Những nhịp cầu Sài Gòn

Tại sao phải nói về mấy cái cây cầu này? Uhm, ờ, cũng không biết nữa, nhưng mà có thể nói, nhắc đến SG là không thể không nhắc đến những cây cầu, vì chúng gắn liền với lịch sử phát triển của Sài Gòn, mà không nhắc tới chúng thì tôi thấy hơi thiếu sót.Những gì tôi đề cập đến trong blog này không có tính chất lịch sử, chỉ có giá trị thông tin của riêng tôi mà thôi, còn những yếu tố lịch sử thì mời các bạn đọc trong những tài liệu chính thức.

Nói tới SG, không thể không nói tới cầu Sài gòn, vì cây cầu này quá ư nổi tiếng. Trong tất cả những cây cầu ở SG, thì cầu SG là lớn nhất, bắc qua dòng sông Sài Gòn, nối liền cửa ngõ phía Đông Bắc của SG với xa lộ Hà Nội hướng ra quận 2, quận 9, và nối thẳng vào Quốc lộ 1 xuyên suốt Việt Nam. Ngày xưa, tôi quan niệm rằng, Sàigòn của tôi chỉ vỏn vẹn từ phía bên này cầu (tức là chân cầu phía Điện Biên Phủ) trở vào, còn từ phía chân cầu bên kia thì thuộc một tỉnh khác rồi, cho tới những năm 94, 95 tôi theo tụi bạn qua quán Gió bên kia cầu uống café bờ sông thì tôi mới biết phía bên kia của cầu Sàigòn có gì. Ngày xưa, cái dốc cầu SG cao quá là cao, tụi tôi phải hì hục đạp xe bở hơi tai mới lên tới được giữa cầu, và cái cảm giác đứng giữa cầu SG mà nghỉ mệt và hứng gió sông thổi lồng lộng lồng lộng vào người là cái cảm giác rất đặc biệt, rất khó so sánh với bất cứ ngọn gió nào ở nơi khác của SG.

Theo tôi nhớ thì cầu SG có 13 nhịp cả thảy, tổng cộng 8 làn xe và chiều dài là gần 600m. Có 3 nhịp giữa cầu không được đúc bê tông cố định mà lót bằng 3 tấm đan sắt, chắc là để lỡ có tàu nào to cao quá đi ngang thì còn dỡ lên cho tàu đi ngang được. Ngay chân cầu (phía quận 2) có 1 đài canh gác cầu, mà tôi rất ít khi nào thấy có công an hay cảnh sát nào đứng canh cả, thay vào đó, bây giờ chạy ngang thì bạn để ý nhìn lên, sẽ có một cái… camera, thay cho con người, làm cái việc quan sát cầu trong cái bầu không khí ô nhiễm ngày nay.

Phía dưới chân cầu hướng Bình Thạnh là khu du lịch Văn Thánh và nhà hàng Tân Cảng, và khu vực công viên – tiểu đảo trang trí cho cầu SG mới được xây dựng từ vài năm gần đây. Còn phía bên kia cầu là quận 2, ở phía này có quán Hương Đồng bán món lẩu mắm và mấy món ăn đồng quê cũng được khá nhiều người biết đến, và đối diện là khu biệt thự An Phú sang trọng. Hồi trước học cấp 3, tôi hay qua phía bên quận 2 này, để đi vô quán Gió nằm sát bờ sông nằm ghế bố uống café, hay đi hồ bơi Thảo Điền, hoặc có những buổi chiều tụi tôi đứng trên thành cầu hóng gió (hồi đó không khí cũng còn trong lành, không như bây giờ), cảm nhận những nhịp rung của cây cầu khi có xe tải nào chạy ngang qua, và hóng gió SG cứ lồng lộng thổi vào người, thật sự cái cảm giác đó rất khó quên. Ngày xưa chúng tôi chạy xe đạp cứ vô tư bon bon, còn dạo này phía bên quận 2, có một thời gian, người ta rải đinh dưới chân cầu để ai mà xui cán nhằm rổi bể bánh thì cứu cánh duy nhất của họ là mấy cái tiệm vá – thay ruột xe gần đó (nơi mà chủ tiệm kiêm luôn kinh doanh đinh và móc sắt rải trên cầu), để rồi phải mua dịch vụ đó với giá trên trời, tôi ghét kinh khủng cái kiểu làm ăn này. Nó làm mất mặt người SG chúng tôi vô cùng… Nghe nói dạo này cầu SG đã được trả lại cái sự yên bình ngày nào của nó… không biết đến bao giờ…

Cùng công việc với cầu SG là cầu Bình Triệu. Cầu Bình Triệu ngày xưa giờ đã là cầu phụ, cầu chính mới vừa xây dựng xong, nghe nói chuẩn bị thu phí qua cầu… Bạn có để ý 2 cây cầu nằm ngay cửa ngõ thành phố này, chúng đều có trạm gác ngay đầu cầu không nhỉ, chắc là thời trước cầu là mục tiêu hay bị tấn công nên phải có trạm gác bảo vệ; giờ thì không còn, thỉnh thoảng tôi có thấy mấy anh công an hay dân phòng rảo qua rảo lại xem có kẻ tình nghi nào chuẩn bị “đánh bom” hay “tạt axit” chân cầu hay không, chắc là chỉ thế thôi… Cầu Bình Triệu cũ thì giao thông một chiều từ hướng SG ra, còn cầu mới song song thì giao thông chiều ngược lại, và địa danh gần 2 cây cầu này nhất là bến xe miền Đông, chắc bạn nào cũng biết. Ngày trước tôi có cô bạn, tôi nhớ hỏi nhà ở đâu mãi mà cô ấy chỉ cười không nói, tới chừng tôi biết ra thì cũng có cái lý do của việc không nói này, là nhà cô ấy ở gần chân cầu Bình Triệu. Cái câu “nhà em ở cầu Bình Triệu” là một câu rất… nhiều ý nghĩa, đặc biệt có ý nghĩa với những ông… ham dzui, khoái của lạ, và quả thực, cầu Bình Triệu, bến xe Miền Đông và những khách sạn, nhà nghỉ gần đó đã có một thời là khu vực đen của SG, với nhiều tệ nạn xảy ra trong khu vực này.

SG còn có những cây cầu rất nổi tiếng khác. Cầu chữ Y là một ví dụ. Cây cầu này nằm trong lòng SG, là một cây cầu lớn, có hình chữ Y, nối quận 1 và quận 8, đồng thời nhánh kia làm nhiện vụ điều tiết lưu lượng giao thông. Cầu chữ Y là một địa danh lịch sử, nơi đây đã xảy ra mấy trận đánh nhau hồi 1975, bây giờ thì cũng còn đánh nhau, nhưng mấy trận đánh này không mang tính lịch sử cho mấy. Khu vực phía quận 1, ngay dưới chân cầu chữ Y là nguyên một con đường bán đồ ăn được rất nhiều bạn biết đến, nổi tiếng là món lẩu Thái… Phía bên quận 8, ngày xưa là khu khá xập xệ, bến bãi của những ghe hàng từ miền tây lên, bây giờ được chỉnh trang quy hoạch lại khá đẹp.

