SINH VIÊN HOA SEN HỎI

https://i0.wp.com/img98.imageshack.us/img98/3249/question.jpg

Thầy ơi, thầy cho em hỏi thầy có những văn bản hay điều luật liên quan
đến vấn đề khách nước ngoài khi đến Việt Nam phải làm thủ tục thị thực
VISA và về cơ sở kinh doanh lưu ăn uống. Trong quá trình ôn tập, em
search mà không ra những văn bản có liên quan đến vấn đề để căn cứ trả
lời khi làm .Thầy có thầy gửi giúp tụi em.
Tụi em Em cảm ơn thầy
TRẢ LỜI:
Chào em thầy xin trả lời câu hỏi của em như sau,
Cơ sở pháp lý về việc cấp visa cho khách nước ngoài khi vào VN, em có thể tham khảo các văn bản sau:
– Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại việt nam số 24/1999/PL-UBTVQH10 ngày 28/4/2000

– Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

– Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28/5/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Cơ sở pháp lý về kinh doanh cơ sở lưu trú và ăn uống du lịch em có thể tra cứu các văn bản pháp lý sau:

– Luật du lịch 44/2005/QH11

– NĐ 92/2007/NĐ-CP

– Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL

– QĐ 02/2001/TCDL

– TT 18/1999/TT-BTM

– QĐ 41/2005/QĐ-BYT

– Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm 12/2003/PL-UBTVQH11

– NĐ 163/2004/NĐ-CP qui định chi tiết một số điều của pháp lện vệ sinh an toàn thực phẩm.
nếu em khó khăn trong quá trình tìm văn bản thì có thể PM cho thầy qua nick YM: huynhthanhthi thầy sẽ gửi trực tiếp hoặc gửi mail cho em.
Chúc em thi tốt
Thầy Thi

Dấu hỏi cho việc làm mới các tour du lịch

PNO – Nhìn qua chương trình tour của các công ty du lịch hiện nay, một điều dễ nhận thấy là sự giống nhau đến kỳ lạ và thiếu những điều mới mẻ. Điều này dễ dẫn đến cảm giác nhàm chán cho du khách khi phải mua những sản phẩm du lịch thiếu tính sáng tạo.

Giống nhau vì đâu?

Giải thích cho sự giống nhau này, các công ty du lịch đều cho rằng, nếu điểm đến và tổng thời gian đi tour giống nhau thì chương trình tour phải giống nhau về mặt cơ bản. Các chương trình tour có được là do đúc kết kinh nghiệm của nhiều năm kinh doanh (sự hợp lý, khoa học trong việc sắp xếp lịch trình, điểm tham quan, điểm ăn nghỉ, dừng chân…) và rất ít công ty muốn mạo hiểm phá cách trong chương trình (trừ trường hợp thiết kế chương trình riêng theo yêu cầu của khách đoàn).

Đối với tour nước ngoài, đại diện công ty du lịch Benthanhtourist cho biết hầu hết các công ty đều mua lại chương trình của đối tác nước ngoài nên rất khó có sự khác biệt. Sự khác nhau của các chương trình tour hiện nay chỉ nằm trong phần tiêu chuẩn tour (tiêu chuẩn khách sạn, tiêu chuẩn ăn uống…) và giá cả.

Một nguyên nhân khác dẫn đến sự giống nhau là do việc các công ty lữ hành “xào nấu” lại chương trình của nhau. Chỉ cần 5 phút cho việc ra đời một chương trình tour: lấy chương trình của công ty bạn, sửa lại tên công ty mình, thay đổi giá cả và tiêu chuẩn. Đơn giản và gọn gàng! Việc “xào nấu” này đôi khi ẩu đến mức độ một lỗi chính tả hoặc một lỗi ngữ pháp cùng lúc xuất hiện trong chương trình tour của hàng loạt công ty.

Hiện nay, cùng một điểm đến, sự phân vân, lựa chọn của du khách khi mua tour chỉ còn nằm ở ba điểm: giá cả, tiêu chuẩn dịch vụ và giá trị thương hiệu. Điều này sẽ làm cho du khách không muốn quay lại một điểm du lịch lần thứ hai vì không tìm thấy cái mới, cái lạ trong chương trình tour…

Lối đi nào cho chương trình tour mới?

Ngoài sự trùng lặp, giống nhau, việc thiếu các chương trình tour đến các điểm mới cũng là điều đáng phải bàn. Hiện nay, việc khảo sát và du lịch hoá một điểm đến mới đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về mặt vật chất cũng như thời gian, tâm lực… Chương trình tour mới không chỉ đơn giản là điểm đến mới mà còn là sự tổng hợp của nhiều sản phẩm, nhiều dịch vụ (vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên, độ an toàn của điểm đến…). Thiếu một trong những thứ đó thì không thể tạo thành sản phẩm tour hoàn chỉnh. Theo đại diện Vietravel, để tạo ra một tour mới, công ty phải trải qua quy trình như sau: khảo sát điểm đến, tìm đối tác, liên kết đối tác, quảng bá trên phương tiện truyền thông để thu hút sự quan tâm và ý kiến khách hàng, điều chỉnh và hoàn thiện tour trước khi bán chính thức.

