ĐẤT TÂY NAM HUYỀN BÍ


Vùng đất sát biên giới Cămpuchia từ Tân Châu-An Giang đến Hà Tiên-Kiên Giang thật đặc biệt với những dải đồi nhỏ, núi thấp xen kẽ những cánh đồng và những đầm lầy, nhưng đặc biệt hơn là hầu như từng mét vuông đất này đều thấm đẫm các câu chuyện cổ tích, các thần phả, các tôn giáo thuần Việt và các anh hùng nghĩa sỹ. Đất Tây Nam hút hồn du khách vì những lý do chưa thể hiểu rõ. Nhưng nếu đã đến một lần, người ta sẽ muốn đến nhiều lần…

  • Từ Thất Sơn huyền bí

Thất Sơn còn có tên là vùng Bảy Núi, thuộc các huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang, sát biên giới Campuchia. Đó là những cụm núi thấp nhô lên từ những cánh đồng xen kẽ những đầm lầy rộng mênh mông, là nơi ghi danh vào lịch sử nhiều  anh hùng, nghĩa sĩ, ông đạo, đền chùa và huyền thoại. Đó là những núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Tượng (Liên Hoa sơn), núi Tô ( Phụng Hoàng sơn), núi Dài (Ngũ Hồ sơn), núi Trà Sư và núi Bà Đội Om. Ngoài cụm bảy hòn núi này còn có nhiều núi thấp rải rác như núi Sam ( Châu Đốc), núi Sập ( huyện Thoại Sơn). Núi Cấm cao nhất 716m,còn những hòn núi khác đều không cao quá 200m, thực ra chỉ là những ngọn đồi.Tuy nhiên người dân đất Tây Nam gọi đồihòn. Vấn đề đặc biệt ở đây, các ngọn đồi lại được tôn thành núi, có lẽ vì sự kính cẩn của người địa phương dành cho vùng địa linh này. Ở Thất Sơn có rất nhiều huyền thoại lưu truyền trong dân gian. Những huyền thoại cổ nhất còn lưu truyền đều bắt đầu bằng câu: “Khi quân Phù Nam bắt  dân địa phương về Óc Eo xây cảng…”, “ Khi nước Phù Nam bị người Chân Lạp xâm lược…”. Chúng gợi nhớ về một thời kỳ xa xưa của vương quốc Phù Nam (thế kỷ 1 đến thế kỷ 8 sau CN) mà ngày nay rất ít tư liệu lịch sử nhắc tới. Đó là một vương quốc có nền hàng hải và thương mại quốc tế phất triển, nhưng biến mất đột ngột vào đầu thế kỷ 8 như bị phù phép. Như minh chứng cho các huyền thoại, khi đào kênh Xáng Ba Thê ( huyện Thoại Sơn-An Giang), di tích một tòa thành cổ Óc Eo bị chìm sâu dưới đất được phát lộ. Điều đặc biệt là trong các huyền thoại vùng đất Tây Nam, ngoài những anh hùng nghĩa sỹ, còn có những nhân vật hoang dã của cả núi cao lẫn đầm lầy: từ heo rừng, hổ, báo, trăn rắn, cho đến cá sấu,…Thiên nhiên hoang dã và những con người hào hiệp, trượng nghĩa là những nhân vật đậm chất anh hùng ca và thường xuyên xuất hiện trong các câu chuyện kể dân gian.