SG còn có cầu Muối, nằm gần ngay trung tâm SG, tôi không rõ tại sao cầu này có tên cầu Muối (chắc ngày xưa là bến bãi mua bán muối). Ngay dưới chân cầu là chợ Cầu Muối, hồi trước là chợ trái cây lớn nhất SG, lúc đó khu này rất nhếch nhác, giờ thì đã đẹp và sạch sẽ rồi. Gần đó là chợ Dân Sinh, khu vực mua bán tả phí lù của SG. Ở đây bạn có thể mua tất cả những gì bạn tưởng tượng ra được, và ngày trước chợ này bán nhiều đồ của chế độ cũ còn lại, còn ngày nay thì có thể gọi chợ này là chợ công nhân, vì bất cứ cái gì liên quan tới máy móc, thợ thuyền đều có ở đây. Theo tôi biết thì dưới chân cầu này, ngày xưa có một cái khám (nhà tạm giam) của chế độ cũ, giờ thì mặt tiền của nó trở thành bãi giữ xe của chợ Dân Sinh, còn ở trong làm gì thì tôi không biết. Cầu Muối bây giờ nối liền quận 1 và quận 4, rất đẹp và sạch sẽ, rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 khu vực này, và cũng giảm tải cho cầu Calmet gần đó.

Cầu Calmet ở quận 1, nối với quận 4, cũng là một cây cầu lâu năm ở SG. Khu vực chân cầu phía quận 1 đường Bến Chương Dương là khu vực bán đồ lạc – xoong của SG, và phía bên kia quận 4 gần đó là nhà máy thuốc lá Bastos, thương hiệu thuốc lá VN nổi tiếng một thời, giờ chỉ còn hoạt động cầm chừng. Phía quận 4 là đường Đoàn Văn Bơ, giờ thì mới mở đường, quy hoạch lại rộng rãi, dạo này rộ lên nghề dán decal, làm đồ nhựa cho xe gắn máy. Gần đây có quán bán bò kho rất ngon, nghe nói nước bò kho có sữa tươi trong đó, có dịp tôi sẽ đi ăn cùng với bạn.

Gần khu vực cầu Calmet là cầu Mống. Cây cầu này hiện chỉ còn là chứng nhân lịch sử, chứ nó không còn làm nhiệm vụ của một cây cầu nữa. Cây cầu này tại sao tên là cầu Mống thì tôi không biết, nhưng tôi nghĩ nó không có liên quan gì tới địa danh Cầu Mống gần Đà Nẵng, chỗ bán thịt bê thui đâu nhỉ. Nghe nói cây cầu này có từ năm một ngàn chín trăm hồi đó, và hồi đó nó có thể quay qua quay lại được (hơi khác so với kiểu cầu sông Hàn ngoài Đà Nẵng), và hồi năm 2001 thì người ta sơn sửa lại rồi làm nghệ thuật trên cầu bằng cách cắm những trụ đèn trang trí, ai thích thì có thể lên chụp vài kiểu cho lạ, tuy nhiên trên cầu có mùi hơi khó ngửi, và buổi tối thì ít ai dám hóng gió ngang qua khu vực này.

Dưới chân cầu Mống là chợ thú vật, mua bán mấy con vật nuôi trong nhà, mấy con rùa, con sóc, và mấy con chó đắt tiền mới chôm được. Ở SG có cái lệ, nhà bạn mà mất chó hay mèo cưng, thì bạn có thể ra chợ cầu Mống mà hỏi coi có khi nào nó … đi lạc ra đây hông (cho dù nhà bạn ở đâu trong SG thì nó cũng có thể vô tình “lạc” ra tới đây lắm), và may mắn, thì bạn có thể tìm lại được con chó của mình về, nhớ hậu tạ và đừng trả giá tới lui, nếu không thì nguy cơ “vô nồi” của con thú cưng của bạn là rất cao đó… Và bạn nào rảnh rỗi thì theo tôi nên chạy ngang qua ngó vài lần đi, vì cái cầu này nằm ngay khu vực đang thi công cửa hầm ngầm Thủ Thiêm, tôi không biết khi cửa hầm này hoạt động thì cái cầu Mống có bị dời đi đâu hay không…

Mới cách đây vài tháng thôi, kế bên Cầu Mống là cầu Khánh Hội thì xe cộ vẫn còn chạy ầm ầm qua đường Nguyễn Tất Thành. Dưới chân cầu Khánh Hội phía quận 4 là Bến Nhà Rồng, bảo tàng Hồ Chí Minh, còn phía quận 1 là Bến Bạch Đằng nổi tiếng. Giờ thì cây cầu này đã hoàn toàn bị xóa sổ, bởi khúc sông ngay dưới nó đã bị lấp bằng, và đại công trường xây dựng đường ngầm qua Thủ Thiêm đã được dựng lên, dự kiến năm 2008 sẽ hoàn thành. Vậy là ít nhất trong 2 năm tới, chúng ta sẽ không thấy bóng dáng cây cầu Khánh Hội này đâu nữa, và sau khi xây dựng xong đường ngầm, tôi không biết cây cầu này còn tồn tại hay không… chúng ta hãy đợi đến năm 2008 nhé…

Cũng bắc qua dòng kênh Tẻ gần đó là cầu Kênh Tẻ, một cây cầu hoàn toàn mới, nối khu vực quận 7 mới phát triển với quận 4 và đi thẳng ra khu vực trung tâm SG. Ngày trước từ quận 7 bạn muốn qua quận 1 thì phải chạy ít nhất là 20 phút, còn giờ đây với cây cầu Kênh Tẻ này, thì chỉ cần 5 phút là bạn đã có thể đến được nơi cần đến.

Có 1 cây cầu không thể không nhắc đến ở SG, đó là cầu Công Lý ở quận Phú Nhuận. Giờ thì cầu này tên là cầu Nguyễn Văn Trỗi, bắc qua dòng kênh Nhiêu Lộc, đang được đại tu để đáp ứng nhu cầu giao thông thời nay. Ở chân cầu Công Lý là chùa Vĩnh Nghiêm, một cảnh chùa rất nổi tiếng của SG luôn luôn tấp nập và đông đúc, đặc biệt trong những ngày rằm và lễ, Tết. Ở dưới chân cầu này, bạn có thể mua được mấy lá số tử vi dự đoán tương lai, 1000 đồng/tờ, nhiều khi mua chỉ để vui chứ đọc thì không có ý nghĩa gì cả. Phía bên kia chân cầu ngày trước (kể từ khi tôi biết) là văn phòng của công ty Minh Phụng, sau đó trở thành cơ sở của trường Đại Học Hồng Bàng, giờ thì là quán café KK cũng khá đẹp.

