Mưa chiều và nỗi nhớ

Chiều nay, lại một buổi chiều nữa trời tiếp tục mưa. Mưa Sài Gòn sao mà nặng hạt và gấp gáp đến thế. Ngồi một mình nơi gác trọ chật hẹp, lơ đãng nhìn mưa chợt thấy lòng bồi hồi và xao xuyến lạ. Một chiếc lá vàng rụng từ đâu đó cứ trôi đi theo dòng nước chảy xuôi xuống phố. Trên những con đường, từng dòng người hối hả lướt vội qua nhau sau một ngày bận rộn. Mưa, những hạt mưa như vô tình cứ thi nhau đều đều rơi xuống gợi bao nỗi nhớ vô bờ của người xa quê…

Mưa chiều chợt làm cho ai đó cứ mãi nhớ về một thời xa xăm trong quá khứ, cái thời còn ngây thơ nghịch nước, nghịch cát, vui đùa, làm bạn với thiên nhiên. Và rồi chợt giật mình: “Ta đã quá lớn tuổi rồi ư ?”. Những năm gắn bó với phố thị, nhưng tôi vẫn cảm thấy mưa Sài Gòn sao khác lạ so với những “giọt mưa quê”? Nó không dai dẳng, nhẹ nhàng, lất phất như ở quê tôi mà ồ ạt, vội vã, dứt khoát, chợt đến rồi chợt đi như chính cuộc sống và con người nơi đây-một trung tâm kinh tế văn hoá hàng đầu của cả nước. Nhưng những cơn mưa đầu mùa đến sớm chợt làm kỷ niệm tuổi thơ như chợt ùa về trong tôi.

Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo, người dân quê tôi hiền lành, chất phác, chịu thương chịu khó, cuộc sống mưu sinh quanh năm chỉ biết gắn bó với ruộng đồng, với xứ sở. Ngày ấy, cũng vào một buổi chiều mưa như thế này, lũ trẻ con chúng tôi vẫn tụ tập đông đủ, trên tay mỗi đứa đủ cả “dụng cụ hành nghề”: Thau, xoong, lờ, túi nilong… Đứa thì bắt cua, đứa thả lờ, đứa thì ngăn mương lại rồi tát cá. Riêng tôi, tôi khoái nhất là mò cua, “hành trang” của tôi là một túi nilong và một cái lờ. Chọn một nơi thật ưng ý, nghi ngờ là cá sẽ trôi qua nhiều nhất, tôi bí mật đặt lờ xuống dưới đó, với hi vọng là sáng mai lờ sẽ đầy ắp cá. Xong xuôi tôi cùng tụi trẻ con dọc theo bờ ruộng, những con cua béo ngậy, ngon mắt lần lượt bị tóm cổ ra khỏi hang, sau một lúc cọ quậy, chúng đã nằm gọn trong túi của tôi. Đồng ruộng quê tôi rộng lắm, mùa mưa người ta không gieo sạ nên chúng tôi tha hồ mà chạy nhảy. Năm tháng gắn bó nơi phố thị tôi mới chợt nhận ra phố thị đối lập quá nhiều so với quê tôi, ngay cả mưa nơi đây cũng khác. Ngoài kia, mưa vẫn rơi, gió vẫn thổi, như cùng chung nỗi niềm của kẻ xa quê chợt lắng đọng trong một chiều mưa giữa cuộc sống đầy bộn bề của phố thị…

dòng sông quê nội

 

 

Nơi xa xôi, một chiều chợt da diết nhớ dòng sông. Nhìn lại đời mình, thấy vơi đầy bao bận. Chợt ngậm ngùi nhớ ông nội, nhớ tuổi thơ… Cũng nơi xa xôi ấy, một chiều tháng 5, nhìn mưa trắng trời phố thị, nỗi nhớ cồn cào về cùng những giọt mưa lạnh buốt…

