Trực thăng du ký

Bỏ ra cả ngàn USD cho một giờ được du ngoạn trên không, “quảng cáo” cho thương hiệu cá nhân từ trên… trời hay thỏa mãn một nhu cầu đắt đỏ tới “bỏng tay”… Đó là những câu chuyện chỉ có trong “nhật ký” những chuyến bay trực thăng dịch vụ hiện nay ở VN.

 

Máy bay của NSFC bay phục vụ đoàn thể thao mạo hiểm khám phá vùng rừng núi Tây Bắc – Ảnh do NSFC cung cấp

Mới đây, giữa những ngày mưa lũ ở miền Trung, khi mọi phương tiện đi lại trên bộ và ngay cả đường hàng không đều gặp khó khăn thì một chuyến trực thăng dịch vụ của Công ty Bay dịch vụ miền Nam từ Sài Gòn đã bay lặng lẽ, hạ cánh êm ru xuống sân bay Phù Cát (Bình Định) trong chiều 3-11. Chuyến bay này được “bao sô” trọn gói cho một gia đình chỉ vỏn vẹn chín người. Một hành trình đặc biệt vì nó có nhiệm vụ chở một người bệnh đang hấp hối hồi hương trước khi qua đời.

“Say sóng” với giá bay

Đó là cảm nhận của nhiều người khi tìm hiểu về loại dịch vụ khá mới mẻ này (chỉ mới có gần mười năm nay – PV). Giữa tháng 10, chúng tôi liên hệ với vài đầu mối để tìm hiểu về giá cả thuê trực thăng đi du ngoạn. Một số công ty du lịch cung cấp vài địa chỉ với biểu giá khoảng 3.000 USD trở lên cho một giờ bay.

Theo đó, khách hàng có thể thuê cả chiếc máy bay trực thăng từ 12-22 chỗ cho các chuyến hành trình mình yêu cầu. Tất nhiên, với mức giá hàng ngàn USD cho một giờ bay thì không phải bất kỳ lúc nào khách cũng có thể bay nếu không thuê trọn gói cả máy bay và công ty du lịch không tập hợp đủ số vé cho chi phí một chuyến.

Ở VN hiện nay chỉ có một đơn vị thực hiện khai thác các chuyến bay du lịch hay đáp ứng nhu cầu cá nhân nào đó của khách hàng bằng trực thăng là Tổng công ty Bay dịch vụ VN (Tổng công ty Trực thăng VN) tự hạch toán với hai công ty bay dịch vụ để cả hai bên đều hài lòng với chi phí các chuyến bay. Tất nhiên đó là “bảng giá kín”, có thể thay đổi vì nhiều lý do mà chỉ có bộ phận thương mại ở công ty bay mới có thể cho biết khi có khách hàng đến mua dịch vụ.

Khách hàng “ngàn đô”

Phó giám đốc Công ty Bay dịch vụ miền Bắc (NSFC) Phạm Anh Khiêm cho biết ngoài thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, hiện công ty có nhiều dịch vụ như bay phục vụ ngành lâm nghiệp, lập bản đồ, khảo sát dự án, bay phục vụ tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), tìm kiếm cứu nạn… Tuy nhiên, phổ biến hiện nay vẫn là bay thăm dò và khai thác dầu khí cho các hãng dầu khí trong và ngoài nước, bay phục vụ khách du lịch, bay cấp cứu…

Ông Khiêm cho biết hiện nay tại công ty luôn thường trực 5-6 chiếc máy bay trực thăng. Loại nhỏ như EC 135, 4-6 chỗ của châu Âu, loại tầm trung như EC 155 từ 10-12 chỗ ngồi, loại lớn như MI của Nga có thể chở tới 24 hành khách. Nếu bay gần và thời gian bay ngắn, có thể làm thủ tục cất cánh ngay trong ngày.