Còn 1 cây cầu nữa mà sự ra đời của nó cũng khá đặc biệt, đó là cầu Thị Nghè nối quận 3 và quận Bình Thạnh. Chuyện là hồi trước ranh giới SG chỉ có tới phía bên này cầu Thị Nghè, khúc Sở Thú là hết rồi. Phía bên kia có một ông Nghè đi làm ở bên này cầu, ngày nào cũng phải đi đò qua khúc kênh này để tới sở làm. Bà vợ thấy vậy mới thương quá, bỏ tiền ra xây cây cầu này để chồng đi làm cho tiện, cho nên cây cầu mới có tên là Thị Nghè. Đúng hay sai, thật tới bao nhiêu % thì tôi không biết, nhưng bây giờ thì chúng ta có cây cầu Thị Nghè rất đẹp. Ngày nay bạn đi qua cầu Thị Nghè bạn có thể thấy những cụm đèn trang trí, dây leo, bồn hoa rất đẹp suốt chiều dài cầu, đó là công trình của… Sở Thú (chứ không phải của UBND TP). Ở chân cầu phía quận 3 là cổng vào Sở Thú, hồ bơi Yết Kiêu nổi tiếng một thời. Đối diện đó là con hẻm bán đặc sản Cờ Tây mà nghe nói là ngon lắm, được người ta kéo tới ăn ùn ùn, chứ tôi ăn thì thấy cũng vậy. Phía bên kia chân cầu là chợ Thị Nghè, mà gần đó có quán Hải Ký Mì Gia của người Hoa rất ngon, tôi rất thường đến đây ăn với bạn bè. Có lẽ do trên cầu được trang trí đẹp quá, cảnh nhìn lãng mạn, nên có người mang hoa ra trải lên lề cầu ngồi bán, hoa hồng là chủ yếu, giờ thì còn có người bán hoa sen, hoa súng, người mua kẻ bán khá tấp nập, bán từ sáng tới chiều, còn buổi tối thì cây cầu này trở thành khu vực bán… hoa liễu khá nổi tiếng của SG.

Gần nhà tôi thì có Cầu Bông nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, hồi trước cầu này tên là Cầu Hoa, là do trên cầu trồng nhiều hoa lá khá đẹp, nhưng do Hoa là tên của vợ một ông quan khu này, nên phải sửa lại, gọi là cầu Bông. Dưới chân cầu Bông ngay ngã tư Trần Quang Khải là 2 tiệm bán vịt quay rất nổi tiếng, chắc bạn nào ở khu vực này đều biết, luôn đông nghịt khách, mà tôi cũng cho là họ bán khá ngon, tôi thì thường mua ở tiệm Thanh Xuân hơn. Phía bên kia là chợ Đa Kao, một ngôi chợ lâu đời ở SG mà ai cũng biết, quanh chợ có rất nhiều quán ăn bán từ sáng tới khuya, mà tôi sẽ đề cập tới trong blog SG – Đặc sản khuya. Gần đó có một cây cầu nữa, ngày trước tên là cầu Sắt, do nguyên cây cầu làm bằng sắt, giờ thì đã xi măng (cement) hóa rồi, tên mới là Bùi Hữu Nghĩa, mà phía dưới cầu là chợ luộc xe máy nổi tiếng của SG.

Có một “cụm 13 cây cầu” mà tôi muốn nhắc tới ở khu vực quận Phú Nhuận là 13 cây cầu bắc qua bắc lại dọc 2 con đường Trường Sa và Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc hướng lên Tân Bình. Ý tưởng của nhà thiết kế và người xây dựng là muốn biến con kênh Nhiêu Lộc trở thành (trong tương lai) dòng sông Saine thơ mộng của Pháp, và những cây cầu bắc qua bắc lại đó trở thành những cảnh quan đẹp và lãng mạn, du khách có thể đi thuyền dưới kênh mà ngửa cổ lên ngắm những cây cầu này. Nhưng mà trong vòng 2 cây số mà dám bắc tới 13 cây cầu, thì quả thật hành động này quá táo bạo, táo bạo trong ý tưởng, trong suy nghĩ tới nỗi tôi cho rằng mấy anh này là thiên tài mà chỉ thiếu 1 bước (hay đã bước quá 1 bước). Hành động xây cầu để moi tiền nhà nước này thì ai cũng đã rõ, nhưng vấn đề là nó không để lại cho thế hệ sau của SG một cái gì có giá trị, hoặc nó để lại một con quái vật mà tôi nghĩ trước sau gì cũng sẽ bị đập bỏ vì cái sự vô tích sự và cái sự vô lý của nó.

SG còn có nhiều cây cầu nữa rất đáng để nói đến như cầu Xóm Củi ở quận 8 nằm trong khu vực Đại Thế giới của người Hoa ngày trước, cầu Bali Cao (nó cao hơn 5 mét chứ không chỉ có 3milimét) , cầu chữ U, cầu Kiệu, cầu Cây Gõ, cầu Lê Văn Sỹ, cầu Tân Thuận, mà tôi không thể nói hết được trong blog này. Tôi chỉ có thể nói tới một số ít trong chúng, mà tôi hy vọng có dịp tôi sẽ quay lại vấn đề này.

SG được xây dựng trên vùng đất của kênh rạch, nên việc có những cây cầu trong lòng thành phố là điều hiển nhiên. Những cây cầu này đã tồn tại qua nhiều sự thay đổi của SG, và chúng vẫn đứng bao lâu nay, làm một công việc là bắc những nhịp cầu để nối liền SG, gồng gánh những dòng xe cộ ngược xuôi. Mà, có một điều lạ là, tôi cứ tưởng google thì sẽ có rất nhiều thông tin về những cây cầu SG, ấy vậy mà, tôi ráng đọc suốt gần chục trang liên tục những kết quả, mà chẳng có lấy một thông tin chính thức nào nói về chúng, như dài bao nhiêu, cao bao nhiêu, xây từ năm nào, ai thiết kế, vân vân… Tất cả những gì tôi có được, là những cảm nghĩ của người khác về những cây cầu SG, chỉ thế thôi. Không lãng mạn như Venice, không thơ mộng như Saine, không như Chùa Cầu Hội An hay cầu Thê Húc Hà Nội, những cây cầu SG thô ráp và xù xì, không nổi tiếng, không bao giờ được lên báo (trừ khi bị sập) nhưng tôi tin rằng, những cây cầu SG luôn để lại những kỷ niệm rất khó quên, và đáng tự hào cho những người SG của ngày trước, của hôm nay và của ngày mai.

Theo Blog của Demi Fantasy

Êm ả làng quê Nam Bộ

Có thể vùng đất Nam bộ là vùng đất mới được tạo dựng sau này từ những người con xa quê đi mở cõi, nhưng không vì thế mà làng quê Nam bộ không có những nét đặc sắc. Mà ngược lại ai đã từng là những người con Nam bộ chắc hẳn không thể nào quên cây cầu khỉ, chiếc xuồng ba lá, con đò nhỏ và cả những trưa hè cất vó bên sông. Đồng quê Nam bộ đơn giản lắm bạn ạ nhưng xa quê lại nôn nao khó tả, lại nhớ cái mùi rơm rạ, mùi khói cỏ tươi ngai ngái như người con xa mẹ lâu ngày.


Tắm sông ngày hè


Một buổi ra đồng

Làng quê Nam bộ không chia thành những thôn mà chia thành những xóm nhỏ: có xóm vá lưới, có xóm dệt chiếu, có xóm tráng bánh, có xóm chuyên giăng câu…Mỗi xóm một nét sinh hoạt riêng nhưng không co cụm trong một phạm vi nhất định mà làng trên xóm dưới cùng giúp nhau khi hoạn nạn khó khăn, nhất là khi mùa nước nổi đến nhà hết lon gạo, bát nước mắm lại xách chiếc xuồng chèo lên xóm trên xin về dùng đỡ. Chiếc xuồng như một phương tiện liên kết mọi người lại với nhau. Cũng có đôi khi vào một ngày mưa bão nào đó, có một chiếc thuyền câu hay ghe bầu của một gia đình tấp vào mé rạch trước nhà trú mưa hay đổi ít gạo, ít khoai chủ nhà lại vui vẻ như người bạn lâu ngày mới gặp.

