Hướng dẫn viên du lịch khó khăn do COVID-19 được hỗ trợ thế nào?

Ông Phạm Tấn Tài là hướng dẫn viên du lịch quốc tế, được cấp thẻ hành nghề tại tỉnh An Giang, đề nghị cơ quan chức năng giải đáp về thủ tục cũng như quy trình hỗ trợ hướng dẫn thất nghiệp do dịch COVID-19.

Về vấn đề này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang trả lời như sau:

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người lao động đang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên cả nước, ngày 1/7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID–19.

Theo đó, tại Điểm 9 Mục II Nghị quyết có quy định: “Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021”.

Điểm 3 Mục III Nghị quyết cũng có quy định: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hướng dẫn tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ theo quy định tại điểm 9 Mục II Nghị quyết này”.

Hiện nay, việc thực hiện Điểm 9 Mục II Nghị quyết 68/NQ-CP đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự thảo hướng dẫn thực hiện, khi dự thảo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nhanh chóng triển khai đến hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên địa bàn tỉnh được biết.

Khi hướng dẫn viên nói xấu đồng bào

 

TT – Tôi có vài dịp đi du lịch nước ngoài. Nếu việc đi tham quan nơi này nơi nọ hay học hỏi cách người nước ngoài làm du lịch luôn mang lại nhiều điều thú vị, thì có một điều luôn gây nên những lợn cợn suốt chuyến đi.

Đó là những thuyết minh của một vài hướng dẫn viên (HDV) du lịch trong nước đi kèm theo tour.

 

Hướng dẫn viên hướng dẫn du khách tàu Princess Cruises của Công ty Viet Excursions tham quan TP.HCM – Ảnh: Lê Nam (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Lần đó ở Paris, khi xe đi qua một cây cầu dài, HDV lên tiếng: “Các anh chị để ý nhé, cây cầu này rất dài, có rất nhiều nhịp nhưng xe chạy hoàn toàn êm ru. Không như ở VN mình, khi xe chạy qua cầu, sau mỗi nhịp là tưng lên một cái, thấy oải”. Khi đi thuyền trên sông Seine (Paris), HDV liền đề cập đến kênh Nhiêu Lộc ở Sài Gòn:

“TP.HCM có ý tưởng muốn biến con kênh Nhiêu Lộc thành con kênh du lịch như con sông Seine này nhưng không biết mấy đời nữa mới làm được”.

Lần khác ở tháp đôi Petronas (Malaysia), HDV nhắc nhở: “Khách du lịch tham quan ở đây rất đông, quý vị nhớ đi theo đoàn. Mà nếu có lạc cũng dễ tìm người Việt mình lắm, cứ thấy ai chỉ đi xem mà không dám mua gì thì đó là người VN”. Hay đi trên đường phố sạch sẽ ở Singapore, HDV giới thiệu: “Ở đây phạt rất nặng tội xả rác nơi công cộng. Cho nên nếu cầm trong tay miếng rác mà phải đi rất xa mới gặp thùng rác để bỏ, người dân vẫn tuân thủ. Dân mình thì không kiên nhẫn đến vậy đâu, nhìn quanh quất không thấy ai là alê vứt”…

Nghĩa là mỗi lần giới thiệu về cái gì đó ở nước ngoài, các HDV này đều có thói quen liên tưởng đến cái tương tự ở VN nhưng đều là những liên tưởng xấu với cách nói chê bai, coi thường, thậm chí khinh miệt. Và nếu trong đoàn du lịch lúc đó có ai có cùng tư tưởng với họ, hưởng ứng theo lời họ thì những liên tưởng ấy được thêm thắt nhiều hơn, nặng đô hơn kèm theo những tràng cười đắc chí.

Đó là những lời bình phẩm khó nghe. Tôi không biết các công ty du lịch khi đào tạo một HDV có trang bị cho họ đầy đủ kiến thức để trước tiên hiểu rằng mình là một người dân Việt hay không. Nghĩa là họ cũng được sinh ra, được nuôi nấng ăn học và làm việc tại đây, vậy tại sao họ không thể có một chút tình yêu quê hương đất nước, lòng thương và đồng cảm cùng dân mình, không thể có những suy nghĩ tự tin hay những niềm hi vọng vào tương lai quê nhà?

Chúng ta đi du lịch đến những nước có nền kinh tế mạnh thì những sự so sánh như trên là quá khập khiễng. Đất nước vẫn còn muôn vàn khó khăn, người dân phần lớn vẫn còn nghèo, đành rằng những tồn đọng đang hiện diện mỗi ngày là cái mà ai cũng thấy, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận những thay đổi tích cực từ công cuộc xây dựng đất nước nhiều năm nay. Mong các anh chị HDV thường hay so sánh hãy hiểu điều đó, để không còn những thuyết minh theo kiểu đưa những thông điệp xấu và không chính xác về đất nước.

THẢO PHƯƠNG

 

 Ông Vũ Thế Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN kiêm chủ tịch Hiệp hội Lữ hành VN):

Có thể tước thẻ hành nghề hướng dẫn viên vi phạm

Hiệp hội Du lịch VN đã nhận được nhiều thư của du khách phản ảnh về tình trạng này. HDV phát ngôn linh tinh như vậy do họ thiếu hiểu biết nên ăn nói ngây ngô (trường hợp này là phổ biến). Có một số HDV do bất mãn với những gì họ nhìn thấy, đọc được hoặc xem được về tình trạng tham nhũng, không gương mẫu của người này, người khác… rồi đưa những bất mãn này vào cả nội dung giới thiệu cho du khách một cách vô tình hoặc cố ý làm méo mó hình ảnh đất nước.

