Nghệ thuật phục vụ khách hàng trong khách sạn 5 sao

Nghệ thuật phục vụ khách hàng đã trở thành chiến lược cạnh tranh đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ – du lịch khách sạn. Những chia sẻ của một trong những thương hiệu khách sạn hàng đầu tại Việt Nam sẽ giúp độc giả và khách hàng hiểu được cách làm dịch vụ chuyên nghiệp này.

Trong thời buổi khách hàng còn trên cả thượng đế như hiện nay, trong bất kể ngành nghề nào, để tồn tại và phát triển được, các doanh nghiệp nào cũng cần có chiến lược thu hút và phục vụ khách hàng. Điều này càng đúng hơn với những ngành dịch vụ như ngành Du lịch khách sạn. Thống kê cho thấy một khách hàng sẽ sẵn sàng chi thêm 10% cho cùng một sản phẩm nếu dịch vụ tốt hơn. Nếu dịch vụ tồi thì 91% khách hàng sẽ không quay trở lại nữa.

Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giữ chân được khách hàng và thu hút thêm khách hàng tiềm năng? Dưới đây là một số bí quyết phục vụ khách hàng của khách sạn Crowne plaza West Hà Nội, thương hiệu Crowne Plaza đầu tiên tại Việt Nam thuộc tập đoàn khách sạn InterContinental Hotels Group (IHG).

Ấn tượng đầu tiên

Tập đoàn IHG gọi những giây phút đầu tiên tiếp xúc với khách là giây phút chân lý (“the moment of truth”). Khách hàng sẽ có những ấn tượng và đánh giá ngay trong trong 40 giây đầu tiên và phải mất đến 2 năm ấn tượng đầu tiên mới có thể phai nhạt. Nắm được tâm lý và lô gíc của khách hàng như vậy, mọi nhân viên mới bắt đầu làm việc trong khách sạn Crowne plaza West Hà Nội đều được đào tạo định hướng cẩn thận về cách ăn mặc, diện mạo, cách kết nối với khách, cách chào hỏi và tiếp xúc với khách.

Đáp ứng được mong đợi của khách hàng: Khi khách hàng đã có ấn tượng tốt đẹp đầu tiên, chúng ta cần phải đảm bảo những “công đoạn” hay “dịch vụ” sau đó phải trơn tru trôi chảy. Để hiểu được mong đợi của khách hàng, mỗi nhân viên trong khách sạn Crowne plaza West Hà Nội đều tham gia những khoá học theo tháng về định vị thương hiệu giúp nhân viên hiểu về khách hàng mục tiêu, về bản sắc thương hiệu, về văn hoá phục vụ của thương hiệu.

Làm cho khách hàng thực sự hài lòng

Không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng được mong đợi của khách hàng, để tạo được sự khác biệt trong con mắt khách hàng, mỗi sản phẩm hay dịch vụ cần phải được cung cấp hay thực hiện tốt hơn bình thường. Theo thống kê, một khách hàng sẽ sẵn sàng chi thêm 10% cho cùng một sản phẩm nếu dịch vụ tốt hơn. Ngoài ra, một khách hàng hài lòng thường sẽ giới thiệu dịch vụ hoặc sản phẩm đó cho 9-12 người khác. Ngược lại, một khách hàng không hài lòng sẽ nói cho trung bình 20 người khác biết. Ông Michel Chertouh, Tổng giám đốc Crowne plaza West Hà Nội cho biết “Từ cuối năm 2011, chúng tôi đã ra mắt và thực hiện chiến lược “Brandhearted” (Yêu thương hiệu), chiến lược này đảm bảo đem đến cho khách hàng một trải nghiệm thương hiệu đích thực và nhất quán khi đến với không chỉ Crowne plaza West Hà Nội mà bất kỳ một khách sạn nào trong hệ thống IHG. Chiến lược này lấy khách hàng và trải nghiệm thương hiệu của họ làm trung tâm và đang được triển khai rất hiệu quả”. Đây cũng là chiến lược khiến Crowne Plaza trở nên khác biệt.