Trong năm 2008, NSFC đã phối hợp với Công ty cổ phần quốc tế Hoàng Gia khai trương dịch vụ taxi bay chuyên chở du khách tham quan bằng máy bay trực thăng EC-130 B4 với sức chở bảy người (gồm cả phi công và hành khách) theo tuyến Hà Nội – Quảng Ninh và từ Hạ Long đi thăm các danh thắng trên vịnh Hạ Long. Để đổi lấy cảm giác được ngắm nhìn vịnh Hạ Long từ trên cao, nhiều du khách sẵn sàng bỏ ra 650 USD (khứ hồi tuyến Hà Nội – Hạ Long) hoặc 420 USD cho một chiều bay Hà Nội – Quảng Ninh.

Nhiều thời điểm lượng khách hàng là cá nhân tăng đột xuất, tháng 6-2009 NSFC đã chi vài trăm tỉ đồng để mua trực thăng EC155 B1 mới từ Hãng Eurocopter, năm 2010 NSFC tiếp tục mua thêm chiếc EC155 B1 thứ hai. Chiếc trực thăng EC 135 của chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (trị giá 5 triệu USD) hiện đang cho công ty thuê lại và khai thác. Còn Công ty Bay dịch vụ miền Nam vừa mua thêm hai chiếc EC 225 thuộc loại hiện đại nhất thế giới với giá 17 triệu USD/chiếc.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10, tỉ phú người Nga Roustam Tariko đã thuê trọn gói chiếc trực thăng cỡ lớn MI bay từ Hà Nội đến Quảng Ninh tham quan vịnh Hạ Long. Vợ chồng ông Roustam Tariko đã rất hài lòng dù phải chi một khoản tiền khá lớn chỉ để ngắm cảnh VN trong vài giờ.

Cách đây vài năm, dư luận khá xôn xao về chuyện một đại gia thuê trực thăng đời cũ xuất xứ từ Nga (loại trực thăng MI 172 sản xuất tại Nga) để cẩu chiếc môtô hàng triệu USD từ Vũng Tàu về Sài Gòn. Gần đây nhất, trong lễ hội cà phê tại Tây nguyên, Công ty Vinacafe đã thuê cả chiếc trực thăng cẩu ly cà phê diễu hành trên bầu trời để quảng bá cho thương hiệu công ty. “Quá thú vị cho một vòng bay trên bầu trời và ngắm mọi thứ bé li ti phía dưới. Đó là lần đầu tiên tôi có cảm giác thật sự đang bay khi chiếc trực thăng đảo đi đảo lại trên bầu trời” – ông Phạm Xuân Trung, tay máy quay phim từng quay chương trình Hoa hậu quý bà ở Vũng Tàu trên trực thăng, chia sẻ.

Đầu tháng 8-2008, khi lũ quét làm tê liệt các tuyến đường nối Lào Cai với các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, nhiều khách du lịch bị kẹt lại ở huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã quyết định thuê trực thăng để về Hà Nội. Lần đó, NSFC đã điều động trực thăng thực hiện 16 chuyến bay chuyển 230 hành khách (trong đó có 120 người nước ngoài) về Hà Nội.

Những chuyến bay đặc biệt

Đó là những chuyến bay cấp cứu y tế ở Trường Sa, Côn Đảo, các giàn khoan dầu khí giữa biển hay ở các tỉnh cần kíp về Sài Gòn để tới các bệnh viện lớn. Hầu hết phi công đều chia sẻ đó không chỉ là những chuyến bay dịch vụ đơn thuần mà khi đó sức ép của người bệnh cũng khiến họ thật sự căng thẳng, luôn phải tập trung cao nhất khi lái.

“Có những chuyến bay không chỉ đơn thuần là bay dịch vụ. Chúng tôi đã bay trong nhiều tâm trạng, căng thẳng đến nghẹt thở, lúc bình yên, thi vị một cách lạ lùng dù đã 30 năm ngồi buồng lái. Và có cả những kỷ niệm thật sự gây xúc động với chúng tôi khi chuyến bay đáp xuống…” – phi công Hồ Tân Phong bộc bạch.