Những buổi chiều mùa hạ khi tôi còn nhỏ, nắng trải màu cam lấp lánh trên bãi cỏ non ven sông. Nội tựa vào tôi. Hai người, một già một trẻ, nắm tay nhau chầm chậm đi trên triền sông. Nội tôi là một ông cụ cao lớn, quắc thước. Mặc dù đã trên 70 tuổi nhưng nội vẫn còn tráng kiện lắm. Hàm răng nội đều tăm tắp, cứ sáng bóng lên mỗi khi ông dước mía cho tôi ăn. Nội cười nói rổn rảng, cõng tôi trên lưng chạy theo cánh diều mỗi chiều hai ông cháu thả trâu bên bờ sông mượt mà cỏ non. Quê tôi nằm dọc theo triền sông Hồng. Cũng như ông nội, con sông đã trở thành một người bạn tâm giao của tôi suốt cả thời thơ ấu. Nước sông quê tôi trong xanh đến lạ thường. Mùa hè, ông thường đưa tôi ra xem bọn trẻ chăn trâu trong làng tắm sông. Nước sông mát lạnh. Cả bọn cùng với đàn trâu tha hồ bơi lội, tiếng cười đùa lanh lảnh giữa làn nước xanh. Phía bên kia là mấy đứa con gái e dè đứng sát bờ sông té nước lên người cho sạch bùn đất. Xa xa, những chiếc thuyền đánh cá đang buông chài, tung lưới cùng với tiếng hò trống quân trầm ấm của các bác ngư dân. Giữa sông những chiếc xà lan chở đầy cát vàng đang lừ lừ chạy. Tiếng động cơ nổ vang dội cả hai bờ. Tất cả những con người, cảnh vật, âm thanh đó như một bức tranh mộc mạc nhưng đậm chất thơ mà bao nhiêu năm qua không lúc nào tôi quên được.

Năm lên 6 tuổi, nội bắt đầu thả tôi xuống nước tập bơi. Nội mới xốc tôi lên vai bước ra mép nước, tôi đã co rúm người lại và hét toáng lên. Nội cười ha hả, ôm tôi lội xuống dòng nước mát lạnh. Tôi thót lên ôm cứng cổ ông và nhất định không chịu rời ra. Quẫy đạp lung tung, tôi làm nội mất đà ngã nhoài, hai ông cháu chới với. Càng hoảng sợ hơn, tôi túm chặt lấy tóc nội mà chòi đạp liên hồi kỳ trận. Nước ộc vào mắt, vào mũi, cay xè. Bất chợt tôi lạng đi vì một cái tát như trời giáng. Buông tay ra, tôi chẳng còn biết mình đang ở đâu nữa… Rồi thấy mình nằm trên bờ cỏ, nhập nhòa khuôn mặt, ánh mắt nội đang lo lắng nhìn tôi. Tối đó, nội cứ mãi ôm tôi vào lòng. Nội xuýt xoa sờ bên má tôi vẫn còn đỏ vì cái tát ban chiều. Tôi không giận nội bởi nghe mấy bác trong làng bảo lúc đó mà nội không tát cho tôi một cái thì có lẽ cả hai ông cháu đã chìm dưới sông rồi, nhưng nội thì có vẻ ân hận lắm. Từ hôm đó, nội không bắt tôi tập bơi nữa.

Con sông quê tôi rất lạ kỳ. Có đoạn sâu thăm thẳm, có đoạn lại nông choèn. Có một khúc cua đột ngột vào chỏm cỏ nhô ra mặt sông đến hơn 20m, nước sông lắng đọng thành một hồ nước con con. ở đó có nhiều cá và hến lắm. Chính những chỗ này, nội thường dắt tôi ra đãi hến. Nội bảo tôi có tật đổ mồ hôi trộm, ăn cháo hến sẽ hết, sẽ khỏe lên. ở làng này, chẳng có người đàn ông nào lại đi làm cái việc của đàn bà và con trẻ là ngồi chồm hỗm bên sông, xúc cát, đất lên và đãi qua, sàng lại. Nhưng ông nội tôi lại sẵn sàng làm chuyện đó. Bà nội không còn từ lâu, cha tôi nằm ở trại điều dưỡng thương binh còn mẹ phải đi buôn bán nơi xa. Ngày xưa, nội ở vậy nuôi con và giờ nuôi cháu. Nội chẳng nề hà chuyện gì miễn là con, cháu mình khỏe mạnh. Chuyện đó mãi tận sau này, khi đã có một chút hiểu biết, nghe bà cụ Hòa hàng xóm trò chuyện, tôi mới hiểu. Còn lúc đó, tôi chỉ biết cúi đầu thật thấp trên tô cháo hến nóng hổi, thơm lừng mùi rau răm và húp lấy húp để. Thấy nội cười hài lòng, tôi lại càng cố ăn thật nhiều, nhai tóp tép những con hến bé xíu màu trắng xanh. Vô tư nhìn nội dọn cái nồi đất, tôi hỏi: “Sao nội không ăn? Nội không bị đổ mồ hôi hả nội?“. Đưa cho tôi quả chuối mắn chín vàng ươm, nội cười: “ừ! Nội đâu có đổ mồ hôi. Chỉ cần cu Tý ăn cho nhiều là nội khỏe rồi!”. Tôi thích thú đi khoe khắp xóm cái điều ngộ nghĩnh: “Tý ăn nhiều thì ông nội khỏe…”, khiến nhiều người chỉ vừa cười vừa ái ngại nhìn…