Làm cho khách hàng thán phục

Ở cấp độ này, khách hàng sẽ có một ấn tượng bất ngờ, sâu sắc về những trải nghiệm mà thương hiệu đã đem lại cho họ. Một khách hàng đến từ London sau khi ở Khách sạn Crowne plaza West Hà Nội đã phải thốt lên rằng “Đây là một khách sạn 5 sao tuyệt vời nhất mà tôi đã từng trải nghiệm, sau chuyến đi du lịch dài ngày ở Đông Nam Á, cả gia đình tôi cần một mơi thư giãn, nạp lại năng lượng và Crowne Plaza đúng là điểm đến phù hợp nhất. Một dịch vụ đáng kinh ngạc, họ hầu như hiểu được hết mọi mong đợi của chúng tôi. Buffet sáng thật tuyệt, tôi vẫn nhớ vị ngon của món ăn nhân viên lễ tân luôn tận tình hết lòng và họ nhớ tên chúng tôi sau một thời gian dài quay lại”. Có được điều này chính là bởi do lòng đam mê thương hiệu từ quản lý đến nhân viên cũng như bề dày kinh nghiệm và kỹ năng được đào tạo thường xuyên liên tục của họ. Có rất nhiều chương trình đào tạo cho nhân viên ở các cấp độ. Cấp độ giám sát hay quản lý có chương trình Accelerated Leadership Development Program (đào tạo các kỹ năng lãnh đạo) và nhiều chương trình khác.

Có thể nói bí quyết phục vụ khách hàng nằm ở khả năng lãnh đạo đảm bảo sự nhất quán và trải nghiệm thương hiệu đích thực trong phục vụ khách hàng. Một trong những điều kiện quan trọng để đạt được điều đó là thông qua đào tạo và xây dựng văn hoá phục vụ trong tổ chức, như chia sẻ của khách sạn Crowne plaza West Hà Nội./.

Nguồn: LangvietOnline

Làm “homestay” khó hay dễ?

Dịch vụ “homestay” đang nở rộ tại hầu khắp các tuyến điểm du lịch trọng điểm trên cả nước. Nhưng theo các chuyên gia, đa số dịch vụ này hiện nay chỉ có thể gọi là “housestay”.

“Homestay” không phải là dịch vụ lưu trú

“Homestay” là loại hình du lịch mà du khách sẽ ở chung và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình, thông qua hoạt động tập thể đó để trải nghiệm các giá trị sống và văn hoá của mảnh đất mà du khách đặt chân đến.

Bởi thế, theo ông Vi Thành Nam – giám đốc công ty du lịch Amazing, “homestay” là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh chứ không chỉ là dịch vụ lưu trú.

Chỉ khi nào du khách thực sự hoà vào cuộc sống bản địa từ ăn ở đến sinh hoạt, lao động thì họ mới thực sự được trải nghiệm loại hình du lịch homestay (Ảnh: du khách nước ngoài tại bản Tà Van (Sapa)-bản chuyên làm du lịch homestay- Ngọc Thành)

“Trong tiếng Anh, “home” nghĩa là mái ấm, là nơi có gia đình, có sự gắn kết giữa các thành viên. Còn “house” là ngôi nhà theo nghĩa vật chất. Hầu hết các địa phương hiện nay triển khai loại hình lưu trú tại nhà dân và gọi đó là “homestay”, nhưng thực chất đó chỉ là “housestay” mà thôi” – ông Nam khẳng định.

Theo ông Nam, việc lưu trú tại nhà dân, hoặc ăn uống tại nhà dân cũng chỉ là giống như tìm chỗ nghỉ trọ nhưng bình dân và gần gũi với dân cư bản địa hơn. Song hoạt động này không giúp cho du khách có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về phong tục tập quán, nền nếp sinh hoạt, các giá trị cốt lõi của vùng đất mà họ đang khám phá. “Chỉ khi nào du khách thực sự hoà vào cuộc sống bản địa từ ăn ở đến sinh hoạt, lao động thì họ mới có được những hiểu biết và trải nghiệm một cách tự nhiên và sâu sắc. Tuy nhiên, theo hiểu biết của tôi thì ngoài Huế và Hội An (Quảng Nam), các điểm “homestay” khác mới chỉ làm tốt dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ. Khách vẫn chỉ là khách, ngày ngày đi tham quan, chụp ảnh, nhìn cuộc sống địa phương từ bên ngoài. Thậm chí bữa ăn của họ cũng tách biệt, được phục vụ riêng chứ không ăn chung cùng chủ nhà”.

