoga, hiểu biết về lĩnh vực thôi miên đều hiểu rất rõ hiện tượng tự kỷ ám thị.

Như vậy, câu hỏi tồn tại hàng thế kỷ nay về chiếc bàn quay đã được nhà khoa học Vũ Thế Khanh làm sáng tỏ bằng một thí nghiệm hết sức đơn giản.

Thông Tuệ

7 khác biệt chỉ có ở Hà Nội trong mắt người nước ngoài

Uống bia vỉa hè, thưởng thức café cóc, tham gia giao thông trong một rừng xe máy… Thế nhưng lại có quá nhiều cách khác nhau khiến bạn phải yêu Hà Nội, thủ đô của Việt Nam.

Đó là những điều thú vị mà CNN, kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ vừa viết về Hà Nội. Xin tóm lược giới thiệu cùng bạn đọc:

Bỏ thời gian đi du lịch ở Đông Nam Á, cuối cùng đều cho bạn một cảm giác gần giống nhau. Bạn sẽ không nhận ra sự khác biệt cho tới khi đến Hà Nội.

Thủ đô của Việt Nam giống như một làn gió mát. Hà Nội là một tác phẩm duyên dáng mô phỏng giữa văn hóa Pháp và Trung Hoa nhưng người Việt Nam vẫn giữ được cho họ những phong cách rất riêng.

Dưới đây là những khác biệt mà chúng ta yêu thích nhất, khiến Hà Nội nổi bật so với tất cả các thành phố khác ở châu Á.

1. Qua đường phải vững niềm tin

Cần giữ vững niềm tin khi qua đường ở Hà Nội.

Sang đường ở Hà Nội chẳng giống bất cứ nơi đâu trên thế giới. Có thể nói nó gần giống như nhảy Bungee (đeo dây và nhảy từ trên cao xuống). Khi mọi người nói rằng “cứ bước đi, ổn cả thôi” thì bạn hãy cứ tin như thế mặc dù bản năng mách bảo đừng có bước.

Một khi đã rời vỉa hè, đặt bước chân đầu tiên xuống lòng đường thì bạn chẳng còn cách nào quay lại. Bạn chỉ có thể tiếp tục rảo đều bước và hy vọng các xe gắn máy sẽ vòng tránh thay vì lao thẳng vào bạn.

Nhưng mọi việc luôn diễn ra xuôn sẻ. Giao thông đường bộ ở Hà Nội “điên rồ” nhưng đó là sự hỗn loạn có tổ chức và bằng cách này hay cách khác, người đi bộ vẫn tìm được cách qua đường.

Lúc đi bộ, đó là thời khắc thử nghiệm đức tin vào đồng loại khi bạn rơi vào thế giới điên rồ của xe gắn máy. Hãy tin rằng xe máy sẽ tránh bạn khi bạn đi qua đường!

Còn khi cưỡi trên xe máy, nó giống như nhảy xuống sông và lao qua thác ghềnh. Bấp bênh và khớp khởi!

2. Bia hơi vỉa hè

Bia hơi vỉa hè Hà Nội phục vụ suốt cả ngày.

Hà Nội nổi tiếng với loại bia “rẻ như bèo”, được sản xuất ra mỗi ngày mà người dân địa phương gọi là “bia hơi”.

Bia hơi chính thức của Hà Nội được công ty Habeco sản xuất hàng ngày. Bia được lên men suốt cả ngày nên ở mỗi cửa hàng hương vị của nó đều khác nhau, phụ thuộc vào tần suất bán ra. Tuy nhiên, khi màn đêm đổ xuống hầu như chẳng còn sót lại bao nhiêu.

Ở Hà Nội, bạn có thể uống bia hơi ở bất cứ ngõ ngách nào, thường được phục vụ cùng thức ăn và đôi khi thực khách còn được thưởng thức những bản nhạc cổ điển của Abba và Boney M qua máy hát karaoke chiếu trên màn hình tivi.

Với khách du lịch, bia hơi nổi tiếng nhất có thể tìm thấy ngay trong lòng phố cổ Hà Nội, tại quán Bia Hoi Corner, đoạn giao giữa Lương Ngọc Quyến và Tạ Hiện.

3. Phố cổ phong cách

Nghệ nhân hành nghề trong khu phố cổ Hà Nội

Ở Hà Nội, phố cổ không chỉ là một cụm từ mang tính tượng hình. Đó là một mê cung gồm ít nhất 36 phố thuộc khu vực kẹp giữa Hồ Hoàn Kiếm nổi tiếng, dòng Sông Hồng và những bức tường còn sót lại của thành cổ Hà Nội. Phố cổ đã có hơn 1.000 năm tuổi và sẽ còn tiếp tục trường tồn.

Là địa danh còn tồn tại lâu đời nhất Việt Nam, phố cổ đã trở thành trung tâm mua bán, nơi các nghệ nhân tổ chức nó thành 36 hàng (hàng lụa, hàng bạc, hàng tre, hàng nón, hàng khoai…), và mỗi hàng là một tuyến phố.

Đội ngũ thợ thủ công hành nghề giữa một mật độ đông đúc khách du lịch, xe gắn máy, các quán bar và cửa hàng bán bật lửa zippo. Tuy vậy, nhiều ngôi đền, chùa nhỏ và các căn nhà công cộng ẩn khuất vẫn giữ được nét cổ kính từ thời phố phường xưa.

Ngày nay, mang tính biểu tượng nhiều hơn là các căn nhà ống, mỏng và cao. Hãy đến 87 Mã Mây hay 38 Hàng Đào bạn sẽ thấy được điều đó.

Để nhận ra các biện thự Pháp cổ với những sàn nhà thấp thường bị lẫn trong các mặt tiền thương mại, bạn chỉ cần ngước lên mái nhà vì nó thường vẫn giữ được nguyên trạng ban đầu.

Thời Hà Nội, trái tim của Việt Nam còn trong chế độ thực dân thì phố cổ chính là nơi khởi phát các phong trào kháng chiến chống Pháp.

4. Cuộc chiến gắn liền với nhạc Pop

Cuộc chiến tranh chống Mỹ gắn liền với nhạc Pop.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam được nhớ nhiều tới vì những tội ác mà nó gây nên và các phong trào phản chiến ở nước ngoài. Do vậy, hành hương trở lại Hà Nội luôn là một phần kế hoạch quan trọng của các cựu binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam.

Những ai từng lớn lên cùng các ca khúc phản chiến của Bob Dylan và Rolling Stones không thể quên được cuộc chiến gắn liền với các phong trào nổi loạn những năm 1960 và 1970. Đó là cuộc chiến đã ảnh hướng tới văn hóa giới trẻ ở Mỹ cả một thập kỷ và tiếp tục lan tỏa ra văn hóa nhạc pop trên toàn thế giới.

Để tìm lại vết tích bom Mỹ đánh phá Hà Nội, hãy đến Long Biên – cây cầu bắc qua sông Hồng và kết nối vận chuyển hàng hóa từ cảng Hải Phòng. Hoặc bạn có thể ghé thăm Hỏa Lò mà lính Mỹ vẫn thường gọi là Hanoi Hilton.

5. Những gánh hàng rong

Gánh hàng rong – một nét đặc trưng của Hà Nội.

Là một thủ đô du lịch nhưng điều đáng ngạc nhiên là Hà Nội lại thiếu vắng các trung tâm mua sắm lớn. Thay vào đó, bạn sẽ bắt gặp điều thú vị hơn – cửa hàng ngay trên đôi vai những người phụ nữ hoặc cánh đàn ông.

Bất cứ thứ gì bạn muốn mua đều sẽ có trong những chiếc rổ tre nhỏ và đôi quang gánh lủng lẳng trên vai người bán hàng. Đó vừa là cửa hàng vừa là phương tiện vận chuyển của chủ bán hàng rong đi bộ, những người thường luôn đội nón lá mà bạn dễ dàng nhận ra. Họ luôn khơi dậy cảm hứng chụp ảnh cho các khách du lịch.

Mua một thứ gì đó: tô phở, chút măng cụt, vài bó hoa hay những vật dụng gia đình và bạn sẽ có những bức ảnh luôn đi kèm với một nụ cười rạng rỡ Việt Nam.

6. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hà Nội là thành phố duy nhất ở Đông Nam Á nơi vẫn lưu giữ thi hài lãnh tụ – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, hàng ngàn người tới viếng Lăng – nơi bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chính Minh đều tuôn trào cảm xúc trước vị anh hùng đã giành lại độc lập cho Việt Nam từ ách đô hộ ngoại quốc.

7. Café vỉa hè phong cách Pháp

Café phong cách Pháp.

Người Việt Nam không bỏ rơi những di sản từ thời Pháp thuộc, đặc biệt là những ngôi biệt thự cổ và đây là nơi lý tưởng để thưởng thức gu thẩm mỹ của người Pháp hòa lẫn với lòng hiếu khách của người Á Đông.

Nghệ thuật thưởng thức café được lưu truyền lại từ thời Pháp thuộc. Ở Hà Nội, café vẫn được phục vụ mang dáng dấp phong cách Pháp, theo kiểu nếu đường phố là một rạp hát thì quán café chính là khu ghế ngồi của khán giả. Nhưng nét đặc trưng là thực khách thường lại được phục vụ trên những chiếc ghế nhựa mini hoặc ghế mây nho nhỏ chỉ cách mặt đất vài chục cm.

Sự hòa trộn Pháp – Việt được cảm nhận rõ nhất ở ẩm thực Hà Nội. Bánh mì Pháp kẹp với pate, rau, dưa tạo thành những chiếc bánh mì pate Việt Nam thơm ngon, bổ dưỡng.

 

(Theo CNN/Khám phá)

Công bố “Thành phố Hồ Chí Minh – 100 điều thú vị” lần 2 năm 2012

Tối ngày 21/8/2012 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ công bố kết quả bình chọn “Thành phố Hồ Chí Minh – 100 điều thú vị” lần 2 năm 2012 tại khách sạn Rex. Phát biểu chúc mừng, Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch tuyên truyền quảng bá rộng rãi 100 điều thú vị này đến với bè bạn quốc tế và công chúng trong nước, đặc biệt là tận dụng lợi thế của các kênh thông tin của ngoại giao đoàn, các hãng hàng không có đường bay đến Việt Nam. Lãnh đạo thành phố cũng mong muốn giới truyền thông, báo đài trung ương và thành phố hợp tác chặt chẽ với  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong cập nhật tin, bài, phát sóng thường xuyên cũng như tiếp nhận những phản hồi của công chúng về hiệu quả của chương trình để 100 điều thú vị của thành phố Hồ Chí Minh ngày càng nâng cao chất lượng và giữ vững thương hiệu của mình.

  Theo thông tin từ Ban Tổ chức, trong 2 tháng bình chọn vừa qua (T6&T7), đã nhận được 29.000 phiếu giấy và hơn 6.200 phiếu gửi qua mạng, qua đó Ban Tổ chức đã thống nhất xét chọn 100 điều thú vị lần 2 của thành phố Hồ chí Minh như sau:
   5 bảo tàng tiêu biểu: Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.  
5 công trình kiến trúc tiêu biểu: Nhà thờ Đức Bà, Tòa nhà Bưu điện thành phố, Nhà hát thành phố, Chùa Giác Lâm, Khu phố Hải Thượng Lãn Ông.  
5 di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu: Địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập (Dinh Thống Nhất), Căn cứ Rừng Sác – Cần Giờ, Miếu Thiên hậu, Điện Ngọc Hoàng.   5 điểm tham quan giải trí thú vị: Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên Văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Bình Quới, Thảo Cầm Viên, Khu du lịch Một thoáng Việt Nam.

    5 chợ truyền thống tiêu biểu: Bến Thành, An Đông, Bình Tây, Soái Kình Lâm,Tân Định.

    5 loại hình du lịch tiêu biểu: du lịch sinh thái, ẩm thực, tham quan thành phố – citytour, mua sắm và đường sông.

    5 sự kiện du lịch tiêu biểu: Đường hoa Xuân Nguyễn Huệ, Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Lễ hội trái cây Nam bộ, Hội hoa Xuân Tao Đàn, Liên hoan ẩm thực món ngon các nước.

5 khách sạn sang trọng: Sheraton, Caravelle, Majestic, Park Hyatt Saigon, REX.

5 khách sạn thương nhân: InterContinental, Asianna Saigon, Windsor Plaza, Legend Saigon, Continental.

5 điểm tổ chức hội nghị – triển lãm: White Palace, Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn, Nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ, Khu du lịch Văn Thánh, Trung tâm hội nghị và triển lãm Tân Bình.

5 điểm mua sắm được ưa thích: Thương xá Tax, Trung tâm thương mại Vincom, Trung tâm thương mại Cresent Mall, Miss Áo Dài, Cửa hàng sơn mài mỹ nghệ Minh Phương.

5 nhà hàng dành cho du lịch được ưa thích: 
Bánh xèo Mười Xiềm, Cham Charm, Cơm niêu Sài Gòn, Mandarin, Ngon.

5 sản phẩm lưu niệm tiêu biểu: áo dài, nón lá, hàng thêu tay, lụa tơ tằm và tranh cát.

5 món ngon Nam bộ được ưa thích: 
bánh xèo, gỏi cuốn, cơm tấm, chả giò và cá kho tộ.

5 điểm giải trí về đêm thú vị: Khu Hồ bán nguyệt, Khu phố Phạm Ngũ Lão, Hard Rock Café, Rạp chiếu phim Megastar và Saigon Saigon Bar.

5 điểm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp:
 Ngọc Anh Spa, Sen Spa, La Cochinchine, Authentic Spa và Anam QT Spa.

5 quán cà phê thú vị: Highlands, Trung Nguyên, Gloria Jeans, Central, Windows.

5 thương hiệu vận chuyển đường bộ tiêu biểu:
 Taxi Mai Linh, Taxi Vinasun, Công ty Phương Trang, Vietravel, Công ty du lịch Hòa Bình.

5 loại trái cây được ưa thích: Măng cụt, xoài, vú sữa, bưởi và thanh long.

Nguồn: Sở VH TT DL TPHCM

Chuyện về các CON ĐÈO trên khắp mọi miền Việt Nam

Đèo Phượng Hoàng – (trên Quốc lộ 26 từ Ninh Hoà đi Buôn Ma Thuột)

Đèo Phượng Hoàng hay gọi là đèo M”Drak là tên của huyện M”Drak thuộc ĐakLak nằm trên quốc lộ 26, tuyến đường huyết mạch lên Tây Nguyên …

Nằm song song với nó một cách tương đối bên các quốc lộ 19 – 27 – 28 – 25 và 24 là các con đèo Măng Giang – An Khê – Violăc – Măng Đen – Đèo Chuối – Ngoạn Mục – đèo Pren …. mỗi con đèo một vẻ đẹp, một sự hùng vĩ và một câu chuyện mang nhiều nét giai thoại và dân dã….

Đèo Phượng Hoàng trước đây là một ổ Fulro (quân phỉ người Tây Nguyên) … Những năm 1976 đến năm 1982 có lúc ở đèo Phượng Hoàng có cả một tiểu đoàn lính tinh nhuệ thuộc CSCĐ (Bộ Nội Vụ trước đây) ngày đêm tiểu phỉ…..
Năm 1979, dân các tỉnh phía Bắc được động viên vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới ở các huyện K”rong A Na, K”rong Pack, M;Drak… thuộc tỉnh ĐakLak… Khi đi qua đèo Phượng Hoàng đều có xe của quân đội đi kèm và bảo vệ, thỉnh thoảng trên đèo lại xảy ra vụ Fulro bắn cháy xe, cướp hàng hoặc trấn xe giữa chừng để lột hết của cải, đồ ăn của hành khách hoặc lái xe….
Đèo Phượng Hoàng dốc không cao và đường cũng không ngoằn nghèo lắm, nhưng khá nhiều tai nạn xảy ra trên đèo những năm trước, giờ đường mở rộng nên ít tai nạn….