Đi chợ đối với người miền Nam cũng rất khác biệt so với các nơi khác, khỏi cần đi đâu xa cứ sáng sáng lại có một chiếc ghe chở đủ thứ thịt cá, rau quả ngang trước nhà. Nhà hết nước mắm thì cứ ngồi nhà chờ nghe: “ai nước mắm ơ..!” thì chạy ra mé rạch gọi vào có ngay loại nước mắm nhà dùng. Những bữa trưa đói bụng ngồi nhà nghe “tro đổi khoai hông!” chạy vào bếp xúc bao tro chạy ra đổi là trưa đó nhà có một rổ khoai thơm phưng phức.

Lũ con nít thì lại có nhiều thú vui khác, trưa hè gặp con nước lớn lại hò hét chúng bạn đào trùn, lấy ong rồi rủ nhau câu cá bống, cá lòng tong, đặt vó vui ơi là vui. Con nít thì chơi là chính tha hồ tắm sông, đuổi bắt nhưng nhờ sông rạch lắm cá nhiều tôm nên chiều nào cũng có cá mang về lấy cớ khỏi để ba mẹ cho ăn đòn. Rồi lâu lâu tắm sông cũng chán, bọn con trai lại rủ nhau tìm chạc cây làm nạn ná bắn chim. Vườn nhà rộng mênh mông, cây ăn trái đủ cả nên vô số chim nào trao trảo, se sẻ, cu đất, cò…

Ai đã một lần thơ thẩn trong những con đường quê Nam bộ chắc hẳn cũng thích thú với vẻ êm đềm của cỏ cây. Giờ đây các con đường và cầu khỉ đã được bê tông hóa nhưng đâu đó trên mọi nẻo đường vẫn phảng phất chút hồn quê mà thành phố không thể nào tìm thấy. Bạn hãy một lần khám phá những nẻo đường quê sẽ thêm yêu đất nước Việt xinh đẹp này.

Hương sắc miệt vườn sông nước Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là quê hương của “văn minh sông rạch”, “văn minh miệt vườn” khá độc đáo. Bờ sông không đắp đê, lại bị cắt từng chặng ở ngã ba, ngã tư, muốn qua rạch nhỏ thì sẵn kiểu “cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi”. “Cầu ván đóng đinh” xuất hiện rất trễ khi thực dân Pháp đến. Câu hát “Ví dầu cầu ván…” khá phổ biến, ngay cả trẻ con thời xưa cũng thuộc nằm lòng, câu hát trở thành câu thai đố. Khi cúng đình, nghe ra thai “Ví dầu cầu ván… cầu tre lắt lẻo…” thì hàng chục trẻ con nhốn nháo lên, đứa nào cũng muốn giành lấy phần thưởng. Đáp là cái bánh bò. Cầu tre khó đi nên nhiều người phải… bò, để giữ thăng bằng. Cầu tre còn gọi là cầu khỉ (người qua cầu phải lanh lẹ tay chân như con khỉ chuyền trên cây) luôn luôn có nhịp giữa với khúc tre rời, đề phòng trường hợp ghe có mui quá cao, hoặc có cột buồm thì giở khúc tre ở giữa lên cao, ghe qua rồi thì hạ khúc tre xuống.

Trong công cuộc khai phá và xây dựng miền đất mới của cư dân người Việt ở Nam bộ, dưới tác động của thiên nhiên, con người càng có ý thức cải tạo thiên nhiên. Lập vườn là công việc lao động đầy sáng tạo của những người mở đất. Khác với vườn ở đồng bằng sông Hồng, vườn ở đồng bằng Cửu Long rộng lớn, ở từng nơi vườn thường tập trung lại với nhau thành những không gian vườn tược rộng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Huê lợi vườn nhiều gấp 50 lần huê lợi ruộng” và riêng tỉnh Bến Tre thì “trong tổng số diện tích 154.606 mẫu tây, có 16.500 mẫu vườn tược”(1). Sự ra đời của miệt vườn không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn có ý nghĩa văn hóa, thể hiện khả năng ứng xử phù hợp của con người đối với thiên nhiên.

Số đông các nhà nghiên cứu khi viết về văn hóa Nam bộ có một cách hiểu chung miệt vườn là “những vùng, những tỉnh xưa được lưu dân Việt vào khai phá sớm hơn cả”. Đó là những dãy đất “giồng” cao ráo mà những người đi mở đất đã chọn “làm đất đứng chân” vì những nơi này “thỏa mãn những yêu cầu ban đầu cho người dân đi khai phá có nước ngọt, cao ráo, tránh được muỗi mòng, rắn rết, trồng được những hoa màu ngắn ngày và có cái ăn để tồn tại”(2). Theo nhà văn Sơn Nam, miệt vườn là “những vùng cao ráo có vườn cam, vườn quýt”, “được xây dựng trên những đất giồng, đất gò ở ven sông Tiền, sông Hậu”(3).

Miệt vườn – theo nhà văn Sơn Nam, là cách gọi tổng quát những vùng cao ráo, có vườn cam vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ. Miệt vườn tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (chúng ta từng nghe nói về vườn, công tử vườn, bắp vườn, nhà vườn,…) Cho nên đã phát sinh câu ca dao:

Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh

Trai gái ở đất giồng đất bưng miền Rạch Giá – Cà Mau mơ ước có chồng có vợ từ miệt vườn đến, để học hỏi thêm. Cô gái ở Rạch Giá thèm đời sống ở miệt vườn “mẹ mong gả thiếp về vườn, ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh”. Cô gái miệt vườn lại e ngại khi lìa quê, theo chồng tận chốn “chim kêu vượn hú”:

Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu.

Hoặc là:

Chuồn chuồn bay thấp
Mưa ngập ruộng vườn
Nghe lời nói lại càng thương
Thương em, anh muốn lập vườn cưới em.

Thật vậy, miệt vườn là nơi trù phú. Gái miệt vườn rất giỏi về nữ công gia chánh, cho nên có quan niệm rằng chỉ có trai Gia Định mới xứng đáng làm người yêu:

Ghe ai mũi đỏ xanh lườn,
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em?

Dưỡng già, sống những ngày hưu trí ở miệt vườn là thong dong nhất. Trai lớn lên mà lập vườn thì cơ sở làm ăn được vững chắc. Bởi vì, “vườn là nguồn lợi quan trọng hơn ruộng, gái vườn ở vào trình độ cao hơn gái quê, đất vườn cao giá hơn đất ruộng. “Đất đai viên trạch” tức là đất ruộng, đất vườn và đất thổ cư, tiêu biểu cho thôn xóm. Cúng “mâm đất đai”, trước khi cúng vái ông bà, tức là cúng cho những người đầu tiên sáng lập thôn xóm, tiền hiền và hậu hiền”(4).

“Trai Nhơn Ái, gái Long Xuyên”, “Trai Hai Huyện, gái Miệt Vườn” là những lời ca ngợi dành cho dân miệt vườn. Nhơn Ái thuộc Phong Điền nổi danh về vườn cam, vườn quýt ở rạch Cần Thơ. Ở đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều nho sĩ, nhất là dân trung lưu và bình dân ăn nói lễ phép, lưu loát, biết hát biết hò nơi sông sâu nước ngọt với chiếc tam bản hai chèo hoặc bốn chèo. Gái Long Xuyên nổi tiếng giỏi về nữ công gia chánh, đặc biệt là ở vùng cù lao Ông Chưởng, vùng Chợ Mới, nơi gọi là Hai Huyện.