Trong số hơn 8.000 HDV được cấp thẻ hành nghề hiện nay, số lượng HDV được đào tạo bài bản chính quy không nhiều mà phần lớn từ các ngành nghề khác được bổ túc kiến thức du lịch, lữ hành… trong thời gian 1-3 tháng. Trong thời gian ngắn như vậy, việc bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức… cho HDV không được nhiều. Một số trường được giao nhiệm vụ đào tạo HDV đã không đào tạo một cách nghiêm túc cũng dẫn đến việc chất lượng đào tạo HDV không đồng đều.

Biện pháp giải quyết của Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch VN là nếu có những thư phản ảnh rất rõ ràng (tên HDV, tên công ty, nội dung nói xấu…) đến cơ quan có thẩm quyền (như các sở quản lý du lịch địa phương, các hiệp hội du lịch địa phương) thì HDV đương nhiên sẽ bị kỷ luật với hình thức phạt tiền hoặc cao nhất là tước thẻ hành nghề (theo quy định của Luật du lịch).

L.NAM ghi

Hụt hẫng vì thiếu hướng dẫn viên

TT – Ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp về xứ Thanh và được chiêm ngưỡng suối Cá Thần tại xã Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa).

Đây là một điểm du lịch hấp dẫn, được xếp vào một trong những cảnh đẹp của Việt Nam, thu hút hàng ngàn khách du lịch mỗi năm.

 

Du khách tham quan suối Cá Thần – Ảnh: Phương Lan

Tuy nhiên, sau chuyến đi ngoài việc ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ, nét độc đáo của suối Cá Thần, chúng tôi cảm nhận một sự hụt hẫng, nuối tiếc chỉ vì nơi đây không có hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

Ngoài phong cảnh tại suối, điểm du lịch này còn có hang động và hệ thống rừng nguyên sinh, những sản vật văn hóa tinh thần rất phong phú. Nếu được hướng dẫn viên giới thiệu bài bản, có lẽ khách tham quan thêm phần hiểu biết và thích thú hơn nhiều. Ngược lại, chúng tôi chỉ được vài em nhỏ 10-15 tuổi vừa cho thuê đèn pin vào hang, vừa kiêm hướng dẫn viên theo kiểu tùy hứng, chỉ kể về câu chuyện suối Cá Thần cũng như mô tả hình hài phiến đá theo cách tự biên, tự diễn.

Hiện nay nhu cầu tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh của du khách không chỉ để “tận mục sở thị”, mà còn mong muốn được hiểu biết về lịch sử, được cảm thụ, thẩm thấu về những giá trị văn hóa tinh thần. Dấu ấn sau mỗi chuyến du lịch ngoài sự ấn tượng, thanh thản tâm hồn, hiểu biết về đất nước, con người thì người hướng dẫn viên luôn để lại trong lòng du khách một hình ảnh khó quên.

Vì lẽ đó, người làm công tác hướng dẫn viên phải là người bạn đồng hành, là cầu nối đến du khách. Đừng để khách tham quan khi xem một phong cảnh mà thiếu đi màu sắc, nhìn một hiện vật mà không hiểu nguồn gốc, đi vào rừng mà không ai dẫn đường…

Mong rằng tại các địa danh nổi tiếng, không chỉ suối Cá Thần tại Cẩm Thủy, luôn có một đội ngũ những hướng dẫn viên được đào tạo đúng chuyên ngành, có kỹ năng chuyên nghiệp, để du khách được giới thiệu một cách bài bản nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức và học tập.

PHƯƠNG LAN

Lăng Mạc Cửu

Lăng và đền thờ Mạc Cửu được xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi… được coi là danh thắng đẹp nhất đất Hà Tiên (Kiên Giang).

Đền thờ họ Mạc còn gọi là Trung Nghĩa từ (người địa phương gọi là miễu Ông Lịnh) tọa lạc trên đường Mạc Cửu, dưới chân núi Bình San, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đền được khởi đầu từ Tổng trấn Mạc Cửu, người có công khai phá và xây dựng vùng đất Hà Tiên hơn 300 năm trước.


Mặt tiền lăng Mạc Cửu.

Khu di tích thắng cảnh núi Bình San, còn gọi là núi Lăng, vì trên núi có lăng mộ Mạc Cửu, các vị phu nhân, con cháu và tướng lĩnh họ Mạc. Từ chân núi đi lên, du khách sẽ gặp cổng đền thờ có hai câu đối do nhà Nguyễn ban tặng: “Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng, Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh” (Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ, Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu).

Bên trong cổng là một khoảng sân rộng, tạo cho không gian lăng mộ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm mặc. Đối diện cổng là đền thờ Mạc Cửu, cột vuông, có hoành phi và liễn đối. Tại chánh điện có một biển thờ đề bốn chữ “Khai trấn trụ quốc”, là lời tuyên dương của nhà Nguyễn trước công đức mở mang bờ cõi ở phía Nam của dòng họ Mạc. Trên vách đền có ghi lại những bài thơ trong Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích.