Ông Nam dẫn chứng: “Nếu ai đã từng xem chương trình Hẹn nhau nơi đất lạ trên đài truyền hình Pháp thì sẽ biết thế nào là “homestay” thực sự. Ở tập phim về người Lô Lô đen ở Việt Nam, vị khách Pháp đã có một tour “homestay” mà ai cũng ao ước: ở nhà sàn, nằm sàn gỗ chứ không có chiếu, nệm, ăn cơm với cá khô, đi cày ruộng, cấy lúa, bắt lợn, nấu cám, xuống chợ bán ngô… Chính trong những hoạt động thường nhật ấy mà vị khách và chủ nhà mới nảy sinh tình cảm gắn bó thân thiết cũng như thu nạp được nhiều giá trị quý giá khi trải nghiệm một cuộc sống mới”.

Tuy nhiên ông Nam cho rằng để làm được “homestay” giống như vậy thì không hề dễ dàng. Trong khi làm “housestay” lại đơn giản hơn, chỉ cần đầu tư chút ít cho cơ sở vật chất. Đó là lý do mà “housestay” phát triển mạnh còn “homestay” chỉ lác đác vài điểm điển hình.

Chủ nhà “homestay” phải là một chuyên gia du lịch

Là người chủ trì quy hoạch du lịch của huyện đảo Cô Tô đồng thời cũng là người tâm huyết với sự phát triển du lịch địa phương, ông Nguyễn Đức Thành – Bí thư huyện uỷ Cô Tô – cho biết: “Dịch vụ lưu trú tại nhà dân ở Cô Tô đã có từ lâu, song dịch vụ “homestay” đúng nghĩa thì chưa có. Chúng tôi đã chuẩn bị 3 năm nay để cho ra đời sản phẩm này và dự tính cần ít nhất một năm nữa”.

Chủ nhà homestay phải là một chuyên gia du lịch, đồng thời nhận thức sâu sắc về dịch vụ mà mình đang cung cấp, lợi ích mà nó mang lại cho bản thân và giá trị đối với xã hội (Ảnh: Ngọc Thành)

Ông Thành cho hay cá nhân ông đã đi tham khảo tại nhiều điểm làm “homestay” trong và ngoài nước nên hiểu rất rõ các vấn đề của loại hình du lịch đặc thù này. Theo ông Thành, cơ sở vật chất không phải vấn đề quá lớn bởi du khách chọn “homestay” tức là chấp nhận điều kiện vật chất tối thiểu. Quan trọng nhất chính là chủ nhà. Làm thế nào để người chủ nhà nhận thức sâu sắc về dịch vụ mà mình đang cung cấp, lợi ích mà nó mang lại cho bản thân và giá trị đối với xã hội.

“Để thuyết phục người dân làm “homestay” không phải dễ vì ai cũng muốn riêng tư cả. Tự nhiên có không chỉ một người khách xa lạ vào nhà họ ở, ăn ngủ đi lại sinh hoạt cùng gia đình có thể làm xáo trộn cuộc sống cũng như tâm lý của họ. Rồi lại phải học ngoại ngữ để có thể giao tiếp với khách nước ngoài, học văn hoá các nước để hiểu được vị khách đến nhà mình cần gì, phải cư xử ra sao cho phù hợp… Nếu ngay lập tức đặt ra một loạt vấn đề như thế thì hầu hết các gia đình sẽ từ chối”.