Nằm trên lưu vực hai con sông Tiền, sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến như một vùng sông nước hữu tình, cây lành trái ngọt quanh năm, người dân hiền hòa mến khách với những địa danh đã được biết đến từ lâu, như: cù lao Thới Sơn, trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang), sân chim Ba Tri, Cồn Phụng (Bến Tre), cù lao Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, vườn cò Bằng Lăng , chợ nổi Ngã Bảy (Cần Thơ, Hậu Giang), Tràm Chim Tam Nông (Đồng Tháp)… Một vùng sông nước với hệ thống kinh rạch chằng chịt, những cù lao đầy ắp hoa trái và sản vật chính là nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ để chế biến những món ăn độc đáo in đậm chất phương Nam. Cá lóc nướng trui, lươn, rắn nướng lèo, cá tai tượng chiên xù ăn cùng với các loại rau, hoa cỏ lạ như lá lụa, lá cách, lá săng máu, kèo nèo, bông điên điển, so đũa… đủ vị thơm, chua, chát, ngọt, bùi. Kẹo dừa Bến Tre, nem Lai Vung, vú sữa Lò Rèn, măng cụt Cái Mơn, bưởi Năm Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, xoài cát Hòa Lộc, bánh phồng Sa Đéc, bánh pía Sóc Trăng, mắm thái Châu Đốc… là những hương liệu sẽ mang lại hương vị đậm đà cho bữa tiệc ẩm thực của Đồng bằng sông Cửu Long.


Chợ nổi Cái Răng.

Cần Thơ là địa danh tiêu biểu ở vùng đất này. Nó không chỉ là biểu tượng của quê hương mà còn là tình cảm, là niềm hãnh diện của người dân miệt sông nước đồng bằng:

Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về…

Câu ca dao lưu truyền từ bao đời đã làm lay động lòng người mỗi khi có dịp dừng chân ghé thăm vùng đất Tây Đô. Đến Cần Thơ, ngoài tận hưởng đặc sản nổi tiếng mang đậm hương vị quê nhà, ăn cơm sốt dẻo nấu bằng gạo Tài Nguyên thơm phức với mắm cá lóc, kèm bát canh cua đồng nấu với bông so đũa, bạn đừng quên đi du thuyền nghe hát dân ca. Chính vì thế mà Cần Thơ thu hút đông đảo bè bạn bốn phương.

Lăng Mạc Cửu

Lăng và đền thờ Mạc Cửu được xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi… được coi là danh thắng đẹp nhất đất Hà Tiên (Kiên Giang).

Đền thờ họ Mạc còn gọi là Trung Nghĩa từ (người địa phương gọi là miễu Ông Lịnh) tọa lạc trên đường Mạc Cửu, dưới chân núi Bình San, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đền được khởi đầu từ Tổng trấn Mạc Cửu, người có công khai phá và xây dựng vùng đất Hà Tiên hơn 300 năm trước.


Mặt tiền lăng Mạc Cửu.

Khu di tích thắng cảnh núi Bình San, còn gọi là núi Lăng, vì trên núi có lăng mộ Mạc Cửu, các vị phu nhân, con cháu và tướng lĩnh họ Mạc. Từ chân núi đi lên, du khách sẽ gặp cổng đền thờ có hai câu đối do nhà Nguyễn ban tặng: “Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng, Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh” (Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ, Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu).

Bên trong cổng là một khoảng sân rộng, tạo cho không gian lăng mộ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm mặc. Đối diện cổng là đền thờ Mạc Cửu, cột vuông, có hoành phi và liễn đối. Tại chánh điện có một biển thờ đề bốn chữ “Khai trấn trụ quốc”, là lời tuyên dương của nhà Nguyễn trước công đức mở mang bờ cõi ở phía Nam của dòng họ Mạc. Trên vách đền có ghi lại những bài thơ trong Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích.


Tượng Tổng trấn Mạc Cửu.

Lăng và đền thờ Mạc Cửu do Mạc Thiên Tích thiết kế, xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi, bên trái là núi Bát Giác; bên phải là Đại Kim Dự. Phần lăng mộ Mạc Cửu nằm giữa những bức tường kiên cố, các bậc thềm đều cẩn đá xanh, có tảng dài đến 3m, do các nhà buôn Trung Hoa thời bấy giờ chở từ Quảng Tây sang tặng. Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu có hình bán nguyệt khoét sâu vào núi, mộ có hình dáng như một con trâu nằm (thế tọa ngưu).

Lần theo các lối mòn và những bậc thềm rêu phong là đến mộ phần của gia đình và tướng tá dòng họ Mạc. Phía dưới lăng Mạc Cửu là mộ bà Nguyễn Thị Hiếu Túc, vợ Mạc Thiên Tích (trái) và mộ Mạc Tử Hoàng (phải) rồi đến mộ Mạc Thiên Tích (cũng giống như mộ cha, nhưng bài trí khiêm nhường hơn). Đi vòng theo chân núi chừng 3 km, du khách sẽ bắt gặp một ngôi chùa do Mạc Thiên Tích xây cho thứ thiếp là Phù Cừ tu hành. Đó là chùa Phù Dung.


Phía trong lăng Mạc Cửu.

Lăng Mạc Cửu là một trong những cảnh đẹp của Hà Tiên. Du khách đến viếng thăm Lăng sẽ được nghe những câu chuyện về dòng họ Mạc, một dòng họ có nhiều công lao trong việc khai thác và trấn giữ đất Hà Tiên. Ngày 21/1/1989, núi Bình San được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là thắng cảnh quốc gia. Và để ghi nhận công lao của Mạc Cửu trong việc khai phá vùng đất Hà Tiên, cũng như kỷ niệm 300 năm vùng đất này được thành lập, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài danh nhân Mạc Cửu cao 10 m, vào ngày 7/9/2008 tại quảng trường cạnh cầu Tô Châu – thị xã Hà Tiên.

Theo Đất Mũi

Khám phá Đà Lạt theo cách mạo hiểm

Lên Đà Lạt, những điểm ăn chơi ở thành phố dần trở nên nhàm chán với nhiều du khách. Một bộ phận thanh niên, có máu mạo hiểm, thích chinh phục đã chọn đích đến là những cung đường rừng đầy rẫy nguy hiểm.

Ăn cá suối, đốt lửa trại

Chúng tôi tìm đến thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, cách TP. Đà Lạt 25 km. Một người bạn của chúng tôi tên là Nguyễn Thanh Liêm, hội viên Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam mua một khu đất rừng trong đó từ năm 1999, cho đến năm 2002 thì vợ chồng anh cất một căn biệt thự bằng gỗ nhỏ nhắn, cuối tuần về thụ hưởng thú vui chốn lâm tuyền.

Đường vào thôn Suối Cạn. Ảnh: Thanh Huyền

Được biết, từ khi anh Liêm về làm cư dân đầu tiên của thôn Suối Cạn, nhiều bạn bè của anh là các đại gia có máu mặt từ TP.HCM lên chơi, thấy thích, năn nỉ anh nhường lại cho vài phần đất để xây nhà.

Con đường trong thôn Suối Cạn trải đầy hoa hồng dại – Ảnh: Thanh Huyền.

Hiện nay, thôn Suối Cạn có chừng hơn chục hộ. Nhiều nhóm đi phượt hay ghé qua đây, được anh Liêm mời ăn thịt thú rừng, nhóm lửa trại chơi thâu đêm suốt sáng bên bờ suối, có nhóm biết gia chủ thạo địa hình nên nhờ dẫn đường khám phá những cung đường rừng vô cùng mạo hiểm.