Năm tôi 17 tuổi, nội bảo tôi ráng thi vào đại học, nội sẽ lo cố gắng lo được tiền học phí. Tôi cúi đầu vâng dạ mà lòng xót xa. Nội đã gần 90 tuổi rồi, vồng ngực đầy ụ năm nào giờ đã lép, trơ những lóng xương mảnh. Nhiều khi tôi bắt gặp nội lặng lẽ nhìn mình rồi thở dài. Tôi biết nội nhớ cha tôi, trại điều dưỡng thương binh ở xa quá, nội không đi thăm được. Những lúc ấy tôi nắm chặt bàn tay với những ngón cong queo vì bệnh khớp của nội, chợt nhận ra cả tuổi thơ mình nằm gọn trong bàn tay ấy…

Lại một buổi chiều đầu hè, nắng trải màu cam lấp lánh trên bãi cỏ non ven sông. Nội tựa vào tôi, hai chúng tôi, một già một trẻ, nắm tay nhau chầm chậm đi trên triền sông. Gió từ mặt sông thổi bồng bềnh mái tóc bạc phơ của nội. ánh mắt già nua nhưng vẫn còn tinh anh, nội nhìn ra xa phía chân trời, chậm rãi dặn tôi: “Con lên thành phố học nhớ phải lo giữ gìn sức khỏe. Đừng bận tâm về nội, đã có bà con xóm giềng…”. Rồi nội lần tìm trong túi áo nâu. Tay run run, nội đưa cho tôi cái gói nhỏ bọc trong chiếc khăn tay: “Con cầm lấy mà đóng tiền học phí. Nội đã dành dụm và chờ đợi đến ngày này lâu lắm rồi. Ráng học thành người con nhé…!”. Có lẽ gió từ sông quá lạnh nên khiến tôi rùng mình. Không! Chắc là nắng chiều đã loang màu tím trên sông nên tôi thấy lòng mình chùng lại. Phải đâu là cỏ quá xanh hay nước sông trong vắt! Chỉ có bàn tay nội run run vuốt nhẹ lên tóc tôi, khẽ chùi đi giọt nước mắt đang lăn dài trên má đứa cháu giờ đã cao lớn dềnh dàng nhưng mãi mãi vẫn là đứa trẻ 6 tuổi ngày xưa, từng co rúm người ôm chặt cổ nội ngày đầu tiên xuống nước tập bơi…

Chuyến đi gắn kết xe và người

SGTT.VN – Từ đam mê dùng ôtô tự lái đi du lịch (gọi là Caravan), các nhóm bạn Caravan ở Sài Gòn lần lượt ra đời, hoạt động sôi nổi trên các diễn đàn, tham gia chinh phục những cung đường trong và ngoài nước. Phong trào Caravan nay đã trở thành cuộc chơi quen thuộc, hấp dẫn và lôi cuốn…

Vẻ đẹp từ những cung đường

 

Trại hè được anh em Caravan Fan Club tổ chức cho các con em trong nhóm. Ảnh: Thiên Ý

Bắt đầu từ những chuyến đi trong nước ở các cung đường gần như Sài Gòn – Đà Lạt, Sài Gòn – Phan Thiết – Nha Trang, xa hơn đến khu vực miền Trung hoặc xuyên Việt; đến nay các nhóm bạn Caravan đã không ít người chinh phục những nẻo đường Đông Dương. Các nhóm tự hình thành và thường tổ chức những chuyến đi cho riêng mình. Mỗi địa phương, điểm đến, thắng cảnh, luôn là những trải nghiệm đầy thú vị của những tay lái khi chu du khắp miền đất nước.

