Việt Nam 4 lần được bình chọn là “Điểm đến hàng đầu châu Á” – Khẳng định sức hút và đẳng cấp thương hiệu

Tối 7/9/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến hàng đầu châu Á” năm 2022. Đây cũng là lần thứ 4 Việt Nam đạt được danh hiệu này, trước đó là các năm 2018, 2019 và 2021.

Vịnh Hạ Long. Ảnh: TITC

Năm nay, Việt Nam đã xuất sắc vượt qua hàng loạt các quốc gia nổi tiếng trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Sri Lanka để tiếp tục dành được giải thưởng danh giá này.

Việc giành được giải thưởng Điểm đến hàng đầu châu Á lần thứ 4 trong vòng 5 năm gần đây đã cho thấy sức thu hút rất lớn của du lịch Việt Nam đối với du khách khắp nơi trên thế giới. Với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa độc đáo, đa dạng cùng với sự thân thiện mến khách của người Việt Nam, hình ảnh các điểm đến nổi tiếng như Hạ Long, Sapa, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh… liên tục được các hãng truyền thông lớn trên thế giới ca ngợi, được các chuyên trang uy tín về du lịch gợi ý cho du khách.

Trong những năm qua, công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá cũng đã được Tổng cục Du lịch cùng ngành du lịch Việt Nam tập trung đẩy mạnh với việc thường xuyên tham gia các chương trình sự kiện du lịch nổi bật của quốc tế, đặc biệt là đã tăng cường ứng dụng công nghệ, thúc đẩy truyền thông trên các nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới. Nhờ đó, hình ảnh du lịch Việt Nam thường xuyên được cập nhật, duy trì và củng cố trong tâm trí cộng đồng quốc tế. Hiện nay, toàn ngành đã tập trung triển khai chiến dịch truyền thông với chủ đề “Live Fully in Việt Nam” để thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam.

Mặc dù giai đoạn dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng Việt Nam vẫn nhận được sự tin tưởng, tôn vinh của bạn bè quốc tế nhờ vào sự kiên cường, ứng phó linh hoạt và khả năng phục hồi mạnh mẽ.

Thành công trong phòng chống dịch bệnh đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chính thức mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022. Các chính sách về thị thực, xuất nhập cảnh khôi phục như trước khi xảy ra dịch bệnh, thủ tục kiểm soát y tế được dỡ bỏ, vào hàng thông thoáng nhất trong khu vực và thế giới. Chính những yếu tố đó đã tạo nên sự tin cậy và yên mến của cộng đồng quốc tế đối với đất nước hình chữ S.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,4 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 58%/tháng. Thị trường nội địa phục vụ gần 80 triệu lượt khách, vượt xa so với mục tiêu cả năm 2022 (60 triệu lượt) và gần bằng con số cả năm 2019 (85 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch đạt 356 nghìn tỷ đồng, tương đương 80% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp đăng ký mới và lao động quay trở lại hoạt động, làm việc trong lĩnh vực du lịch tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến nhận được lượng tìm kiếm tăng cao nhất thế giới, từ 50%-75%. Du lịch Việt Nam thực sự là một trong những điểm sáng về phục hồi du lịch ở trong khu vực và thế giới.

Cùng với danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á 2022”, Việt Nam còn được tôn vinh là “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2022”. Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng xuất sắc đạt danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á 2022”. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, điểm đến, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hãng hàng không… của Việt Nam cũng đã được tôn vinh với những giải thưởng hàng đầu châu Á năm 2022.

Đây là cơ hội vàng để ngành du lịch Việt Nam tiếp tục quảng bá hình ảnh, thương hiệu ra thế giới và là động lực to lớn để du lịch tiếp tục tăng tốc quá trình phục hồi, nhất là thị trường khách du lịch quốc tế, khẳng định Việt Nam là ngôi sao sáng của ngành du lịch châu Á, là điểm đến hấp dẫn bậc nhất đối với du khách ở khắp nơi trên thế giới.

Trung tâm Thông tin du lịch

Khai mạc Hội chợ ITE HCMC 2022 – mở ra cơ hội phục hồi mạnh mẽ thị trường du lịch quốc tế

Sáng ngày 8/9, Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 16 – ITE HCMC 2022 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Sự kiện do UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức.

Các đồng chí lãnh đạo và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Hội chợ (Ảnh: TITC)

Lễ khai mạc có sự hiện diện của các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Phan Văn Mãi, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và đại diện Bộ Du lịch Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành địa phương trên cả nước; đại biểu đại diện các cơ quan quốc tế; các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam; các doanh nghiệp; người mua quốc tế; các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc Hội chợ (Ảnh: TITC)

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, cùng với sự phục hồi của du lịch thế giới, du lịch Việt Nam dù chỉ chính thức mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 nhưng đã có bước tăng trưởng ấn tượng với hơn 81 triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế trong 8 tháng năm 2022, trong đó khách du lịch nội địa là 79,8 triệu lượt, tăng 155,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 356.600 nghìn tỷ đồng, tăng 161,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong 8 tháng đầu năm 2022 đã đón 18,15 triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế, trong đó khách du lịch nội địa tăng 216% so với cùng kỳ năm 2021, tổng thu du lịch ước đạt 74.500 tỷ đồng, tăng 90,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, trong giai đoạn tăng tốc để phục hồi, Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 16 là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy thị trường khách quốc tế đến với Việt Nam, cũng như tăng trưởng dòng khách lưu chuyển giữa các nước, giữa các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, doanh nghiệp du lịch Tiểu vùng sông Mekong với doanh nghiệp các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng trong khu vực và trên thế giới.

(Ảnh: TITC)

Sau hai năm gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19 và sau bao mong đợi, Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh đã chính thức trở lại mạnh mẽ với chủ đề “Cùng vững bước, cùng đi lên”.

Hội chợ ITE HCMC là sự kiện du lịch quốc tế thường niên hàng đầu khu vực, là nơi gặp gỡ lý tưởng cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các điểm tham quan, vui chơi, giải trí và các đơn vị liên quan để quảng bá các sản phẩm, dịch vụ đến du khách trong nước và quốc tế; là cơ hội giao lưu, xúc tiến du lịch và mở rộng cơ hội kinh doanh cho các công ty trong và ngoài nước.

Các giải pháp công nghệ đã tạo nên nét khác biệt của ITE HCMC năm nay. Hội chợ được tổ chức theo hình thức sự kiện trực tiếp kết hợp với các sự kiện trực tuyến như: gian hàng trực tuyến 2D, hội chợ thực tế ảo 3D, lịch hẹn trực tuyến giữa Người mua quốc tế và Người bán.