Dòng suối hiền hòa nhưng khi lũ về sẵn sàng quấn phăng mọi thứ – Ảnh: Thanh Huyền.

Đường đến thôn Suối Cạn dù đã được cư dân ở đấy gom tiền trải đá nhưng vẫn vô cùng hiểm trở, quanh co bên vách núi cheo leo.

Dù rất tin tưởng vào tay lái kinh nghiệm của bác tài mà đôi lúc chúng tôi vẫn thót tim khi thấy bánh xe chạy ra sát mép vực như trực chờ lao đầu xuống dưới.

Băng qua một chiếc đập tràn, ngôi nhà xinh xắn của gia đình anh Liêm dần hiện ra. Hai bên đường vào thôn Suối Cạn trải đầy hoa hồng dại.

Các cư dân ở đây coi thôn Suối Cạn là một ốc đảo tiên cảnh, ngăn cách họ khỏi cuộc sống hối hả, thị phi ồn ã.

Ngoài trời mưa rả rích, trong căn nhà gỗ ấm cúng, chúng tôi xích lại gần nhau trò chuyện cùng gia chủ.

Căn nhà gỗ ấm cúng của gia đình anh Liêm tại thôn Suối Cạn – Ảnh: Thanh Huyền

Chị Mai Công Tuyết Trinh, vợ của anh Liêm tự hào giới thiệu cho khách: “Bọn mình hay về đây lắm, mới ở đây 1 tháng mà mình mập ra bởi chẳng phải suy nghĩ gì. Điện, nước đều nhờ thiên nhiên cung cấp, không phải trả tiền, dùng thoải mái. Tụi mình ăn cá suối, hái rau rừng, mới 5h sáng đã bị tiếng chim rừng và róc rách của suối chảy đánh thức. Cả thôn có 10 hộ mà toàn là bằng hữu, nhiều khi hẹn nhau cùng về chơi, đứng hú nhau ra suối ngồi nhậu, sướng phải biết!”.

Lũ cuốn xe và những phen thoát chết hy hữu

Tuy nhiên, phiêu lưu thường đi kèm với mạo hiểm. Anh Liêm chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về sự nguy hiểm khi sống giữa núi rừng vào lúc khắc nghiệt nhất.

Từ ngày anh chị cất nhà ở đây thì khu rừng này đã trải qua 2 trận lũ lớn.

Căn nhà của gia đình anh Liêm và chiếc xe hơi từng bị lũ cuốn năm ngoái – Ảnh: Thanh Huyền.

Bằng giờ này năm ngoái, con trai của anh Liêm lái xe từ TP. Đà Lạt về nhà ở thôn Suối Cạn. Khi băng qua đập tràn, lũ lớn đã cuốn phăng chiếc xe hơi hai cầu, nặng gần 3 tấn ra giữa dòng.

Nước làm chết máy, không thể mở cửa, con trai anh Liêm đã dùng khuỷu tay đập vỡ kính chui ra ngoài, leo lên nóc xe, bám vào ba ga.

Vì có 4 chiếc bánh hơi, một chiếc bánh sơ cua nên xe không chìm hẳn, nhỏng lên như chiếc phao, lập lờ trôi theo dòng lũ.

Trôi đến cây cầu, chiếc xe hơi bị cản lại, con trai anh Liêm tính mạng ngàn cân treo sợ tóc, chới với trên nóc xe.

Đến lúc này, một người hàng xóm trông thấy tình thế hiểm nghèo của cậu thanh niên, chạy về kêu vợ chồng anh Liêm ra ứng cứu.

Chị Trinh chưa hết bàng hoàng kể lại: “Trời ơi, tưởng đâu tụi chị mất đứa con trai rồi. Nghe người kêu, ông xã chị cầm cuộn dây thừng chạy ra suối, quăng cho con trai nắm lấy và kéo vào. Em tưởng tượng, thằng bé chỉ cách bờ chừng 2 mét nhưng không ai dám bước xuống vì nước lũ chảy quá xiết, sợ sẽ cuốn người đi luôn”.

Cứu được con trai, vợ chồng anh Liêm mừng hơn bắt được vàng, còn chiếc xe hơi phải chờ vài ngày cho nước rút mới thuê cứu hộ vớt về. Chiếc xe bị va đập, cành cây gãy quật cho rúm ró, đem đi ga ra sửa gần như bằng tiền mua chiếc xe mới.

Thôn Suối Cạn là nơi lý tưởng để các đại gia từ TP. về dựng nhà, nghỉ dưỡng – Ảnh: Thanh Huyền

Anh Liêm cho biết, chuyện lũ cuốn trôi xe không hề hiếm với các nhóm phượt ưa mạo hiểm. Từ thôn Suối Cạn, có những cung đường đi xuyên rừng ra Đông Trường Sơn, Đắc Lắc và Nha Trang cho cả xe máy lẫn xe hơi.

Tuy nhiên, đa số các đoàn xe đi phượt đều có dây tời nên chẳng may một thành viên bị lũ cuốn sẽ được những người khác trong đoàn ứng cứu kịp thời.

Đã từng nhiều phen khốn đốn vì thú ưa phiêu lưu, mạo hiểm nhưng anh Liêm và chị Trinh cũng như những ai ưa thích khám phá đều cho rằng, những gì họ cảm nhận và thu hoạch được rất… đáng giá.

Theo vietnamnet.vn

Đà lạt & nỗi nhớ

Stam
VNP

Thú ‘phượt’ xe đạp của giới trẻ

Giới trẻ thích du lịch bụi đã quen với những cung “phượt” đường dài bằng xe máy, và giờ đây “phượt” bằng xe đạp cũng dần trở nên phổ biến. Những trải nghiệm mới mẻ khi vi vu trên chú “ngựa sắt” khiến dân “phượt” ngất ngây.

phuot_xe_dap

 

 

Đạp xe vòng vòng ruộng quê cảm nhận cuộc sống trong lành (Ảnh: phuot.com)

Tình yêu với xe đạp

“Phượt bằng xe đạp nghe cũng lạ, vì chẳng ai điên điên mà vác con ngựa sắt kọt kẹt với ước mơ chu du và khám phá cả. Nhưng mình lại thích điều đó, phượt một cách nhẹ nhàng và gọn gàng, đạp xe, ngắm cảnh, thích thì dừng lại, tấp đại xe vào lề và tha hồ bấm máy, song nhảy lên xe và lao vút đi, nhẹ nhàng”, đó là lý do tại sao bạn trẻ nickname kt_anghia chọn xe đạp làm bạn đồng hành cho những chuyến lang thang, khám phá của mình.

Thích lang thang, thích khám phá, thích mạo hiểm, thích những chuyến đi bụi bặm…là những điểm chung của anh em nhà “phượt”. Với những chuyến “phượt” đường dài, xe máy được cho là phương tiện phổ biến và tiện lợi nhất. Thế nhưng, có những bạn trẻ lại thích “ê mông”, vi vu trên những con “ngựa sắt” bởi cảm giác mới mẻ mà nó mang lại.