Ông Phong chính là một trong ba phi công bay trong chuyến bay trưa 3-11 chở một người bệnh đang hấp hối từ Sài Gòn ra Bình Định. Do bay ở quãng đường ngắn, tầm bay thấp nên việc giám sát không lưu của các chuyến bay trực thăng cũng khác hoàn toàn so với các máy bay chuyên dụng đường dài. Theo đó, cứ 10 phút tổ bay phải liên lạc với đài chỉ huy để báo tín hiệu trên đường bay. Chỉ cần trễ một vài phút không liên lạc được, trực thăng đã được báo động để ứng cứu kịp thời. Khi đáp xuống sân bay Phù Cát, thời tiết xấu của những ngày mưa lũ đã buộc đoàn bay phải ở lại tới sáng hôm sau mới cất cánh về lại Vũng Tàu.

Thông thường trực thăng chỉ được bay trong điều kiện từ khi mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn. Nhưng với những chuyến bay cấp cứu y tế thì các tổ bay phải túc trực 24/24 giờ để thực hiện dịch vụ khi khách hàng có yêu cầu. Gặp những lúc mưa lớn, đáy mây thấp khiến tầm nhìn hạn chế, phi công lại phải bay trên đất liền dễ va chạm vào vách núi hoặc các địa tiêu khuất tầm nhìn khiến chuyến bay càng trở nên căng thẳng.

Phi công Hồ Tân Phong nhớ lại: “Năm 2007, tôi được phân công lái trên chuyến bay cấp cứu từ Côn Đảo về Sài Gòn. Đó là đôi bạn trẻ người Úc bị tai nạn khi lái môtô thám hiểm trên núi. Tôi còn nhớ người thanh niên bị xương sườn đâm thủng phổi. Do lúc đó huyện đảo còn nghèo và thiếu nhân sự, thêm phần tai nạn quá nặng khiến người thanh niên tử nạn khi vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước đó, khi đưa anh thanh niên lên trực thăng về đất liền thì đã hơn 20g. Vì máy bay không có thiết bị hạ cánh đêm, chúng tôi phải rọi đèn pha ôtô để hạ cánh lúc gần 22g. Đó là chuyến bay căng thẳng và một kỷ niệm buồn với người cầm lái đã mấy chục năm trời như tôi khi thấy nỗi bàng hoàng trên khuôn mặt người bạn gái Úc trẻ tuổi…”.

 

 

Phi công chuẩn bị cho trực thăng cất cánh (ảnh chụp chiều 6-11)  – Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Được bay giữa bầu trời

Bay trực thăng phục vụ chủ yếu ở các chặng đường ngắn từ 1.000km trở lại. Với khả năng cơ động, linh hoạt, bay tầm thấp ngay ở độ cao 200m, trực thăng rất thuận tiện cho các tour du lịch tham quan trên bầu trời, trên biển, đảo. Đặc biệt, những nơi chưa có sân bay, trực thăng vẫn có thể đáp xuống địa hình bằng phẳng, trống trải mà không cần đường băng chuyên dụng.

“Bỏ vài ngàn USD nhưng bù lại chúng tôi tìm được cảm giác rất lạ như mình đang trực tiếp bay giữa bầu trời, một “đẳng cấp” rất riêng, rất thăng hoa, hứng khởi. Mặt khác, thuê trực thăng giúp việc đi lại nhanh chóng, tiện lợi và lại rất riêng tư, phục vụ theo sở thích của mình nên tốn tiền vẫn thấy vui” – một “đại gia” trẻ tuổi, nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh đồ gỗ ở Sài Gòn từng cùng nhóm bạn thuê trực thăng đi Côn Đảo du lịch, câu cá, nhận xét.