Đèo Phượng Hoàng có khá nhiều giai thoại và những câu chuyện về dân cư sống quanh vùng đó, con đèo cũng để lại trong tôi một vài kỷ niệm khá sâu sắc về nó ….

Những năm 1982 – 1983 ở ngay đầu con đèo Phượng Hoàng là Thị trấn M”Drăk có cái tên khác là Thị trấn Khánh Dương (Khánh Dương là tên thị trấn này thời chế độ Nguyễn Văn Thiệu) có một Trạm kiểm soát liên ngành gồm Công An – Kiểm Lâm – Thuế Vụ chuyên bắt những người buôn Gỗ, Trầm hương, Cafe, Gạo, Đậu …. nói chung là thời đó gọi là “ngăn sông cấm chợ”. Tại đây mỗi lần đi qua có nhiều câu chuyện hỉ nộ ái ố .. thôi thì đủ cả…
Trên những chuyến xe đò từ Buôn Ma Thuột về Nha Trang hoặc đi Sài Gòn ngày ấy, những người phụ nữ buôn nông sản bao giờ người cũng to bành… Chỉ vì họ phải bó những túi cafe hạt vào người để mang qua trạm. Chưa hết, những người này còn gửi hành khách trên xe mỗi người một túi cafe hạt đã bỏ sẵn vào bịch nilon, mỗi túi khoảng 2kg cho phù hợp với quy định là mỗi người chỉ được mang theo hành lý không quá 2 kg cafe. Nông sản trồng tại Buôn Ma Thuột được quy định là phải bán lại cho các Cty nhà nước thu mua, họ thu mua hết với giá rẻ…. Nếu đem bán ra ngoài mà bên Thuế túm được coi như bị tịch thu, và thế là mới xảy ra chuyện buôn lậu nông sản do chính dân mình trồng ra, trên chính mảnh đất quê hương mình…..

Khi xe tới trạm Khánh Dương, tất cả hành khách phải xuống hết và cán bộ Thuế, Kiểm lâm, CA sẽ lên xe, dùng các cây xăm bằng sắt chọc vào từng bao bì, lục túi xách, xăm gầm xe để tìm hàng lậu. Vô phúc hôm nào các anh ấy vớ được một hai chị buôn Cafe hoặc Tiêu thì thôi rồi đó… Giằng co, xô dẩy, khóc lóc xin xỏ ai oán vô cùng….

Tôi đã từng chứng kiến những cảnh đó và từng được một người đàn ông nhờ mang hộ một túi du lịch…. Lúc đó cũng chẳng biết là cái túi ấy đựng gì, chỉ biết ông ta nhờ khoác vào vai và đi bộ qua Trạm. Sang tới bên kia Trạm, lên xe rồi, ông ấy rút xoẹt trong túi ra 3 tờ “Vịnh Hạ Long” giúi vào tay tôi và khen: Chú mày được đấy…. Lúc đó chẳng biết trong túi có gì nhưng giờ thì tôi đoán là hàng quý lắm… Có lẽ là Trầm Hương ?! Chứ Cafe hoặc Tiêu thì chỉ có mấy bà sồn sồn hay buôn bán thứ đó và cũng chỉ cám ơn “suông” thôi…..
Trên đèo Phượng Hoàng lúc đó, đường quốc lộ 26 được làm rất mịn, mặc dù từ hồi chiến tranh chưa sửa sang gì. Đường không rộng như bây giờ và cây cối thì um tùm lắm…. Trên cái khúc đường vừa rồi tôi chụp lại và post lên (Màu vàng vàng, đường quanh co có chiếc xe ô tô đang đi) khi ấy là rừng xen lẫn cây gỗ to, cây Lồ Ô và Le le mọc khá dày…. Tôi nhớ tại khúc cua đó cuối năm 1982 đã xảy ra một vụ 3 chiếc xe ô tô Zil 130 biển TH (Tổng cục Hậu cần – BQP) chở đạn lên Tổng kho Mai Hắc Đế (Kho dự trữ quân khí đề phòng chiến tranh Tây Nam) đã đâm vào nhau … Chiếc xe chở mấy trăm thùng đạn văng xuống ven đồi, thùng vỡ vãi ra cả hàng trăm, hàng ngàn băng đạn AK, đạn B40 vàng choé….

Chuyện Fulro luẩn quất trên rừng ven đèo Phượng Hoàng, trên Sông Hinh – Phú Yên, trên rừng M”Drăk đang đêm đột kích các làng của người Kinh đốt phá, cướp bóc, bắn giết xảy ra khá nhiều. Fulro chui lủi trong rừng từ đèo Phượng Hoàng, xuyên sang rừng Khánh Vĩnh thuộc Nha Trang và chạy qua Đơn Dương Lâm Đồng … suốt một dải rừng già Nam Trung Bộ. Có làng của người Ê Đê 100% là đi Fulro… ban ngày vẫn đi làm nương rẫy, hiền lành và ngơ ngác, những ban đêm họ “biến” ngay thành những kẻ cướp phá, giết chóc, hãm hiếp những bản làng người Kinh, lấy đi lương thực, đồ ăn, thú vật nuôi để mang lên tiếp tế cho Fulro đang đóng trong rừng. Quân đội, Du kích, CSCĐ và chính quyền ra sức truy quét, ra sức tuyên truyền chính sách và vận động đầu thú, đầu hàng mãi đến những năm 1985 – 1986 mới tạm thời gọi là hết ….. Đến lúc bắt được ông bạn “Phó thủ tướng” chính quyền Đề Ga tên như Nga ngố : Nicolai và đưa đi học tập cải tạo tại trại Nam Hà thì Fulro ở khu vực đèo Phượng Hoàng mới gọi là hết hẳn.

 

.. Chuỵện về đèo Phượng Hoàng thì nhiều, những câu chuyện lan man và nhuốm màu sắc rừng rú hoang dã, thêu dệt… Ví dụ như chuyện Hổ vồ người đi trên đèo những năm 63 – 64 thế kỷ trước, chuyện Ma lai của người Ê Đê rồi chuyện chiếc xe con chở theo 3 bộ xương Hổ, năm chiếc sừng tê giác, 3 bộ da Hổ và 1 con Hổ con bị thương chạy trốn kiểm lâm, bắn nhau, đuổi theo như trong phim hành động đến tận cuối con đèo hồi năm 1994….

Chuyện này tôi nghe anh Trạm trưởng Kiểm lâm hạt M’Drăk kể cho nghe:
Tháng 3 năm 1994, Trạm nhận được tin mật báo từ trên Buôn Ma Thuột báo về rằng: Có một nhóm buôn lậu đồ quý hiếm đi trên 1 chiếc xe Lancruise 7 chỗ biển 52 màu trắng đang chở theo 3 bộ xương Hổ, 3 bộ da Hổ và 5 chiếc sừng tê giác cùng với 1 con Hổ con bị thương…. nhóm buôn đồ quý hiếm này đã mua được tại Buôn Juê mãi tận Easup gần biên giới Cambodia và đang trên đường về Sài Gòn (lúc đó đường QL 14 về SG vẫn còn đang làm chưa xong, đi lại rất vất vả). Sẽ qua Khánh Dương lúc 21h.

Gần tối, trạm Kiểm lâm cùng với CA huyện đi mấy chiếc xe máy và một chiếc xe ô tô con mật phục tại đầu con đèo Phượng Hoàng. Khoảng 21h30′ thoáng thấy có ánh đèn pha và khi tới gần, qua ánh đèn rọi thẳng, phát hiện chiếc xe Lancruise biển 52 đang chạy tới… Phát tín hiệu dừng kiểm tra, chiếc xe ngoan ngoãn dừng lại. Kiểm tra đồ đạc và giấy tờ 2 người đàn ông đi trên xe đều không thấy gì khả nghi, nhưng chừng 10′ sau, một chiếc xe Lancruise khác bật đèn gầm mờ ảo, trờ tới, phóng vụt qua chốt. Lập tức gần nửa cán bộ KL và CA phóng xe đuổi theo….

Chiếc xe Lancruis phóng vùn vụt, vào cua gấp như trong phim hành động, có lúc rê bánh đi sát vực nhưng nó không thèm giảm tốc độ. Mấy ông CB Kiểm lâm và CA huyện phi xe máy đuổi theo gần kịp liền rút súng ngắn bắn cảnh cáo mấy phát… Không ngờ trên xe Lancruise cũng nổ súng bắn trả làm 1 CB Kiểm lâm té ngã bị thương nặng… Liên tiếp ngắm bắn mấy phát nữa mục đích cho xẹp lốp chiếc xe nhưng không thành….Đến gần cuối con đèo Phượng Hoàng, thêm chiếc xe UZ của CA bị bắn vỡ kính và chiếc Lancruise kia chạy thoát xuống đèo…. Gọi điện báo CA Ninh Hoà chặn đầu nhưng chắc không kịp nên khi xuống tới Dục Mỹ, thấy chiếc xe Lancruise kia nằm đâm đầu vào ruộng mía, trên xe trống trơn……

Vụ đó giữ được chiếc Lancruse thứ nhất nhưng qua xét hỏi không có bằng chứng gì nên đành thả ra….

Nghe xong câu chuyện này, tôi cứ ngẩn ngơ tự hỏi: Chuyện có thật à ?

 

Câu chuyện tuyết rơi trên Đèo Mây.

Năm 1986, lần đầu tiên tôi được lên Phong Thổ theo một đoàn làm Phim truyện. Khi đó xe ca chở đoàn làm fim đi trước, bọn tôi sinh viên năm 2 đi sau và đi bằng xe khách. Lần lên thứ nhất không có gì để nói nhưng lần quay lại thứ 2 thì chúng tôi gặp tuyết rơi.

Xe đi từ Phố Lu lên tới Sa Pa trong cái lạnh giá cắt da cắt thịt. Cửa sổ không kính nên càng rét hơn. Chúng tôi áo sùm sụp co cụm và ôm lấy nhau cho đỡ rét.

Tại ngã ba Sa Pa bây giờ, hồi ấy vẫn là ngã ba nhưng làm gì có nhiều hàng quán và sầm uất như bây giờ. Nếu nói chính xác thì chỗ ấy có khoảng 4 căn nhà và có 2 nhà chuyên nung vôi, lò vôi xây to tổ bố ngay cạnh đường. Hoa đào, mận nở trắng đồi núi. Sa Pa năm ấy có tuyết rơi. Tuyết rơi phủ kín mái nhà lợp gỗ. Tuyết rơi dày đến nỗi ngập cả đường. Tôi còn nhớ lúc xe chúng tôi lên gần tới đỉnh đèo Mây, bác tài xế còn bắt 3 chú lơ xe xuống gạt tuyết, xúc tuyết cho xe đi. Đoạn đường có hơn chục km từ Sa Pa lên đỉnh đèo mà đi mất gần 2 h đồng hồ vì đường quá lồi lõm, tuyết rơi dày đặc.

Lúc xe xuống tới lưng chừng đèo (phía bên Lai Châu), tuyết đã hết, nhưng nước do tuyết tan chảy tràn trề mặt đường, đang vào cua, ông tài xế la lên: Bỏ mẹ tôi…

Chiếc xe cứ lao vùn vụt, trôi đi rồi chả hiểu sao nó quay ngang và đít xe va vào thành ta luy làm cái rầm. Sáu bảy người ngồi phía sau sợ xanh mặt….. Kính hậu của chiếc xe IFA W50 nhãn hiệu Ba Đình vỡ nát.. Hú vía cái thần hồn !!!

Trên con đèo Mây, có những khúc cua rất “kinh hoàng”, đặc biệt đi vào ban đêm. Tôi đã từng lái xe đi đêm trên con đèo này không ít hơn 4 lần và đã từng suýt lộn cổ cả người lẫn xe xuống vực bởi … sương mù, ngủ gật và tránh xe tải.

Mặt đường đèo phía Lai Châu bao giờ cũng rộng rãi, tráng nhựa phẳng phiu hơn mặt đường phía Lào Cai. Thế nhưng điều tai quái ở chỗ phần lớn những vụ tai nạn giao thông đều xảy ra phía đường đèo ở địa phận Lai Châu. Bên đoạn đèo này, con đường uốn lượn quanh co theo triền núi dốc của dãy Hoàng Liên. Thế núi ở đây giống như 4 dãy núi chập lại thành hình chữ X và đỉnh đèo là cái chỗ giao nhau của chữ X và con đường phía Lào Cai men theo cái chân chữ X phía dưới bên tay phải bạn, còn đường Lai Châu là theo cái chân chữ X bên phải phía trên . Sa Pa nằm ở gần giữa cái thung lũng là khoảng trống phái dưới giữa hai chân chữ X , Bình Lư nằm ở gần giữa khoảng trống chữ X phía trên.

Chính vì đường chạy theo thung lũng men dần lên nên bạn để ý sẽ thấy rằng mây, sương mù trôi từ phía đỉnh đèo trôi xuống rồi tan dần khi qua Sa Pa… Còn bên phía Lai Châu, mây mù dồn ứ lại bởi cái chỗ giao nhau chữ X cao tới 1945m nên đường bên này rất nhiều sương mù, có thời gian sương mù cả ngày lẫn đêm bao phủ, tầm nhìn rất hạn chế.

Con đèo Mây lại rất dài… Ngày trước nó được gọi tới mấy cái tên: Đèo Mây, đèo Ô Quy Hồ, đèo Sa Pa, đèo Hoàng Liên … Giờ bên phía chân đèo thuộc địa phận Lai Châu, nó được gắn biển: Đèo Hoàng Liên. Nhưng bên Lào Cai không rõ có biển đề tên đèo không? Hình như không có thì đúng hơn.

Đèo Mây dài, đường gồ ghề, cua gắt và rất nhiều chỗ đường được làm không hợp lý nên cực kỳ dễ xảy ra tai nạn. Tôi lấy một ví dụ nhỏ:
Có một đoạn đường cua rất gắt, lẽ thông thường người ta phải làm đường nghiêng khoảng mấy độ gì đó để khi xe vào cua, ôm cua không bị trọng lực dồn đẩy xe mất lái… Thế mà người ta vô tư làm đường phẳng phiu đến không ngờ.. Khi vào cua, nếu không cẩn thận và giảm tốc tối đa có thể bạn sẽ ngã bất thình lình mà không biết tại sao mình lại ngã… Còn nếu bạn lái xe ô tô thì sẽ thấy chiếc xe của mình tự nhiên tròng chành và hơi chao đi một tý….

Đỉnh đèo Mây năm 1986 có một trạm Nha Khí tượng Thuỷ văn. Pháo TQ bắn sang làm sập tan nát… Giờ cái nền đó hình như vẫn còn thì phải….

Cua dốc của đèo phía bên Lào Cai, chỗ bị sạt lở mất hẳn nền đường năm 2003 giờ đã được xây dựng lại và ta luy bằng xi măng rất hoành tráng…

Đứng ở đỉnh đèo, những hôm trời trong xanh, thời tiết thật đẹp bạn có thể trông rõ đỉnh Fanxipang, đỉnh 2900 m tròn ủng rất hoang dại và kỳ dị cùng với dãy Hoàng Liên xanh rì trập trùng chạy dài về phía bình nguyên Than Uyên, Tam Đường, Sa Pa…

Đèo Mây có độ dài ít đèo nào sánh kịp. Nó vắt từ Cốc San Lào Cai sang đến ngã ba Bình Lư Lai Châu và chỉ có 2 vệt lên xuống. Đỉnh đèo là nơi chia ranh giới địa phận hai tỉnh.