Vào nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, các cuộc khởi nghĩa võ trang của nhân dân Nam Bộ liên tiếp nổ ra và bị dập tắt, ách  thống trị của thực dân Pháp dần dần được thiết lập. Nam Bộ bị triều đình bỏ rơi. Các tôn giáo sẵn có không cứu được dân khỏi nỗi lầm than của đói nghèo và nô lệ. Niềm tin của dân chúng bị khủng hoảng.Trong bối cảnh đó, nhiều tôn giáo bản địa xuất hiện. Vùng đất Tây Nam có núi rừng thâm u, đất rộng người thưa được chọn làm thánh địa của các tôn giáo mới. Dù giáo lý có khác nhau, nhưng nét chung của các tôn giáo có gốc từ đạo Phật này là cổ vũ tinh thần chống giặc ngoại xâm, khôi phục nền độc lập dân tộc kể cả vũ trang kháng chiến (tinh thần phản Pháp phục Nam). Năm 1850, Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Chuyên) sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương với thánh địa ở vùng núi Thới Sơn (Tịnh Biên, An Giang). Năm 1872 xuất hiện đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Bổn Sư Ngô Lợi chủ xướng có thánh địa ở Tri Tôn, An Giang (xin nói thêm là năm 1928, một đệ tử của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là ông Lê Văn Mưu về Vũng Tàu hoằng đạo và lập ra một nhánh mới của đạo này, vì ông hay cởi trần nên nhân dân Vũng Tàu gọi luôn là Đạo ông Trần). Cuối cùng năm 1939 thầy Tư Hòa Hảo (Huỳnh Phú Sổ) lập đạo Hòa Hảo với thánh địa ở Tân Châu, An Giang. Hàng loạt trại ruộng được khai phá làm cơ sở hậu cần, ngày nay trở thành những xóm đạo sầm uất. Nhiều chùa, đền, miếu được xây cất làm nơi tu luyện của các ông đạo (thầy tu). Nhiều ông đạo là những nghĩa sĩ yêu nước, đã dũng cảm hy sinh trong các cuộc giao chiến với giặc Pháp, được nhân dân cảm phục và thờ phụng. Có lẽ vì vậy mà các đền, chùa  vùng đất Tây Nam ngày nay trở thành nơi hành hương, thăm viếng ngày càng đông của du khách và bà con đạo hữu.

Có lẽ lịch sử bi hùng và đậm chất nhân văn của vùng đất Tây Nam đã thu hút một danh nhân đặc biệt của xứ Nghệ: đó là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ  Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi thôi làm Tri huyện Bình Khê (Bình Định), từ năm 1911 đến 1926 cụ dành nhiều năm ở đất Tây Nam và làm nhiều nghề như bói Kinh Dịch, bốc thuốc, chú giải kinh Phật,..Sau đó cụ về trú tại Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho đến khi mất năm 1929.

  • Đến Hà Tiên thập cảnh

Năm 1736 Đại tướng quân Mạc Thiên Tích nối nghiệp cha (là Mạc Cửu) làm Tổng trấn Hà Tiên. Vốn là một nhà quân sự kiêm thi sĩ, ông sáng lập một hội thơ lấy tên là Tao Đàn Chiêu Anh Các. Di sản của Tao Đàn Hà Tiên là bảy tập thơ và phú chữ Hán và một tập thơ nôm, trong đó tập x­ướng họa về 10 cảnh đẹp Hà Tiên (Hà Tiên Thập Vịnh) là nổi tiếng nhất. Hà Tiên qua thi phẩm Tao Đàn đã trở nên một vùng văn hiến của đất nư­ớc với : Kim Dữ lan đào (Đảo vàng chắn sóng), Bình Sơn điệp thuý (Bình Sơn chồng biếc), Tiêu Tự thần chung (Chuông sớm chùa Tiêu), Giang Thành dạ cổ (Trống đêm Giang Thành), Thạch Động thôn vân ( mây luồn Động đá), Châu Nham lạc lộ (Cò đậu Châu Nham), Đông Hồ ấn nguyệt (Trăng in Đông Hồ), Nam Phố trừng ba (Bãi Nam sóng lặng), Lộc Trĩ thôn c­ư (Xóm nhỏ Mũi Nai) và L­ư Khê ngư­ bạc (Bến chài Lư­ Khê).

Bình Sơn là một ngọn đồi nhỏ trong  thị xã, nơi có khu  đền – mộ của dòng họ Mạc. Các ngôi mộ đ­ựợc xây cất giản dị, đa phần có hình nấm tròn. Cao nhất, gần đỉnh núi là mộ Mạc Cửu, sát bên dư­ới là mộ Mạc Thiên Tích, ngoài ra còn gần 40 ngôi mộ khác của các thế hệ con cháu, kể cả của thầy thuốc, gia tư­ớng… Cây và hoa khắp nơi làm cho khu đền – mộ họ Mạc giống một công viên hơn là một nghĩa trang. Phía bắc khu mộ là chùa Phù Dung, nơi đặt Tao Đàn x­ưa, không dứt khói h­ương. Chiều tà đứng trên Bình Sơn nhìn về phía Tây thấy đảo Phú Quốc như  bức thành ẩn trong ráng chiều.