Hội chợ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 8-10/9. Trong khuôn khổ hội chợ sẽ diễn ra các sự kiện quan trọng như: Diễn đàn du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”; hội thảo thúc đẩy thị trường khách du lịch triển vọng và tiềm năng của Việt Nam; hội thảo về chuyển đổi số trong ngành du lịch, chuỗi sự kiện về truyền thông điểm đến du lịch; các chương trình giới thiệu du lịch của các địa phương, điểm đến trong và ngoài nước…

Một số hình ảnh ngày khai mạc Hội chợ:

Các lãnh đạo và các đại biểu đi thăm các gian hàng tại Hội chợ (Ảnh: TITC)

(Ảnh: TITC)

Hội chợ thu hút đông người tham quan, du khách quốc tế (Ảnh: TITC)

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn gốc của Phở không phải Hà Nội, Nam Định mà là từ một người ‘không phải ai cũng biết’

Kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã có nhiều tranh cãi về nguồn gốc ra đời của Phở. Tuy vẫn còn bất đồng về nơi xuất xứ thực sự hay thời điểm ra đời nhưng hầu hết cùng chung quan điểm là Phở được khai sinh trong thời Pháp thuộc, ở giai đoạn người Pháp bắt đầu đẩy mạnh khai thác thuộc địa ở Việt Nam. Theo lời kể của ông Võ Văn Côn – Nguyên là Chef Bếp Việt của Vua Bảo Đại, có một giai thoại khá thú vị về nguồn gốc của món Phở.

Trong Tự điển tiếng Việt – Bồ đào Nha – La tinh của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 không có từ “Phở”. Trong Tự điển Huỳnh Tịnh Của (biên soạn năm 1895) và Tự điển Genibrel (biên soạn 1898) cũng không có từ Phở. Danh từ Phở được chính thức ấn hành lần đầu trong cuốn Việt Nam tự điển (1930) do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo và giảng nghĩa: “Món ăn nấu bằng bánh bột gạo thái nhỏ với nước dùng bằng thịt bò hầm”.

Nhà Văn Nguyễn Công Hoan từng viết: “Năm 1913… tôi trọ số 8 Hàng Hài… thỉnh thoảng, được ăn phở (hàng Phở gánh rong). Mỗi bát 2 xu (có bát 3 xu, 5 xu)”. Phở rong bắt đầu thịnh hành nên bị chính quyền đánh thuế: “… Họ phải mua hai hào tem thuế mỗi ngày. Như vậy có thể xem Phở xuất hiện khoảng giữa những năm 1900 đến 1913”.

nguồn gốc của PhởMột gánh phở ở Hà Nội đầu thế kỷ 20 – Ảnh tư liệu. Ảnh: docbaohangngay

Người Việt ngày xưa 99% là nông dân, họ coi bò là loài gia súc thân thương và hữu ích (sức kéo) nên không ăn thịt bò! Vì thế nói quê hương phở bò ở Nam Định là không hợp lý.

Chuyện là:

Năm 1910, nhiều thanh niên Việt Nam cả miền Bắc lẫn miền Nam đi lính cho Pháp. Họ phải sang mẫu quốc để phục vụ một thời gian, trong số đó có một người từng làm phụ bếp cho Toàn quyền Sài Gòn tên Huỳnh. Đơn vị ông Huỳnh đóng quân ở Marseille và ông được giữ chức bếp trưởng của binh đoàn toàn lính người An Nam.

Sáng nào ông Huỳnh cũng ra lệnh đốt bếp lò thật sớm bằng cách hô to: “Feu! Feu!” có nghĩa là “Nổi lửa lên!” để nấu súp thịt bò cho binh sĩ ăn điểm tâm với bánh mì khô. Thấy binh sĩ người Việt bỏ ăn sáng hơi nhiều, ông Huỳnh bèn nghĩ ra một món mới, hy vọng anh em binh sĩ An Nam sẽ cảm thấy dễ nuốt hơn.

Sau khi được các “Sếp Tây ” cho phép, ông bèn lấy nước súp bò của Tây… cho hầm chung với quế, hồi, gừng. Riêng “ánh tài phảnh” mua của người Tàu bán ở Khu Chinois rồi ông Huỳnh nêm thêm nước mắm vào súp cùng với hành, ngò rí, hành tây… cho hợp khẩu vị Việt Nam.

Tuyệt vời thay, ở xứ lạ quê người, buổi sáng trời lạnh như cắt da, mà lại được ăn một bát súp nóng hổi ngào ngạt đậm mùi quê hương thay vì ăn bánh mì Tây quá ư nhạt nhẽo!

nguồn gốc của Phở Bát Phở nóng hổi ngào ngạt đậm mùi quê hương thay vì ăn bánh mì Tây quá ư nhạt nhẽo. Ảnh: docbaohangngay

Binh sĩ An Nam ủng hộ Chef Huỳnh hết mình. Nấu bao nhiêu cũng hết! Các sĩ quan Pháp thấy vậy đòi ăn thử, ai cũng tấm tắc khen ngon rồi thắc mắc: “Tên món này là món gì mà sáng nào Monsieur Huỳnh cũng ra lệnh Feu Feu vậy?”

Không chần chừ ông Huỳnh trả lời: Thưa Sếp, tên nó là Phở (Feu) đấy!

Phở ra đời năm ấy – năm 1910, được Tây lẫn Ta yêu thích và chết tên “Feu” từ đó. Khi muốn ăn, sĩ quan Tây chỉ cần nói “Feu Feu” là có tô phở bò hầm kiểu An Nam nóng hổi khói bốc nghi ngút theo gió thơm lừng cả doanh trại.

Nhiều binh lính An Nam nhà ở Hà Nội sau khi giải ngũ về đã lấy Phở gánh với tiếng rao: Feu….ớ… làm kế sinh nhai, thực khách là lính Tây và kiều dân Pháp. Dân Hà Nội cũng ăn thử và “mê tít” món “Feu” (Phở) từ đó!

nguồn gốc của PhởTranh “Gánh phở rong ở Hà Nội” của Maurice Salge (1913) Ảnh: docbaohangngay

Ở Đà Lạt năm 1930 có phở Gare xe lửa là tiệm Phở Bò đầu tiên do con ông Huỳnh làm chủ. Chữ Tô Xe lửa (Tô lớn) từ đây mà ra. Phở Gare Dalat sau 1960 dời vế Phú Nhuận (Sài Gòn) lấy tên là Phở Bắc Huỳnh.

Ở Sài Gòn trước năm 1940 có tiệm Phở Turc là tiệm Phở đầu tiên. Chủ tiệm cũng là dân đi lính Tây giải ngũ về, ông này nói tiếng Pháp giỏi nên có nhiều khách Tây đến ăn.

Ngày nay, món Phở đã theo chân người Việt đến khắp nơi trên thế giới và trở thành món ăn “thương hiệu” của Việt Nam. Dù nguồn gốc của món ăn còn gây nhiều tranh cãi nhưng những giai thoại về Phở vẫn rất đáng để tham khảo.

Ngoài ra, cũng có thể xem Phở là một trong những ví dụ đặc trưng cho khái niệm Bricolage (lai ghép) mà các nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực dùng để chỉ món ăn thiên hướng lai ghép (kết hợp, biến tấu từ nhiều nguồn thức ăn ngoại lai) hơn là tự thân sáng tạo.