Theo ông Thành, việc lựa chọn hộ gia đình làm “homestay” dựa trên nhu cầu tự nguyện nhưng cũng phải chọn lọc. Bởi sản phẩm “homestay” có sự tác động rất mạnh đến hình ảnh tổng thể của một điểm đến nên người làm “homestay” không chỉ có hiểu biết về du lịch, biết làm kinh tế mà còn phải có phẩm chất tốt, tầm nhìn xa và nghĩ đến lợi ích cộng đồng. Nói cách khác, chủ nhà homestay cũng phải là một chuyên gia du lịch. Họ phải biết cách nói chuyện với khách, có khả năng tạo sự thoải mái cho khách, hiểu tâm lý khách, có hiểu biết về mọi vấn đề của địa phương để giới thiệu cho khách… Do đó, các khoá đào tạo cho người làm “homestay” không thể ngắn hạn mà chỉ là tập trung ngắn hạn nhưng phải liên tục đào tạo, tuyên truyền trong nhiều năm, kể cả khi dịch vụ đã đi vào hoạt động.

“Lực lượng quản lý ở bất kỳ địa phương nào cũng mỏng. Nếu để người dân hoạt động tự phát rồi mới đi chấn chỉnh thì chỉ mang tính chất vá víu chứ không giải quyết tận gốc được vấn đề. Khi có dịch vụ lưu trú tại nhà dân, có những hộ gia đình thu giá lưu trú cao, không theo giá niêm yết hoặc không đảm bảo an ninh cho du khách. Điều này có ở rất nhiều điểm du lịch. Nhưng nếu ngay từ đầu người dân đã được giáo dục về ý thức, hiểu rõ trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng cũng như cách để thu hút khách lâu dài, giữ lợi ích kinh tế lâu dài thì tình trạng hét giá, nâng giá với du khách sẽ hạn chế tối đa.

Do vậy, nói làm “homestay” khó cũng đúng mà dễ cũng đúng. Quan trọng là công tác chuẩn bị cho sự ra đời của loại hình du lịch đặc thù này được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, nhất là về mặt con người” – ông Thành khẳng định.

Khánh Hải

Chuẩn bị khánh thành sân bay quốc tế Phú Quốc – cơ hội liên kết phát triển du lịch

Sân bay Quốc tế Phú Quốc được xây dựng tại xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc có diện tích 904,55 ha, vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng do Tổng công ty cảng hàng không miền Nam làm chủ đầu tư, với khả năng tiếp nhận từ 3 đến 4 triệu hành khách/năm.

Đây là sân bay quốc tế thứ 3 được xây dựng tại các tỉnh, thành phía Nam, đủ tiêu chuẩn phục vụ các loại máy bay hiện đại như Boeing 777, Boeing 747- 400 và tương đương. Sân bay sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV năm 2012, góp phần phát triển đảo Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển tầm cỡ khu vực và quốc tế. Cùng với sân bayquốc tế Cần Thơ, sân bay quốc tế Phú Quốc sẽ giúp Kiên Giang và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL kết nối trực tiếp với các tỉnh, thành các vùng trong nước, khu vực châu Á như Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và các quốc gia thuộc khu vực Đông Bắc Á.

Nhân dịp khánh thành sân bay quốc tế Phú Quốc, Kiên Giang sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: Hội thảo đầu tư, thương mại và du lịch quốc gia; Hội chợ triển lãm sản vật địa phương, công nghệ xanh – sạch; Hội thi lều quốc tế; Giải bóng chuyền bãi biển không chuyên mở rộng… và đêm sân khấu hóa khánh thành sân bay; đây cũng là các sự kiện được chọn làm điểm xuất phát nhằm chuẩn bị cho việc tổ chức Năm du lịch Quốc gia Kiên Giang 2016. Các sự kiện du lịch này được tổ chức với quy mô vừa phải, mang tính tập dượt, sau đó sẽ nâng dần quy mô tổ chức trong năm 2014 và đến năm 2016 trở thành sự kiện Năm du lịch Quốc gia.