Hoàng Vũ – thành viên nhóm Caravan Fan Club, từng đi qua những cung đường xuyên biên giới, sang đất bạn Campuchia – nói về trải nghiệm của mình: “Những chuyến đi dài ngày rèn luyện cho mình tính kỷ luật, như việc lái xe theo đoàn, bắt buộc phải theo một nội quy nhất định mà cả nhóm đã bàn luận trước, mỗi xe sẽ chạy theo số thứ tự của mình, giữ khoảng cách an toàn. Đó giống như một bài học để kiềm chế bản thân. Hơn nữa, ở mỗi cung đường bao giờ mình cũng cảm nhận được những nét khác biệt, từ vẻ đẹp của phong cảnh, con người, đến cách thức giao thông…”

Sân chơi Caravan cũng là nơi mọi người chia sẻ tình cảm, sự gắn kết, thông qua chiếc xe và niềm đam mê để ngồi lại với nhau, trở thành bạn hữu chân tình. Nói như anh Sơn – thành viên cao tuổi nhất của nhóm Caravan Fan Club: “Đồng hành cùng Caravan từ chuyến đầu tiên, tôi thực sự xúc động vì tình cảm anh em gắn kết, chăm lo cho nhau trong suốt hành trình, giống như những người anh em của một đại gia đình chứ không chỉ đơn thuần là một nhóm chơi của những người có xe ôtô”.

Cuộc chơi gắn kết

Mỗi nhóm bạn lại có những phong cách chơi khác nhau, và ở Caravan Fan Club – nhóm mới thành lập từ giữa năm 2010 là nơi tập hợp đa phần những tay lái ôtô đã có gia đình, con nhỏ, vì vậy những chuyến đi của nhóm ngoài việc thoả chí đam mê đằng sau tay lái của các ông bố, bà mẹ, còn là câu chuyện kiếm tìm và xây dựng một sân chơi riêng cho thế hệ “caravan con”.

Đi cùng nhóm Caravan FC trong hành trình khám phá vẻ đẹp vịnh Vĩnh Hy, chúng tôi được nghe Nhật Tú – thành viên của nhóm chia sẻ: “Những chuyến đi của chúng tôi đều nhắm vào cuộc chơi mang tính chất gia đình, xác định không chỉ là cuộc chơi cho các thành viên, mà còn là cho thế hệ con em chúng tôi. Không chỉ được theo cha mẹ đến những khu nghỉ mát, điểm du lịch, mà chúng tôi tự tạo ra sân chơi riêng cho các em, dạy các em những kỹ năng sống khi tiếp cận với rừng, với biển, những bài học qua trải nghiệm thực tế từ môi trường tự nhiên để giúp các em thêm trưởng thành sau mỗi chuyến đi”.

Ở sân chơi Caravan FC, chúng tôi còn khám phá ra điểm thú vị khác khi thấy những ông bố, bà mẹ tự hoá thân thành nhiều nhân vật cổ tích, diễn kịch để khán giả chính là con cái ngồi xem cha mẹ diễn xuất trong niềm vui cùng sự bất ngờ đầy hứng khởi. Thành viên Trường Giang chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo cho các em những niềm vui, và qua các chuyến đi, mối gắn kết gia đình càng bền chắc hơn, các em cũng có thêm bạn mới để chia sẻ niềm vui, đặc biệt là các em trưởng thành lên nhiều, có ý thức kỷ luật tốt, ngoan hơn, và tự bổ sung cho mình những kiến thức mới mà ở trường các em chưa được học”.

Nguyễn Đình

Hàng vạn di tích sẽ được số hóa

Số hóa di sản là phương pháp được tiến hành phổ biến ở nhiều nước trên thế giới song với Việt Nam khái niệm này còn khá mới mẻ. Vì thế, thông tin phê duyệt chủ trương xây dựng một ngân hàng dữ liệu số về di tích của Bộ VH-TT-DL đã mở ra một hướng đi mới trong công tác bảo tồn di sản vốn đang rất bộn bề.

Phục dựng hình ảnh phố cổ Hà Nội bằng công nghệ 3D.

Xây dựng ngân hàng dữ liệu số về di tích

Trên thế giới, việc áp dụng công nghệ thông tin vào bảo tồn di sản không phải là điều mới mẻ. Năm 2008, sau khi cổng thành Namdeamun của Hàn Quốc bị lửa thiêu rụi, các nhà Bảo tồn di sản Hàn Quốc đã không mấy khó khăn để phục dựng lại di sản hơn 600 năm tuổi này, bởi trước đó từ nhiều năm, Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc đã tiến hành số hóa di tích này được làm tỉ mỉ tới từng mấu ghép nối nhỏ.