Tượng Tổng trấn Mạc Cửu.

Lăng và đền thờ Mạc Cửu do Mạc Thiên Tích thiết kế, xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi, bên trái là núi Bát Giác; bên phải là Đại Kim Dự. Phần lăng mộ Mạc Cửu nằm giữa những bức tường kiên cố, các bậc thềm đều cẩn đá xanh, có tảng dài đến 3m, do các nhà buôn Trung Hoa thời bấy giờ chở từ Quảng Tây sang tặng. Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu có hình bán nguyệt khoét sâu vào núi, mộ có hình dáng như một con trâu nằm (thế tọa ngưu).

Lần theo các lối mòn và những bậc thềm rêu phong là đến mộ phần của gia đình và tướng tá dòng họ Mạc. Phía dưới lăng Mạc Cửu là mộ bà Nguyễn Thị Hiếu Túc, vợ Mạc Thiên Tích (trái) và mộ Mạc Tử Hoàng (phải) rồi đến mộ Mạc Thiên Tích (cũng giống như mộ cha, nhưng bài trí khiêm nhường hơn). Đi vòng theo chân núi chừng 3 km, du khách sẽ bắt gặp một ngôi chùa do Mạc Thiên Tích xây cho thứ thiếp là Phù Cừ tu hành. Đó là chùa Phù Dung.


Phía trong lăng Mạc Cửu.

Lăng Mạc Cửu là một trong những cảnh đẹp của Hà Tiên. Du khách đến viếng thăm Lăng sẽ được nghe những câu chuyện về dòng họ Mạc, một dòng họ có nhiều công lao trong việc khai thác và trấn giữ đất Hà Tiên. Ngày 21/1/1989, núi Bình San được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là thắng cảnh quốc gia. Và để ghi nhận công lao của Mạc Cửu trong việc khai phá vùng đất Hà Tiên, cũng như kỷ niệm 300 năm vùng đất này được thành lập, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ khánh thành tượng đài danh nhân Mạc Cửu cao 10 m, vào ngày 7/9/2008 tại quảng trường cạnh cầu Tô Châu – thị xã Hà Tiên.

Theo Đất Mũi

“Vàm Nhựt Tảo”

Là nơi giao hội giửa sông Vàm Cỏ Đông và sông Nhựt Tảo, Vàm Nhựt Tảo là một vùng sông nước phẳng lặng hiền hòa thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Nhưng vào ngày 10/12/1861, vàm Nhựt Tảo đã dậy sóng căm hờn nhấn chìm tàu L’ Espérance của quân xâm lược Pháp. Người đã làm nên sự kiện mà nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt ca ngợi là ”oanh thiên địa” ấy chính là người anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực.

Ông sinh năm 1839 tại xóm Nghề, làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định, ông đã tham gia vào đội nghĩa binh kháng chiến dưới quyền chỉ huy của Trương Định và được cử về hoạt động chống Pháp trên địa bàn phủ Tân An.

Được sự giúp đở của hương chức làng Nhựt Tảo ông đã bố trí một kế hoạch táo bạo, thông minh để đánh tàu L’ Espérance, một tiểu hạm chủa Pháp đang hoành hành trên vùng sông nước huyện Cửu An.Sáng ngày 10/12/1861, sau khi bố trí lực lượng phục kích trên bờ và dụ cho một bộ phận địch rời khỏi tàu, Nguyễn Trung Trực đã cùng 59 nghĩa quân lên 5 chiếc ghe giả làm ghe buôn lúa tiến sát tàu địch.