Với tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng đó, việc đưa sân bay quốc tế Phú Quốc vào khai thác sẽ là cơ hội cho ngành du lịch Kiên Giang liên kết hợp tác với các tỉnh, thành trong khu vực, cả nước và quốc tế; là điều kiện thuận lợi để du khách gần xa đến để khám phá và trải nghiệm những cảnh quan thơ mộng và nét văn hóa đặc sắc nơi đây.

                                                                                              Trần Văn Linh

Xây dựng, nâng cấp công trình vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch

Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở VHTTDL phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành hữu quan và các địa phương lập kế hoạch, đôn đốc các đơn vị quản lý các điểm du lịch triển khai xây dựng hoặc chỉnh trang nâng cấp các công trình vệ sinh công cộng hiện có đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Hình chỉ mang tính chất minh hoạ

Trước tình trạng hiện nay, tại nhiều điểm du lịch trên địa bàn cả nước, công trình vệ sinh công cộng chưa đảm bảo điều kiện về trang thiết bị, vệ sinh, thẩm mỹ, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm dịch vụ, hiệu quả kinh doanh du lịch và sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam, mới đây Bộ VHTTDL đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở VHTTDL phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành hữu quan và các địa phương lập kế hoạch, đôn đốc các đơn vị quản lý các điểm du lịch triển khai xây dựng hoặc chỉnh trang nâng cấp các công trình vệ sinh công cộng hiện có đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Bộ VHTTDL cũng đã giao Tổng cục Du lịch xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và quy định tạm thời tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Đồng thời, Bộ VHTTDL yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh, thành thực hiện tốt chủ trương này.

Mục tiêu phấn đấu trong 2 năm 2013 – 2014 toàn bộ các điểm du lịch tại các địa bàn có nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Trước mắt, đảm bảo từ nay đến hết năm 2012 có ít nhất 50% số điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Việc xây dựng, nâng cấp công trình vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch được coi là hoạt động có tính đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đồng thời hướng tới xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch với hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước Việt Nam.

T.H

Tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ Quản trị Khách sạn cho cán bộ, giáo viên, giảng viên các trường du lịch

Quyết định số 1739/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL ngày 11/5 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức Tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ Quản trị Khách sạn cho cán bộ, giáo viên, giảng viên các trường du lịch.

 

Theo đó, khóa học dự kiến sẽ kéo dài 03 ngày vào tuần thứ 2 của tháng 6/2012 tại Thành phố Huế và tập trung cung cấp một số kiến thức chủ yếu như sau:

– Dự báo nhu cầu nhân lực du lịch đến năm 2020;

– Tiêu chuẩn cần có đối với đội ngũ nhân lực khách sạn giai đoạn hiện nay;

– Giới thiệu khái quát những quy định hiện hành của nhà nước về quản lý cơ sở lưu trú du lịch;

– Áp dụng Tiêu chuẩn kỹ năng, chương trình khung Quản trị Khách sạn để xây dựng chương trình đào tạo;

– Giới thiệu khái quát cách thức xây dựng bài giảng môn học Quản trị Khách sạn;

– Thực trạng và yêu cầu nhân lực làm việc trong các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam.

Việc tổ chức lớp tập huấn nhằm nâng cao, cập nhật kiến thức về Quản trị Khách sạn cho cán bộ, giáo viên, giảng viên các cơ sở đào tạo du lịch trên cả nước để từ đó các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhiệm vụ, yêu cầu đào tạo nhân lực du lịch hiện nay.

CN-VB

Hội nghị chấn chỉnh tình trạng chèn ép, lừa đảo khách du lịch

Ngày 24-5, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình trạng chèn ép, lừa đảo khách du lịch tại các trung tâm du lịch và đề xuất các giải pháp chấn chỉnh.

Khách quốc tế đi bộ ở Hồ Gươm đang bị làm phiền – hình ảnh thường thấy tại các điểm du lịch ở VN.