Ví dụ trên để thấy, với các giải pháp công nghệ khác nhau, từ những ứng dụng ở mức độ cao như 3D, đồ họa, ảo hóa dữ liệu đến những hình thức đơn giản như quay phim, chụp ảnh, ghi âm, công tác số hóa cho phép các di sản được lưu giữ, bảo tồn bền vững nhất, đề phòng những rủi ro từ những phương pháp lưu trữ truyền thống vốn rất cồng kềnh và khó cho cả người sử dụng.

Việt Nam có hơn 3.100 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, gần 8.000 lễ hội và rất nhiều di sản văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em. Tuy vậy, các di sản này luôn chịu tác động của nhiều nhân tố như: thời gian, biến đổi của địa lý và khí hậu, những biến dạng của môi trường sống, ý thức của cộng đồng, sự xê dịch văn hóa và thay đổi của ý thức hệ…

Việc giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa đang là một thách thức, là công việc hệ trọng, phức tạp và nặng nề không chỉ riêng với Việt Nam mà đối với tất cả các quốc gia. Chính vì thế, người ta tìm đến với giải pháp: số hóa di sản.

Công việc số hóa di sản ở Việt Nam bắt đầu manh nha khoảng từ năm 2004 khi một nhóm kiến trúc sư trẻ tiến hành dự án phục dựng hình ảnh phố cổ Hà Nội bằng 3D. Sau đó là quá trình số hóa không gian Hoàng thành Thăng Long và nhiều di sản khác của Hà Nội cùng những họa tiết, hoa văn, chi tiết kiến trúc, mỹ thuật trong các công trình của Hoàng thành… Song công việc mới chỉ là những hoạt động manh mún và gặp nhiều khó khăn về nguồn tư liệu cũng như kỹ thuật, máy móc.

Với việc Bộ VH-TT-DL vừa chính thức có văn bản giao Viện Bảo tồn Di tích làm chủ đầu tư dự án “Xây dựng ngân hàng dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích ở Việt Nam”, đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong việc số hóa di sản. Là đơn vị được giao thực hiện dự án, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, KTS Lê Thành Vinh cho biết, việc số hóa di tích thì Viện cũng đã tiến hành thử nghiệm từ nhiều năm trước. Kết quả thu được khiến những người đang trực tiếp bắt tay vào thực hiện dự án thấy tự tin.

Giá trị di sản sẽ được lan tỏa mạnh mẽ

Không dừng lại ở việc bảo tồn, tôn tạo di tích, số hóa di sản còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng các chương trình trưng bày, giới thiệu, quảng bá du lịch cũng như giáo dục về lịch sử, văn hóa của dân tộc. Sự phát triển của công nghệ cũng cho phép đông đảo công chúng, không kể tới vị trí địa lý đều có thể hưởng thụ những giá trị mà các di sản mang lại. Thực tế, trên thế giới có hàng trăm bảo tàng, công trình kiến trúc, di tích ảo được đưa lên mạng Internet mà người dùng có thể ngồi một chỗ vẫn tìm được mọi thông tin.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, nếu có một bảo tàng số đẹp, hiện đại, chắc chắn khi xem trên mạng, người ta sẽ tò mò và muốn đến tận nơi để xem tận mắt di sản đó. Giá trị của di sản nhờ đó cũng được lan tỏa mạnh mẽ hơn. “Số hóa di sản” có thể đem lại nhiều lợi ích trong tái tạo, nghiên cứu, quảng bá, tham quan di sản cũng như những hoạt động sáng tạo nghệ thuật liên quan.

Cách đây mấy năm, trong khi kho sắc phong cả nước đang đứng trước nguy cơ mai một, xuống cấp, Bảo tàng Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đã nghiên cứu và thực hiện thành công việc số hóa công tác lưu trữ sắc phong, đồng thời mở “dịch vụ” khôi phục, làm lại sắc phong. Việc số hóa đã giúp bảo tồn bền vững một di sản vô cùng quý giá.

Tuy nhiên, không phải bất cứ di tích nào cũng có thể tiến hành số hóa. Ông Lê Thành Vinh khẳng định như trường hợp điện Kính Thiên, những hình ảnh, tư liệu về di tích gần như không còn nên mọi thông tin về di tích đều mang tính phỏng đoán chứ không phải số liệu thực tế. Do đó, trước mắt sẽ có khoảng 4 vạn hồ sơ di tích được số hóa.