Con đường đèo đoạn gần đến Sa Pa (chỗ xã Trung Trải bây giờ) hai bên đường những cây Sa Mu cổ thụ, vỏ xù xì nâu sậm, thân thẳng tắp cao vút mọc chen nhau… Sa Mu cứ chen nhau mọc như thế lên tới tận Ô Quy Hồ… Giờ cái cây con cũng chỉ còn một ít… !!!

Tôi còn nhớ những buổi sáng sớm, sương mù dày đặc. Đèo Mây chìm trong một màu trắng đục nhưng lẫn trong màn sương mờ, thấp thoáng bóng những cô gái H”mong váy áo sặc sỡ, những chàng thanh niên H”mong quần áo chàm dắt ngựa đi chợ Sa Pa, tiếng vó ngựa lốp cốp trên đường sỏi đá và tiếng lục lạc kêu leng cheng, tiếng chào hỏi nhau í ới và lẫn đâu đó tiếng kêu ré đùa vui của bầy trẻ đi học ….

Những năm trước đây, đường đèo Mây bé tý và lổn nhổn đá sỏi. Ở đoạn giữa Ô Quy Hồ và Sa Pa có một xóm nhỏ dân kinh tế mới từ Thái Bình lên những năm 1960…. Đoạn này có một mỏ đá, và có một con đường mòn (giờ là tỉnh lộ) đi lên Mống Xoa, Lũng Pô và xuôi về Bát Xát. Đường nhỏ và ngược dốc nên rất khó nhận biết đó là ngã ba ….

Bản Ô Quy Hồ những năm trước đây có một quán ăn nổi tiếng với những lữ khách đường xa, đó là quán ăn Miền Tây. Cửa quán có hai cây đào rừng cổ thụ, tuyết trắng rơi phủ lên những bông hoa đào khiến màu hồng phai nhạt và chỉ còn thấp thoáng… Bên trên quán là vườn cải nở hoa vàng rực rỡ mỗi mùa đông về….

… Có câu chuyện về đèo Mây có lẽ rất nhiều người biết và đã từng đọc qua.. Đó là câu chuyện con Hổ thành tinh lần theo dấu vết gia đình một ông quan từ Dốc Xây Tam Điệp lên mãi Ô Quy Hồ mới ăn thịt cả nhà… Nghe chuyện này cũng kinh khiếp ! Nhưng nó chỉ là chuyện xưa xửa xừa xưa, và ít nhiều nhuốm màu “huyền thoại”…

Có cái điều thực tế hơn, cũng khá “rùng rợn” mà mỗi lần đi qua bất cứ một con đèo nào ai cũng nhìn thấy, đó là những am thờ….Những chiếc am thờ lẻ loi, hoang lạnh đứng “chồm chỗm” bên vệ đường mang đầy sự “thần bí” đến cho con đèo… Mỗi một am thờ là một câu chuyện đau thương về sự chết chóc tai nạn giao thông…..

Trên đèo Mây, cách đỉnh đèo khoảng 4 km có khúc cua đã “ăn thịt” hơn 20 mạng người. Sương mù và đường trơn đã khiến một chiếc xe khách lao thẳng xuống vực, bẹp dí….. Đêm đi qua đó, đèn sáng trong chiếc xe, bên cạnh bàn thờ khói hương đo đỏ nghi ngút cùng với hình nhân trắng toát xếp thành dãy ven thành ta luy … khiến bất cứ tay lái xe cứng đến thế nào cũng chợt bủn rủn và lạnh sống lưng !!!

Rồi những câu chuyện ở đèo Ô Quy Hồ, những đêm sương mù, mưa phùn gió lạnh, đang đêm tiếng gõ cửa và những tiếng thở dài não nuột ai oán cứ dồn dập cửa lán của mấy bác kiểm lâm nghe cũng …ghê rợn.

 

Chuyện về đèo Pha Đin

Đèo Pha Đin, con đèo dài và nguy hiểm vào loại đứng đầu trong số các con đèo nguy hiểm phía Tây Bắc. Năm 2001 tôi đi qua nó khi nó còn chưa được mở rộng và làm lại như bây giờ. Tôi đi qua nó cũng đã không dưới 4 lần, có lần đi xe khách, có lần đi xe tải và 2 lần qua nó bằng xe du lịch… chưa lần nào đi qua nó bằng xe máy. Nó đã để lại cho tôi một kỷ niệm thật kinh hoàng và có lẽ suốt cuộc đời ám ảnh không nguôi về cái sự may mắn ngẫu nhiên, may mắn đến không ngờ…..

Lần ấy chính là lần tôi leo Fanxipan lần thứ 2 , trong tuyết phủ trắng xoá núi rừng Hoàng Liên, phủ trắng những mái nhà lợp gỗ ở bản Sín Chải….chúng tôi đã may mắn khi tìm lại được một thành viên người CH Séc trong đoàn leo Fanxipan bị ngã núi, bị thương và đưa về Sa Pa an toàn. Tạm biệt Sa Pa khi trời đã trong, tuyết tan và mây trắng la đà trên đỉnh các ngọn núi xanh rì của dãy Hoàng Liên xa vời vợi, chúng tôi lên Dào San, lên Ma Lu Thàng rồi Lai Châu, Điện Biên…..

Đêm, trời lất phất mưa trở lại sau khi đã đổ cơn giông và những con mưa to lúc chiều. Đường QL279 quanh co, gập gềnh ổ gà tới tận ngã ba khi nhập vào đường QL 6 tại ngã ba Tuần Giáo. Đêm đã khuya, tối đen mù mịt và không khí lạnh giá…..

Chiếc xe tôi đi vào lần đó là chiếc M. Jolie đời 2001 (2.0). Xe được kiểm tra rất kỹ trước khi đi nên tôi không bao giờ nghĩ rằng chiếc xe lại giở chứng khi đang trên đường như lần ấy….

Cách đèo Pha Đin chừng 5 km, tôi dừng xe và bật ghế ngửa ra để chợp mắt một lúc… Hình như lúc đó tôi quá buồn ngủ và bị ấn tượng khi buổi chiều ở Tây Trang ngồi nghe mấy bác Biên Phòng kể chuyện đám ma người H”mong ở Lào nên ám ảnh … Khoảng 15” chợp mắt tôi nghe thấy loáng thoáng tiếng gõ cửa sổ xe “cộc cộc” mấy tiếng. Bật dậy ngó ra chả thấy gì, chỉ thấy ánh đèn pha xe tải loang loáng đằng sau. Chừng mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa, nhưng lần này tiếng gõ to hơn và tôi suýt sặc.. Sởn da gà khi nhìn thấy một khuôn mặt phụ nữ ở ngay cửa xe…..

Định thần, tôi kêu lên một tiếng và bật cửa… Ngó ra chả thấy gì. Chiếc xe tải Hyundai nặng nề chạy ào qua bắn toé mấy giọt nước lên mặt khiến tôi tỉnh ngủ hẳn. Vội vã mở máy xe và chạy…..

Đèo Pha Đin dốc cao và vô khối những dốc cua tay áo, những đoạn đường cheo leo vực sâu mà không hề có ta luy hay vách ngăn. Miếu thờ bên đường nhan nhản… Những miếu thờ ảm đạm hoang phế ấy đa phần được xây nên để thờ những oan hồn bị tai nạn giao thông (Về những miếu thờ này, nếu ai để ý sẽ thấy rất nhiều trên các con đèo miền Trung, Tây Nguyên và có cả một seri những câu chuyện tai nạn kinh hoàng, những tục lệ thờ phụng của cánh lái xe đường dài)…..

Lên tới đỉnh đèo Pha Đin, trời mù mịt sương, mưa nặng hạt hơn… Con đường lổn nhổn đá và ổ gà… quanh co men sườn núi. Tôi bỗng nghe tiếng máy xe nổ gắt lên, xe đang chạy bỗng chậm hẳn lại, ì ra mặc dù tôi đạp ga sâu hơn…. Cách một cái cua ngắn khoảng 200 m, nó bỗng ào một cái và tăng tốc…..

Chiếc xe khi ấy máy nổ rất to, tốc độ thì ngược lại, trong khi tôi ấn cái chân ga sâu đến như thế … và rồi bất ngờ nó “oà” một cái và tăng tốc… Tôi nhả chân ga, nhưng máy vẫn nổ to, gào lên và vẫn chạy nhanh, có lẽ ở khoảng 70km/h….Con đường thì nhỏ, cua gắt, ổ gà lồi lõm mà vực sâu…..

Thật sự lúc đó tôi mất bình tĩnh khi thấy tự dưng chiếc xe chạy như bị “ma đuổi” mà càng ấn “phanh” càng chạy nhanh hơn… Tôi cố lái xe sát lề ta luy bên phải để tránh vực và còi liên tục… Nhưng chỉ cố lèo lái được qua 2 cái cua …..

Tôi nhớ lúc đó sương mù quá dày, đèn pha xe không đủ tầm nhìn và rất may đoạn đường ấy không trơn … Chỉ có điều cua quá gắt mà xe chạy nhanh, “phanh” không nổi. Giờ thì chỉ nhớ được có thế… Đến một khúc cua một bên là vách đồi, một bên là vực, không có ta luy xi măng hay rào chắn bằng sắt như các con đèo khác, tôi thoáng nhìn đằng trước xe hình như có hai bóng người đang đứng, tóc đen… Lúc này chiếc xe chạy nhanh đến mức tôi không thể ôm cua nổi, nó lao qua cái lạch nước ven bờ vực và hướng thẳng xuống …. đáy vực. Thật bất ngờ, chân phải của tôi nghiêng qua một bên và đạp một cái, chiếc xe giảm tốc độ ngay … Nhưng theo quán tính nó vẫn còn đà chạy…

Tôi hét lên khi xe tôi xẹt sát qua hai cái bóng người tóc đen xoã kia, chiếc xe nhảy chồm chồm qua đám đất, qua bụi cây, chúng tôi nảy tưng lên và đêm bỗng đen kịt trước mắt tôi…. tôi chỉ kịp nghĩ nhanh trong đầu: Thôi toi rồi…..Mẹ ơi !

………. Tất cả diễn ra chừng có 30 giây. Trấn tĩnh lại, tôi thấy xe của mình rung rinh, rung rinh….máy xe đã tắt hẳn, đèn pha tắt. Chiếc xe hơi bềnh bồng và đằng trước vẫn tối đen như mực…

Ngực đau nhói vì dập vào vô lăng, tôi gượng mở cửa xe, sờ chân mãi vẫn không thấy đất. Lần mò trong túi quần tìm cái bật lửa và tôi tá hoả khi nhận ra đầu chiếc xe của tôi bị kẹp giữa hai thân cây bên bờ vực ……Nó đang oằn xuống vì sức nặng của chiếc xe…

…..Tờ mờ sáng, sau khi được sự giúp đỡ cứu hộ của hai chiếc xe tải Hyundai cho mượn cáp và kéo vào vệ đường. Tôi nhận ra đêm qua tôi đã đứng trước ngưỡng cửa nhà thần chết. Một nửa chiếc xe của tôi đã lao qua mép vực nhưng bị kẹp lại giữa hai cái thân cây nên nó không rơi và bẹp dúm dó …. Ngay bên cạnh mép vực là hai tấm bảng gắn trên cột xi măng ghi độ cao và biển báo hiệu tốc độ, nó xỉn màu và cũ đen. Nó chính là hai bóng người tóc xoã đêm qua tôi đã nhìn thấy…. Đúng là nhìn Gà hoá Cuốc !!!

Chiếc xe của tôi, khi đưa về Sơn La kiểm tra, mấy “ông” chuyên gia xe cộ khẳng định xe tôi bị kẹt chân ga và trong lúc tôi quýnh quáng đã ấn nhầm chân ly hợp hoặc chân ga mà cứ tưởng chân phanh vì lúc kiểm tra, chân phanh vẫn bình thường……

Tôi cho rằng, tôi đã quá buồn ngủ và mệt mỏi sau 1 tuần lang thang Tây Bắc, lại thêm ấn tượng bởi câu chuyện đám ma H”mong nên bị ảo giác chuyên ma mồ, và trong lúc sợ hãi vì chiếc xe bị kẹt chân ga đã ấn nhầm con bà nó chân ga mà cứ tưởng là chân phanh….

Tôi gặp may và chắc là cao số nên mới thoát chết cái “quả” đó trên con đèo Pha Đin sương mù mịt cao ngất ngư phía Tây đất nước….

Vừa rồi, trở lại đèo Pha Đin sau mấy năm không đi, vẫn con đường cheo leo và gập gềnh nhưng giờ thì càng gập gềnh và bụi bặm mù mịt…. Trong cái đêm trăng sáng mờ mờ ảo ảo, núi rừng trầm mặc và say giấc khuya, chập chờn đâu đó những con đom đóm sáng leo lét và tiếng xe rì rầm leo dốc phía cuối đèo… Phía trước là cái cần cẩu giơ càng lên cao với hai sợi dây “thòng lọng” thít chặt lấy cái thân xác “vật vã” của chú Hyundai 4 chân nặng 45 ton đang giơ 12 cái chân lên trời sau cú ngã ngửa ở lưng chừng độ cao gần 1000 m so với mực nước biển…

Pha Đin ! Cái tên ấy đã trở nên thân quen với những kẻ lữ hành, với những “gã” lái xe đường dài bụi bặm và ngang ngạnh… Quá quen với những Phượt thủ…. Ấn tượng về nó hẳn không dễ phai nếu đã một lần đi qua….
Chuyến đi trong đêm, với chiếc Ford Ranger nặng nề vì chở theo gần 1 tấn sách và 4 kẻ lãng du đi đến nơi ngã ba biên giới, cực Tây của nước Việt… Chiếc xe chòng chành và gầm gừ leo dốc… Dốc Cun, Thung Khe mờ ảo trong sương, con đường như ngắn lại và hẹp hẳn đi vì tầm nhìn chẳng quá 5m với ánh đèn tôi tối của chiếc xe bán tải đời 2003. Vượt Mộc Châu và Sơn La rồi qua đèo Sơn La “thủng thẳng” trong khuya, lên đến Pha Đin đã sang canh 3, ngái ngủ và mệt mỏi đưa chiếc xe vượt đèo trong cái quang cảnh đèo dốc bụi mù, lổn nhổn đất đá và trăng thì sáng vằng vặc, rừng thưa thớt, thoảng một chốc nhát là sương đêm mờ mịt rồi tan nhanh trong cái không khí lạnh giá của miền Tây Bắc…. Đỉnh đèo bao trùm là một màu xám đục của mây mù đậm đặc, đường trơn trượt vì nước mưa, thả dốc đi xuống Tuần Giáo với sự hồi hộp đến kinh người vì cứ nghĩ đến cái đêm kinh hoàng của năm 2001…..

…………… Các con đèo nho nhỏ khác trên đường lữ hành lên A Pa Chải đều không mang lại cảm giác mạnh để nhớ, nhưng cũng chẳng dễ dàng để vượt qua…. Nhưng khi trở về, lại vượt Pha Đin trong đêm và đêm ấy, vẫn trăng sáng vằng vặc, vẫn bụi mù mịt, vẫn lổn nhổn đất đá nhưng có thêm một hình ảnh thật không dễ để chứng kiến: đó là cảnh chiếc xe tải 45 ton giơ 12 cái chân lên trời trong cái tư thế chỉ cần động nhẹ là lăn ào ào xuống cái vực sâu hút phía dưới….

… Rồi lại Thung Khe, Dốc Cun… lại mờ ảo sương nhưng với sự mệt mỏi và buồn ngủ đến mức đã suýt chút nữa thì đâm nát cái cột cây số sơn đỏ ven đường và “lừ lừ” đấu đầu với một gã “khổng lồ” Container 40””…. May mà tỉnh ngủ kịp….