Hiếu Trung, một tay “phượt” xe đạp kỳ cựu chia sẻ chuyến “phượt” đầu tiên bằng xe đạp của Trung là năm học lớp 9, Trung cùng bạn đạp xe từ Hà Nội đến Bình Đà để mua pháo. Sau đó Trung đam mê xe đạp và bắt đầu tự đi các cung đường ngắn: Hà Nội – Hoà Bình, Hà Nội – Sơn Tây – Đá Chông – Ao Vua, Hà Nội – Ninh Bình, Hà Nội – Hồ Núi Cốc,….

Trung kể: “Thời sinh viên, mình thường đi bằng xe cuốc, không có chắn bùn và mọi lịch trình đều tự tổ chức, đa số là đi một mình với các chuyến đi 1 – 2 ngày. Lúc đó không có phương tiện gì, chưa được bố mẹ sắm xe maý cho và nếu muốn đi du lịch rẻ tiền khắp Việt nam như các cụ nhà mình hồi đó, chỉ có mỗi cách đi xe đạp”

“Mỗi năm mình đi 7 – 10 chuyến trong vòng 2 ngày với cung đường mỗi đoạn chừng 150 – 180km. Các điểm đến thường là: Ba Vì, Tam Đảo, Kim Bôi, Quan Sơn…Cũng có những lúc nổi hứng bất chợt, tổ chức đạp xe ban đêm ngắm Hà Nội hay đi vòng vòng ruộng quê”, Trung nói thêm.

Xe đạp lấy “cơm thay xăng”, đạp xe du lịch, vừa tiết kiệm, vừa rèn luyện sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Hoàng Dương, thành viên CLB Hành Trình Xanh – chuyên tổ chức những chuyến đạp xe xuyên Việt vì môi trường, cho biết điểm khác biệt giữa đi xe đạp với đi bằng xe máy, đó là phải dùng ý chí, sức khoẻ của cá nhân kết hợp với tinh thần đồng đội. Người dẫn đầu đoàn thường là người khỏe nhất, đi trước để cản gió.

“Đi xe đạp chầm chậm để cảm nhận được mọi thứ xung quanh, cảm nhận thời gian trôi qua…Với tình trạng xăng tăng giá như thế này, đi xe đạp vừa lãng mạn vừa bảo vệ môi trường, tập thể dục luôn thể mà còn tiết kiệm được chi phí”, Dương bày tỏ.

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm

Niềm đam mê của những người chơi xe, đam mê du lịch của dân “ê mông” là không bao giờ cạn. Mỗi chuyến đi, mỗi điểm dừng chân lại cho các bạn những trải nghiệm mới mẻ.

Xe máy thường chú trọng tới cự ly, khoảng cách, điểm đến. Còn xe đạp chủ yếu chọn các cung đường nông thôn để trải nghiệm. Hiếu Trung chia sẻ: “Trong thời buổi cơm áo gạo tiền cuộc sống luôn tấp nập bận bịu như thế này, khi ta lượn lờ đạp xe ngắm phố, sẽ thấy cuộc sống thật khác lạ. Cảm giác là lạ khi qua những quãng gồ ghề ở nông thôn, được chinh phục những con dốc trong ngày hè nắng gắt, được cảm thấy mình tự vượt qua chính mình khi lên đỉnh dốc và tà tà thư giãn ngủ dưới gốc cây…”.

Trung còn nhớ, chuyến đi gian nan nhất của đoàn là chuyến xe đạp chinh phục Tam Đảo trong đêm. “Đó là chuyến đi đáng nhớ và cho mình nhiều cảm xúc nhất. Xuất phát từ 3h chiều, 7h tối tới chân núi. Trời mưa và rét. 12h đêm cả nhóm tập kết trên đỉnh tại thị trấn trong tình trạng tơi tả, vừa đạp, vừa xách, vừa dắt xe, vừa bò”, Trung kể.

Còn với Hoàng Dương, “phượt” xe đạp càng có ý nghĩa hơn khi mỗi chuyến đi của bạn gắn liền với những chuyến đi tình nguyện. Những chuyến đi đến với trại trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, người già neo đơn giúp Dương hiểu hơn về cuộc sống, biết cảm thông với những số phận bất hạnh.

Dương chia sẻ: “Mình đã đạp xe đến nhiều vùng đất, mỗi vùng đất mỗi con người mỗi kỷ niệm nhưng đều thấm đậm tình người, tình bạn. Kết nối trái tim, chia sẻ nỗi đau, giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường là những gì mà mình và các thành viên trong CLB muốn làm cùng với chiếc xe đạp”.

Về vấn đề an toàn cho mỗi chuyến đi, Dương cho biết, trước mỗi chuyến đi nhóm thường cử người đi tiền trạm, lên kế hoạch lịch trình cụ thể. Các thành viên của đoàn được hướng dẫn những kĩ năng cơ bản nhất khi đi trên đường, nhất là duy chuyển theo đội hình, tuân thủ kỉ luật đi đường và luật an toàn giao thông. Khi đi đường sẽ có 1 đội an ninh từ 5 – 7 bạn đi hàng ngoài để nhắc nhở các bạn đi theo hàng lối, tuân thủ quy định và duy trì khoảng cách an toàn với các phương tiện đi bên cạnh.

Theo La Hoàn

Xa quê nhớ món rau đồng

Nghĩ cho cùng, thì ở cái chỗ dư tiền dư bạc, dư tiện nghi vật chất, rồi cũng phải thiếu. Cái thiếu này có lẽ chỉ quê hương mới bù đắp được.

Nhân có người bạn Việt kiều về nước rồi tìm đến thăm. Anh muốn ăn một bữa cơm quê cho bõ những ngày xa xứ.

Thay vì vào một quán ăn đồng quê nào đó, tôi bàn thôi thì về quê luôn vậy. Bọn tôi có thằng bạn ở một xã cù lao thuộc tỉnh Vĩnh Long, chuyến viếng thăm bất ngờ làm nó mừng rơi nước mắt.


Quê hương. Ảnh minh họa: Internet

“Tour” du lịch của chúng tôi được vỏn vẹn một ngày một đêm. Và không để uổng phí thời gian “vàng ngọc”, bọn tôi vừa thăm hỏi vừa “lao động” cật lực. Mỗi người một việc. Mọi thứ đều là cây nhà lá vườn. Bữa cơm đoàn viên được dọn ở sân phơi lúa nhà chủ. Chiều tháng chín đã hanh hao ngọn chướng non. Một cái lẩu mắm nấu trong nồi đất trên cái cà ràng cháy đỏ than gáo dừa. Hai rổ rau đồng tươi ngon ngót với màu xanh rau ngổ, rau muống, rau nhút, màu vàng bông bí, bông điên điển đầu mùa. Rồi cù nèo, tai tượng, đọt ráng, đọt bằng lăng cũng góp mặt. Bông lục bình, bông súng, bông so đũa vừa góp phần làm đẹp cho rổ rau mà “cái sự” ngon thì cũng đâu thua chị kém em.

Không biết bà chủ nhà hiếu khách đã phù phép đâu ra làm nồi lẩu mắm có đủ đầy cá, tôm, lươn, ếch. Bình rượu Xuân Thạnh nổi tiếng của cái làng nghề Thạnh Xuân ở Trà Vinh tuy không rình rang cả nước như rượu làng Vân, nhưng cũng xứng đáng liệt vào hàng “danh tửu”.

Anh bạn Việt kiều vừa ăn vừa xuýt xoa khen.

Nghĩ cho cùng, thì ở cái chỗ dư tiền dư bạc, dư tiện nghi vật chất, rồi cũng phải thiếu. Cái thiếu này có lẽ chỉ quê hương mới bù đắp được.