Hội nghị đánh giá những thành tựu, kết quả đạt được trong thời gian qua.Tốc độ tăng trưởng bình quân về lượng khách quốc tế giai đoạn 2001 – 2010 là 8,9%. Năm 2011 Việt Nam đã đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 30 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 130 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 5,8% GDP của cả nước. Du lịch phát triển đã góp phần thúc đẩy kinh tế, tích cực tạo động lực cho các ngành khác như thương mại, đầu tư… cùng phát triển, đồng thời góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự du lịch tại một số địa bàn trọng điểm vẫn chưa thực sự có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt tình trạng chèn ép, lừa đảo khách du lịch nhất là đối tượng khách quốc tế đã làm giảm sức hấp dẫn đối với du khách và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Một số vấn đề nổi cộm đã được phản ánh trong thời gian vừa qua có thể thấy là tình trạng nâng giá dịch vụ, không niêm yết giá, ép giá khách du lịch, tình trạng lộn xộn gây mất trật tự, an toàn xã hội tại một số điểm lễ hội, tham quan, bán hàng rong đeo bám khách, taxi dù, thậm chí là hành hung, cướp giật khách du lịch… tại một số nơi đã gây tâm lý lo ngại cho du khách. Để khắc phục tình trạng trên, đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, xuyên suốt từ ngành Du lịch, các bộ, ban, ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân.

Các đại biểu cũng thống nhất cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Bộ, Ban, ngành liên quan với sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương và cùng với đó là nghiên cứu đề xuất bổ sung các chính sách nhằm đảm bảo thực thi mục tiêu đề ra. Đồng thời, cũng cần có những giải pháp căn cơ lâu dài về nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ tầng du lịch để du khách có thể thụ hưởng các dịch vụ đạt tiêu chuẩn tại các điểm du lịch.

Hội nghị đánh giá cao sự thống nhất ý kiến của các đại biểu tham dự và cho biết sẽ tập hợp ý kiến tại cuộc họp này để nghiên cứu đề xuất một cơ chế phối hợp giữa các bên trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt để làm cơ sở triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng chèn ép, lừa đảo khách du lịch như hiện nay.

TD

Tự phong 5 sao để “chém” khách

Không hề được cơ quan chức năng công nhận nhưng nhiều khách sạn (KS), khu nghỉ mát (resort) ở Bình Thuận vẫn tự rao trên mạng đạt tiêu chuẩn 4-5 sao để đánh lừa du khách.

Resort không sao, hét giá 5 sao

Giá phòng bị thả nổiTheo ông Hoàng Văn Toàn, ngành du lịch không quản lý giá phòng. Giá phòng là các DN tự đưa ra, sau đó báo cáo ngành thuế dựa vào đó để thu thuế. Điều này cho thấy giá bán phòng ở các resort hiện nay đang bị thả nổi. Du khách không biết đâu mà lần.

Tại một resort được quảng cáo “5 sao” ở đường Nguyễn Đình Chiểu (P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, Bình Thuận), khi chúng tôi thử liên hệ đặt 25 phòng, đạt tiêu chuẩn 5 sao cho đoàn du khách ở 3 ngày 2 đêm, cô lễ tân nhanh nhảu nói: “Anh có cần em đưa đi xem phòng không. Resort chúng em là 5 sao, vừa được một tập đoàn quốc tế nổi tiếng về du lịch nghỉ dưỡng đứng ra điều hành”. Cô lễ tân chỉ vào bảng giá và nói: “Đây chỉ là giá niêm yết thôi, chúng em có thể chi lại cho anh 25-30%”. Nhìn bảng giá, chúng tôi giật mình vì phòng loại rẻ nhất ở đây cũng 5-6 triệu đồng/đêm; còn phòng trung bình giá từ 9-11 triệu đồng/đêm. Riêng phòng đẹp có giá từ 17-20 triệu đồng/đêm. Theo quan sát, dù chiếm ưu thế mặt tiền biển Hàm Tiến ở khu vực khá đẹp, nhưng resort này (khai trương khoảng hơn 2 năm nay) cũng không có gì đặc biệt so với hàng trăm resort ở Phan Thiết. Trao đổi với ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Sở VH-TT-DL, về vấn đề này, ông Toàn khẳng định resort đó chưa có tên trong danh sách các khu nghỉ dưỡng được xếp hạng ở Bình Thuận. Thậm chí, chưa có hồ sơ trình Sở thẩm định xếp hạng. “Vì vậy mọi quảng cáo “5 sao” đều là giả mạo”, ông Toàn nói. Tại Bình Thuận, Tổng cục Du lịch chỉ công nhận duy nhất KS đạt tiêu chuẩn 5 sao, đó là Sealinks Hotel. “Ngoài ra, bất cứ KS nào tuyên bố đạt “5 sao” đều là tự phong”, ông Toàn khẳng định.