Theo du lich viet nam

Hướng dẫn viên du lịch khó khăn do COVID-19 được hỗ trợ thế nào?

Ông Phạm Tấn Tài là hướng dẫn viên du lịch quốc tế, được cấp thẻ hành nghề tại tỉnh An Giang, đề nghị cơ quan chức năng giải đáp về thủ tục cũng như quy trình hỗ trợ hướng dẫn thất nghiệp do dịch COVID-19.

Về vấn đề này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang trả lời như sau:

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người lao động đang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên cả nước, ngày 1/7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID–19.

Theo đó, tại Điểm 9 Mục II Nghị quyết có quy định: “Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021”.

Điểm 3 Mục III Nghị quyết cũng có quy định: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hướng dẫn tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ theo quy định tại điểm 9 Mục II Nghị quyết này”.

Hiện nay, việc thực hiện Điểm 9 Mục II Nghị quyết 68/NQ-CP đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự thảo hướng dẫn thực hiện, khi dự thảo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nhanh chóng triển khai đến hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên địa bàn tỉnh được biết.

TỔNG CỤC DU LỊCH GIẢI THÍCH VỀ HỒ SƠ TRỢ CẤP CỦA HƯỚNG DẪN VIÊN

– Trước tác động của dịch COVID-19 tới ngành Du lịch, nguồn nhân lực du lịch, trong đó có đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2021. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc đã trao đổi cùng với phóng viên Tạp chí Du lịch về chính sách hỗ trợ cho HDV du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch mới được ban hành gần đây.Tóm tắt các nội dung chính:Thẻ HDV du lịch và 1 trong 2 điều kiện: Có hợp đồng lao động hoặc là thẻ hội viên

1. Thẻ HDV du lịch cấp trước hay sau ngày 7/7 đều được, miễn là tại lúc nộp hồ sơ còn hiệu lực

2. Thẻ hội viên: cấp trước hay sau ngày 7/7 đều được, miễn là tại lúc nộp hồ sơ còn giá trị

3. Hơp đồng lao động:- Đủ 10 nội dung theo điều 21 Luật Lao động 2019 nếu HĐLĐ ký sau ngày 1/1/2021 hoặc theo điều Điều 23 Luật Lao động 2012 nếu HĐLĐ ký trước 1/1/2021 (10 nội dung này như nhau).- Nhiệm vụ công việc có nội dung là hướng dẫn du lịch/hướng dẫn viên du lịch.

– Có thể ký trước ngày 1/1/2020

– Có hiệu lực sử dụng 1 giai đoạn nào đó cũng được trong khoảng thời gian từ 1/1/2020 đến hạn chót nộp hồ sơ là 31/1/2022, không cần liên tục kéo dài từ 1/1/2020 đến lúc nộp hồ sơ. Tại thời điểm nộp hồ sơ có thể hợp đồng lao động này hết hạn cũng chấp nhận.

– Phải ký với doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa/quốc tế

Lưu ý :1. Hồ sơ không hợp lệ nếu trường hợp giám đốc là chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có thẻ HDV du lịch, tự hành nghề hướng dẫn du lịch cho khách du lịch nhưng không có hợp đồng lao động (không tự ký hợp đồng lao động với chính mình), không có thẻ hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch 2. Sở quản lý du lịch nào cấp thẻ cho HDV thì nhận hồ sơ của HDV đó, cho dù HDV đó hiện đang sinh sống tại địa phương khác hoặc có thẻ hội viên tại địa phương khác

Chuyện làng phượt: Gian nan thử thách tuổi xế chiều

Nhìn những bức ảnh phượt đẹp mê ly với thiên nhiên thơ mộng, kỳ vỹ, những nụ cười tươi mới trên môi, ít người biết rằng đằng sau nó là những chặng đường gian nan, không ít những hiểm nguy và cạm bẫy.

Có những cung đường mà ngay cả những tay phượt trẻ nhiều kinh nghiệm cũng phải ngả mũ cúi chào nói chi đến các cụ “phượt già” mắt kém, tay run. Thế nhưng một vài cú ngã đau, những trận ốm quay cuồng, những đợt huyết áp lên lên, xuống xuống cũng không đủ sức đánh bật bất cứ cụ “phượt già” nào ra khỏi cuộc chơi.
Già nhưng tinh thần phượt không bị… lão hoá

 

Chuyện làng phượt: Gian nan thử thách tuổi xế chiều

Họ xông xáo vào những con đường chưa được bê tông hóa với những: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”. Trời nắng thì bụi tung mù mịt, trời mưa thì ngập ngụa trong bùn. Nhưng dường như chính những khó khăn, thử thách đó đã mang một thứ khoái cảm chinh phục mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết giá trị của nó, nhất là với người không còn trẻ. 

Cảm giác về sự chiến thắng lại càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết khi họ thực sự cần một niềm tin vào sức mạnh của chính mình ở cái thời điểm mà người ta rất sợ phải thừa nhận bất cứ một sự giảm sút phong độ nào. Và để có được những trải nghiệm quý báu ấy, không ít cụ đã phải trả giá bằng một vài phen hút chết bởi cái thú thích phiêu lưu của mình.

 

Chuyện làng phượt: Gian nan thử thách tuổi xế chiều

Trong một chuyến phượt Tây Bắc, lên Mù Cang Chải ngắm ruộng bậc thang, săn mây Y Tý, đi chợ vùng cao uống rượu ngô ăn thắng cố, chẳng hiểu vì nhớ rượu Than Uyên hay vẫn còn hoa mắt bởi những váy xòe, váy hoa rực rỡ núi đồi của các thiếu nữ người Mông mà trên đường về, bác Thắng “thuộc”, một tay phượt 65 tuổi đã bị “xòe” một vố đau khi đổ đèo qua Ô Quy Hồ. Mặc dù cú ngã không quá nặng nề nhưng vì tuổi đã cao, gân cốt không được dẻo dai như các bạn trẻ nên ông bị gãy tay trái.

Đúng lúc đang nằm nhà dưỡng thương, cái tin bọn trẻ chuẩn bị phượt Cao Bằng, vi vu đèo Giàng, đèo Gió, ngắm thác Bản Dốc hùng vĩ, nguyên sơ khiến ông ngứa ngáy không yên. Ông chỉ muốn được giải thoát ngay khỏi mớ bông băng vướng víu để lên đường cùng chiếc Su 125 bất khả chiến bại. 

 

Chuyện làng phượt: Gian nan thử thách tuổi xế chiều

Không chấp nhận ngồi nhà nghe ngóng tin tức để rồi phải chịu cảnh thèm thuồng, ghen tị, ông đòi đi theo đoàn cho bằng được, mặc kệ hết người nọ ngăn cản đến người kia níu kéo. Cuối cùng, với một cánh tay vẫn còn bó bột và chỗ ngồi khá ổn trên chiếc sidecar của một thành viên trẻ trong đoàn, ông đã không bỏ lỡ chuyến đi mình hằng mong đợi. Đi đến đâu ông cũng khoe: “Nếu là ngày xưa, tôi sẵn sàng một tay lái con Su 125 lên Cao Bằng chứ ngán gì. Bây giờ có tuổi rồi, con cháu chúng nó phản đối quá nên mới phải làm “ôm” thế này chứ không phải tôi không dám solo đâu đấy nhé!”. 