Mỗi hồ sơ không chỉ cung cấp cho người xem thông tin về giá trị di tích, lịch sử hình thành mà còn cho người xem hiểu sâu hơn về quá trình tồn tại, những biến thiên thăng trầm… Những hồ sơ này còn cập nhật đầy đủ về công tác trùng tu, cấu kiện nào nguyên trạng, cấu kiện nào vừa được gia cố, hay phải thay mới…

Ông Lê Thành Vinh nhấn mạnh, những hồ sơ di tích này ngoài việc cần thiết cho công tác nghiên cứu tu bổ ở thời điểm hiện tại, nếu được gìn giữ tốt, chỉ vài chục năm sau nó sẽ trở thành những di sản tư liệu và có giá trị không chỉ ở việc bảo tồn mà còn ở nhiều góc độ khác như khảo cổ, kiến trúc, mỹ thuật…

Vĩnh Xuân

Khuyến khích công chúng tham quan bảo tàng

Khách trong nước sẽ được tham quan miễn phí tất cả các bảo tàng thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch TPHCM quản lý – là một trong những nội dung thông báo mới đây của UBND TPHCM. Với chủ trương mới này, TPHCM đã hướng đến xây dựng bảo tàng hiện đại, ngày càng thân thiện với người dân và gần gũi hơn với cộng đồng.

Xem trưng bày triển lãm về Công an nhân dân tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM.

Xu hướng bảo tàng thế giới hiện đại

TPHCM là một trong những địa phương có nhiều bảo tàng nhất nước, với những bảo tàng lớn và nổi tiếng như: Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ…

Lâu nay, bằng những cố gắng không ngừng, các bảo tàng đã nỗ lực thu hút khách tham quan bằng nhiều hoạt động tuyên truyền đậm tính giáo dục như: tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về bảo tàng; trưng bày lưu động; mang hàng trăm chuyên đề giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa đến với người dân các tỉnh bạn, từ thành thị đến vùng sâu vùng xa.

Mới đây, thành phố đã có chủ trương miễn phí vé tham quan bảo tàng cho khách trong nước, còn người nước ngoài thu phí 20.000 đồng/người. Ngoài ra, thành phố còn có những điều chỉnh hợp lý, có cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn bảo tàng, đồng thời cho phép các bảo tàng trên địa bàn được tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ bổ trợ như: bán hàng lưu niệm, băng đĩa sách báo, giải khát, là nơi tổ chức sự kiện, họp mặt truyền thống… phù hợp với không gian và đặc trưng chức năng của từng bảo tàng. Đây là việc làm cần thiết nhằm tăng cường phát huy giá trị di sản văn hóa theo tinh thần Luật Di sản văn hóa và phù hợp với xu hướng của bảo tàng thế giới hiện đại.

Sẵn sàng “mở cửa”

Nói về việc miễn phí vé tham quan bảo tàng cho khách trong nước, bạn Ngô Quốc Trung, sinh viên Trường Đại học Văn hóa TPHCM bày tỏ: “Cánh sinh viên chúng tôi rất vui khi nghe thông tin này, với ngành học du lịch của tôi lại càng vui hơn. Từ giờ, chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức lịch sử, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tại “trường học thứ hai” khá thú vị là bảo tàng mà không phải tốn tiền”.

Một nhóm bạn là sinh viên Đại học Cần Thơ đang tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM cũng phấn khởi cho rằng, chủ trương mở cửa bảo tàng sẽ tạo điều kiện để đông đảo các tầng lớp nhân dân đến với bảo tàng, học từ bảo tàng như bạn trẻ các nước trên thế giới.

“Những người làm công tác bảo tồn rất phấn khởi với tin vui này. Thời gian qua, Bảo tàng TPHCM hầu như đã miễn giảm giá vé cho rất nhiều đối tượng: miễn phí vé đối với học sinh cấp 1, 2, 3; các đối tượng lão thành cách mạng, sinh viên, công nhân, bộ đội và lực lượng vũ trang thì giảm giá vé từ 50% trở lên… nên nguồn thu này rất khiêm tốn. Chúng tôi có nguồn thu chủ yếu là từ khách nước ngoài, dù vậy miễn vé cho khách tham quan trong nước là hợp lý”, bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, Giám đốc Bảo tàng TPHCM, chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM, cho biết thời gian qua bảo tàng cũng thực hiện nhiều chính sách miễn giảm giá vé cho các nhà thiếu nhi quận huyện, sinh viên, lực lượng vũ trang, người dân ở quận 4, người dân vùng sâu vùng xa, người khuyết tật và gia đình chính sách… nên nguồn thu từ bán vé không đáng kể. Hiện bảo tàng đang gặp khó bởi dự án mở rộng bảo tàng (cùng việc xây dựng khu trưng bày chuyên đề, khu trưng bày thời sự, khu quầy hàng lưu niệm…) vẫn chưa hoàn tất. Tuy vậy, lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng nhiều lãnh đạo bảo tàng khác cũng như người dân, mong muốn chủ trương này sớm được thực hiện