Những hòn núi đá vôi đầy hang động ở Hà Tiên là quê hương của truyện cổ tích Thạch Sanh. Thạch Động là một ngọn núi đá vôi trong dãy Bình Sơn, nhìn từ xa, trông giống một ngọn tháp cổ. Trong lòng tháp là cả một hệ thống hang động và chùa. T­rong truyện cổ tích Thạch Sanh, đây chính là hang của đại bàng đã bắt cóc công chúa, là một trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên có tên là “Thạch Động thôn vân”(Mây luồn Động Đá). Xa hơn về phía bắc núi Thạch Động khoảng 1km, sát biên giới Campuchia là núi Đá Dựng (tên chữ là Châu Nham). Đây là núi đá vôi thứ hai của Hà Tiên, theo truyền thuyết là nơi ở của Thạch Sanh. Núi có rất nhiều hang, trong hang có nhiều thạch nhũ, măng đá hình thù kỳ dị, đặc biệt có một cụm thạch nhũ đ­ược gọi là “đàn Thạch Sanh” vì khi gõ vào phát tiếng vang ngân nga như­ tiếng đàn, lại có thạch nhũ giống như tượng trăn tinh.

Đến Hà Tiên, thật khó có nhanh một ấn t­ượng, một cảm nhận rạch ròi. Có núi, có sông, có biển, có rừng và thật nhiều di tích lịch sử văn hóa. Thiên nhiên và con người, cổ tích và thi ca, lịch sử hào hùng và hiện tại sôi động… tất cả hoà quện trong một thị xã bé xíu mang phong cách vừa Kinh, vừa Hoa, vừa Khơ Me.

  • Du lịch ở vùng đất Tây Nam

Ngày càng nhiều du khách tìm đến vùng đất Tây Nam. So với những vùng nổi tiếng khác của đất nước, đất Tây Nam khó bì về vẻ đẹp của các danh thắng cũng như sự hùng vĩ của cảnh quan, tuy nhiên sức thu hút của đất Tây Nam lại ở chỗ khác. Vùng đất này vừa như lạ lại vừa như quen. Đến núi Sam-Châu Đốc vô thăm Tây An Cổ tự (thánh đường của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương), thắp nén nhang trong đền Bà Chúa Xứ ; hay ngồi nhâm nhi món lẩu mắm ở một quán ăn nhỏ tại bến nước Tân Châu; du khách cũng có thể dừng chân trên cầu Tô Châu, Hà Tiên lặng lẽ ngắm trăng in mặt nước Đông Hồ, hay tới thăm lũy tre gai dày- vết tích của Thành Hà Tiên xưa một thời rợn tiếng gươm khua máu đổ…Tùy theo cảm nhận cá nhân trong lặng lẽ mà du khách chợt nhận ra những linh cảm khác  nhau. Hai ngàn năm lịch sử hào hùng, sôi động và không ít máu xương như hiện diện trong làn gió chiều xào xạc vòm lá, trong mùì hương trầm thoang thoảng từ  ngôi đền nhỏ, trong tiếng chuông chùa văng vẳng đâu đây, trong tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ tan trường…Du khách có cảm giác như mình đã từng sinh ra và lớn lên ở vùng đất  này từ không biết bao nhiêu kiếp trước, rồi lại chợt thấy mình như thật  xa lạ. Cảm nhận vừa quen vừa lạ có lẽ là nét hấp dẫn khó thể phân tích rạch ròi khi du khách chìm đắm trong tĩnh lặng mỗi lần đến thăm vùng đất biên viễn này. Mà dù có đến bao nhiêu lần thì cảm nhận đó cũng không đủ, vì mỗi lần đến lại như lần đầu tiên, và cũng vì mỗi lần chia xa đất Tây Nam lại tự nhủ lòng rằng sẽ quay lại./.

Nguyễn Đình Hòe

Bình luận về bài viết này