Giờ vẫn giữ nguyên cái cảm giác thót tim khi chiếc xe lao sượt qua “thần chết”…. Và có lẽ vì vậy mà ấn tượng về con đèo Pha Đin lại càng thêm ấn tượng……..

 

Chuyện về đèo Mã Phục

Đèo Mã Phục là con đèo đẹp nhất, tính tất cả các con đèo đi từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, trên trục đường QL 3 hoặc các đường tỉnh lộ được bắt đầu như cái xương cá chạy trên địa phận Cao Bằng. Tên đèo Mã Phục (Mã là ngựa – Còn phục tức là…..gục ngã – Em chả biết tiếng Hán hay Nôm nhưng cứ vải thưa che mắt thánh mà dịch nôm na ra thế có phải không các bác? ) gợi nhớ đến cái cảnh ngày xa xưa, thời ngựa thồ hàng hoá lên biên giới, đến con đèo này, ngựa khoẻ cũng phải chồn chân, gục ngã vì độ cao của đèo ? Không rõ có phải thế không? Nhưng xem ra chỉ đúng với ngày xưa, chứ hiện giờ xe máy ô tô chạy ầm ầm số 2 số 3 leo vun vút… Thế mới biết các cụ chúng ta ngày xưa khổ nhỉ ?

Đèo chạy vòng vèo mấy tầng, đâu hình như 4 tầng tính tới đỉnh đèo nơi có tấm biển: Trùng Khánh kính chào quý khách. Đường đèo như một cái lò xo, đứng từ chân đèo nơi có cái bảng xi măng kẻ chữ to tướng: Đèo Mã Phục, đề phòng tai nạn… sẽ thấy con đèo cũng bình thường. Núi không cao, cây cối thấp lè tè, không xanh tốt, chỉ đôi khi một đám sương mù từ đâu lan toả khiến phong cảnh thêm phần thi vị, lãng mạn chứ tuyệt nhiên không hùng vĩ hoành tráng như Ô Quy Hồ, như Mã Pì Lèng, như Khau Phạ, Pha Đin…. Cũng không có miếu thờ, không hương khói nghi ngút đầy sự tâm linh và oan trái… Nó bình dị và đẹp một cách nên thơ …

Khi lên đèo, đầu tiên sẽ phải vượt qua liên tục mấy khúc cua tay áo. Dốc cũng không đến nỗi cao lắm như Pha Đin… Vượt qua 2 tầng đường và 3 khúc cua gắt, bắt đầu nhìn thấy quang cảnh ruộng nương, bản làng phía xa xa và bắt đầu cảm thấy cái đẹp của đèo Mã Phục …..Đứng ở tầng đường thứ 3, chỗ đoạn nhô ra cao nhất và phong quang nhất, sẽ thấy toàn cảnh đèo và cái thung lũng bên dưới.

Núi đá mơ màng trong sương sớm mang nét chấm phá thủy mạc …Ruộng bậc thang chảy tràn từ trên sườn núi xuống, lúc mờ lúc ảo, chỗ xanh xanh màu cỏ chỗ thâm thâm màu đất, xa xa nương ngô xanh ngát và bản làng thấp thoáng những mái ngói sẫm màu. Thỉnh thoảng một gốc cây cổ thụ cô độc mọc lên giữa đồng như một chứng nhân thời gian còn sót lại từ thủa hồng hoang….

…. Con đèo Mã Phục đẹp và nên thơ chính bởi cái thung lũng bên dưới nó. Cái thung lũng có những ngọn núi đá vôi bao xung quanh tạo ra một vòng cung hẹp, những nương ngô xanh ngát…..những thửa ruộng bậc thang mang màu thâm trầm của đất tràn trề từ triền núi đổ xuống thung lũng, thảng hoặc những làn sương mỏng mảnh “vắt” từ trên đỉnh núi chậm chạp bay qua …
Chúng tôi đứng ở đỉnh đèo, ngắm nhìn khoảng không bao la ngút tầm mắt và bức tranh thiên nhiên đẹp hài hoà và thanh bình thật khó tả.

Đường đèo Mã Phục không rộng và không nguy hiểm lắm, phía Nam con đèo đường vòng vèo lên dốc tới 4 tầng, nhưng khi lên tới đỉnh đèo thì phía Bắc chỉ có 2 cái dốc với một khúc cua, đổ dốc phía Bắc là vào địa phận huyện Trùng Khánh với một cánh đồng bao la, dãy núi đá vôi phía Tây như bức tường thành, có chỗ ngay cạnh đường là vô số những tảng đá vôi lô nhô, nhọn hoắt hoặc lúp xúp mọc tạo thành những sa bàn thạch đẹp kỳ vĩ…. Mùa chúng tôi đi, cả Trùng Khánh đầy những cánh đồng trồng loại cây có hoa màu trăng trắng, khi cắt ngọn, để trơ cái thân thì cả cánh đồng rực lên màu đỏ của rượu chát, đẹp vô cùng…. Chúng tôi ngừng lại hỏi một cô dân tộc Nùng đang lúi húi bên bờ ruộng thì cô trả lời bằng cái giọng lơ lớ: Ồ ! đây là cây Pắccooc đấy…. (Pắccooc chứ không phải cây Mắccooc cho quả ăn được)
Chả biết tôi nghe có đúng không?!

 

Mã Pì Lèng, con đèo phải nói là HÙNG VĨ nhất trong tất cả những con đèo Việt Nam.

Mã Pì Lèng được bắt đầu xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ 20 nghe nói hầu hết do công nhân người H”mong làm. Ban đầu, để đục đá nổ mìn, những người mở đường phải treo mình trên dây, cheo leo lưng chừng núi để thi công … Đường mở ra ban đầu chỉ vừa cho ngựa thồ đi hoặc cho người đi bộ… mãi sau này chính quyền mới cho mở rộng thêm. Chỉ cách đây mấy năm, đường trên đèo Mã Pí Lèng chỉ có lổn nhổn đá hộc và không đủ rộng cho 2 chiếc xe ô tô tránh nhau…

Cảnh sắc trên đèo Mã Pì Lèng phải nói rằng không ở nơi đâu trên đất Việt lại có vẻ hùng vĩ và hoang dại đến như thế. Nhìn về hướng bắc và đông bắc, hàng ngàn quả núi đá trọc màu xám chì trùng trùng điệp điệp nối nhau tới tận chân trời, ngay bên cạnh đường là vực sâu hoắm, tận cùng bên dưới là con sông Nho Quế nước mát lạnh rì rầm chảy.

Trên con đèo Mã Pì Lèng thuộc địa phận cao nguyên Đồng Văn – Mèo Vạc cây cối mang tính hình thức, chỉ có đá và đá và đá trơ gan cùng tuế nguyệt…

Lần đầu đến Mã Pì Lèng vào buổi sáng sớm. Trời lạnh giá. Cái lạnh hắt từ đá ra như muốn cắt da cắt thịt. Sương mù bảng lảng khiến những dãy núi đá cao vút cứ như thấp thoáng trên trời….

Người H”mong đi gùi đất từ xa cách đấy có khi cả vài km, họ mang về vốc đất cho vào từng kẽ đá, hốc đá và dùng đá con chèn lại cho nước mưa khỏi làm nó trôi, xong rồi bỏ hạt ngô vào đấy. Mùa mưa có nước tưới, cây ngô sống được, nhưng đến mùa khô thì chúng chết bằng sạch… Chỉ còn đá và cỏ hoang lẹt xẹt mặt đất thôi..

Đèo Mã Pì Lèng đã ăn sâu vào tâm trí tôi từ khi tôi được nghe bạn bè kể chuyện chợ tình Khau Vai, về Cao nguyên Đồng Văn và chuyện tiểu phỉ trên Mã Pì Lèng của du kích Hà Giang…

Rất nhiều lần định đi Hà Giang và lên Mã Pì Lèng, thế mà mãi đến dịp gần đây, cùng bạn bè đi chợ tình Khau Vai, tôi mới có dịp được đi trên con đường đầy gian khổ và “huyền thoại” đấy…

Ký ức và những câu chuyện, những cảm xúc về Đèo có quá nhiều khi “lượt phượt” trên các nẻo đường…. Tiếc rằng con đèo Mã Pì Lèng mới chỉ được đi “vội vã” qua nó một lần nên những “trải nghiệm” về nó quá ít….
Có lẽ xếp đèo Mã Pì Lèng vào loại NHẤT ở Việt Nam vì phong cảnh hùng vĩ, độ cao, dốc cao và “huyền thoại” gian khổ khi mở đường qua những dãy núi trập trùng, trập trùng vùng biên ải khô cằn sỏi đá vùng phía Bắc Việt Nam….

Gần ngay con đèo Mã Pì Lèng còn có con dốc có thể gọi là đèo, đó là dốc lên cửa khẩu Săm Pun. Nó cao, cao ngất và đứng trên đỉnh dốc Săm Pun có thể nhìn bao quát hết cả con đèo Mã Pì Lèng cùng với cả dãy núi non hiểm trở….

 

Đèo KHAU PHẠ . Một con đèo dài, có phong cảnh đẹp nhất nhì trên Quốc lộ 32.

Khau Phạ, tên gọi của người Thái Đen, theo cách giải thích của họ có nghĩa là Sừng Trời, còn giải nghĩa nôm na tên đèo Khau Phạ gọi là đèo Cổng Trời …. đèo dài hơn 20 km, nó là con đèo dài nhất trên toàn tuyến quốc lộ 32. Đi qua Tú Lệ chừng vài chục km là đến chân đèo ….Đèo rất hiểm trở và thường xuyên lở đất đá vào mùa mưa lũ, gây ách tắc giao thông và tai nạn cho các phương tiện đi lại… Vào những hôm mù trời, trên đèo Khau Phạ mờ mịt sương mù, cực kỳ nguy hiểm…..

Khau Phạ nằm ở vị trí tiếp giáp hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái. Nó có địa thế khá gần gũi với các vùng có phong cảnh nổi tiếng Phú Thọ và Tây Yên Bái như Tú Lệ, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Mù Cang Chải…

……Khau Phạ là tên của người Thái. Nhưng có điều ở vùng Khau Phạ bây giờ rất ít người Thái, có thể nói là không có. Đa số là người H”mong, người H”mong ở dọc hai bên đường … từ Văn Chấn, Tà Sì Láng, đến Tú Lệ đến tận La Pán Tẩn, Mù Cang Chải… Còn người Thái chỉ có nhiều ở vùng Than Uyên…. Mối băn khoăn tôi đã nhiều lần hỏi, xâu chuỗi vào có thể giải thích như này: Trước đây, vùng Khau Phạ thuộc Châu Than Uyên, vùng tự trị của người Thái… Liệu đó có phải lý do con đèo được đặt theo văn tự của người Thái?

Đèo Khau Phạ dài “nhũng nhẵng” trên 30 km, leo mấy tầng dốc. Tôi đo GPS thấy chỉ độ cao tại đỉnh hơn 1500 m… Đứng ở Cổng Trời vào hôm quang mây, lại đúng mùa lúa chín… Ruộng bậc thang ở bản Cao Phạ dưới chân đèo vàng rực tiếp nối nhau “chảy” tràn trề…. Buổi chiều, đứng ở con dốc đầu tiên của đèo, ngay trên đầu bản Cao Phạ, trong tiếng gió lao xao tiếng người nói chuyện, tiếng chó sủa râm ran, tiếng trẻ con í ới chơi đùa, tiếng trẻ con khóc, tiếng bổ củi và tiếng lợn kêu ủn ỉn… Một bài đồng ca làng quê thật ấn tượng và đầy sức sống…..

Trước đèo Cao Phạ, có một con đèo nhỏ, dân ở đây gọi là dốc 3 tầng. Nhìn bản đồ thấy ghi đó là đèo Chấu.. Con đèo này có mấy cái cua tay áo khá nguy hiểm…. Bên tay trái đèo Khau Phạ còn có ngọn núi cao 2088 m ……….

Mùa lúa chín, hãy đi đèo Khau Phạ và La Pán Tẩn để thấy Tây Bắc đẹp như nào !!!

 

Chuyện về đèo Bụt (Hòn Gai – Cẩm Phả)

……… Nếu nói về đèo ở phía Bắc, thường người ta hay nói về đèo Mây, đèo Pha Đin, đèo Giàng, đèo Gió và Mã Pì Lèng… hoặc đèo Khau Phạ, cũng có thể là đèo Hồng Thu Mán, đèo Khế, đèo Lũng Lô, thậm chí đến con đèo “khỉ ho cò gáy” như đèo Khau Chiềng…. Nhưng có một con đèo ở Đông Bắc, con đèo có cái tên thật “hiền lành”, chả mấy ai nhớ và cho rằng nó là con đèo, nhưng nó đã từng là cái tên đèo “ấn tượng” và khá sợ hãi cho cánh lái xe Đặc khu Đông Bắc …. Ấy là đèo Bụt !

Giờ cái đèo Bụt chỉ còn là cái dốc hơi hơi cao, ở lưng dốc phía Quang Hanh mọc lên một khu Du Lịch khá đẹp, còn dốc bên Hạ Long thì dân cư đã ở sát đỉnh đèo. Nếu câu chuyện này còn lưu lại sau 5 năm nữa, thế hệ 9X ở Quảng Ninh mà đọc được chắc có lẽ cho rằng cái “gã” viết bài này chắc thêm mắm thêm muối và chỉ giỏi tưởng tượng, mấy ai là nhân chứng thời đó còn lưu giữ ký ức “kinh hoàng” của đèo Bụt thời những năm bao cấp “chết dở sống dở” bo bo, củ mì và khoai hà lỗ chỗ….

Những năm 1978 và 1979, sau cuộc “biến động” về người Hoa ở Việt Nam và chiến tranh biên giới Việt – Trung nổ ra. Dân Hoa Kiều “lũ lượt” kéo nhau về nước qua cửa khẩu Móng Cái. Trên Lào Cai xảy ra vụ “Cầu Kiều” … Súng nổ ì oàng và 17/02/1979 chiến tranh nổ ra….. Con đường quốc lộ 18A dọc miền duyên hải Đông Bắc đất đá lổn nhổn và bùn lầy nước đọng, đa phần chỉ có xe quân đội… thỉnh thoảng lắm mới có xe dân sự…. Từ Hòn Gai đến Mông Dương còn có dân ở, từ dốc Mông Dương trở ra Tiên Yên, Đầm Hà, Hà Cối, Móng Cái là quân đội, dân bám trụ rất ít…. Sau khi đình chiến, đến năm 1980, 1981 dân mới về đông….

Năm ấy ở Hòn Gai (chưa gọi là Hạ Long như bây giờ) xảy ra mấy vụ trấn lột, cướp của giết người trên đèo Bụt, những kẻ cướp toàn mặc áo bạt của Nga, giấu AK47 cưa báng, cưa nòng trong áo bạt, nửa đêm hoặc chập choạng tối xông ra trấn cướp các xe tải chở nhu yếu phẩm ra vùng Đông Bắc…..

Đèo Bụt lúc đó rất hoang vắng, dân ở gần nhất cách đó 3 km, phía đèo bên Quang Hanh chỉ toàn là nghĩa địa. Đường qua đèo hẹp có 6m, dốc quanh co, cao ngất…. Núi đá nhưng cây mọc um tùm, dứa dại từng bụi cao qua đầu người… Xe cộ ngày đó làm gì có Hyundai 3 chân, 4 chân hoặc Daewoo hạng nặng, hoặc International Hoa Kỳ như bây giờ, miền Bắc chỉ rặt xe XHCN nhãn hiệu Zil 130, Zil 157, Gaz.. của Liên Xô, Giải Phóng, Hồng Hà của Trung Quốc, IFA của Đức… Xe to tướng, ì ạch, phì phò leo dốc, uống xăng dầu như uống nước lã mà chở nặng nhất được có 5 ton….