Nền văn hóa Óc Eo ở Bến Tre

Trước khi di chỉ Giồng Nổi (thuộc ấp Bình Thành, xã Bình Phú, TP Bến Tre) được phát hiện (năm 2003), rất nhiều người, kể cả các nhà khoa học đều tin chắc rằng tại Bến Tre chỉ có các di tích và di chỉ khảo cổ học với niên đại cách nay chừng 300 năm. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm nghiên cứu, thám sát, khai quật…, các chuyên gia khảo cổ học đã từng bước làm sáng tỏ và khẳng định từng có nền văn hóa Óc Eo tại Bến Tre.

Làng cổ Giồng Nổi 2.000-2.500 năm

Giữa những năm 90 của thế kỷ XX, ông Huỳnh Văn Bê (ấp Bình Thành, xã Bình Phú, TP Bến Tre) trong khi làm vườn phát hiện được một số bàn mài đá và rìu bôn đá. Thông tin bắt đầu gây chú ý với Viện Khảo cổ học Việt Nam. Cuối năm 2003, một đoàn công tác của Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bến Tre đến khảo sát khu vực này và đào thám sát với kết quả rất khả quan: phát hiện một số công cụ đá như rìu, bôn, đục, bàn mài; thu được 13.268 mảnh gốm các loại.

Khai quật di chỉ Giồng Nổi.

Sau đó, 2 đơn vị này quyết định khai quật di chỉ khảo cổ học Giồng Nổi. Di chỉ này có diện tích khoảng vài vạn mét vuông, dấu vết của các di vật khảo cổ học nằm chủ yếu ở khu vườn của các ông Đoàn Quang Trứ, Huỳnh Văn Bê và Võ Ngọc Rạng thuộc phần cao của giồng. Nơi có mật độ hiện vật dày đặc nhất thuộc vườn của ông Đoàn Quang Trứ với diện tích 4.000m²…

Đến nay, sau 3 lần khai quật và 2 lần đào thám sát, trên tổng diện tích 484,5m², các chuyên gia thu thập được gần 500.000 hiện vật các loại cùng hơn 250kg xương, răng động vật và ít xương người… Trong số này, hiện vật bằng gốm chiếm tỷ lệ rất lớn, hơn 99%. Hiện vật bằng gốm rất phong phú gắn bó mật thiết với cuộc sống, sinh hoạt của con người thời điểm lúc bấy giờ, như đồ dùng trong sinh hoạt, sản xuất, thờ cúng, khuôn in hoa văn bằng gốm… Đáng chú ý, trong lần khai quật thứ 2 và 3 thu nhiều hiện vật Linga và Yony bằng gốm. Số còn lại là các hiện vật bằng đá: rìu, cuốc, bàn mài, dao, cưa đá, rìu bôn, đục, hòn ghè…

Qua 2 phương pháp xác định niên đại tương đối và tuyệt đối, các chuyên gia khẳng định: niên đại của di chỉ Giồng Nổi có từ 2.000-2.500 năm trước, kề sát với giai đoạn văn hóa Óc Eo. Đặc biệt, qua 3 hố khai quật trên diện tích 437m², xuất lộ diện tích cư trú của một làng cổ. Cả 3 hố khai quật đều trúng nơi cư trú, bãi nung gốm, một số bếp lớn của cộng đồng, một số nhà lớn (qua dấu vết các lỗ cột) để ở và thờ cúng…

Các chuyên gia xác định, người Giồng Nổi có một số tín ngưỡng riêng, có thể tiếp xúc với Bà La Môn giáo qua tục thờ: đá, rùa, sinh thực khí Linga và Yony, cầu mong cho vạn vật bình yên, sinh sôi nảy nở…

Tháng 7 và 8 năm 2010, Sở VH-TT-DL Bến Tre kết hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục đợt điều tra và đào thám sát khảo cổ học tại di chỉ Giồng Nổi (ấp Bình Thành, xã Bình Phú, TP Bến Tre). Kết quả khẳng định di chỉ Giồng Nổi có một tầng văn hóa rất ổn định…

Theo nhà nghiên cứu, tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, kết quả khai quật ở Giồng Nổi có thể xem là một trong những thành tựu quan trọng nhất của ngành khảo cổ học Việt Nam những năm gần đây.