Trên đường từ Quảng Bình về Hà Nội, đoạn qua biển Diễn Thành (Nghệ An), một bác phượt khác có biệt danh là Hoàng “CD” cũng bị một phen hút chết. Khi chiếc xe đang bon bon trên đường với vận tốc 60km/h bỗng đâm sầm vào barie phân làn khiến cả người và xe bị hất văng ra lề đường. Cả đoàn phượt đang tà tà bám theo sau chỉ còn biết nín thở giữ cho tim khỏi “văng” ra ngoài lồng ngực. Cánh phụ nữ sụt sịt bảo nhau: “Cụ ấy đi chuyến này là để mừng thọ 70 tuổi, vậy mà…” rồi òa khóc. Mọi người vừa gọi xe cấp cứu thì cụ tỉnh dậy, quay ngang quay ngửa tìm một điếu thuốc lào.

 

Chuyện làng phượt: Gian nan thử thách tuổi xế chiều

Trưởng đoàn lập tức hét lớn: “Thuốc lào! Anh em mau tìm ngay cái điếu về đây kẻo cụ không chết vì ngã mà sẽ chết vì thèm thuốc!”. 

Hai chục con người trong đoàn chạy tán loạn tìm chiếc điếu cày mà cụ vẫn giắt trong chiếc túi đôi vắt ngang xe. Nhưng chiếc điếu đã bị văng ra ngoài, lăn xuống cống và ngập 2/3 trong dòng nước đen xì, bốc mùi thum thủm. May sao, một thành viên trong đoàn đã kịp thời mượn được chiếc điếu khác ở quán bia bên đường.

Rít xong điếu thuốc, ngửa cổ thả khói lên trời kiêu hãnh như một đế vương, cụ cười khề khà: “Leo đồi thả dốc quen rồi, xuống đường thành phố đi êm quá cho nên tớ buồn ngủ, mắt nhắm mắt mở nhìn cái chắn đường tưởng cái cổng chào…”. Cả đoàn ôm bụng cười nghiêng ngả sau một vố thót tim. Không ai có thể tin được thành viên 70 tuổi của họ chỉ bị xây xước nhẹ sau cú ngã “ngoạn mục” như trong phim, trừ tổn thất nặng nề nhất là chiếc điếu cày và một vài hư hỏng nhỏ trên chiếc CD. Trước những lời tán tụng, cụ chỉ tủm tỉm: “Các bạn cứ thần tượng quá! Giòn nhưng không dễ vỡ thôi mà!”.

Đổ đèo, vượt suối, ăn núi, ngủ rừng

Là một người đã có nhiều năm tháng bôn ba đây đó với vô số những trải nghiệm quý báu trong cuộc sống nhưng “bô lão” phượt Tùng “ngất ngưởng” vẫn bị “bắt nạt” như thường khi đi cùng 20 chiến hữu khác trong một chuyến phượt sang nước bạn Lào. Trên đường trở về Việt Nam, khi đi qua cửa khẩu Na Mèo, Tùng “ngất ngưởng” bỗng dưng bị cơ quan an ninh tạm giữ vì phát hiện trên chiếc xe 3 càng của ông có ma túy.

Trong khi mọi người còn đang ngơ ngác nhìn nhau thì với bản lĩnh của một người đã có hơn 60 năm lăn lộn giữa cuộc đời, ông đã hiểu ngay ra vấn đề. Trước khi qua cửa khẩu, đoàn phượt của ông đã dừng chân nghỉ lại một quán giải khát gần biên giới. Đã quen với việc những chiếc xe kỳ quái của mình được chú ý cho nên trong khi đông đảo người dân xúm xít lại xem thì cả đoàn vẫn vô tư uống nước, chuyện trò. Lợi dụng sơ hở đó, một vài phần tử xấu đã lén dính những gói ma túy nhỏ xíu vào gầm chiếc sidecar của ông vì nghĩ rằng chiếc xe sẽ dễ dàng qua mắt lực lượng an ninh ở cửa khẩu.

Sau đó, họ sẽ bám theo đoàn qua biên giới, đợi đến khi đoàn xe dừng chân nghỉ giải lao thì gỡ những gói đó ra để lấy. Cũng may cho ông là bị bắt ở cửa khẩu Việt Nam nên bằng tài ứng biến nhanh nhạy, khả năng thuyết phục tuyệt vời cùng sự hỗ trợ của hàng chục loại giấy tờ “phòng thân” chưa kể đến hai chục gương mặt ngây thơ, vô tội đang trông đợi phía ngoài, sau gần nửa ngày làm việc với cơ quan chức năng, cuối cùng ông đã được minh oan. Nhiều tháng sau, ông vẫn còn bị ám ảnh bởi chuyện này nhưng tinh thần phượt trên từng cây số cao hơn tất cả đã lấn áp mọi nỗi sợ hãi nên ông lại lên đường theo tiếng gọi của những miền đất mới.

Luôn phải chiến đấu với căn bệnh hen suyễn kinh niên nhưng ông Hội “hen” với tinh thần của một người đàn ông U60 yêu Vespa đã không ngần ngại tham gia những chuyến phượt đường dài cung Tây Bắc cùng với chiếc xe yêu quý của mình. Với những chiếc Vespa đã quá nổi tiếng về vẻ đẹp tinh tế, lịch lãm cũng như thói đỏng đảnh “vừa đi vừa đẩy” của mình, các xe trong đoàn thay nhau hỏng hóc dưới trời mưa tầm tã.

Tốc độ của đoàn bị chậm lại quá nhiều so với kế hoạch vì đã 11h đêm mà đoàn vẫn đang loay hoay đánh vật với những chiếc xe chết máy trên đoạn đường đất nhoã nhoét sình lầy dẫn tới một bản nhỏ, nơi các phượt thủ có thể dừng chân xin nghỉ qua đêm. Có ai ngờ những chiếc Vespa “cành vàng lá ngọc” như vậy thế mà giờ đây xe nào xe nấy đều tắm trong bùn đen cùng phân trâu thối hoắc.

Theo DLG

2 mức ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 180/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật du lịch, trong đó sửa đổi quy định ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế.
Ảnh minh họa

Tại Nghị định  92/2007/NĐ-CP, ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế được quy định như sau: Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải ký quỹ theo đúng quy định; mức ký quỹ là 250 triệu đồng. Tiền ký quỹ được sử dụng để bồi thường cho khách du lịch trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng đối với khách du lịch; giải quyết các rủi ro đối với khách du lịch không phải mua bảo hiểm du lịch.

Còn tại Nghị định 180/2013/NĐ-CP, quy định trên đã được sửa đổi. Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải ký quỹ theo đúng  quy định. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp phải gửi vào tài khoản tại ngân hàng và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật.