LÊ VÂN – LÂM HOÀI

Báo Tuổi trẻ

TP.HCM: sẽ thêm tuyến du lịch đường sông

Tuyến du lịch đường sông tầm ngắn bắt đầu từ bến canô ở bến Bạch Đằng đến làng họa sĩ (Q.2, TP.HCM), chùa Hội Sơn, cù lao Ba Xê, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, rồi lên đường bộ tham quan khu du lịch Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên, nhà cổ ông Trần Ngọc Du (Đồng Nai).

Làng họa sĩ (P.Long Thạnh Mỹ, Q.2) được 15 họa sĩ, nhà điêu khắc… có tiếng trong giới nghệ thuật VN tự đầu tư gồm sáu ngôi nhà vườn rộng lớn, được xây dựng theo kiến trúc nhà vườn Huế, Hội An, Mường, Stiêng với hồ cảnh, tháp chuông… mộc mạc, bình dị chạy dọc bờ sông Sài Gòn. Du khách đến đây có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật, nghỉ ngơi trong một không gian Việt êm đềm, thanh bình.

Rời làng họa sĩ khách lên tàu hướng về chùa Hội Sơn (Q.9), ngôi chùa cổ do thiền sư Long Khánh xây dựng vào cuối thế kỷ 18 đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Hiện TP.HCM có các tuyến du lịch đường sông được các công ty du lịch đưa vào khai thác như tuyến tầm ngắn Bến Nghé – Nhà Bè, Bạch Đằng – Bình Quới; tuyến tầm trung Sài Gòn – Đồng Nai, Sài Gòn – Bình Dương, Bạch Đằng – Củ Chi; tuyến tầm xa TP.HCM – Mỹ Tho – Cần Thơ – Châu Đốc – Kiên Giang và Phnom Penh, Sihanoukville (Campuchia).

Từ bến tàu của chùa, khoảng 15 phút tàu đã cập bến cù lao Ba Xê (P.Long Bình Tân, TP Biên Hòa) để du khách nghỉ ngơi tham quan vườn cây ăn trái, chuồng nuôi cá sấu… Sau đó tiếp tục hành trình đến khu đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh thắp hương viếng Thượng đẳng công thần, chuyển sang ôtô tham quan khu du lịch Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên, nhà cổ ông Trần Ngọc Du.

Đề án phát triển du lịch đường sông đã được ngành du lịch TP.HCM xúc tiến xây dựng từ nhiều năm nay nhưng chưa đưa vào hoạt động do thiếu cầu cảng, sản phẩm, dịch vụ điểm đến…

Qua chuyến khảo sát ngày 6-11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết TP sẽ nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm du lịch này sớm được triển khai. Trước mắt, cuối năm 2010 có thể đưa vào khai thác tour ngắn bến Bạch Đằng – ngã ba Nhà Bè đến làng họa sĩ, sau đó tiếp tục nghiên cứu, hợp tác với Đồng Nai, Bình Dương khai thác tour đường dài.

LÊ NAM

Khách sạn nhỏ đắt khách

Theo Sở Văn hóa – thể thao và du lịch TP.HCM, lượng phòng KS loại 1-3 sao đã tăng 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Càng gần trung tâm càng đắt khách

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngày cuối tuần tỉ lệ phòng trống ở các KS trung tâm Q.1 (TP.HCM) loại 2-3 sao trên đường Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Bùi Thị Xuân… chỉ khoảng hơn 10%. Nhiều KS đạt công suất phòng 100%.

Ở khu vực trung tâm Q.1 chia thị phần rõ rệt: KS ở đường Sương Nguyệt Anh thường là sự lựa chọn của Việt kiều trẻ, xung quanh chợ Bến Thành khách nội địa chủ yếu ở phía Bắc vào, KS ở khu Đông Du, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Thái Văn Lung là nơi lựa chọn của khách doanh nhân, hội họp, đi công tác…, khu Đề Thám, Phạm Ngũ Lão là của khách Tây balô…

Ông Nguyễn Quang Huy, chủ đầu tư chuỗi tám KS A& Em (gồm bốn KS 3 sao, bốn KS 2 sao), cho biết các KS đều ở khu vực trung tâm quận 1 nên công suất phòng luôn đạt 80-90%, trong đó khách Singapore, Trung Quốc, Đài Loan chiếm 30-40%; khách nội địa và Việt kiều 30-40%, còn lại là khách châu Âu.