Trên đèo Bụt lúc ấy xảy ra khá nhiều vụ tai nạn đổ xe, lật xe chết người vì dốc quá cao, xe cũ chất lượng lại thấp… Toàn mất phanh hoặc đâm nhau. Dọc đèo khá nhiều miếu thờ, ngày rằm nghi ngút hương khói…. đã thế lại còn xảy ra vài vụ trấn lột, cướp xe khách, xe tải, có vụ bắn chết người, điển hình như vụ anh em D “lợn” tổ chức cướp xe khách, giết người rồi bị truy đuổi phải trốn ra đảo ngoài Vịnh Hạ Long, tiếp tục cướp thuyền định vượt biên, lại bị truy lùng bởi cảnh sát đặc nhiệm và bộ đội đặc công, chúng trốn ra vùng sình lầy sú vẹt ở Hà Lam Quảng Yên… Kêu gọi đầu thú mãi không được, cuối cùng bị tiêu diệt cháy đen thui….

…. Cái thời ấy đã lùi vào dĩ vãng, đèo Bụt được mở rộng, hạ thấp độ cao và hiện nay nó chỉ còn là con dốc quá bình thường, đi qua nó mà chưa từng biết đến nó trước đây, giờ đọc câu chuyện này có khi lại bảo: Ôi ! Chuyện như chuyện cổ tích …..

 

Tản mạn chuyện các ngôi miếu thờ trên đèo

… Chuyện về những ngôi miếu thờ nghe được trên các chặng đường “lượt phượt” khi đi khắp các quốc lộ Việt Nam, thì nhiều lắm… Những câu chuyện nhuốm màu tâm linh, dị đoan, nhiều khi biến tướng thành chuyện “ma quái” huyền hoặc không có thật. Những câu chuyện truyền miệng và rỉ tai nhau từ cánh lái xe đường dài, từ những bà buôn bán, từ dân địa phương, thậm chí từ những đứa trẻ chăn bò…. cứ mỗi người lại thêm thắt một chút…. thế là cái miếu thờ trở nên “lung linh” và “linh thiêng” hẳn lên, suốt ngày hương khói nghi ngút, kẻ ra người vào vái xin bình an, may mắn… Có địa phương đã “ra tay” san bằng ngôi miếu… Nnưng không xuể… miếu lại mọc lên, vẫn hiện diện, vẫn hương khói nghi ngút và khiến những gã giang hồ “vặt” như tôi mỗi khi đi qua tò mò vào xem, nghe kể và … chợt rùng mình mỗi khi lái xe chạy qua nó lúc đêm khuya….

Con đường Quốc lộ 14 đoạn Đăkmil đi ĐăkrLap, khi chạy qua đoạn Rừng Lạnh, ĐăkSong có mấy khúc cua rất gắt…. Tầm nhìn hẹp, dốc như đèo…Đường rất đẹp, láng mịn. Lái xe chạy qua đó vào ban đêm mùa khô rất hay gặp sương mù…. Sương mù dày đặc, trôi cuồn cuộn, nhiều lúc sương mù cả ngày… Hai bên đường là đồi Cafe, thi thoảng có đoạn mọc toàn thông Đà Lạt….

Năm 1997, thời điểm tháng nào tôi không nhớ rõ lắm, chỉ nhớ rằng tại khúc cua ngay gần cổng đồn Biên Phòng ĐăkSong gần chỗ ngã ba đường 14A gặp đường 14C (đường HCM) xảy ra vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Một chiếc xe Hyundai 24 chỗ chở 26 người từ Sài Gòn lên BMT đâm chính diện vào chiếc Deawoo khách 54 chỗ chở hơn 50 người đang từ BMT về Sài Gòn … Chiếc xe 24 chỗ chạy với tốc độ khoảng 70km/h chui gọn vào gầm chiếc 54 chỗ….. Hậu quả là chiếc Hyundai bẹp lép, chùn cả “xương sống” xe, hơn 20 người chết tại chỗ…Xác người đặt dọc lề đường đắp chiếu thành hàng dài….Vụ tai nạn này đã đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng suốt gần 1 tuần…

Khoảng thời gian sau, ngay bên lề đường nơi xảy ra tai nạn, người ta xây một ngôi miếu thờ nho nhỏ, từ ngoài đường vào miếu, người ta trồng hoa loa kèn màu đỏ tía và lấy những chiếc ghế đệm của xe 24 chỗ còn vương vết ố máu người đặt dọc lối đi. Xác chiếc xe 24 chỗ được kéo vào ngay cạnh miếu phủ bạt và mắc một bóng điện bên trong, đêm được thắp sáng bằng điện ắc quy… Bàn thờ luôn nghi ngút khói hương và lại được thắp sáng bằng hai ngọn điện đỏ lừ….

Tháng 11 năm 1998, tôi từ Buôn Ma Thuột lái xe về SG… Trong màn đêm sương giăng giăng hơi mờ mờ, mùa khô gió hun hút thổi và lạnh lẽo, vừa vượt qua khúc cua, nhìn ra đằng trước … Chiếc xe bị tai nạn được thắp sáng bằng điện, hắt bóng ra là một hàng hình nhân mặc quần áo xanh đỏ dựa lưng vào thành xe, mâm hoa quả cúng nghi ngút khói hương đỏ lừ. Hôm ấy chắc là ngày dân họ cúng bái miếu thờ. Cảm giác của tôi lúc ấy thấy rờn rợn và tự dưng muốn chạy thật nhanh qua đó…. chạy gần tới nơi tôi bỗng rùng mình vì thấy bó hương bỗng cháy bùng … phần phật lửa…

Nguyên tắc của lái xe đường QL 14 là bất cứ lúc nào chạy qua ngôi miếu thờ này đều phải bấm 3 tiếng còi như là một lời chào những oan hồn chết đường chết chợ đang ngồi trên những chiếc ghế đệm còn vương vết máu ngắm hoa loa kèn màu đỏ tía….
………………………………………….. ………..

Ngôi miếu thờ trên đèo Cả gần chỗ khúc cua Đá Đen cũng có một giai thoại khá rùng rợn… Chuyển kể rằng cách đây nhiều năm, khu vực đèo Cả còn hoang vu, đường xuống Vũng Rô còn rậm rạp cây cối, dân cư thưa thớt… Chân đèo phía Tu Bông hoang vắng… Đại Lãnh thì đông đúc một chút. Tại nơi có ngôi miếu thờ xảy ra chuyện một ông dân làng vạn chài dưới Vũng Rô chở vợ đi đẻ ở Trạm xá Đại Lãnh bằng chiếc xe Honda 67….khi chở vợ đến khúc cua này thì va phải một chiếc xe tải Reo 13 chở gỗ… hậu quả vợ bị văng xuống đường… Người vợ chết kéo theo đứa hài nhi chưa ra đời…

Chuyện rùng rợn xảy ra khi cua Đá Đen còn chưa được mở rộng, khá hẹp… Hôm ấy trời tối đen, lắc rắc mưa bão, mây vần vũ trên những đỉnh núi đèo Cả… Chiếc xe IFA chở 5 ton hàng lặc lè leo dốc… Lái xe là một ông già có hơn 30 năm kinh nghiệm lái đường dài… Khoảng 21h, khi vừa chớm dốc Đá Đen, chỗ cua gắt, trong ánh đèn pha, ông lái xe chợt thấy một người mặc quần áo phụ nữ khoác áo mưa, đội nón sùm sụp đứng bên vệ đường, tay bà ta xách 1 chiếc làn đỏ có vẻ rất nặng nề … Bà ấy chạy ra giữa đường ngoắc xe lia lịa…

Bị chắn đột ngột nên ông tài xế bắt buộc phải dừng xe. Ông ta bực bội gắt lên nhưng bỗng ngừng ngay lại, tiếng gắt bị ngắc trong cổ họng trở nên ú ớ một cách rất sợ hãi… Gã trai phụ xe đang tỉnh tỉnh mê mê trong cabin nghe tiếng ông tài xế ú ớ … liền ngồi dậy ngó ra, rồi cũng tái mặt thét lên… Ma!!! Người phụ nữ có khuôn mặt kỳ dị, đen ngòm, máu ri rỉ chảy ra từ hốc mắt, miệng và mũi… Cái làn bà ta xách, bên trong là thây một hài nhi mới mấy tháng tuổi, tím tái…

Chuyện này tôi nghe từ ông lái xe khách chạy tuyến BMT – Hà Nội. Khi chạy qua cái miếu thờ, ông ta dừng xe, rồi cùng 2 chú lơ xe xuống thắp hương một cách rất thành kính….. Tò mò tôi hỏi và ông ấy kể lại như thế….

 

Đèo Hồng Thu Mán (Quốc lộ 4D – Phong Thổ Pa So)

… Có một con đèo có cái tên rất ngộ và lạ: đèo Hồng Thu Mán. Đèo Hồng Thu Mán nằm ở vị trí cách Thị xã Lai Châu mới khoảng 5 km về phía Phong Thổ Pa So … Trước kia Hồng Thu Mán rất vắng vẻ nay ở chân đèo có một xí nghiệp khai thác đá và sản xuất gạch, trên lưng chừng đèo có vài nóc nhà dân H”Mong khiến con đèo mất đi sự hoang vắng của nó…..

Hồng Thu Mán từng là trận địa của quân đội VN đánh trả quân TQ hồi chiến tranh biên giới 1979. Năm đó (theo lời kể của anh Hải, là người bạn đi cùng tôi trong một chuyến đi mới đây) thì ở tại Hồng Thu Mán, trận chiến xảy ra khá khốc liệt vào trưa và chiều ngày 17/02/1979, lính TQ theo tuyến đường quốc lộ 4D đánh từ Dào San, Ma Lù Thàng, Pa Nậm Cúm đánh về tới TT Phong Thổ, trưa ngày hôm đó đánh tới Hồng Thu Mán thì bắt buộc phải ngừng lại vì gặp sự đánh trả quyết liệt của quân đội VN… Trận chiến nhùng nhằng kéo dài suốt gần 1 tháng sau thì quân TQ rút chạy… Xác lính TQ nằm trên đèo ngổn ngang, quân VN phải dùng máy ủi đào hố và gom xác chôn….

Đèo Hồng Thu Mán không cao, độ dài của nó có hơn 15 km và dốc không nhiều. Chỉ có phía đèo bên xuống Phong Thổ (Pa So) thì dốc quanh co, có mấy đoạn dốc cua tay áo rất nguy hiểm … Phong cảnh của Hồng Thu Mán vào mùa xuân thì đẹp hơn với rất nhiều hoa đào rừng nở hồng phía bên dãy núi tay trái bạn nếu đi từ Tam Đường sang Phong Thổ… Nằm giữa Hồng Thu Mán và dãy núi bên kia là một thung lũng, đến giờ vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của nó… Dãy núi bên tay trái với cây cối khá rậm rạp nhưng chỉ là rừng tạp, cây lớn đã mất hết, đa phần cây nhỏ và dây leo quấn chằng chịt, nhìn chung phong cảnh dãy núi khá nghèo nàn nếu không muốn nói là không đẹp. Điều đáng chú ý ở đây là Hồng Thu Mán rất hay xảy ra tai nạn, với các thể loại tai nạn, từ bé đến lớn… Cũng có thể do đường dốc của Hồng Thu Mán nhỏ hẹp, tầm nhìn mấy đoạn cua bên Phong Thổ rất ngắn và cua tay áo lại hiện ra đột ngột ở đoạn dốc cao, khó kiểm soát tay lái nếu không quen đường… Năm 2001, tôi đi Fanxipan về, rẽ qua Lai Châu – Điện Biên đã gặp vụ tai nạn rất hy hữu ở đèo Hồng Thu Mán: Một chiếc xe tải Daewoo 3 chân chở theo 18 ton hàng, vào lúc 12h đêm đã không ôm nổi cua tay áo bên phía Phong Thổ .. thế là lao như một mũi tên từ độ cao gần 30 m trên dốc xuống dưới đèo, nằm chồm lên cái bếp của một nhà dân … Điều hy hữu là 3 người trên xe ô tô không ai chết và bị thương, chủ nhà vừa ở dưới bếp đi ra thì chiếc xe rơi ập xuống …. Người không chết nhưng xe ô tô thì gẫy làm ba, bẹp dí … cái bếp sụm, mấy đôi thùng gánh nước bẹp, vỡ mấy cái chảo và chết 2 con lợn…..

Con đèo này rồi cũng đi vào dĩ vãng nếu tốc độ phát triển đô thị của tỉnh Lai Châu nhanh…

 

Đèo Măng Giang và đèo An Khê (Quốc lộ 19 – Gia Lai)

Đèo Măng Giang để lại cho tôi một ấn tượng khó phai mờ từ những năm 1990. Trong chuyến đi định mệnh của chiếc xe khách 54 chỗ ngồi xuất phát từ Buôn Ma Thuột về Thái Bình đầu xuân năm đó đã lấy đi 2 thành viên của gia đình tôi… Cũng có thể một phần do kỷ niệm đau buồn đó đã khiến tôi luôn tìm hiểu và thích chinh phục các con đèo, bằng cả xe máy lẫn xe ô tô, cả xe con lẫn xe tải, thậm chí bằng xe Container mỗi khi có dịp….

Đèo Măng Giang và đèo An Khê là hai con đèo lớn nhất trên Quốc Lộ 19 từ ngã ba Bà Di lên cửa khẩu Lệ Thanh huyện Đức Cơ Gia Lai. Theo kinh nghiệm của cánh lái xe Tây Nguyên, họ luôn đề phòng mỗi khi đi qua Đèo Măng Giang… mặc dù con đèo này về độ dài, độ dốc và độ cao không thể bằng đèo An Khê. Cái mà họ e ngại chính là “zớp” tai nạn của con đèo này. Các vụ tai nạn lớn sảy ra trên QL 19 hầu hết đều xảy ra trên con đèo Măng Giang.

Đường đèo trước đây rất láng mịn. Hồi những năm 87 – 88 đi qua hai con đèo này, xe chạy ro ro và ôm cua cực “ngọt” vì đường quá tốt… Những năm chiến tranh cũng không làm nó hỏng nền cũng như mặt đường, mặc dù đường chưa rộng rãi như bây giờ. Cây cối trên đèo cũng không rậm rạp, thi thoảng còn có buôn làng của người M”nong, Xê đăng và Ba Na nằm cheo leo trên sườn đồi hoặc lọt thỏm giữa thung lũng bên dưới…. Đèo Măng Giang cách huyện lị khoảng 20 km và ngay đầu đèo có một cái biển xây bằng xi măng cực to có dòng chữ: “đèo Măng Giang – Cua gấp nguy hiểm, lái xe chú ý giảm tốc độ” thế nhưng điều nguy hiểm nhất thì vẫn sờ sờ ra đó…… Và chính cái quan trọng nhất và nguy hiểm nhất thì họ vẫn chưa chịu sửa….

Số là thế này: Nếu bạn đi từ P”leiku về Quy Nhơn, con đường quốc lộ 19 êm ru chạy về phía Đông đến đầu đèo Măng Giang đều có độ dốc hơi bằng bằng rất dễ làm lái xe lơ là…. Đoạn cua thứ nhất ngay đầu đèo là một khúc cua gắt, nó khuất sau một vách đồi và quặt chéo về phía Nam … Nếu nhìn từ xa, bạn chỉ thấy cái biển và tầm nhìn con đường cũng vẫn thấy thoáng đãng, bạn sẽ mất cảnh giác và chỉ nghĩ rằng đây mới bắt đầu vào đèo… Con đường vẫn mịn màng và êm êm, bằng bằng… Thế nhưng khi bạn chưa kịp giảm tốc độ, vừa qua cái biển là cái cua gắt ấy đã hiện ngay ra trước mắt… Phía dưới là cái vực 3 tầng đồi sâu khoảng trên 50 m. Tiếp ngay khúc cua đầu tiên là 2 khúc cua liên tục, rất ngoắt nghéo… chính điều này đã làm cho các tay lái xe lạ địa hình dễ rơi vào tình trạng ôm cua không kịp và mất lái, lao luôn xe xuống vực giống như chiếc xe 54 chỗ đã mang theo 17 người năm 1990… Xe tai nạn vì lơ là cứ tưởng đường bằng…..