Mức ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế cũng được sửa đổi. Thay vì chỉ quy định chung một mức là 250 triệu đồng thì Nghị định 180/2013/NĐ-CP quy định 2 mức ký quỹ. Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam thì mức ký quỹ là 250 triệu đồng. Còn doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài hoặc kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài thì phải ký quỹ 500 triệu đồng.

Tiền ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế được sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh lữ hành.

Có 3 trường hợp hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành cho doanh nghiệp: 1- Có thông báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc doanh nghiệp không được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; 2- Có quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của doanh nghiệp; 3- Có quyết định của cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư về việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc xoá ngành nghề kinh doanh lữ hành trong giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.

Hoàng Diên

 

Tham khao: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=170901

Sản vật tiến Vua ở Việt nam

1. Bánh Phu Thê

Là nơi phát tích của vương triều nhà Lý, Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) thường được gọi là đất vua. Đây cũng vùng đất của một đặc sản nổi tiếng, đã được đưa vào tận kinh đô Huế để tiến vua, đó là bánh phu thê.
Đúng như tên gọi của mình (phu thê nghĩa là vợ chồng), món bánh này không lẻ chiếc mà đi theo cặp. Phía sau những lớp là chuối, chiếc bánh hiện ra với lớp vỏ làm bằng bột nếp óng ánh màu vàng tươi. Nhân bánh là đỗ xanh giã nhuyễn, nhào đường, có thể cho thêm dừa.

2. Sâm cầm

Sâm cầm hồ Tây là món ăn nổi tiếng, đã đi vào câu ca dao “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây” của đất Thăng Long.
Quan niệm dân gian cho rằng loài chim này di trú từ phương Bắc về phương Nam, chúng đào ăn nhân sâm trên đỉnh các núi cao ở Trung Quốc, Hàn Quốc nên được gọi là sâm cầm. Đó là lý do thịt Sâm cầm được cho là một món ăn đại bổ. Đây cũng là một món ăn khoái khẩu của vua Tự Đức.
Tương truyền, làng Nghi Tàm bên hồ Tây được lệnh mỗi năm phải tiến vua 40-50 con chim Sâm cầm, nếu thiếu sẽ bị phạt nặng.

3. Cá Anh Vũ

Nếu Sâm cầm là niềm tự hào của hồ Tây thì cá Anh vũ là thương hiệu bất hủ của ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ). Với những thớ thịt trắng, quánh và đặc biệt là khối sụn môi giòn sần sật, cá anh vũ được người sành ẩm thực cho là ngon hơn bất kỳ loài cá nào của sông nước. Vì vậy, từ xa xưa, cá anh vũ đã được dùng làm thức tiến ăn tiến vua, được các bộ chính sử ghi lại.
Cũng giống như sâm cầm hồ Tây, ngày nay cá Anh vũ đã gần như biến mất tại nơi vùng nước gắn với danh tiếng của mình.

4. Chè long nhãn

Sau mỗi bữa ăn đầy sơn hào hải vị, vua chúa ngày xưa tráng miệng bằng gì? Một trong những câu trả lời là chè long nhãn hạt sen phố Hiến (Hưng Yên). Nguyên liệu chính của món chè tiến vua này là những quả nhãn lồng phố Hiến, loại nhãn có hương vị thơm quý phái, cùi dầy, ăn giòn, ngọt hơn bất cứ các loại nhãn nào khác.

5. Gà Đông Tảo

Bên cạnh nhãn lồng, đất Hưng Yên còn có một đặc sản tiến vua đặc sắc khác là gà Đông Tảo.
Là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu, gà Đông Tảo còn được gọi là gà chân voi đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch. Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào.

6. Chuối ngự Nam Định

Vẫn còn được trồng chọ đến ngày nay, chuối Ngự cho quả rất nhỏ, khi chín có màu vàng ướm như tơ tằm, mùi thơm ngát, vị ngọt thanh tao đầy quyến rũ… Ảnh: Yume.
Tương truyền, vào thời Trần, từ phủ Thiên Trường đến ngoài thành Nam Định, nhiều vùng là quê hương, thái ấp của vua quan nhà Trần. Cảm kích trước tài năng và đức độ của các bậc trị nước, dân thành Nam đã trồng một sản vật quý để dâng vua, đó chính là chuối ngự.

7. Cốm làng Vòng

Cốm làng Vòng, sản vật đặc trưng của đất Thăng Long đã nổi tiếng từ cách đây 1.000 năm, khi được đưa vào cung tiến vua các triều Lý.
Ngày nay, cứ mỗi mùa thu món ăn chơi làm từ lúa non này lại theo các gánh hàng rong ruổi khắp các phố phường Hà Nội. Cốm Vòng thường được mua về ăn với chuối chín hoặc nấu chè cốm. Đây cũng là nguyên liệu chính của bánh cốm Hàng Than, một món ăn cũng rất đậm chất Hà Nội.

8. Mắm tép Hà Yên

Mắm tép Hà Yên (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) là một đặc sản quý và độc đáo ở vùng chiêm trũng xứ Thanh, thời xưa thường được dùng để tiến vua.
Để làm loại mắm này, các chức sắc địa phải cử người đến tận khe Gia Giã, làng Cổ Đam (vùng Bỉm Sơn bây giờ) để đánh riêng một loại tép quý, là tép riu nhỏ, có mầu trong xanh. Khi nấu nước mắm cũng phải chọn người nấu giỏi nhất vùng. Khi hoàn thành mắm có ánh vàng, sóng sánh như mật ong,

9. Rau muống Linh Chiểu

Trắng nõn và mềm giòn như giá đỗ, hương vị hài hòa, rau muống Linh Chiểu (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thời xưa rất được các bậc vua chúa ưa thích. Bởi vậy, giống rau này còn có tên gọi khác là rau muống tiến vua.
Để bảo đảm chất lượng, việc chăm sóc rau rất kỳ công và vất vả, đất trồng rau phải nằm sát sông, được hưởng mạch nước sủi trong vắt và phù sa sông Hồng bồi đắp. Do việc chăm sóc phức tạp, hiệu quả kinh tế không cao, ngày nay giống rau đặc sản này đang dần bị mai một.

10. Yến sào

Được làm từ nước dãi của những con chim yến, yến sào (tổ chim yến) là một đặc sản có hương vị rất hấp dẫn và giá trị dinh dưỡng cao.
Từ thời xưa, yến sào đã được khai thác tại các đảo Yến ở ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa để cung tiến các vua chúa.
Ngày nay, cơ hội thưởng thức sản vật này vẫn nằm ngoài khả năng của đa số người dân Việt Nam bởi giá thành của chúng rất cao, từ 50-60 triệu đồng/kg. Phần lớn yến sào khai thác được xuất khẩu để thu ngoại tệ.