Trong lúc trình giấy thông hành, ông đã bất ngờ giết tên lính Pháp rồi cùng nghĩa quân tấn công lính Pháp trên tàu L’ Espérance. Không kịp trở tay, toàn bộ địch trên tàu bị tiêu diệt ( chỉ có 5 tên chạy thoát). Nghĩa quân dùng dầu và đồ dẩn hỏa đốt cháy tàu L’ Espérance. Ngọn lửa bốc cao từ từ nhấn chìm tàu xuống đáy sông sâu. Tin chiến thắng Nhựt Tảo bay đi làm nức lòng quân dân cả nước. Triều đình Huế đã thăng Nguyễn Trung Trực lên chức Quản Cơ, hậu thưởng cho nghĩa quân, cấp tử tuất và hổ trợ tiền cho làng Nhựt Tảo (bị quân Pháp triệt hạ).
Thực dân Pháp cũng hết sức bàng hoàng vì chúng không thể ngờ rằng nghĩa quân có thể gây cho chúng tổn thất lớn như thế. Để ghi dấu kỷ niệm ”đau thương” này, Thực dân Pháp đã cho xây dựng một bia tưởng niệm bên bờ sông Nhựt Tảo .Thời gian lặng lẽ trôi, vàm Nhựt Tảo vẫn còn đó như gợi lại trong lòng khách vãng lai một niềm hoài cổ. Tàu L’ Espérance sau gần 120 năm nằm yên dưới đáy sông sâu đã được khai quật. Tổng số hiện vật thu được là 89, trong đó có 78 hiện vật gỗ, 8 hiện vật sắt, 2 hiện vật đồng và 1 hiện vật thủy tinh. Qua nghiên cứu các hiện vật gỗ ta còn thấy đầy đủ các bộ phận để hợp thành bộ khung của tàu như cong đà, be, lườn, cột buồm. Tuy đã bị đục để lấy đi phế liệu nhưng tàu L’ Espérance vẩn còn một số mảnh gỗ bọc đồng hiện rõ vết cháy loang lỗ. Tất cả những hiện vật nêu trên đã được bảo quản và trưng bày tại Bảo Tàng Long An nhằm giới thiệu khách tham quan trong và ngoài nước những bằng chứng cụ thể về chiến công oanh liệt của người anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực cách nay hơn một thế kỷ.
Ngày nay, nếu xuôi dòng Vàm Cỏ Đông đến địa phận xã An Nhựt Tân, du khách sẽ được ngắm nhìn vùng sông nước hữu tình vàm Nhựt Tảo. Sông nơi đây khá rộng, dòng nước trong xanh, hai bên bờ là những mái nhà xinh xắn nép mình dưới rặng dừa nước và một số loài cây hoang dại như vẹt, bần, đước, mắm. Cách vàm 200m là chiếc cầu treo bắc qua sông Nhựt Tảo nối liền 2 xã An Nhựt Tân và Bình Trinh Đông. Những buổi bình minh đứng trên cầu treo nhìn ra vàm sông ta mới cảm nhận hết vẻ đẹp như tranh nơi đây. Sương tan là đà trên mặt sông dài như được nhuốm hồng bởi ánh bình minh, đó đây văng vẳng tiếng hò khoan dìu đặt của người dân chài lưới. Gần vàm là ngôi chợ khá lâu đời, hiện vẩn còn 2 dãy phố lợp ngói khá cổ kính. Đối diện chợ là trụ sở ủy ban nhân dân xã An Nhựt Tân. Khuôn viên ủy ban có bia kỷ niệm chiến thắng Nhựt Tảo được xây dựng năm 1980.

Nói chung dưới sự tác động của thiên nhiên và con người hơn một thế kỷ qua, di tích vàm Nhựt Tảo đã có sự thay đổi nhất định so với thời điểm xảy ra trận đánh ngày 10/12/1861. Tuy nhiên những gì còn hiện hữu ở vàm Nhựt Tảo cũng đã minh chứng tài năng quân sự của Nguyễn Trung Trực- người đầu tiên duy nhất đánh chìm được một tiểu hạm trong cuộc kháng chiến chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Chiến thắng Nhựt Tảo cũng cho thấy rằng ta có thể đánh bại quân xâm lược bằng mưu trí và lòng dũng cảm dù chỉ được trang bị vũ khí thô sơ. Mặt khác ”trận hỏa hồng Nhựt Tảo” chính là biểu tượng của tinh thần yêu nước, bất khuất trước ngoại xâm của nhân dân ta. Chính những người ”dân ấp, dân lân” chỉ vì ”mến nghĩa” mà đứng lên đánh Pháp đã làm nên chiến thắng vang dội Nhựt Tảo trong khi Triều đình Huế vì yếu hèn đã vội cầu hòa, cắt đứt một phần giang sơn gấm vóc cho quân xâm lược. 135 năm sau ngày Nguyễn Trung Trực đánh chìm tàu L’ Espérance, vàm Nhựt Tảo đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia năm 1996 bởi những giá trị, ý nghĩa sâu sắc chứa đựng trong đó. Một dự án tôn tạo di tích quy mô đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An phê duyệt và bước đầu thực hiện. Trong tương lai, đền thờ, tượng đài anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực và những hạng mục công trình khác sẽ được xây dựng bên bờ vàm Nhựt Tảo, sẽ làm cho vùng sông nước nên thơ này không những có ý nghĩa lịch sử mà còn có giá trị tham quan du lịch.

Đờn ca tài tử

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị giải quyết một số vướng mắc về cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế

Thực hiện công tác cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa theo Luật Du lịch,.Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành cấp, đổi thẻ từ cho 1222 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1330 hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số trường hợp chưa thể cấp thẻ cho hướng dẫn viên đã được cấp tạm thời trước đây, đặc biệt rơi vào nhóm hướng dẫn viên du lịch phục vụ khách quốc tế thuộc thị trường các ngôn ngữ ít thông dụng Nhật, Đức, Nga, Hàn, Tây Ban Nha…và tiếng Hoa do các hướng dẫn viên du lịch này tuy đã có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề, nhưng lớn tuổi, hoặc thuộc cộng đồng dân tộc Hoa sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh từ lâu đời nên trình độ văn hóa còn hạn chế, chưa đạt tiêu chuẩn đại học. Trong khi đó, công tác đào tạo hướng dẫn viên du lịch mới cho các thị trường này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành, trước mắt là trong giai đoạn hiện tại.
 Căn cứ vào tình hình thực tế về lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh năm 2011, và những năm tới đang gia tăng, đồng thời mục tiêu của ngành là tập trung thu hút khách các thị trường có mức chi tiêu cao như Nga, Đức, Nhật, Tây Ban Nha,…và các thị trường lân cận trong khu vực nói tiếng Hoa, Thái; sau khi trao đổi và thống nhất với Hiệp hội Du lịch thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố có văn bản  kiến nghị Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép thực hiện thí điểm một số biện pháp như sau:
         – Cấp thẻ cho những người tốt nghiệp cao đẳng, đáp ứng đủ các điều kiện về nghiệp vụ và ngoại ngữ du lịch theo quy định hiện hành (có công văn đề nghị của doanh nghiệp lữ hành quốc tế đang sử dụng các hướng dẫn viên trên trong khi chờ chuyển sang thẻ chính thức khi Luật Du lịch được sửa đổi theo đề nghị của Chính phủ tại Nghị Quyết 69/NQ-CP ngày 27/12/2010).
         – Tổng cục Du lịch cần nghiên cứu đối với trường hợp hướng dẫn viên sử dụng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hoa đã từng được cấp thẻ trước đây, đáp ứng đủ các điều kiện về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ theo quy định hiện hành, có kinh nghiệm hành nghề ít nhất 5 năm, tuổi trên 50 với nam và trên 45 với nữ; công văn đề nghị Tổng cục Du lịch với Sở và Sở sẽ thẩm định và trao đổi với Vụ Lữ hành để cấp cho số hướng dẫn viên nêu trên.
         – Riêng trường hợp hướng dẫn viên du lịch tiếng Hoa đã có thẻ (tạm thời hoặc chính thức) trước đây, và đến nay các hướng dẫn viên này chưa có bằng đại học, nhưng thực tế đáp ứng đủ các điều kiện về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ theo quy định hiện hành, có cam kết sẽ bổ sung trình độ đại học sau này; có công văn đề nghị của doanh nghiệp lữ hành quốc tế đang sử dụng các hướng dẫn viên, Tổng cục Du lịch chấp thuận cấp thẻ 1 lần có thời hạn 3 năm. Sau thời hạn đó sẽ sơ kết công tác cấp thẻ và thực hiện theo như quy định và cam kết. Việc giải quyết các tình huống đặc biệt đề cập trên sẽ hỗ trợ được phục vụ và phát triển thị trường khách du lịch nói tiếng Hoa đang tăng nhanh ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay và sắp tới.
  Minh Trường
                                                                                                              
( nguồn : phòng Lữ hành)

Du khách Việt “dễ thương” thiệt!

Nếu du lịch bụi để tìm những cảm giác cho riêng mình thì đi tour theo đoàn cũng có những thú vị của nó. Hàng chục người tự dưng không quen biết nhau bỗng tìm đến một công ty du lịch đăng ký và cùng lên đường. Có nhiều chuyện rất “dễ thương” ở các chương trình như thế này…

Rời những ngày làm việc căng thẳng, các du khách của Việt Nam khi đi chơi xa ngồi trên xe, thường cùng nhau có căn bệnh dễ lây lan là… ngủ. Nhất là những chuyến bay về khuya. Vừa xuống đến nơi, mới ngồi trong xe hơi máy lạnh mát mẻ, trong lúc hướng dẫn viên (HDV) còn đang thao thao bất tuyệt thì đã nghe tiếng ai đó… khò khò. Vì vậy, tài năng của người HDV lúc này rất cần phải được thể hiện nhưng nhiều khi cũng không… “làm gì được”! Một số khách lý giải buồn ngủ là do chênh lệch múi giờ, quá lo lắng trước khi đi… Thế nhưng, vài ngày sau, khi di chuyển liên tục, tình trạng ngủ hàng loạt vẫn “liên tục phát triển”. Để tránh du khách nhắm mắt, HDV phải bày ra đủ thứ trò: đố vui có thưởng, giao lưu ca nhạc, “chiếc nón kỳ diệu”… nhằm thu hút mọi người cùng tham gia. Nhưng, có đoàn HDV không biết làm gì cũng chấp nhận… ngủ theo, để cả nhà cùng vui.

 
Xem biểu diễn cowboy ở Bangkok

Là người trong nghề lâu năm, HDV tại Thái Lan Nguyễn Trí Hào bật mí: “Khi qua Thái, thường khách hay đi xem các show diễn hơi muộn, lại còn đi ăn đêm nên buổi sáng ai cũng thích nằm nướng một chút. Vì vậy, ở khách sạn tôi thường gài chế độ điện thoại bàn báo thức nhưng nhiều khách cúp máy để ngủ tiếp hoặc tưởng ai gọi sớm nên không thèm nghe. Mê ngủ, thích chơi đêm, đi đâu khách cũng tất bật nên hay quên đồ trở thành chuyện thường ngày của khách Việt. Có vị sợ mất tiền và giấy tờ nên tối đến cho tất cả các loại bóp vào gối, ôm ngủ cho an tâm. Sáng dậy, xe chạy nửa đường mới sực nhớ, vẫy xe bắt HDV cùng quay trở lại tìm toát mồ hôi hột. Sau một hồi quần nát, HDV mới phát hiện chị này đưa về nhầm vào… phòng người khác, thì làm sao kiếm ra. Có vị khách ra biển Pattaya tắm, không nghe lời HDV, cởi bỏ quần và dây nịt gửi nhờ cho khách Việt bàn bên cạnh. Tới giờ họ về trước mất… Thôi thì của đi thay người”.