Kiến trúc cổ “vô giá” An Phong

Đặc biệt, mới đây, Viện Khảo cổ học Việt Nam lần đầu tiên phát hiện di tích kiến trúc cổ tại ấp An Phong, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, gây sự chú ý đặc biệt với nhiều người, nhất là giới nghiên cứu, khảo cổ học. “Với số lượng các vết tích kiến trúc tìm thấy trong các hố thám sát và còn nhìn thấy trên mặt đất tại khu vực đình An Thạnh và chùa Trà Nồng thuộc xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, có thể kết luận nơi đây tồn tại một khu di tích kiến trúc lớn”, tiến sĩ Hà Văn Cẩn, Viện Khảo cổ học Việt Nam khẳng định.

Qua di vật và di tích được phát hiện, các chuyên gia nhận xét: Các di vật gốm được phát hiện gồm 2 loại (gốm thô và gốm mịn), đều có độ nung thấp. Đa phần gốm có màu đỏ nhạt, vàng nhạt và trắng phấn, bên trong có lõi màu xám hoặc xám đen. Đây là loại gốm mang đặc trưng của văn hóa Óc Eo. Ngoài ra, có nhiều viên gạch tìm thấy trong kiến trúc cổ An Phong, rất đồng nhất về loại hình. So sánh các vật liệu kiến trúc cổ ở An Phong với Gò Thành (Tiền Giang) cho thấy có sự tương đồng rất rõ rệt về vật liệu cũng như phong cách và chất liệu. Di tích cổ Gò Thành đã được xếp vào khung niên đại từ thế kỷ IV-VIII.

Óc Eo là tên gọi do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đề nghị đặt cho một địa điểm nằm ở huyện Thoại Sơn, phía Nam tỉnh An Giang. Nơi này có thể đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất  từ thế kỷ thứ I đến VII.

Do vậy, có thể xếp niên đại của di tích kiến trúc cổ An Phong vào khung thế kỷ IV-VIII sau Công nguyên. Điều đặc biệt quan trọng: “Dựa vào phần kiến trúc được phát hiện trong các hố thám sát ở An Phong cho thấy đây là một phần móng tường của một di tích kiến trúc lớn (chiều rộng của tường còn đo được là 2,65m). Hiện tại mới phát hiện một phần của quần thể kiến trúc đó. Vì vậy chúng ta có thể đoán định đây là một quần thể di tích thời kỳ Óc Eo lần đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre”, tiến sĩ Hà Văn Cẩn nhấn mạnh.

Các chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam khẳng định: Những di tích và di vật đã phát hiện được tại An Phong nói trên là nguồn sử liệu vô giá, góp phần nghiên cứu lịch sử vùng đất Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung, khẳng định trình độ văn hóa, văn minh; những thành tựu vĩ đại mà các cư dân cổ nơi đây đạt được, những đóng góp của họ cho sự hình thành và phát triển văn hóa dân tộc.

Tỉnh Bến Tre cần có biện pháp bảo vệ khẩn cấp khu vực có di tích khu di tích lịch sử quý giá này, tránh sự phá hủy của tự nhiên và con người. Đồng thời sớm có kế hoạch tổ chức khai quật rộng hơn tại khu vực này, để có thể có những đánh giá sát thực hơn về quy mô, tính chất cũng như niên đại của khu di tích quý giá này.

Việc phát hiện và khai quật di chỉ khảo cổ học Giồng Nổi đã đem lại nhận thức mới về lịch sử hình thành và phát triển, cũng như lịch sử chinh phục và khai phá vùng đất Bến Tre ngày nay. Di chỉ khảo cổ học Giồng Nổi, với những tư liệu lịch sử bằng vật thật đã phác họa một bức tranh sinh tồn với môi sinh phong phú, những hoạt động của con người nhằm tạo dựng nên sự sống ở một trong những giồng đất nổi lên ở vùng đất Bến Tre.

BÌNH ĐẠI