Chuyện trấn yểm long mạch ở Sài Gòn

Con rùa lớn yểm đuôi rồng
Hồ Con Rùa có tên chính thức là Công trường Quốc tế (trước là Công trường Chiến sĩ trận vong). Đây là nút giao của 3 con đường Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch và Trần Cao Vân. Tuy không chính thức được xác nhận, nhưng rất nhiều giai thoại cho rằng hồ Con Rùa được thiết kế thêm hồ phun nước hình bát giác, con rùa đội bia. Và trụ đứng vươn lên cao ở giữa hồ chính là biểu tượng bát quái đồ, Kim Quy cùng chiếc đại đinh đóng xuống đất là để yểm đuôi rồng.
Các vị cao niên kinh qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm của vùng đất này đã kể những giai thoại rằng, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vốn là người đa nghi và cuồng tín. Bởi vậy, sau khi nhậm chức tổng thống, ông luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng cho vị thế của mình. Vào năm 1967, nghe tin có thầy địa lý cao tay ở Hong Kong, Thiệu liền cho người mời sang Việt Nam để trấn yểm Dinh Độc Lập.

Thầy địa lý nghiên cứu đến mấy ngày sau rồi phán: “Dinh Độc Lập được xây trên long mạch, trấn ngay vị trí đầu rồng. Đuôi rồng nằm cách đó non 1 km, rơi vào vị trí Công trường Chiến sĩ trận vong. Cần phải dùng một con rùa lớn trấn yểm đuôi rồng lại thì sự nghiệp của tổng thống mới mong bền vững”.

 Hồ Con Rùa năm 1972.

Vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu lập tức tin theo, cho xây hồ nước theo hình bát giác, phỏng theo bát quái đồ, một biểu tượng phong thủy thường dùng để trấn yểm của người xưa. Hồ có 4 đường đi bộ xoắn ốc đều hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm và hình tượng con rùa bằng hợp kim đội bia đá.

Ngoài ra, khu vực trung tâm còn có một cột cao mang hình cánh hoa xòe phía trên. Cột cao này được xem như một chiếc đinh lớn đóng xuống giữa hồ để ghim đuôi rồng lại. Năm 1972, Công trường Chiến trị trận vong được đổi thành Công trường quốc tế. Vào đầu năm 1976, tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ. Tuy con rùa không còn nhưng người dân vẫn quen gọi là hồ Con Rùa, thay cho tên gọi chính thức.

Lại có giai thoại khác liên quan đến việc hồ Con Rùa là sản phẩm trấn long mạch Sài Gòn. Giai thoại này gắn liền với nguồn gốc xây Dinh Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, lấy núi giả trong Thảo Cầm Viên làm bình phong, sông Thị Nghè làm lưu thủy, tạo thế long chầu, hổ phục.

Người Pháp biết rõ điều này, liền cho xây nhà thờ Đức Bà mặt trước bên phải Dinh, hòng phá vỡ thế chữ Vương (gồm đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Pastuer – Phạm Ngọc Thạch hiện nay), thêm một chấm thành chữ Chủ nhằm phá luôn long mạch của Dinh. Do vậy phải xây thêm hồ Con Rùa để phá thủy, làm nước phun lên.

Nhưng còn một điều rất huyền diệu về hồ Con Rùa mà rất ít người bình thường để ý đến, chỉ có các thầy phong thủy và các kiến trúc sư học thêm bộ môn trấn yểm mới hiểu tận tường những bí ẩn trong thiết kế tổng quan của Sài Gòn xưa. Đó là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nằm ngay giữa ngã tư Võ Văn Tần – Lê Quý Đôn xưa chính là chùa Khải Tường. Chùa Khải Tường là nơi chúa Nguyễn Phúc Ánh trên đường bôn tẩu tránh sự truy đuổi của Tây Sơn có ghé qua tá túc. Và hoàng tử Đảm – sau này trở thành vua Minh Mạng – đã được sinh tại nơi đây.

Tương truyền, khi hoàng tử Đảm – chân mệnh đế vương – ra đời, chùa Khải Tường đã phát ra hào quang đến 3 đêm liền. Nếu nhìn trên bản đồ chụp từ vệ tinh thì chùa Khải Tường thẳng trục với Dinh Độc Lập và vuông góc với hồ Con Rùa. Việc trấn yểm này còn liên quan đến ngũ hành, âm dương, phá thủy, giả sơn mà các thầy chiêm tinh, địa lý nào cũng phải biết.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà hồ Con Rùa nằm thẳng trục với nhà thờ Đức Bà trên đường Phạm Ngọc Thạch, còn chùa Khải Tường thẳng trục Dinh Độc Lập. Bốn công trình nổi tiếng này đều được xây dựng tại những địa điểm mà xưa kia ít nhiều đều dính dáng đến long mạch của Sài Gòn và càng không phải ngẫu nhiên mà tạo thành một hình vuông, nếu chiếu bóng sẽ trở thành một đường thẳng.

Bát quái trận giam giữ linh hồn người đã khuất

Một kiến trúc khác được cho là biểu tượng phong thủy thứ hai của Sài Gòn là trại giam Chí Hòa, mà người dân vẫn thường gọi là khám Chí Hòa. Toàn bộ khu trại giam này rộng khoảng 7 ha, được người Pháp xây dựng từ những năm 1943.

Sở dĩ người ta cho rằng khám Chí Hòa là một biểu tượng phong thủy dùng để trấn yểm Sài Gòn là bởi kiến trúc của nó khá đặc biệt. Trại giam này được một kiến trúc sư người Nhật thiết kế và xây dựng theo thuyết ngũ hành, bát quái. Khám Chí Hòa cao 3 tầng lầu, có hình bát giác với 8 cạnh đều nhau, 8 góc A, B, C, D, E, F, G, H, tượng trưng cho 8 quẻ: càn, khôn, chấn, tốn, cẩn, khảm, đoài, ly.

Đây là công trình được đánh giá khá cao, bởi nó hòa hợp được những đặc trưng cơ bản của kiến trúc Pháp, vừa mang nét huyền bím âm dương ngũ hành của phương Đông.

 Khám Chí Hòa nhìn từ trên xuống.

Một vài tài liệu nghiên cứu cho rằng, khám Chí Hòa được xây dựng dựa trân bát quái trận đồ của Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc. Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín phía ngoài, còn phía trong toàn song sắt. Toàn khu trại giam chỉ có một cửa vào, người ta gọi đó là cửa Tử. Qua cửa này là hệ thống đường hầm.

Điều đặc biệt nhất của khám Chí Hòa là tất cả các lối di chuyển bên trong đều được thiết kế theo cung vị. Chính vì thế, người bình thường khi bước qua cửa Tử sẽ mất hết phương hướng, như lạc vào một mê cung trận đồ, không thể tìm thấy lối ra. Chính giữa hình bát giác là một sân rộng cũng được thiết kế theo hình bát quái đồ, với 8 khu hình tam giác chụm vào nhau.