Năm đó, chiếc xe xuất phát từ BMT chở theo 63 hành khách về Thái Bình. Đến đèo Măng Giang đã tầm 23h đêm, trên xe hành khách đã ngủ say theo nhịp lắc lư của xe…. Bất ngờ, nghe tiếng la thảng thốt của lái xe và chỉ trong có mấy giây, chiếc xe lao như một mũi tên từ độ cao hơn 50 m trên đỉnh đèo rơi cắm đầu xuống bãi đất trống ở tầng vực thứ nhất….. Hậu quả trên xe chết 17 người và bị thương quá nửa…..

Đèo Măng Giang độ dài thua xa đèo An Khê, phong cảnh cũng không thể so đọ được với đèo An Khê. Từ trên đỉnh đèo An Khê bạn có thể phóng tầm mắt bao quát một phần tỉnh Bình Định với các huyện Tây Sơn, An Lão, Tuy An…. Đèo An Khê cũng là nơi diễn ra bài học “kinh điển” của ngành vận tải siêu trường siêu trọng khi chở tổ máy tubin phát điện xây dựng nhà máy Thuỷ điện Yaly. Cả một chiếc Tubin nặng hơn 100 ton, đường kính hơn một chục mét được tàu biển đưa vào cặp bến Quy Nhơn rồi cẩu lên nằm “chềnh ềnh” trên sàn 2 chiếc rơmooc đặc chủng 32 lốp đấu đít vào nhau, … 3 chiếc xe Ural hạng nặng được huy động vào việc kéo chiếc Tubin này lên Sê San. Hai chiếc nhận nhiệm vụ kéo, một chiếc đẩy đít…. 1 xe CA đi dẹp đường….. Chiếc Tubin choán hết cả mặt đường khiến cho việc di chuyển của chiếc xe cực kỳ khó khăn…. Khi lên đèo An Khê, có cả hai chiếc xe xúc ủi đi kèm theo đề phòng trục trặc. Có hơn 20 km qua đèo An Khê mà cuộc vận chuyển tổ máy phát điện này đi mất 3 ngày ròng rã…..

 

Chuyện về đèo Lò Xo – Quảng Nam

Đèo Lò Xo dài 20 km thuộc địa phận xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum nằm trên cung đường QL 14 từ Quảng Nam đi Kon Tum.

Thời Pháp, đường 14 được mở ra nhằm khai thông công cuộc thực dân hoá vùng Bắc Tây Nguyên và cũng để phục vụ cho việc chuyển quân, đạn dược của quân đội Pháp đồn trú suốt một dải Tây Nguyên, Nam Lào và Bắc Cam Pu Chia, vận chuyển tài nguyên thuộc địa về mẫu quốc thông qua cảng Đà Nẵng. Gần khu vực đèo Lò Xo, Pháp cho xây nhà ngục Đăkley nổi tiếng một thời, nơi giam giữ ông Tố Hữu suốt bao nhiêu năm.

Đèo Lò Xo những năm 90 của thế kỷ trước còn hoang vắng vì lúc đó quốc lộ 14 chưa được sửa sang lại sau cuộc chiến tranh kháng Mỹ, nó gần như bị bỏ hoang từ 1975 đến lúc tôi tới đó lần đầu tiên vào tháng 3 năm 1990. Đường chỉ còn nền và cỏ cây mọc um tùm, lổn nhổn đá hộc….

Khu vực quanh đèo Lò Xo là rừng già, thâm u. Rừng ở đây cực kỳ nhiều các loại gỗ quý hiếm và gỗ lớn. Đặc biệt, khu đèo Lò Xo chính là nơi dân đi Điệu miền Trung đã phát hiện ra rất nhiều Trầm Kỳ. Có rất nhiều câu chuyện bi kịch của dân tìm Trầm đã xảy ra ở đây. Và còn một điều nữa cũng cần phải nhắc đến là chuyện khai thác vàng sa khoáng ở khu vực quanh đèo Lò Xo.

Năm đó (1990) tôi “lang bạt” vào tới Khâm Đức, khi tới chân đèo Lò Xo để tìm ông già tên Hai Dũng chuyên đầu nậu Trầm và vàng sa khoáng, đã được ông ấy mời món rượu ngâm bào thai Hổ với sâm Ngọc Linh, nhắm với thịt Cheo nướng than củi. Tôi nhớ như in cái bình rượu nước xanh xanh có những rễ sâm Ngọc Linh bằng ngón chân, ba con Hổ con, mỗi con chỉ nặng chừng 2 kg nằm ôm nhau, giương mắt lờ đờ nhìn khách….

Sợ nhất là chuyện cướp ở vùng này. Hồi sau giải phóng 1975 còn rất nhiều Fulro và chuyện đốt phá, cướp của bắn giết xảy ra liên miên. Bộ đội và Công an vũ trang dẹp mãi đến những năm 1990 thì Fulro người Thượng chẳng còn nhưng lại đến “Fulro” người Kinh. Đó là những nhóm giang hồ phiêu bạt, đi đãi vàng, đi tìm Trầm thất bại thì nảy ra đi cướp, chúng cướp thượng vàng hạ cám và chỉ nhè vào dân đi buôn, thường là phục kích ở rừng, có đứa theo dõi, báo hiệu là xông ra chặn đường. Có vụ chúng cướp cả xe tải quân sự…..

Con đèo này sạt lở kinh hoàng, có thời điểm sạt mất cả nền đường cả khúc dài mấy trăm mét. Suối ở đây thường rất hiền hoà, nhưng khi mùa mưa tới thì nó ào ào như thác đổ và cuốn trôi đất đá cùng cây cối. Đoạn ở gần chân đèo, đi qua chỗ ngã 3 lối lên ngục Đak Gley có một cây cầu và khúc cua, đó là nơi tôi chứng kiến một cơn lũ đến bất thình lình và cuốn trôi một chiếc xe UAZ chở thực phẩm cho đồn biên phòng, chúng tôi bị lũ “phong toả” 3 ngày trời, nhịn đói nhịn khát gần 2 ngày ngồi yên trên đỉnh quả đồi không sao mà thoát được….

 

Đèo Lò Xo từng nổi tiếng trong chiến tranh chống Pháp bởi cái nhà tù Đăklei và những người tù chính trị vượt ngục. Nhưng nổi tiếng hơn cả là những câu chuyện “đường rừng” với voi đi cả đàn, hổ báo chạy thậm thịch ngày đêm….

Gần đây, khu vực quanh đèo Lò Xo là điểm nóng của chuyện lâm tặc, đào đãi vàng. Đi quá Lò Xo chừng 10 km là bắt đầu đến khu vực bãi vàng và nơi tập kết gỗ của lâm tặc. Lần tôi đi qua mới đây, xe Reo chở gỗ tập kết từng đoàn chừng 20 chiếc. Gỗ lậu không thấy nhiều nhưng chắc chắn là phải có rất nhiều vì trên đường đi qua ĐăkTô chúng tôi gặp những chiếc xe đầu kéo Internatinonal lặc lè kéo theo những rơ mooc 40′ ngất nghểu những cây gỗ to 2 – 3 người ôm. Có đoàn xe đầu kéo chừng 2 – 3 chiếc dừng lại giữa đường chờ thông đường mới đi…. Việc này làm tôi rất băn khoăn, chẳng lẽ Kiểm Lâm Kon Tum lại không biết sao? Xe chở gỗ đi thành từng đoàn, to vật vã thế kia, CSGT thì lượn lờ suốt?!

Đem câu chuyện này thắc mắc với anh bạn kinh doanh ở Tp Pleiku, hắn cười hô hố rồi bảo tôi: Gỗ này có bảo kê đấy ông ạ ! Nó có giấy phép “đốn” gỗ ở Lào, nhưng tập kết xe ở VN và nhân thể “khai thác” gỗ luôn tại quê hương cho nó gần….

Bãi vàng gần đèo Lò Xo thì vô cùng phức tạp. Cái mỏ vàng Bồng Miêu cũng gần ngay đây. Buổi trưa, trời mưa rào ào ạt, gió thổi bão bùng và sấm sét đì đùng, chúng tôi ngừng lại ăn trưa ở một quán cơm cách thị trấn Khâm Đức chừng 8km, ngay dưới chân núi. Ông chủ quán cơm vẻ mặt từng trải, có cặp mắt rất sắc, tia mắt dữ tợn ra đưa thực đơn và hỏi chúng tôi đi đâu, có phải đi mua vàng đãi hay chỉ là đi qua đường? Sau khi biết chúng tôi đi du lịch Xuyên Việt về qua đậy, ông ta có vẻ vui vẻ và bắt chuyện trong lúc chờ thức ăn được đưa ra.

Ông ta kể: Trước đây bãi vàng “kinh hoàng” lắm, thời gian đó khoảng những năm 1996 – 1997… không ngày nào không xảy ra chuyện đánh nhau, cướp bóc, chém giết người. Lúc đó ông ta là chủ bưởng, quân trong bưởng có tới 200 người, một ngày làm thu hoạch không dưới 5 cây vàng cốm. Ông ta quê ở Khâm Đức Quảng Nam chính gốc 3 đời, thế mà vẫn bị băng nhóm khác vào cướp bãi, chém què mất 1 tay, ông ta mất mấy trăm cây vàng và đứa con rể lớn bị tàn tật vì sập hầm. Tình hình phức tạp đến mức CA huyện không thể trị nổi phải xin quân của tỉnh. Cả tiểu đoàn CSCD được điều vào càn quét liên tục trong mấy tháng ròng thì tình hình mới tạm yên. Sau trận ấy, ông ta bỏ “nghề” đem theo mấy chục cây vàng còn giữ được về đây mở quán cơm. Làm ăn cũng khấm khá. Ông ta bảo ông là số may mới được vậy, có mấy thằng bạn đi vô bãi cùng đợt chết mất xác trong đợt sập hầm chết mấy chục người. Ông ta rủ tôi vào trong nhà khoe mấy con Báo Gấm, Gấu Ngựa và Chồn được nhồi bông đứng ngồi “lổn nhổn” giương mắt xanh lét nhìn khách…..

 

Chuyện về đèo ĐĂKSONG (Còn gọi là ngã ba Rừng Lạnh)

Đèo ĐăkSong ở vị trí giữa huyện DakMil và huyện Dakrlap thuộc tỉnh DakLak trước đây, giờ nó là huyện DakSong tỉnh DakNong và là ngã ba nơi quốc lộ 14A gặp đường mòn Hồ Chí Minh (giờ gọi là QL 14C). Con đèo này không có gì đặc biệt lắm bởi nó chỉ dài cỡ 7 – 8 km và dốc cũng không lấy gì làm ghê gớm cả. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ, mới thấy con đèo này lắm huyền thoại, cả những chuyện chiến tranh bom đạn, chuyện chất độc màu da cam, chuyện các nữ anh hùng kháng chiến chống Mỹ đến chuyện tai nạn ma mồ, chuyện sương mù ảo ảnh, tiếng động hạ âm… Thôi thì đủ cả.

Từ thị trấn DakMil đi gần tới DakSong, cách khoảng 10km có một ngọn núi lửa đã tắt, giờ là một quả đồi tròn vo, giữa đỉnh đồi là cái miệng núi lửa, tắt bao nhiêu thế kỷ rồi không biết nhưng nó vẫn còn nguyên đó cái hũm rộng chừng 300m đường kính, sâu khoảng 30m cỏ mọc ngút ngàn…. Gần tới ngã ba DakSong, nơi quốc lộ 14A gặp quốc lộ 14C có một đồn biên phòng, tôi đã ở 3 ngày thăm đứa em đóng quân tại đây và được nghe mấy anh chỉ huy đi lính từ thời chống Mỹ, chống Khơ Me Đỏ rủ rỉ kể những câu chuyện thời đó bên bàn rượu cạnh bếp lửa đỏ hồng giữa đêm khuya mùa khô gió ào ạt thổi…

Những năm chiến tranh, khu vực này là khu vực chuyển vận lương thực đạn dược quan trọng cho chiến trường Miền Đông Nam Bộ và cho chiến khu R. Đường mòn HCM xuyên trong rừng già cách ngã ba DakSong chừng 30 km, sát biên giới Cambodia chứ không gặp QL 14 như bây giờ suốt ngày đêm từng đoàn quân giải phóng “âm thầm” luồn rừng hành quân về các mặt trận. Quân Mỹ cho máy bay B52 rải bom vào mùa mưa. Mùa khô thả chất độc da cam diệt cỏ và sau đó rải bom napan đốt cháy rừng, khu vực này có lúc “xơ xác” tiêu điều hoang vắng. Sức sống của rừng cộng với chất khoáng của đất đỏ Bazan khiến mầm sống lại tốt tươi chỉ sau vài năm ngừng chiến. Rừng lại xanh, cây cối rậm rạp, um tùm, chim muông thú rừng lại về, cho đến tận những năm hòa bình thì lác đác dân kinh tế mới từ Thái Bình, Nghệ Tĩnh vào đây xây dựng khai hoang…

Đèo DakSong cách đồn biên phòng chừng 3 km, có một con dốc nổi tiếng vì có nhiều giai thoại quanh nó, chuyện kể là trước đây có một tiểu đội nữ quân giải phóng Miền Nam giữ chốt khu vực này, sau đó bị B52 rải bom hy sinh hết. Những ngày trời sương mù, hoặc những đêm vắng trời trong xanh có trăng thì những chiếc xe vận tải đi qua đây rất hay gặp các “chị” hiện về. Lái xe thường nhìn thấy thấp thoáng trong ánh đèn pha là các chị đứng bên đường xõa tóc trêu đùa nhau, có hôm còn “nghịch ngợm” trèo hẳn lên bậc cửa cabin xe đu đưa, đu đưa….

 

Khu vực đèo DakSong rất nhiều sương mù, cung đường lại lắm cua gắt, tuy chỉ dốc thoai thoải nhưng tầm nhìn bị che chắn bởi cây cối. Hai đầu con đèo được phân định với khu vực khác là 2 khúc cua, dốc cũng tương đối cao, đường đi xẻ đôi ngọn đồi.

Giữa đèo có đoạn cua nổi tiếng bởi một vụ tai nạn kinh hoàng. Buổi chiều giữa mùa khô năm 1996, 2 chiếc xe khách loại 24 chỗ và 54 chỗ đấu đầu, “tử” tại trận hơn 40 mạng. Giờ chỗ đó thành cái dzớp, thi thoảng lại có vụ đâm nhau, hoặc đang chạy xe máy tự dưng ngã vật ra đường…

Có một chuyện giờ đây cũng chưa ai giải thích được, đó là ảo ảnh. Dân ở gần khu vực này kể rằng, trước đây rừng còn nhiều, mưa lớn, nhất là mưa kèm theo sấm sét, sau cơn mưa hơi nước bốc lên mù mịt, trong đám bụi mờ ngùn ngụt bay lên ấy, rất hay có những hình ảnh đám người đang đứng, thậm chí có hình ảnh cả một dãy phố. Còn dân lái xe đường dài tuyến quốc lộ 14 thì chuyền tai nhau câu chuyện kể, trong một đêm mưa sấm sét nổi đùng đùng, có ông lái xe tự nhiên thấy loằng ngoằng những vệt sáng xanh lét đằng trước mặt, rồi trong ánh chớp ấy, ông ta nhìn rõ hai bên đường là đoàn quân lính chiến, súng ống tua tủa đang hành quân….