Theo danh sách của Sở VH-TT-DL Bình Thuận, trên địa bàn hiện nay có 1 KS đạt tiêu chuẩn 5 sao; 15 KS, resort đạt 4 sao và 12 KS, resort đạt 3 sao. Tuy nhiên, trên website của nhiều hãng lữ hành phong hàng loạt KS ở Bình Thuận đạt 4 sao, thậm chí 5 sao. Chẳng hạn như trên website của Công ty ChuDu24 (Q.1, TP.HCM) thông báo danh sách ở Mũi Né có đến 28 resort 4 sao. Ngay cả resort Anantara (L’Anmien cũ – TP.Phan Thiết) và D’Annam resort (H.Hàm Thuận Nam) còn được trang web này gắn “5 sao” và so sánh với những KS danh tiếng như PalmGarden của Hội An (Quảng Nam).

Tự phong 5 sao để “chém” khách
Resort Anantara (P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết) chưa được xếp hạng nhưng được một vài trang web phong là “5 sao” – Ảnh: Quế Hà

Du khách thiệt thòi

Với kiểu quảng cáo vô tội vạ này, du khách không thể biết đâu mà lường. Ngay cả ông Hoàng Văn Toàn cũng nhìn nhận, khu vực ven biển phía nam của Bình Thuận từ Phan Thiết vào đến Hàm Tân, chưa có KS hay resort nào đạt tiêu chuẩn 3 sao (chỉ có 3 resort đạt 2 sao). Thế nhưng, trên trang quảng cáo của các hãng lữ hành đưa khách đến nghỉ ở đây toàn tuyên bố 3 sao, 4 sao, thậm chí một resort ở Kê Gà còn tự phong là “5 sao”.

Anh Lê  Ngọc Hữu, một viên chức ở Q.7 (TP.HCM), đưa gia đình ra nghỉ mát tại một resort ở Mũi Né, tâm sự: “Tôi đặt phòng trên mạng, thấy họ rao là tiêu chuẩn 4 sao, phòng đẹp giá 1,6 triệu đồng/đêm (đã giảm giá). Nhưng khi ra ở và chứng kiến tôi mới thất vọng. Ngoài vẻ đẹp tự nhiên của biển, resort này không có một thứ gì đặc biệt. Dịch vụ khá tầm thường, dù thưa khách nhưng nhân viên phục vụ chậm chạp và thiếu thiện cảm. Nhưng lỡ đặt phòng rồi phải ở hết 2 đêm. Chắc chắn lần sau có đi Mũi Né, tôi sẽ không bao giờ đến resort này nữa”.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho rằng có nhiều KS, hay resort xây dựng nhiều phòng (trên 70 phòng) nên họ tự ghi là “4 sao”, giá mềm, để câu khách. Khi khách đến ở mới biết là mình bị lừa vì chất lượng quá tệ. Đây là một hình thức kinh doanh không lành mạnh đang phổ biến ở Mũi Né. “Những resort tự gắn sao làm cho du khách thiệt đủ đường. Từ giá cả đến chất lượng dịch vụ, thậm chí mua cái bực mình vào thân. Một resort 3 sao giá phòng trung bình hiện nay khoảng 2 triệu đồng/phòng/ngày nhưng khi “gắn” 4 sao thì giá phòng được đẩy lên 3 triệu đồng/phòng/ngày. Còn resort tự “phong” 5 sao phải 5 triệu, có khi đẩy giá lên 7-8 triệu đồng. Chúng tôi cũng rất bức xúc vì hiện nay trên nhiều trang web các hãng lữ hành tự tiện phong “sao” cho những resort ở Phan Thiết – Mũi Né”, ông Bình nói.