Ngay tâm của bát quái trận đồ cũng có một đài phu nước như cột cao của hồ Con Rùa đã nói ở phần trên. Nhìn từ trên cao, đài phun nước này có hình dáng như một thanh gươm đâm thẳng xuống đất. Những giai thoại về khám Chí Hòa đều ghi lại vai trò mấu chốt của thanh gươm này và gọi tên nó là “tru tiên kiếm”.

Tru tiên kiếm trấn yểm khám Chí Hòa, khiến những tên tội phạm dù có xảo quyệt, tinh ranh đến đâu cũng không thể trốn được. Nếu tru tiên kiếm bị nhổ lên thì toàn bộ bát quái trận đồ được thiết kế công phu sẽ tự vỡ.

Chính lối kiến trúc áp dụng bát quái trận đồ nhuốm màu sắc huyền linh này mà người ta gọi lối vào duy nhất của khám Chí Hòa là cửa Tử. Nghĩa là đã vào rồi thì không có cách nào để nhận biết đường ra nếu không thông lý số, kinh dịch vốn là môn khoa học không phải bất kỳ ai cũng nghiên cứu và tiếp nhận được.

Người ta xem khám Chí Hòa là một bát quái trận đồ giữa lòng Sài Gòn, bởi lịch sử khám Chí Hòa chỉ có 2 trường hợp vượt ngục thành công. Một là của người tù cộng sản vào năm 1945, và hai là của tên giang hồ khét tiếng Phước “tám ngón” sau đó 50 năm.

Hiện tại, bát quái trận đồ đã bị san bằng một nóc nhà cũng bởi tính quá hoàn hảo của nó. Trước kia, các nhà nghiên cứu kinh dịch, lý số khi nhìn vào khám Chí Hòa đều lắc đầu bởi âm binh, chướng khí tại nơi này quá nặng. Vì những tù nhân chẳng may qua đời ở đây thì linh hồn bị bát quái trận đồ giam giữ, không tài nào thoát ra được.

Không biết thật giả ra sao, nhưng chính tổng thống Ngô Đình Diệm cũng tin vào điều này. Ông Diệm đã cho mời một thầy địa lý cao tay nhằm hóa giải một phần trận đồ. Và sau đó, nóc nhà khu GF của bát quái trận đồ vô cùng hoàn hảo đã bị san bằng. Thuận theo ý trời, lòng người, ngoài cửa Tử, cửa Sanh đã được mở để cho các linh hồn được bay đi và sớm siêu thoát.

Có thể những truyền thuyết, giai thoại nhuốm màu huyền linh, kỳ bí nhưng xét về khía cạnh khoa học ngày nay thì không có thật. Nhưng cũng phải thừa nhận, khám Chí Hòa là một bát quái trận đồ hoàn hảo, ở đó giống như một mê cung đồ khiến ta mất hết mọi khái niệm về phương hướng lẫn không gian và thời gia

Bí ẩn ngôi mộ cổ bị xiềng ở Tiền Giang

Tại xã Long Khánh (Cai Lậy, Tiền Giang) có hai ngôi mộ cổ từng bị vua Gia Long cho xiềng xích. Xung quanh mộ có nhiều truyền thuyết bí ẩn.

Hai ngôi mộ cổ của ông Lê Phước Tang và vợ được thiết kế theo hình lá sen úp, nằm trong khu đất 200 m2, cây cối cỏ dại mọc um tùm, từ lâu đã hoang phế. Khu mộ được chôn theo nguyên tắc nam tả, nữ hữu, có bốn trụ hình búp sen nhưng hiện đã bị gãy mất hai trụ. Ngoài ra, còn có bình phong hậu và bình phong tiền.

Điều đặc biệt là khu mộ được xây dựng bằng chất liệu vôi và ô dước. Được mệnh danh là “hợp chất huyền thoại”, ô dước trước khi đắp lên mộ ở thể lỏng sền sệt như nham thạch của núi lửa, hoặc ươn ướt như keo dán. Nhưng khi đắp xong, nó khô đặc lại và các chất tổng hợp được giã nát trong đó tự kết dính, quyện vào nhau thành một khối rắn chắc, bất khả phân ly.

Toàn cảnh khu mộ cổ và hai cây thị. Ảnh: An ninh thế giới.

Một số bô lão địa phương kể, ông Lê Phước Tang là trại chủ thời khẩn hoang miền Nam ở giai đoạn nửa thế kỷ 17. Thuở đó, chính sách của chúa Nguyễn là khích lệ người dân từ miền Trung tiến về phía Nam khai khẩn đất rừng hoang lập ấp. Người đứng ra dẫn đoàn khai khẩn được gọi là trại chủ – một danh xưng tương đương với địa chủ thời Đông Dương thuộc địa.

Truyền thuyết dẫn rằng, ông Tang làm trại chủ đưa một nhóm tráng đinh từ miền Trung vào làng Hòa Thuận (nay là ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy) khai khẩn đất hoang, lập nghiệp. Là trại chủ, ông được quyền thu thuế suất của dân trại, trích giữ một phần rồi đóng thuế cho nhà cầm quyền. Ông không hề kiêu ngạo mà thường giúp đỡ những người nghèo khó, cực khổ nên được người dân địa phương hết lòng yêu mến, kính trọng. Để tưởng nhớ công lao khẩn hoang của ông, người dân dùng tên ông đặt cho một con rạch cạnh xã Long Khánh – rạch Ông Tang.

Sau khi ông Tang mất hơn một trăm năm, những chuyện xung quanh cuộc sống gia đình ông bỗng dưng “sống dậy” thành những chuỗi giai thoại huyền bí được nhiều người dân kể cho nhau vào những lúc trà dư, tửu hậu. Trong đó, phổ biến nhất là chuyện hai người con ông Tang mặc áo vua đi thăm đồng ruộng khiến cả gia đình bị tru di tam tộc.

Theo truyền thuyết này, lúc thất thời, chúa Nguyễn Phúc Ánh bị nhà Tây Sơn truy đuổi phải chạy trốn vào làng Hòa Thuận, được ông Tang cưu mang, che giấu nuôi dưỡng một thời gian dài. Trước lúc rời nhà ông Tang đi Xiêm cầu viện, chúa Nguyễn Phúc Ánh tấn phong cho ông Tang giữ chức Khâm sai Cai cơ, đồng thời gửi lại một số hành lý nhờ ông trông giữ. Ông Tang ngày một già, sức khỏe yếu dần mà vẫn chưa thấy Nguyễn Phúc Ánh quay về lấy hành lý. Sợ không qua khỏi nên ông dặn dò con cháu bảo quản kỹ lưỡng hành lý chúa gửi. Sau đó, ông Tang qua đời.

Tuy đã được dặn dò nhưng hai con trai của ông Tang là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa (tục gọi cậu Gương và cậu Sen) vẫn tò mò mở rương hành lý ra xem thử. Họ chỉ thấy triều phục vua chúa chứ không thấy thứ gì quý giá cả. Nghĩ rằng cha quá cường điệu sự quý giá của những bộ đồ diêm dúa, hai cậu con trai vô tư lấy ra khâm liệm cho cha. Số còn lại, hai anh em Gương, Sen lấy ra mặc khi đi thăm đồng. Một số người thấy họ làm vậy là mắc tội khi quân, đã khuyên rằng: “Sau này chúa Nguyễn phục quốc sẽ bị xử trảm”.