“Lâu lâu mới có một kỳ, đâu phải bánh mì ngày nào cũng có”.Quan niệm như vậy, nên có du khách ngày thường cạy một chữ tiếng Anh không biết, sang nước ngoài bỗng dưng… nổi hứng, “múa may” huyên thuyên. Nhớ có lần, tôi gặp một khách biết ngoại ngữ lõm bõm nhậu ở khách sạn, thiếu bia nên được cử đi mua. Không biết xuống đất “xì lồ xì là” thế nào, lúc quay trở lại tay anh xách một bịch đầy lon, nhưng khi mở ra uống lại toàn… nước ngọt.

HDV Hoàng Trần Thái (Du lịch Việt) kể: Ra nước ngoài, sở thích của khách Việt đa phần đều muốn đi mua sắm. Trước khi xuất hành, HDV cẩn thận hỏi đủ thứ, kể cả khả năng tiếng Anh, ai cũng “OK” hết. Nhưng mới rời khách sạn khoảng 30 phút là điện thoại HDV đổ chuông liên tục. “Alô, alô Chị bị lạc rồi em ơi, tới ngay đây đưa chị về giúp?”. “Chị đang ở đâu vậy?”. “Không biết em ơi”. Bí quá, HDV đề nghị chị đưa máy điện thoại cho một người nước ngoài ở bên cạnh để giúp đỡ thì nghe tiếng chị này ngoắc: “Ê…Ê, You… you ơi, you nói chuyện với anh này giùm em với”. Tội nghiệp, ông này không biết gì, vì lịch sự cũng cầm máy xổ ngay vào một tràng tiếng Hàn Quốc. Lúc này, nhờ vốn ngoại ngữ “chút chút” mà HDV mới biết ông Hàn Quốc này cũng đang… lạc đường.

Thế đấy, với một số người thì ấn tượng trong lúc đi du lịch là những cảm xúc thăng hoa với khung cảnh, con người, còn với một vài người khác thì lại là những tình huống ngộ nghĩnh của bản thân hay các vị khách đi cùng đoàn… Tất cả, đều là kỷ niệm của những chuyến đi.

Cao Hồng S

Vì sao thiếu hướng dẫn viên nữ?

PN – Vào các trường đào tạo hướng dẫn viên (HDV) du lịch, từ trung cấp đến đại học, không khó để nhận thấy số lượng sinh viên (SV) nam ít đến… thảm thương so với SV nữ.

Ngược lại, qua tham khảo số liệu ở các công ty du lịch lớn tại TP.HCM, số lượng HDV nữ hiện theo nghề chỉ chiếm khoảng 10% đến 20% so với HDV nam. Nguyên nhân nào đã dẫn đến nghịch lý trên?

Dâu trăm họ

T.H. – nữ SV ngành du lịch của một trường cao đẳng tâm sự: “Em thích ngành này vì sẽ được đi đây đi đó, được mở mang kiến thức, tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng”. Q.N. – một nữ SV cũng chia sẻ: “Em chọn học ngành này vì nghĩ mình không chịu được sự buồn tẻ của các công việc phải ngồi ở văn phòng. Ngoài ra, tiêu chuẩn tuyển sinh đầu vào của các trường du lịch cũng khá dễ…”. Nữ SV M.A. thì nói tỉnh queo: “Em thích làm HDV vì đây là một nghề có thể vừa đi làm vừa đi chơi!”.

Khi chọn ngành HDV du lịch, đa phần các SV nữ chỉ xét đến tính hấp dẫn, sự dễ dàng ở đầu vào tuyển sinh mà quên xét đến năng khiếu, khả năng thích ứng của bản thân, không lường được những khó khăn, mặt trái của nghề. Khi ra trường, va chạm với thực tế khắc nghiệt của công việc, họ thường vỡ mộng.

 


Nữ hướng dẫn viên đang giới thiệu di tích Mỹ Sơn cho du khách.
Ảnh: Lương Thế Vy

Rào cản đầu tiên mà các HDV nữ phải vượt qua để vào nghề là vấn đề sức khỏe. Không ít người lầm tưởng HDV là một nghề nhàn hạ, chỉ việc lên xe cầm micro và thuyết minh. Nhưng trên thực tế, hầu hết HDV phải “làm dâu trăm họ” với vô vàn công việc có tên và không tên, vừa lao động trí tuệ vừa lao động tay chân: thuyết minh, chăm sóc khách, hoạt náo, phục vụ, xử lý tình huống… Vì vậy, ít có HDV nữ nào đủ sức bền để đảm đương được những tour đi các tỉnh xa, tour xuyên Việt có khi kéo dài cả tháng. Ngay cả  những tour gần như Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt cũng là một thách thức không nhỏ đối với các HDV nữ thiếu thể lực. Đặc biệt, vào những mùa cao điểm, đôi khi vừa trả đoàn khách trước xong là HDV lại lập tức lên đường cùng đoàn khách sau…

HDV nữ phải có bản lĩnh vững vàng nếu muốn tồn tại với nghề. M.K. kể về tour đầu tiên và cũng là cuối cùng của mình: “Lễ 30/4 năm 2005, em nhận dẫn một tour Nha Trang. Xe đến nơi đón khách lúc 22g, em bàng hoàng khi thấy khách hàng mà mình phải phục vụ trong bốn ngày bốn đêm là 40 công nhân nam của một nhà máy cán tôn, lúc này đang nồng nặc hơi men. Xe chạy, khách tiếp tục nhậu… Họ say nên cứ lấy em làm đối tượng trêu chọc, em thuyết minh thì họ bắt em hát, em hát thì họ cười hô hố, rồi rủ nhau ép em uống rượu, còn động tay động chân… Lúc ấy, vừa mới chân ướt chân ráo vào nghề, chẳng biết xử lý tình huống thế nào, gọi điện về công ty thì vào mùa cao điểm nên chẳng ai giúp đỡ, em chỉ biết khóc… Sau tour ấy, em bỏ nghề luôn”.