Quế Hà

 

BẠN ĐỌC PHẢN HỒI – COMMENT (15)
cong danh
Bài báo này có thể gây ảnh hưởng đến du lịch Phan Thiết đưa ra những dẫn chứng thiếu thuyết phục .Tạo ra một sự canh trạnh không công bằng giữa Bình Thuận và các tỉnh khác. Đa phần những trang web tự phong 5 sao chỉ là những trang web giá rẻ thì vậy làm sao có thể chặt chém khách được. Phan Thiết luôn là điểm đến lý tưởng cho mọi người ,cho khách trong và ngoài nước .
Ly Trich (Nguyễn Trãi, TP.HCM)
Mình nghĩ tác giả bài báo này hình như chưa biết resort là gì, chưa bao giờ tận hưởng dịch vụ cũng như cảnh quan trong một resort đẳng cấp. Nếu muốn viết một cái gì đó, thiết nghĩ cũng nên có trải nghiệm về nó, chứ đừng viết theo cách suy nghĩ của bản thân, đặc biệt là những người cầm bút và sống bằng nhuận bút. Ở đời gieo gì gặt đó, anh nói xấu người ta, thì cũng có ngày anh là nạn nhân của trò này.
long
Làm kiểu này khách chỉ đến 1 lần… rồi thôi.
Thanh Thao
Theo tôi, tác giả đã quá chủ quan khi đánh giá bằng cụm từ “đánh lừa du khách” vì ai đã từng đi nghĩ dưỡng cũng đều hiểu rằng không gian nghĩ dưỡng và chất lượng dịch vụ là quan trọng hơn cả. Việc đưa ra hạng sao có thể khách sạn muốn tôn vinh chất lượng phục vụ cũng như thiết kế cao cấp của Resort.
Khanh
Cách “móc túi” kiểu này thì một ngày nào đó sẽ nhìn thấy “ngàn sao” trên trời.
ĐINH TÀI
Tổng Cục Du lịch thì ở rất xa bạn Kenvin Vo ơi, nhưng UBND tỉnh Bình Thuận và Sở VH-TT-DL Bình Thuận thì đang ở sát bên các resort “5 sao” dởm này! Họ có biết việc này ko? Biết rất rõ chứ nhưng vì sao làm ngơ thì chỉ có trời mới biết nổi!!!
Tác giả bài viết chắc chưa bao giờ đi resort thì phải,… chưa gắn sao không có nghĩa là không đủ tiêu chuẩn nhé. Nếu đã từng ở resort thì mới thấy resort Anantara (L’Anmien cũ – TP.Phan Thiết) sang trọng hơn nhiều resort “5 sao” danh tiếng như PalmGarden của Hội An, hay Sealinks Hotel… và D’Annam resort (H.Hàm Thuận Nam), thì phải so sánh với những khu đẳng cấp hàng đầu ViệtNam hiện nay như The Nam Hải hay Fusion maia resort,..
Thanh Thủy
Mấy cái này chỉ có dân biết thôi, chứ Ban, ngành “không biết” ???
Đào Văn Chiêu
Tôi nghĩ cơ quan quản lý du lịch của tỉnh Bình Thuận chắc chắn biết 100% tên các resort, khách sạn tự phong sao. Vậy tại sao không xử lý? Còn công ty Chudu24 thực chất là một công ty buôn bán phòng khách sạn và một số dịch vụ. Bạn tôi có mấy người bị lừa nên mua, mua xong rồi mới thấy là rước thêm mớ bực người vào thân. Bản thân công ty này không biết làm du lịch mà chỉ đứng giữa kinh doanh thôi. Mong các bạn đừng bị lừa nha!
Dũng
Nên điều tra từ nội bộ Tổng cục Du lịch.