Vào thời điểm đó, quân Tây Sơn rất mạnh, còn chúa Nguyễn thì bôn ba ở tận nước Xiêm. Nghĩ rằng chúa Nguyễn không còn cơ hội phục quốc, hai anh em Gương, Sen cười cợt với những người khuyên ngăn bằng câu ca dao: “Khi nào chó đẻ bằng da/ Gia Long phục quốc thì ta rụng đầu“.

Vài năm sau, nhà Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Phúc Ánh phục quốc, lên ngôi và lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn ông Tang, nhà vua sai người tìm gia đình ông để đền ơn. Thế nhưng nghe chuyện hai anh em Gương, Sen từng miệt thị mình, vua Gia Long nổi giận ban lệnh tru di tam tộc, tịch thu toàn bộ tài sản của dòng họ Lê Phước. Riêng vợ chồng ông Tang đã qua đời, vua cho lính đánh roi khu mộ, sau đó xiềng xích để đời đời không đầu thai. Chưa hết, vua Gia Long còn cho người trồng hai cây thị bên cạnh khu mộ với hàm ý “khinh thị”, xem thường dòng họ Lê Phước.

Trước truyền thuyết đó, một số nhà nghiên cứu sử học địa phương khẳng định, chuyện hai con trai ông Tang mặc áo vua đi thăm ruộng chỉ là giai thoại dân gian, chứ không đúng với lịch sử. Căn cứ vào những chữ khắc trên bia mộ còn nhìn thấy, tên hai người con đứng ra lập mộ cha đúng là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa. Trên bia mộ còn có ghi dòng chữ “Lão tiên sinh”, ắt hẳn ông Lê Phước Tang mất khi tuổi đã cao. Phần sứt mẻ trên bia mộ lại trùng vào chỗ khắc năm sinh, nên không xác định được ông Tang gặp chúa Nguyễn vào khoảng thời gian nào.

Tuy nhiên, căn cứ theo thời gian ông qua đời là tháng 10 năm Kỷ Hợi, tức là năm 1779 dương lịch. Khoảng thời gian đó, Nguyễn Phúc Ánh lúc chưa lên ngôi vua. Có nghĩa là Nguyễn Phúc Ánh chưa có triều phục thì chuyện hai anh em Gương, Sen mặc áo vua đi… thăm ruộng và khâm liệm Lê Phước Tang không thể xảy ra.

Theo nhiều tư liệu, thư tịch cổ thì dòng họ Lê Phước vốn là thân tộc bên ngoại của chúa Nguyễn. Điều này chứng tỏ việc Nguyễn Ánh xin tá túc tại nhà ông Tang khi chạy loạn hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng việc gia đình ông Tang bị trị tội thì thiếu cơ sở khoa học.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho hay, chính tên trộm đã giúp giải mã sự thật của truyền thuyết dân gian. Theo ông Tường, năm 1985, một tên trộm quá tin vào những giai thoại đã bí mật đào mộ ông Tang để tìm báu vật. Vì ngôi mộ quá kiên cố nên tên trộm phải cất công đào một căn hầm bên cạnh rồi mở ngách từ bên hông huyệt mộ để đột nhập quan tài. Tuy nhiên, tường huyệt mộ quá dày, tên trộm dùng cuốc chim phá không được nên ra chợ Cai Lậy mượn dụng cụ của một người thợ mộc. Người thợ mộc không cho mượn dụng cụ mà đòi “hợp tác chia phần”.

Cả hai dùng dụng cụ thợ mộc khoét huyệt mộ, phá quan tài. Khi khoét vào quan tài, 2 kẻ trộm móc ra hộp sọ, xương, ống ngoáy trầu, lược sừng… Gom hết những vật dụng trong quan tài, 2 tên trộm đem về bán mãi không ai mua. Bực tức, gã trộm vừa đi vừa chửi đổng giữa chợ và lọt đến tai các cơ quan chức năng. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường được phân công kiểm tra ngôi mộ ông Tang. Ông Tường xác nhận, trong ngôi mộ cổ không hề có áo mão vua hay báu vật quý gì cả.

Căn cứ vào nhiều tài liệu nghiên cứu sử học ghi lại, ông Tường nhận định, gia đình Lê Phước bị trị tội là do cậu Gương và cậu Sen cộng tác với nhà Tây Sơn. Vào năm 1785, quân Tây Sơn làm chủ được nhiều làng dọc theo sông Ba Rài sau chiến thắng trận Rạch Gầm – Xoài Mút. Rất có thể hai con trai của ông Tang đã hỗ trợ, cung cấp lúa gạo cho quân Tây Sơn.

Ngôi mộ ông Tang nhìn từ phía trước và phía sau. Ảnh: An ninh thế giới.

Đến năm 1788, quân của Nguyễn Ánh trở lại đánh đuổi quân Tây Sơn và chiếm đóng lại vùng Ba Rài. Lúc này, Nguyễn Ánh ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản dòng họ Lê Phước vì tội giúp giặc Tây Sơn. Sau đó, chúa Nguyễn cấp cho Tiền quân Tôn Thất Hội trông coi và quản lý hai đồn Mỹ Trang, Thanh Sơn, nay thuộc khu vực thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Theo thống kê trong địa bạ Minh Mạng năm 1836, số ruộng đất gia đình Lê Phước tới 125 mẫu đồng quan. Tuy lúc này ông Tang đã qua đời, nhưng vẫn bị kết tội dưỡng bất giáo, vua Gia Long ra lệnh xiềng xích khu mộ để trị tội.

Từ những cứ liệu đó cho thấy, chuyện mộ vợ chồng ông Tang bị xiềng xích là có thật nhưng không phải vì tội “lạm dụng hoàng phục”. Ngôi mộ có bị xiềng nhưng không đến nỗi tạo thành gân lá sen trên bia mộ. Khu mộ của vợ chồng ông Lê Phước Tang đã trải qua hàng trăm năm nhưng hiện trạng vẫn còn khá nguyên vẹn tại một khu đất rộng lớn. Cạnh khu mộ vẫn còn 2 cây thị cổ thụ.

Ông Trương Ngọc Tường khẳng định, những cây thị này được con cháu ông Tang trồng như một hàng rào để bảo vệ khu lăng mộ chứ không phải do vua Gia Long trồng để “miệt thị” như dân gian truyền tụng. Ông phân tích: “Trong Hán tự, chữ thị và chữ khinh thị có nét viết khác nhau, nghĩa cũng khác nhau”.

Tuy bị tru di tam tộc nhưng dòng họ Lê Phước vẫn chưa tuyệt tự. Gia tộc này vẫn còn con cháu bàng hệ, sống rải rác ở khắp nơi. Hằng năm, dịp thanh minh, họ vẫn về tảo mộ hai ông bà.

Theo An ninh thế giới