Cần có chính sách hỗ trợ

Khi được hỏi về nỗi e ngại lớn nhất khi theo nghề, đa phần các HDV nữ đều trả lời: “Em ngán nhất là cái phòng nội bộ”. “Phòng nội bộ” là khái niệm đặc thù của ngành du lịch. Khi đưa khách đến nhà hàng, khách sạn, bao giờ cũng vậy, HDV và tài xế thường được miễn phí. Ở nhà hàng, quán ăn, bàn miễn phí cho tài xế và HDV gọi là “bàn nội bộ”. Tương tự, ở khách sạn có “phòng nội bộ”. Khách sạn dưới ba sao thì “phòng nội bộ” ngay trong khách sạn, khách sạn từ ba sao trở lên thì thông thường công ty lữ hành phải chi tiền cho HDV và tài xế thuê phòng. Dù trong hay ngoài khách sạn, “phòng nội bộ” thường chỉ có một, HDV nữ phải ở chung phòng với tài xế, phụ xế. Nếu muốn ở riêng, HDV nữ phải móc tiền túi ra trả, mà tiền phòng thường cao gấp mấy lần ngày lương.

Với một môi trường làm việc phức tạp như vậy nên khi quyết tâm theo nghề, HDV nữ thường vấp phải sự phản ứng dữ dội từ cha mẹ, người yêu hoặc chồng. Không ít HDV nữ đã phân vân giữa gia đình và nghề, để rồi cuối cùng phải “theo chồng bỏ cuộc chơi”, mặc dù vẫn còn tình yêu và niềm khao khát với nghề.

Tuy thua sút HDV nam về thể lực nhưng HDV nữ lại trội hơn về sự tinh tế, mềm mỏng, chu đáo… Không ít chương trình tour chỉ thành công khi được một bóng hồng hướng dẫn. Tuy nhiên hiện nay, khi lượng HDV nữ cầm micro trên các đường tour càng ngày càng “rơi rụng” nhiều thì nhiều công ty lữ hành vẫn chưa có chính sách hỗ trợ hữu hiệu nào cho lực lượng lao động này.

Nguyên Hà

Hướng dẫn viên lùn nhất Việt Nam

Trở thành hướng dẫn chỉ vì cái sở thích học tiếng Anh, làm hướng dẫn viên sẽ được tiếp xúc, đối thoại với những người có vốn tiếng Anh phong phú, giúp cho người học tiếng Anh tự tin hơn trong việc giao tiếp.

Sinh năm 1956, cả nhà có 6 anh chị, em, không có ai bị tàn tật như anh. Tốt nghiệp phổ thông trung học năm 1978, Đinh Văn Phú chỉ cao bằng đứa trẻ lên 6. Tốt nghiệp phổ thông xong, Phú ao ước vào đại học lắm, nhưng khi đó, đối với anh mọi hy vọng đều bị dập tắt chỉ vì anh là người tật nguyền. Cánh trường đại học lúc bấy giờ không chấp nhận đón sinh viên tàn tật như Phú. Thất vọng tràn trề Phú lại lũi cũi quay về con phố Hàng Cót sống lầm lũi như một chú rùa. Hết tuổi đến trường, buồn chán, cả tháng trời anh chẳng buồn bước ra khỏi nhà. Thế rồi, anh nghĩ chẳng lẽ mình cứ sống mãi như thế này sao, phải kiếm lấy một thứ nghề gì để sống, để không phải ăn bám, không phải phụ thuộc vào những người thân trong gia đình. Phú quyết định nhận chân thư ký cho một xưởng sản xuất tăm tre của những người tàn tật. Anh tự nhủ: làm việc ở đó, ít nhất đó cũng có những người cùng cảnh ngộ như mình. Thế rồi làm thư ký cho xưởng được ít hôm công việc của Phú ở đó không được như mong đợi, anh bỏ xưởng về nhà, tính cách sống khác. Lúc đó là thời điểm bao cấp, làm ăn cái gì cũng khó, người lành lặn đã khó kiếm sống, nói gì đến những người tàn tật như anh. Nhưng, anh vẫn phải sống, vẫn phải tiếp tục làm việc. Để có tiền nuôi sống bản thân, hồi đó Phú phải lăn lội đi bán thuốc lá ở từng ngõ ngách dãy phố Hà Nội.

Quán của anh Phú nằm trong phố Hàng Cót mà lúc đó, thời kỳ đất nước mở cửa, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam càng ngày càng đông. Sở thích học tiếng Anh cũng bắt đầu từ đó, anh bảo lúc đó tôi nghĩ tới việc học Tiếng Anh để giao tiếp và giới thiệu về Việt Nam với họ và tôi bắt đầu mua quyển sách Tiếng Anh đầu tiên về tự học. Nhưng việc tự học một môn ngoại ngữ không phải là điều đơn giản nhất và với người có thân hình như anh.