Những câu chuyện đậm chất huyền hoặc ấy tôi được nghe trong một đêm mùa khô, từ những người lính biên phòng già, bên bếp lửa hồng rực than hoa có lùi những củ sắn thơm ngậy nhắm với rượu đế trong vắt cất từ ngô nếp, ngoài trời gió ào ạt thổi, cứ hun hút trên những tàng cây muồng hoa vàng trồng ken dày bên những lô cafe đang mùa nở hoa…..

Đèo DakSong lượn lờ qua mấy quả đồi thoai thoải, xanh ngắt màu lá cafe. Mùa khô được tưới nước, cây cafe đơm hoa nở bung một màu trắng thơm ngát, đứng trên đỉnh dốc phóng tầm mắt ra xa, thấy cả một vùng đất cao nguyên bao la toàn một màu hoa trắng, điểm xuyết những khu đất màu xanh của rừng còn sót lại, những hồ nước long lanh, thấp thoáng những ngôi nhà gỗ mái ngói đỏ nâu xậm…. Cảnh đẹp ta chỉ thấy duy nhất có ở vùng đất Cao nguyên mênh mang này….

 

Đèo ở Lâm Đồng

Lâm Đồng có nhiều đèo, em chửa đi hết, nhưng những con đèo đã đi qua, thấy chúng có điểm chung là : không quá dốc, không quá hiểm trở (Có con đèo từ Nha Trang lên, mới mở, thì phần hiểm trở, hùng vĩ nhất, lại nằm đâu ở địa phận Khánh Hoà, chứ lên đến địa phận Lâm Đồng, chả còn hiểm trở nữa – mà lần ấy leo ngược từ Nha Trang lên, đến cao độ 1000m là mưa tối trời tối đất, chỉ lo chạy xe, và ướt, lạnh nên cũng không ngắm đèo mấy)

Từ Sài Gòn chạy lên, có lẽ đèo Bảo Lộc là dài và quanh co, hiểm trở nhất. Đèo Mimosa em chưa leo, mới chỉ đổ xuống, mà lại trong lúc tối, nên chả biết gì mấy, còn đèo Pren, thấy nó cũng ngắn, cũng chả dốc và hiểm trở gì.(Em không ghét Đà lạt, nhưng cũng chẳng thích nó mấy – Ở SG đến năm thứ 11 mới lần đầu tiên đi qua Đà Lạt, và đó là lần leo từ Nha Trang lên, nghỉ tí rồi đổ lối Mimosa về Bảo Lộc trong tối)
Sau này, có thêm … 2 lần nữa đến Đà Lạt (là kể cả lần vừa xong ), trên đường lên Đà Lạt, chợt thấy … thương con đèo Bảo Lộc. Nó không phải là con đèo không đẹp, không phải là không hùng vĩ, nó được rất nhiều người biết tới – vì nó nằm ngay con đường chính từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Nhưng dường như ít người nhớ đến nó, ảnh về nó cũng ít. Có thể, vì nó quá gần Sài Gòn, nên người ta ít dừng lại. Có thể vì có nó không hoang vắng, vì xe cộ chạy qua nó ngày đêm, cái ồn ào náo nhiệt, làm người ta dễ dàng lướt qua nó?Em qua đèo Bảo Lộc khá nhiều lần, mà giờ tìm một ấm ảnh đèo Bảo Lộc, không thấy!
Không kể cái dốc Chuối (mà cũng được gọi là đèo), thì đèo Bảo Lộc cũng khá khác với mấy con đèo quanh Đà Lạt : Nó ồn ào, bụi bặm và … it,rất ít hoa.
Điểm chung của đèo Pren và đèo Dran là không quá dốc, không hiểm trở, nhưng … nhiều hoa.Hoa trên vách núi, hoa trên vạt đồi, và thậm chí hoa hai bên vệ đường.
Khi em lên gần tới Đà Lạt, trời bắt đầu đổ mưa, mưa to, nên dù có ý chụp, nhưng chả chụp được ảnh đèo Pren – một phần vì … chưa gì đã hết đèo
Lần này ban đầu cũng không có ý vào Đà Lạt, sau vì muốn chạy đèo Dran nên mới qua,vì thế, cũng chỉ ghé qua Phố Hoa để ngồi nhâm nhi cafe trong chốc lát, rồi … đi.
Em chả biết tí đường Đà lạt nào, có được thổ địa dắt tới con đường vào đèo Dran, y bảo : “cứ thẳng đường này mà đi, nó cong thế nào, đi theo thế ấy, chắc chắn sẽ tới thị trấn Dran, đến được đó, chắc chắn sẽ đến được đèo Ngoạn Mục”, nói xong, y bái bai và quay lại.
bản thân đường sá ở Đà lạt đã lên dốc xuống dốc liên miên, nên em cứ đi mãi, cũng thấy vòng vèo tí, lên dốc xuống dốc tí, nhưng … chả biết đèo Dran là bắt đầu từ đâu.
Qua Trại Mát, đường mới bắt đầu văng vắng, hai bên là rừng thông vi vút, hoa Dã Quỳ nở vàng hai bên đường. Đến chỗ này, trông cũng ra dáng một con đèo :

Từ trên nhìn xuống, sau một khúc ngoặt, con đường đèo hiện ra ở dưới, lấp ló sau rừng thông

và ôm ngược lại một vòng

Nhưng thực ra, chỉ có chỗ ngoặt đầu tiên (Phía bên trái của bức ảnh đầu tiên) là vừa ngoặt, vừa dốc, còn đên bức ảnh thứ hai, dường chỉ cong, chứ không dốc. Đến khúc này, khi ra khỏi khu dân cư, hoa … bắt đầu nhiều

Hoa Dã Quỳ nở vàng bên sườn đồi (chắc là đồi).

Đường loáng nước mưa (chính là cái thứ mưa to không ra to, nhỏ không ra nhỏ, mặc áo mưa thì vướng víu khó chịu, không mặc thì … ướt)

Chỗ này là qua Cầu Đất, cũng có dân cư sinh sống, đường đèo không hoang vắng, thậm chí, có đoạn nó không dốc lắm, giống như một con đường làng. Chỗ mày, có-cái-gì-đó mờ đục bắt đầu tràn tới :

 

Dừng lại chụp một bờ rào đầy hoa, thấy khoảng trống phía sau mờ mịt

Tiện tay bụp thêm phát, này khì mờ ảo sương khói

Nhưng chưa kịp quay đi, thấy gió thổi ào phát… ướt mặt, và trời lại trong, đủ để thấy cảnh vật rất rõ ở chỗ lúc nãy mờ mịt – thì ra là một đoạn đèo phía dưới.
Lúc này, nghi cái-gì-đó-mờ-đục lúc nãy là mây chứ không phải sương. Nghi ngờ ấy càng có vẻ chắc, vì chụp xong phát ấy, thấy trời trong trẻo, lộ ra mấy giàn hoa tím bên cổng mấy căn nhà nằm lặng lẽ hai bên đường vắng :

Mây bị tạt đi, cảnh vật trở nên trong sáng, và … hoa hiện ra

Nhưng vừa cất máy, đi được chục met, vẫn khung cảnh ấy, chợt thấy cái-bọn-trắng-đục ấy tiếp tục kéo tới ầm ầm với tốc độ của … gió.May mà lớ ngớ lại chộp được một bờ rào hoa đủ sắc nữa.

Qua chỗ đó, đổ qua khúc cua trong hình trên, chạy thêm một đoạn không xa, là tới thị trấn Dran, chạy thêm một chút nữa là tới địa phận Ninh Thuận, vào đèo Ngoạn Mục.

 

Đèo Ô Quy Hồ 10/2011. Trên đỉnh mây mù .

 

 

Đèo Khánh Lê vì ở xã Khánh Lê , còn gọi là Khánh Vĩnh vì ở huyện Khánh Vĩnh . Gọi là Hòn Giao vì ở núi Hòn Giao . Nhưng tên chính xác của nó là đèo Ô Mê Ga .

 

 

Đèo Nậm Cắn ở Kỳ Sơn – Nghệ An , sát tỉnh Xiêng Khoảng (Lào).

 

(Theo Phuot)

 

 

 

“Bí mật” nhà thờ Đức Bà

Nhà thờ Đức Bà (còn gọi là nhà thờ lớn, Vương cung thánh đường, nhà thờ chính tòa) Sài Gòn đồ sộ, đẹp, đứng sừng sững ở trung tâm thành phố luôn thu hút nhiều người lui tới.

Thế nhưng qua 124 năm tồn tại, mấy ai đã biết gì về nhà thờ này. Sau khi được phép của linh mục chánh sở Huỳnh Công Minh, PV báo TT đã được linh mục phụ tá Vương Sĩ Tuấn hướng dẫn vào nhà thờ…

Trăm năm, gạch ngói không phai màu

Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ nhà thờ từ mái đến tường là một màu đỏ gạch nung. Đặc điểm của loại gạch và ngói xây dựng nhà thờ là giữ nguyên màu từ ngày xây dựng đến nay và không hề đóng rêu mốc.

Theo quan sát của chúng tôi, một số ngói vỡ trong nhà thờ có in hàng chữ Guichard Carvin, Marseille St André France (nơi sản xuất loại ngói này?), mảnh ngói khác lại có hàng chữ Wang – Tai Saigon. Có thể đây là mảnh ngói được sản xuất sau tại Sài Gòn dùng để thay thế những mảnh ngói vỡ trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, thời gian mà theo linh mục Vương Sĩ Tuấn, có nhiều cửa kính của nhà thờ bị vỡ.

Bên trong nhà thờ khá rộng, có sức chứa 1.200 người, với hai hàng cột chính hình chữ nhật mỗi bên sáu chiếc (tổng cộng 12 chiếc) tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang có khá nhiều khoang có những bàn thờ nhỏ (hơn 20 bàn thờ) với các bệ thờ và tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng khá tinh xảo.

Trên tường được trang trí nổi bật là 56 cửa kính mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ mắt bò bằng kính nhiều màu ghép lại với những hình ảnh rất đẹp. Rất tiếc trong số cửa kính này hiện chỉ còn hai cửa là nguyên vẹn như xưa…

Đàn cổ nhất nhì trong nước (?)

Đứng từ bàn thờ chính của nhà thờ nhìn về phần trên cao phía cửa chính, chúng ta sẽ thấy một bức tường gỗ lớn. Đó là nơi được gọi là “gác đàn” và bức tường gỗ ấy chính là cây đàn organ ống, một trong hai cây đàn cổ nhất nước hiện nay, theo linh mục Vương Sĩ Tuấn. Đàn này được các chuyên gia nước ngoài làm bằng tay thiết kế riêng, để khi đàn âm thanh đủ cho cả nhà thờ nghe, không nhỏ mà cũng không ồn.

Ước lượng phần thân đàn cao 3m, ngang chừng 4m, dài khoảng 2m, chứa những ống hơi bằng nhôm đường kính khoảng một tấc. Phần điều khiển đàn nằm riêng nối với thân đàn bằng những trục, có những phím đàn như đàn organ bình thường hiện nay dùng tay gõ và những phím to đặt dưới sàn nhà (dài chừng 3m, ngang khoảng 1m) để người điều khiển đàn đạp lên khi dùng nốt trầm.

Bên trong đàn được thiết kế tương tự đàn piano nhưng phức tạp hơn nhiều. Đàn còn có những thanh gõ lớn để đập vào phần dưới các ống hơi phát ra âm thanh, tương tự kiểu đánh đàn k’lông pút của Tây nguyên. Theo ông Nam Hải, người phụ trách phần nhạc của nhà thờ, để đánh được cây đàn này người đánh phải học riêng vì không có trường lớp nào dạy.

Điều đáng tiếc là cây đàn này đã hoàn toàn hỏng do thiếu bảo quản (bị mối ăn phần gỗ bàn phím điều khiển bằng tay). Hiện nhà thờ còn có một cây đàn tương tự nhưng nhỏ hơn rất nhiều, trị giá khoảng 70.000 USD, còn khá mới, do một cựu lãnh sự Pháp tại TP.HCM “gửi”.

Máy đồng hồ với đồng hồ nhỏ theo dõi
Chiếc đồng hồ khổng lồ .

Hai bên hông gác đàn là một khoảng trống, đó là gác chuông. Từ khoảng trống này nhìn thẳng lên mái tháp chuông – hơn 26m, cao hun hút và chỉ có độc một chiếc cầu thang hẹp chừng bốn tấc bề ngang.

Khoảng giữa cầu thang nhỏ ấy ở độ cao chừng 15m, chúng tôi thấy một khung cửa tò vò nhỏ bằng lưới. Chui vào cánh cửa ấy với khá nhiều bụi bặm và phân dơi, phần chủ yếu của chiếc đồng hồ nhà thờ Đức Bà hiện ra. Bộ máy đồng hồ to như một chiếc tủ chứa quần áo loại lớn, cao khoảng 2,5m, dài khoảng 3m và ngang độ hơn 1m.

Để điều chỉnh đồng hồ, phía sau máy có một chiếc đồng hồ to cỡ đồng hồ reo trong gia đình. Chỉ cần theo dõi chiếc đồng hồ con này, có thể biết đồng hồ lớn chạy chậm, nhanh, đúng hay sai giờ. Theo anh Phan Vĩnh Du, người chịu trách nhiệm đánh chuông và bảo trì đồng hồ, mỗi tuần lên giây đồng hồ một lần và chiếc cần để lên giây đồng hồ giống như tay quay máy xe.

Những quả chuông đúc từ năm 1879
Gần 30 tấn… chuông

Trên gác chuông, cao 36,6m kể từ mặt đất, rất tối và sàn được lót sơ sài bằng những miếng gỗ nhỏ cách khoảng, nhìn xuống thấy sâu hút rợn người. Gác chuông bên phải (phía bên Trường Hòa Bình) có hai chuông mang tên nốt nhạc là la và do. Gác chuông bên trái có bốn quả chuông sol, si, mi và re.

Ba quả chuông to nhất là sol nặng 8.745kg, si nặng 3.150kg và quả re nặng 2.194kg. Tổng cộng sức nặng của các quả chuông, theo linh mục Vương Sĩ Tuấn, là gần 30 tấn, tất cả đều được đúc ở Pháp vào năm 1879. Đặc điểm của chuông nhà thờ là có âm sắc riêng không thể lẫn vào đâu, vì vậy theo anh Nam Hải, không có bậc fa.

Khi xây nhà thờ, gác chuông không có mái. Năm 1885, kiến trúc sư Gardes đã thêm mái chóp vào để che gác chuông với tổng chiều cao tính từ đất là 57m. Những chiếc chuông của nhà thờ được điều khiển bằng điện từ bên dưới. Song riêng ba chiếc chuông lớn trước khi đánh đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng) cho lắc trước khi bật rờle điện. Khi đổ cùng lúc sáu chuông, tiếng chuông vang xa trong phạm vi chừng 10km.

Từ lâu khá nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đã vào đây. Linh mục Vương Sĩ Tuấn cho biết năm 2005 là năm kỷ niệm 125 năm thành lập nhà thờ và cũng để ủng hộ ngành du lịch thành phố, nhà thờ sẽ thành lập một đội hướng dẫn viên tình nguyện biết nhiều thứ tiếng để hướng dẫn khách tham quan. Có thể việc này sẽ giúp nhiều người trong và ngoài nước hiểu biết thêm về nhà thờ Đức Bà và chúng ta có thêm một điểm tham quan thú vị nằm ngay trung tâm thành phố.