Do việc đầu tư thuận lợi nên ông Huy dự kiến tiếp tục xây thêm một KS 3 sao mới có cả phòng tập, hồ bơi, xông hơi vào năm 2011.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh KS loại 2-3 sao, vị trí càng ở trung tâm càng đắt khách do tiện đi lại, nghỉ ngơi. Có khách Việt kiều ở đến 1-2 tháng, hay khách là doanh nhân nước ngoài thuê phòng nghỉ kéo dài 6-8 tháng.

Giới kinh doanh, đầu tư KS cho biết hiện có khá nhiều nhà đầu tư nội địa từ phía Bắc vào TP.HCM mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Họ mua lại KS đang đầu tư, hoặc mua đất xây dựng KS mới, thậm chí mua lại cổ phần ở các KS đang hoạt động.

Theo khảo sát vào đầu tháng 9- 2010 của Sở Văn hóa – thể thao và du lịch TP.HCM, lượng KS 1-2 sao trên địa bàn tăng rất nhanh thời gian qua. Loại KS 1 sao trên địa bàn TP.HCM hiện có đến 545 KS so với 364 KS 1 sao trước đó, loại 2 sao có 155 KS so với 133 KS.

 

Biểu đồ cơ cấu các loại khách sạn trên địa bàn TP.HCM Nguồn: Sở VH-TT&DL TP.HCM – Đồ họa: Võ Tân

Cạnh tranh giá

Nhiều KS ra đời nên việc cạnh tranh cũng khốc liệt hơn, đặc biệt về giá cả. Nhiều KS ở gần nhau luôn phải chịu cảnh khách vào hỏi thông tin rồi đi chủ yếu là để dọ giá.

Bà P., chủ KS S (loại 2 sao) trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1), cho biết giá phòng trong ngày thậm chí trong một buổi luôn được thay đổi để giữ chân khách. Có KS phải chủ động hạ xuống vài USD/phòng nhằm “không để phòng trống và giữ được chân khách”.

Có thời điểm nhiều KS trên đường Thái Văn Lung đua nhau trưng bảng “giảm giá 30%” ngay ngoài cửa để thu hút khách. Một chiêu thu hút khách khác mà nhiều KS đang áp dụng là chi tiền hoa hồng cho taxi hay bất cứ ai đưa khách đến KS.

Theo ông Phan Đình Huê, giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, từ nửa cuối năm 2009 đến sáu tháng đầu năm nay, xu hướng chọn KS, resort để lưu trú của khách có thay đổi, khoảng 60% khách du lịch nước ngoài chọn khách sạn 2-3 sao; có đến gần 70% du khách trong nước chọn khách sạn trung bình.

Chính vì vậy, để cạnh tranh với các nhà trọ giá rẻ, các KS, nhà nghỉ cũng hạ giá thành với khách thuê theo giờ. Giá phòng của nhóm KS, nhà nghỉ này dao động từ 40.000-50.000 đồng/giờ. Nhà trọ cũng trang bị WiFi miễn phí cho khách. Nhiều KS 1 sao đã phải giữ giá phòng từ 70.000-150.000 đồng/phòng/ đêm, miễn phí WiFi, nước lọc…

Theo các chuyên gia lĩnh vực du lịch, năm 2009 khi kinh tế thế giới xuống dốc nhiều KS cao cấp ế ẩm triền miên thì KS loại 2-3 sao lại khá đông khách. Tuy nhiên, đến nay họ khẳng định lợi thế này chỉ còn là tạm thời. Nhóm KS cao cấp sẽ lấy lại vị thế của mình và phát triển hơn nữa khi nền kinh tế hồi phục.