Mải ăn, mải uống, mải chuyện trò mà trăng mười sáu đã lên cao như cái dĩa vàng trên nền trời xanh thăm thẳm. Không ai bảo ai, cả bọn tôi đều ngẩn ngơ nhìn. Trời ạ! Sống ở thị thành bon chen tất bật, dễ gì nhìn thấy mặt trăng, còn anh bạn Việt kiều thì như kẻ mất hồn cứ giương mắt ngắm. Gió mát, trăng thanh, cùng đối ẩm với tri âm tri kỷ và một bữa ăn thấm đượm tình quê khiến anh bạn Việt kiều chạnh lòng ứng khẩu:

Về quê ăn lẩu mắm đồng

Xa quê nhớ món rau đồng quắt quay.

Hai câu thơ tuy chưa hay lắm, nhưng cái tình quê thì đáng cảm thông. Bà chủ nhà hiếu khách lại đem lên một dĩa cá nướng thơm lừng với chén nước mắm tỏi ớt tuyệt chiêu. Tôi sống ở thị thành, cái ăn bây giờ không thiếu. Nhưng được ngồi trong một khung cảnh nên thơ thoải mái như vầy thì ngon lại càng ngon.

Sáng hôm sau, chủ khách bùi ngùi tiễn biệt. Con đò ngang đưa chúng tôi về lại đất liền. Sóng sông Tiền lớp lớp xô nhau. Anh bạn tôi bồi hồi tâm sự: “Tôi sẽ dành dụm một số vốn dưỡng già, để mai đây về lại Việt Nam, “quê hương là bóng mẹ già chở che”… mà!
KCNVN

Một ngày du lịch trong thành phố

Chuyến city tour đến các điểm trong danh sách 100 điều thú vị sẽ giúp người dân thành phố hiểu thêm về TP.HCM, cũng là chuẩn bị trước cho một ngày đẹp trời nào đó họ đóng vai người hướng dẫn cho bạn bè ở xa tới chơi.

Mô hình nhà thuốc xưa trong bảo tàng Y học cổ truyền

Ngoài ba điểm đến dưới đây, bạn có thể đưa ra yêu cầu riêng với bên dịch vụ du lịch để có một ngày tham quan theo đúng ý.

Khu Chợ Lớn

Khu Chợ Lớn, nằm trong phạm vi các quận 5, quận 6 và quận 11. Đây được xem là khu phố tàu thuộc loại lớn nhất của thế giới. Ngoài các con đường chuyên bán một loại hàng như thuốc bắc, văn phòng phẩm, đồ trang trí, đồ thờ cúng, hàng ăn… khu Chợ Lớn còn nổi tiếng với hệ thống chùa, miếu mang đậm bản sắc Trung Hoa tồn tại hơn trăm năm. Khu này tập trung các chợ đầu mối nổi tiếng như Bình Tây, Kim Biên, Soái Kình Lâm, An Đông. Trong đó, chợ Bình Tây có phần nổi trội hơn do lịch sử lâu đời và hàng hoá đa dạng. Chợ Bình Tây do thương gia người Hoa là Quách Đàm xây dựng cách nay khoảng 80 năm. Có diện tích khoảng 28.000m2, ngôi chợ này có tới 2.400 sạp, nếu tính cả các con đường bao quanh chợ. Các ngành hàng tập trung theo từng khu vực, khá phong phú như đồ dùng gia đình, hàng may sẵn, vải, xi mạ, nhựa, gốm, trái cây, lương thực, gia vị và các ngành hàng khác.

Mặc dù hiện nay thịnh hành xu hướng mua sắm tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại nhưng với kiến trúc cổ xưa, bề dày lịch sử và kiểu mua bán truyền thống, chợ Bình Tây vẫn giữ được vị thế là chợ đầu mối từ Sài Gòn đi các tỉnh và cả nước ngoài. Khách đi chợ, nếu đúng bữa, có thể thưởng ngoạn các món điểm tâm truyền thống của người Hoa như mì, hoành thánh, sủi cảo ở tiệm Hồng Phát có tuổi đời nửa thế kỷ.

Chùa bà Thiên Hậu

Tuỳ theo yêu cầu về địa điểm tham quan, khách sẽ được thiết kế tour riêng. Giá city tour tham khảo: khoảng 530.000đ/nửa ngày hoặc 1,5 triệu đồng/ngày. Giá trên bao gồm tiền xe, ăn trưa tại nhà hàng, vé vào cổng, phiên dịch, nước uống. Tham quan theo đoàn, có hướng dẫn thích hợp với du khách nước ngoài.

Chùa bà Thiên Hậu do một nhóm người Quảng Đông đến Việt Nam xây dựng vào năm 1760. Trải qua nhiều thăng trầm, các lần trùng tu, chùa vẫn giữ được một số cổ vật như 15 ống bơm nước chữa cháy từ năm 1898, được đặt làm tại thành Đông Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc). Ngoài ra, còn có các bộ lư, đại đồng chung, tượng, bia… được chế tác tinh xảo.

Thiết kế đặc trưng kiến trúc của người Hoa, trên mái là các bức tượng bằng sứ tái hiện lại cảnh luân hồi qua các kiếp. Hai bên tường là những phiến gỗ và đá khắc tên các mạnh thường quân đóng góp cho chùa từ thế kỷ 19. Viếng cảnh chùa, du khách có thể mua nhang khoanh, khi tên mình vào mảnh giấy đỏ treo cùng khoanh nhang trên cao, để tỏ lòng thành kính với bà Thiên Hậu và cầu bình an cho gia đạo. Không chỉ có khách trong nước mà gần đây, khách nước ngoài cũng thực hiện nghi lễ này.

Cây đại thụ Việt Nam bách gia y

Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam

Ra đời vào năm 2007, bảo tàng Y học Fito được du khách nước ngoài biết đến nhiều hơn so với người dân Sài Gòn. Toà nhà bảo tàng gồm một trệt năm lầu, 18 phòng với tổng diện tích gần 600m2. Nội thất được trang bị chủ yếu từ gỗ theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam, phối hợp khéo léo giữa các khung cửa của các nhà gỗ xưa với những hoạ tiết tinh xảo. Bảo tàng trưng bày gần 3.000 cổ vật với các bộ sưu tập như dao cầu, thuyền tán, hủ rượu, choé gốm hoa mai, cân… Có các mẫu vật được sưu tập từ quê hương của thiền sư Tuệ Tĩnh, danh y Hải Thượng Lãn Ông.

Kho tàng sách y học cổ truyền Hán Nôm khoảng 100.000 trang, nếu rải ngang các trang sách này thì chiều dài khoảng 15km. Nét độc đáo ở đây là tác phẩm cây đại thụ Việt Nam bách gia y được khắc chạm bằng gỗ, thống kê tên tuổi của 100 vị danh y của y học cổ truyền Việt Nam. Bức tranh cẩn xà cừ này được công nhận là kỷ lục Việt Nam. Ở đây, có mô hình nhà thuốc xưa giới thiệu các loại thuốc được làm từ dược liệu thiên nhiên. Khách tham quan, nếu có nhu cầu, sẽ gặp các bác sĩ, lương y tham vấn về sức khoẻ. Quầy hàng lưu niệm xinh xắn và quầy bar sẽ phục vụ các loại trà thảo dược và rượu thuốc.

Quang Tâm – Minh Cúc