Sáu năm theo đuổi học tiếng Anh, là sáu năm anh phải lặn lội đánh vật với từng con chữ. Anh đeo đuổi môn ngoại ngữ này theo một sở thích cá nhân. Ngồi bán nước chè vỉa hè trên con phố cổ đất Hà Thành, mỗi lần nghe khách du lịch nước ngoài đi qua nói chuyện, anh lại như bị hút hồn theo thứ ngôn ngữ ấy. Thế là anh quyết tâm học, mò mẫm, dò dẫm học. Phú vừa bán nước vừa học, lúc đầu người đi đường cứ tưởng chàng lùn theo nghiệp thư ký lô đề. Nhưng khi hỏi kỹ người ta mới ngỡ ra rằng chàng lùn đang học ngoại ngữ. Nhiều người đã động viên Phú rất nhiều, khi biết anh vừa bán nước chè, vừa học tiếng Anh. Tiếng lành đồn xa, tin chàng lùn tự học tiếng Anh đến tai cô giáo Nguyễn Thị Thái (khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội). Trân trọng cái sự ham học của Phú, cô Thái đã đích thân tìm đến quán nước của Phú động viên khuyến khích anh đến học, với một điều kiện phải làm đủ bài tập cô giao cho, còn việc học anh tiếp thu được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Lúc đầu là tuần một buổi học tại nhà cô, sau là tuần hai buổi. Để tạo điều kiện cho Phú đến lớp, cô giáo Thái đã cử cậu con trai tuần hai buổi đến quán nước chàng lùn chở anh đến lớp. Lúc đầu, Phú vào lớp với tâm trạng vừa học vừa lo. Lo vì sợ không theo kịp được bài giảng rồi lại phụ công của cô giáo. Nhưng rồi, bằng ý chí nghị lực của mình, với sở thích ngoại ngữ của mình, Phú tiếp thu bài khá nhanh ở trên lớp. Được một thời gian, ổn định tuần hai buổi đến lớp, đến khi con trai cô Thái vào đại học. Việc học hành của cậu bận rộn, không thể hàng tuần đưa đón anh đến lớp. Biết được hoàn cảnh của anh, lớp học tiếng Anh của Phú bảo nhau đóng góp, người nhiều, người ít giành dụm trang trải những chuyến xe ôm đến lớp cho chàng lùn.

Đinh Văn Phú bảo, anh trở thành hướng dẫn chỉ vì cái sở thích học tiếng Anh, làm hướng dẫn, sẽ được tiếp xúc được đối thoại với những người có vốn tiếng Anh phong phú, giúp cho người học tiếng Anh tự tin hơn giao tiếp. Đây là điều rất quan trọng cho người học ngoại ngữ. Đối tượng khách của Phú là những sinh viên, người nước ngoài muốn tìm hiểu khám phá đất nước Việt Nam. “Họ rất nhiệt tình, và nhiều kiến thức. Tôi học tiếng Anh, để tôi có thể tự lập đi lên với đôi chân và sự yêu thích của mình.” – anh chia sẻ. Hơn 2 năm làm hướng dẫn cho những vị khách nước ngoài đã mang lại cho Phú những kiến thức khá bổ ích khi anh có được cơ hội khám phá nền văn hóa ẩm thực nước nhà. Giờ đây, khi hỏi Phú về những nhà hàng nổi tiếng, những món ăn đặc sản đất Hà Thành, anh có thể giới thiệu hàng giờ về nó. Anh bảo: Hà Thành có một kho tàng văn hoá ẩm thực phong phú tiêu biểu; như phở, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, cốm Vòng… Nhưng với khách nước ngoài ấn tượng nhất vẫn là Phở. Bao giờ cũng thế, ngày đầu dẫn đoàn khách cũng yêu cầu chàng lùn giới thiệu về món Phở.

Với đam mê của nghề hướng dẫn, đam mê của sự học, Đinh Văn Phú đã không ngại ngần bước lên xe làm hướng dẫn cho khách mỗi khi có tour đi xa, dài ngày. Các điểm đến như Sapa, Tây Bắc với chàng lùn giờ đây không còn xa lạ. Với người hướng dẫn bình thường công việc dẫn khách lên vùng núi vào các thôn bản còn khá vất vả, nhưng với Phú, công việc này còn vất vả ngàn lần. Anh kể, trên đường đi nhiều lúc băng qua suối, nhiều vị khách đã tình nguyện phải bế anh qua. Hay những lúc trèo đèo, đá tai bèo lởm chởm, khách lại tình nguyện cõng anh trên suốt một chặng đường.

Tôi muốn trở thành một giáo viên tiếng Anh giỏi để một ngày gần đây có thể dạy tiếng Anh cho những người có số phận kém may mắn như tôi. Họ cũng như tôi, cũng muốn tìm đến một chân trời mới, nhưng chưa có ai chắp cánh. Tôi sẽ dùng kiến thức vốn có của mình để giúp họ biến một phần ước mơ thành hiện thực. Họ sẽ không phải lúng túng như tôi những ngày trước kia. Xa hơn nữa, nếu có điều kiện tôi sẽ thành lập một văn phòng giành riêng cho những người lùn trên đất Việt. Và tôi đã chọn nghề hướng dẫn để nuôi dưỡng chắp cánh cho ước mơ này, anh Phú tâm sự

(Hữu Thắng – Xuân Biên, Báo Du Lịch)