Chủ một KS 2 sao có 45 phòng trên đường Lê Thánh Tôn than thở do có quá nhiều KS ra đời nên giá phòng giảm nhanh, thu hồi vốn khá chậm. Thực tế, giá phòng công bố ở đây từ 30-60 USD/phòng/đêm nhưng bà cho biết giá bán cho khách lẻ còn thấp hơn nhiều.

 

Khách sạn 3 sao làm ăn khấm khá

KS Anh Tuyển nằm trong một con hẻm rộng 3m ở đường Âu Cơ (Q.Tân Phú) nhưng khách đến thuê phòng khá đông. Chỉ khoảng hai tiếng ngồi tại sảnh, chúng tôi quan sát có đến tám lượt khách đến thuê phòng.

Ông Tuyến, chủ KS, cho biết khách thuê phòng chủ yếu thuê ngắn hạn. Cả khách sạn có 20 phòng nhưng hầu như không còn phòng trống. Ngày cuối tuần hầu như phải qua 23 giờ mới cho khách thuê qua đêm để tận dụng công suất. Những ngày lễ hầu như chỉ cho khách thuê theo giờ.

Giá thuê theo giờ là 50.000 đồng/giờ, mỗi phòng ít nhất đạt khoảng 2 lượt khách/ngày, cũng phòng đó thuê qua đêm thu về 140.000-160.000 đồng/đêm. Mỗi tháng thu về hơn 100 triệu đồng. “Cứ đà này năm tới tôi sẽ mở thêm KS nữa rộng hơn trên đường Tô Ký (Q.12)” – ông Tuyến nói.

Theo một khảo sát công bố hồi tháng 6-2010 của Công ty kiểm toán Grant Thorton, công suất khai thác phòng của KS 3 sao trong năm 2009, năm du lịch ế ẩm, đã tăng 2,1% so với năm 2008 trong khi các KS cao cấp giảm. Chỉ số RevPAR (chỉ số tiêu chuẩn về công suất khai thác và hiệu quả hoạt động của KS) ở KS 3 sao tăng 0,9% trong năm 2009 trong khi nhóm khách sạn cao cấp giảm ở mức hai con số.

Chậm thu hồi vốn

Theo tính toán của một chủ đầu tư KS loại 3 sao khu vực chợ Bến Thành, nếu lấy giá đất tạm tính giá ở trung tâm Q.1 khoảng 10-12 lượng vàng/m2, một khu đất 400m2 có thể xây KS sẽ có giá trị đất khoảng 4.800 lượng vàng, tương đương 160 tỉ đồng (khoảng 8 triệu USD) nếu xây KS 10 tầng chi phí khoảng 2 triệu USD tiền xây dựng và trang thiết bị. Như vậy, tổng vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD.

Sau khi trừ 30% diện tích hành lang, công trình phụ… diện tích còn lại có thể xây được 80 phòng. Với giá bán 40-50 USD/phòng/đêm, công suất trung bình 70% phòng có khách, doanh thu sẽ hơn 2.200 USD/ngày, khoảng 60.000 USD/tháng. Sau khi trừ tiền lương nhân viên, điện nước, lãi suất ngân hàng (nếu có) nhà đầu tư chỉ lãi 10.000-15.000 USD/tháng.

Với KS 2 sao thì khó khăn hơn vì bảng lương, giá nước, điện và lãi suất ngân hàng gần bằng nhau nhưng giá phòng lại thấp hơn, khách ít chọn để nghỉ ngơi. Chủ một KS 2 sao đang làm ăn ở trung tâm Q.1 cho rằng nếu mua đất đầu tư KS ở trung tâm TP phải hơn 10 năm sau mới lấy lại vốn.

LÊ NAM – LÊ SƠN

(Báo tuổi trẻ)