– Dài 91m, rộng 35,5m và vòm mái chính cao 21m, hai tháp chuông cao 57m, tường nhà thờ Đức Bà được xây bằng gạch và cột bằng đá tảng theo đồ án của kiến trúc sư J.Bourard, một chuyên gia về các công trình kiến trúc tôn giáo.

Khởi công từ 7-10-1877 đến 11-4-1880 thì hoàn thành, nhà thờ còn là một nơi yên nghỉ của nhiều giám mục và linh mục của giáo phận, trong đó có giám mục Isidore Colombert – người đặt viên đá đầu tiên và làm lễ khánh thành nhà thờ, mất năm 1894.

– Nhà thờ Đức Bà hoàn toàn không có chỗ cho nến (đèn cầy). Toàn bộ đèn – có mặt ngay từ khi xây dựng xong – đều dùng điện.

Phố Tây!

Mỗi ngày đón tiếp hàng trăm lượt khách đến từ khắp nơi trên thế giới, con phố nhỏ chạy dọc theo đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám (quận 1, TPHCM) thật xứng đáng với biệt danh “phố Tây”. Ở phố Tây, tất nhiên, mọi loại hình dịch vụ du lịch từ A tới Z đều nhắm đến những “thượng đế” người nước ngoài.

Phố Tây được hình thành từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước và phát triển dần theo đà tăng trưởng của du khách nước ngoài đến Sài Gòn. “Ăn theo” ba khách sạn lớn ở khu này là Liberty 3, Liberty 4 và Viễn Đông và nhiều hộ dân đứng ra kinh doanh du lịch. Ban đầu là những nhà nghỉ bình dân phục vụ “Tây ba lô”, sau đó là phòng trọ, khách sạn mini liên tiếp mọc lên, các loại hình dịch vụ du lịch khác cũng lần lượt xuất hiện đáp ứng nhu cầu của du khách. Theo số liệu của Sở Du lịch thành phố, hiện tại phố Tây có khoảng 460 cơ sở kinh doanh các ngành nghề liên quan đến du lịch, tập trung ở đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Đề Thám và những con hẻm dọc ngang. Nhiều nhất ở phố Tây là loại hình dịch vụ lưu trú với gần 250 nhà nghỉ, khách sạn, phòng cho thuê.

Tuy nhắm đến đối tượng là khách du lịch người nước ngoài nhưng giá cả phòng ốc ở phố Tây rất bình dân và đa dạng. Giá trung bình từ 8 – 10 USD/phòng/ngày (khoảng 120.000-150.000 đồng) với đầy đủ tiện nghi như máy lạnh, máy nước nóng, truyền hình cáp… thậm chí có nhà nghỉ giá chỉ 4 – 5 USD/phòng/ngày. Giá cả bình dân, đó là lý do chính khiến phố Tây trở thành điểm dừng chân của phần đông khách du lịch nước ngoài khi đến Sài Gòn.

Nét đặc sắc nhất ở phố Tây là sự đa dạng của các loại hình dịch vụ du lịch. Sự nhạy bén trong kinh doanh của những người làm du lịch ở phố Tây góp phần đáp ứng mọi nhu cầu của du khách. Du khách muốn ăn, các nhà hàng, quán ăn ở phố Tây cung cấp đủ cả các món “từ Tây sang Tàu”. Du khách muốn đi chơi, mỗi ngày, mỗi giờ đều có tour đi đến các địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước do hàng chục công ty du lịch đang hoạt động ở nơi đây tổ chức. Du khách muốn nghỉ ngơi, thư giãn có thể ghé vào một quán bar, một điểm masagge. Muốn mua đồ lưu niệm, mua vé máy bay, đổi tiền, gọi điện về nước, thuê xe đi dạo, giặt ủi… phố Tây sẵn sàng phục vụ. Đội ngũ những người phục vụ du lịch ở phố Tây ngày càng được nâng cao về trình độ ngoại ngữ. Tiếng “bồi” chỉ còn tồn tại trong giới hàng rong, xe ôm.

Khách đến phố Tây bây giờ không chỉ là “Tây ba lô” như ngày trước mà ngày càng có nhiều du khách quốc tế chọn phố Tây như một điểm đến thân thiện… Nữ du khách người Anh Elizabeth Susan cho biết: “Tôi được những người bạn từng sang Việt Nam giới thiệu, lần này có dịp tới Sài Gòn, tôi đến đây thuê phòng. Đối với tôi, nơi này như một thế giới thu nhỏ vì không chỉ gặp gỡ người Việt, tôi còn có thể gặp nhiều bạn bè đến từ các quốc gia khác”. Còn John, người bạn trai đi cùng Susan, cho biết người Việt rất hiếu khách, thân thiện và đặc biệt là giá cả sinh hoạt ở đây rẻ nhất so với những nơi mà anh từng đến.

Là nơi dừng chân của hàng trăm ngàn du khách nước ngoài mỗi năm, rõ ràng phố Tây có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch của thành phố. Điều đáng buồn là nơi này vẫn còn tồn tại nhiều tệ nạn xã hội như mại dâm, cò kéo, móc túi, giựt dọc… làm ảnh hưởng đến an ninh du lịch và hình ảnh Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế.

NGUYỄN CÙ

10 Địa Danh Thần Bí Trên Trái Đất – Bí Ẩn Nền Văn Minh Đã Mất

Nhiều chuyên gia nổi tiếng cho rằng những khu vực bí ẩn trên khắp thế giới được tạo nên nhờ vào những nền văn minh sở hữu kiến thức và công nghệ tiên tiến đã bị thất lạc.

Stonehenge ( Du Lịch Anh )


Ảnh : Stonehenge Du lich Chau Au .

Đây là một trong những công trình nổi tiếng ở du lich Chau Au nằm tại khu vực Wiltshire, Anh. Stonehenge là một tượng đài được hình thành bởi nhiều tảng đá lớn xếp hình vòng tròn khổng lồ. Nhiều người cho rằng công trình này được xây dựng từ năm 2500 Trước Công Nguyên nhưng đã được khôi phục và sửa sang lại trong suốt hơn 1400 năm. Mặc dù có rất nhiều suy đoán, nhưng không ai biết mục đích chính của di tích thời tiền sử này là gì và nó vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của nhân loại.

Kim tự tháp Giza và nhân sư Sphinx ( Du Lich Ai Cap )

Kim tự tháp được sử dụng để chôn cất vua chúa, nhưng cấu trúc, ngày giờ xây dựng, và biểu tượng kim tự tháp ở Giza vẫn hoàn toàn là một dấu hỏi lớn. Chính sự bí ẩn càng làm tăng phần thu hút cho kì quan cổ đại này, nhiều người thời nay vẫn xem Giza như một nơi thần thánh.

Thành phố dưới nước ( Du lich Nhat Ban )

Nằm ở bờ biển phía Nam của Yonaguni, du lich Nhat Ban, tàn tích ngập dưới nước này được ước tính khoảng 8.000 năm tuổi. Mặc dù, một số người tin rằng nó được hình thành bởi hiện tượng địa lý nhưng cho tới nay người ta xác nhận nó là sản phẩm nhân tạo bởi nghệ thuật khắc trổ phức tạp. Nó được phát hiện vào năm 1995 bởi một thợ lặn thể thao bị lạc khỏi bờ biển Okinawa với một máy quay phim trong tay.

Đảo Phục sinh (Chile)

Đảo Phục sinh, hay còn được biết dưới cái tên Rapa Nui hoặc Isla de Pascua, là một hòn đảo của người Polynesia nằm ở phía Đông Nam Thái Bình Dương. Nơi đây nổi tiếng với những bức tượng dị thường được tạo ra bởi người Rapanui. Các bức tượng này, còn được gọi là Moai, là một phần trong tục thờ cúng tổ tiên của người dân của đảo này và chúng được chạm khắc từ khoảng năm 1250-1500 thời Trung Cổ. Moai nặng nhất đã bị xói mòn có trọng lượng 86 tấn, thể hiện chiến công lẫy lừng đối với người Rapanui vì họ có thể tạo ra và di chuyển được những bức tượng này. Gần một sửa số Moai còn lại vẫn ở Rano Raraku, mỏ Moai chính, nhưng hàng trăm tượng còn lại đã bị chuyển đến những bục đá quanh vành đai của đảo.

Chichen Itza (Mexico)

Chichen Itza là địa điểm khảo cổ của một thành phố cổ xưa do người Maya xây dựng. Nơi đây chứa đựng vô số những phong cách kiến trúc đa dạng như El Castillo (đền thờ của Kukulkan) và đền thờ của Warriors. Chichen Itza là một thành phố rộng lớn, được xây bởi một bộ tộc Maya là Itzaes trong thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên và phát triển như một thủ đô trong khu vực chính cho tới thế kỷ thứ 12. Nguồn gốc thực sự của người Itza vẫn còn bí ẩn.

Baalbeck (Li-băng)

Baalbeck là một thành phố ở phía Đông Li-băng. Năm 331 trước Công Nguyên, khi Hi Lạp đến xâm chiếm, Baalbeck mới chỉ là một thị trấn phồn vinh. Lebanon đã trở thành thuộc địa của người Rome dưới Đế chế Augustus từ năm 16 trước Công Nguyên. Trong suốt ba thập kỉ sau đó, người Rome đã xây dựng một quần thể tượng đài gồm 3 ngôi đền, 3 sân vườn, và một bức tường rào quanh được dựng từ những tảng đá vĩ đại nhất do con người tự tạo. Một số du khách tin rằng công trình này chỉ có thể là kiệt tác từ ngoài hành tinh. Tại cổng vào phía Nam của Baalbeck là một quần thể khác, ở đây những tảng đá trong đền đều bị cắt gọt. Một khối đá khổng lồ, được xem như tảng đá lớn nhất bị “mổ xẻ”, hiện vẫn nằm nguyên vị trí từ cách đây 2000 năm trước. Nó còn có tên gọi là “Đá phụ nữ mang thai”, kích thước là 21,5m x 4,8m, x 4,2m và nặng khoảng 1.000 tấn.

Machu Picchu (Peru)

Machu Picchu là thành phố được bảo tồn nguyên vẹn nhất từ Đế chế Inca, nằm trên một quả núi có chóp nhọn ở độ cao 2.430m, thuộc Thung lũng Urubamba tại Peru, cách khoảng 70 km về phía tây bắc Cusco. Từng bị thế giới lãng quên trong suốt nhiều thế kỉ, Machu Picchu đã được tái khám phá bởi nhà khảo cổ học Mỹ Hiram Bingham vào năm 1911. Các tảng đá trong thành phố này được xếp rất khít nhau đến nỗi lưỡi dao cũng không thể lọt qua. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Machu Picchu được xây dựng từ năm 1450 thời Trung Cổ dành cho người thống trị Inca là Pachacuti.

Đường kẻ Nazca (Peru)

Một trong số những kiến trúc địa lý nổi tiếng nhất thế giới khác là các đường kẻ Nazca trên sa mạc Nazca ở Peru. Từ trên không nhìn xuống, có thể thấy rõ nhưng đường kẻ này tạo ra khoảng 300 hình thù khác nhau, có hình dáng của những con vật và con chim khổng lồ được khắc họa trên mặt cát sa mạc.

Tiahuanacu (Bolivia)

Tihuanacu (hay Tiwanaku) là một bí ẩn lớn cho khoa học bởi độ tuổi (được ước tính khoảng 17.000 tuổi) và công nghệ đá đặc biệt của nó. Người ta từng cho rằng Tiahuanaco là thánh điện để thờ cúng thánh thần và là điểm tập trung văn hóa, giúp lan truyền qua nhiều khu vực xung quanh. Người cổ đại đã xây dựng một kim tự tháp bằng đá được gọi là Akapana.

Những quả cầu đá bí ẩn của Costa Rica

Một trong những bí ẩn lạ lùng nhất trong khảo cổ học được phát hiện ở đồng bằng sông Diquis, Costa Rica. Từ những năm 1930, hàng trăm quả cầu bằng đá được tìm thấy có đường kính từ vài cm đến hơn 2m, một số có nặng tới 16 tấn.

Dạo Chơi Pattaya về đêm

Thành phố biển Pattaya xinh đẹp nằm bên bờ đông vịnh Thái Lan, cách thủ đô Bangkok 165km và ba giờ xe buýt… Cái tên Pattaya nổi tiếng là một địa danh Du lich Thai Lan hấp dẫn nhưng cũng gắn liền với khái niệm du lịch sex trên toàn thế giới.


Pattaya về đêm .Ảnh : Du lich Thai Lan.

Thành Phố Pattaya được chia làm ba khu, mỗi khu có một bến xe buýt khá lớn và luôn tấp nập hành khách. Naklua là khu phía bắc, yên tĩnh và ít ồn ào hơn cả, tuy nhiên bãi biển cạn và nhiều bùn. Bãi giữa là khu trung tâm, nơi thu hút đông khách du lịch nước ngoài nhất với hai con phố dài chạy dọc biển, hàng dừa cao vút bên bờ cát, quán xá, quầy bar đèn màu rực rỡ, tấp nập người qua lại, cuối khu là phố Walking Street, khu phố đi bộ đầy sắc màu và sôi động khi đêm về. Jomtien là khu phía nam nằm ở bên kia núi, với những quán ăn rất thơ mộng nằm sát bờ biển. Khách du lịch ngồi lẫn với người địa phương, uống bia và chuyện gẫu, ai trông cũng nhàn rỗi và thảnh thơi tận hưởng thứ không khí đầy sức sống của phố biển.

Việc đi du lich Pataya khá dễ dàng ,từ sân bay Suvarnabhumi, mỗi ngày có bốn chuyến xe buýt chạy thẳng xuống Pattaya – Chon Buri với giá 106 baht/khách .


phố Walking Street

Pattaya có rất nhiều nhà nghỉ và khách sạn từ bình dân đến sang trọng nằm trên hai con đường dọc biển của khu trung tâm và các phố nhỏ song song nối hai con đường lớn này. Giá phòng dao động trong khoảng 350-2.000 baht.


Quán bar hầu như xuất hiện các con phố

Guy club quán bar dành cho quý bà .

Thành phố du lịch Pataya nổi tiếng với nhiều quán bar ,vũ trường hầu như các quán bar đều liền nhau ,không khó để tìm những địa điểm như thế này .

Đến Pattaya du khách sẽ không thể không qua khám phá khu Alcazar show – nơi chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật của những cô gái chuyển giới vô cùng xinh đẹp và sexy giá vé xem biểu diễn là 500 baht hoặc 600 baht/khách tùy vị trí ngồi. Chương trình diễn ra trong 1giờ 30 phút và mang đầy màu sắc của các quốc gia châu Á, với những tiết mục múa lộng lẫy trong nền nhạc truyền thống của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Việt Nam.

Những du khách đến du lich đều bị hút hồn bởi vẻ đẹp của các cô gái chuyển giới .Trong show diễn hoàng tráng ,rực rỡ đầy màu sắc, phía dươi sân khâu tiếng vỗ tay liên tục vang lên và những ánh đèn flash không ngừng lóe sáng . Sau buổi biểu diễn, các nghệ sĩ ùa xuống sân để chụp ảnh lưu niệm với du khách. Họ rất thân thiện, hiếu khách và trên môi luôn nở nụ cười rạng rỡ. Bạn chỉ cần trả 40 baht là có thể lưu lại những bức hình vui vẻ và nhiều kỷ niệm về Alcazar show.


Xem Ảnh : Pattaya Thái Lan .

Dạo qua khu phố ở gần biển Pattaya đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh các cô gái ăn mặc gợi cảm chào mời . Ở Thái Lan những hoạt động như thế này được công khai , chính phủ cho phép khai thác và tạo điều kiện để phát triển các dịch vụ về sex như một đặc trưng riêng của vương quốc này. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch quốc tế đến với du lich Thai Lan.