Vất vả, khó khăn và tốn kém như vậy nhưng khi thiết kế ra một tour mới, các công ty lữ hành được gì? Họ sẽ được kinh doanh độc quyền tour mới của mình trong thời gian ngắn. Sau đó vài tuần, các công ty bạn sẽ “tiếp bước người đi trước”, “xào nấu” lại nguyên tour và đưa ra bán với giá rẻ hơn để cạnh tranh! Vậy là, tiền bạc và công sức coi như đổ sông, đổ biển mà còn chuốc thêm sự ấm ức, bực mình. Do đó, không khó lý giải khi các công ty lữ hành không mặn mòi gì với việc tìm điểm đến mới. Thỉnh thoảng, các chương trình tour mới xuất hiện xuất hiện ở các công ty lớn với mục đích duy nhất: thu hút sự chú ý của khách hàng để quảng bá thương hiệu.

Giải quyết một cách triệt để những vấn đề nêu trên trong thời điểm hiện nay có lẽ là một điều… không tưởng. Tuy nhiên, chúng ta đã có những đạo luật bảo vệ bản quyền cho những sản phẩm trí tuệ và tour mới suy cho cùng cũng là một sản phẩm trí tuệ. Nên chăng có một điều luật cho phép công ty lữ hành có quyền kinh doanh độc quyền sản phẩm mới của mình có thời hạn (1 năm, 2 năm hoặc 3 năm…). Như vậy, những sản phẩm tour mới sẽ ra đời nhiều hơn và ý nghĩa của hai chữ “du lịch” cũng trọn vẹn hơn: đi để biết thêm về cái mới…

Minh Khuê – Nguyên Hà

TUYỂN TẬP THƠ – QUÊ HƯƠNG MUÔN THỞ – MẶC GIANG

Miền Nam quê hương tôi – 1 –

Miền Nam Quê Hương Tôi -1 –
* 7 – 2004 *

Đất nước Miền Nam nước Việt tôi
Ba trăm năm sử đã lên ngôi
Viễn đông hòn ngọc luôn tô thắm
Nét đẹp Miền Nam mãi đắp bồi

Miền Nam trù phú rộng phì nhiêu
Bản chất người Nam thật đáng yêu
Lúa nắng cò bay chim mỏi cánh
Dân tình chan chứa mãi nâng niu

Miền Nam tôi đó dáng yêu kiều
Mỗi bước đi về mỗi mến yêu
Như Cửu Long giang hòa chín khúc
Sài Gòn-Lục Tỉnh tựa tranh thêu

Miền Nam tôi đó thật an lành
Như lúa mộng vàng dệt mạ xanh
Như mạ xanh non chờ lúa nắng
Như trăng chờ gió gió trăng thanh

Tôi thương nhớ lắm Miền Nam ơi
Nhớ nhịp cầu tre tiếng đệm lời
Nhớ nước đưa đò, đưa mái đẩy
Sông Tiền sông Hậu sóng đầy vơi

Tôi đâu có hát Miền Nam tôi
Tuyệt tác tình ca, ca hát rồi
Hòa tiếng cung đàn reo khúc nhạc
Như cau thêm thắm vị trầu vôi.

*****

Long An, quê tôi

Long An, quê tôi
(Thị xã Tân An)
Tháng 3 – 2007

Long An quê tôi,
Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, đi về một mối
Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, bên này
Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, bên kia

Tân Thạnh, Thạnh Hóa hát ca
Thủ Thừa, Tân Trụ, chan hòa Tân An
Cần Giuộc, Cần Đước vang vang
Cho dòng Vàm Cỏ lan man Châu Thành

Long An quê tôi, ai còn có nhớ
Lòng Nhật Tảo, xác tàu còn đó
Nguyễn Trung Trực, sử tích lưu danh
Nêu cao chí khí hùng anh
Của người dân Việt ngàn năm không sờn

Long An quê tôi,
Hàng dừa nước thẹn thùng khép lá
Tà áo ai gió phất bay bay
Gạo Nàng Thơm ửng nắng hây hây
Khóm Lương Hòa dịu ngọt thanh thanh

Vàm Cỏ Đông, anh đi
Vàm Cỏ Tây, em đợi
Những bờ kênh giao nối
Trăng lăn sóng thì thầm

Long An quê tôi
Sông nước mênh mang
Thơm thơm mùa lúa mới
Ươm tình sống chứa chan.

*****

Bến Tre, quê tôi

Bến Tre, quê tôi
(Thị xã Bến Tre)
Tháng 3 – 2007

Bến Tre quê tôi
Quê hương của bốn dòng sông
Mạ non nho nhỏ ruộng đồng
Lá dừa không xanh bến cát
Lúa vàng thưa thớt trổ bông
Sông Mỹ Tho đi về Cửa Đại
Sông Ba Lai đến Cửa Ba Lai
Sông Hàm Luông mở Cửa Hàm Luông
Sông Cổ Chiên còn đi xa nữa

Bến Tre quê tôi,
Quê hương của bốn dòng sông
Muốn đi cho hết, không ghe thì đò
Qua cầu, xe chạy ro ro
Làm sao nghe được câu hò trên sông

Hò ơi, ới hò
Ai về, có nhớ ai không
Ai về, ai nhớ, dòng sông, ghe, đò
Mùa hè nắng đổ, ai lo
Mùa đông lành lạnh, ai cho ấm lòng

Hò ơi, ới hò
Bình Đại ơi, nhớ Châu Thành, Chợ Lách
Mỏ Cày ơi, nhớ Thạnh Phú, Giồng Trôm
Còn kia, ai nhớ thương mình
Vân Tiên nhớ mẹ, bóng hình Ba Tri

Hò ơi, ơi hò
Bến phà Rạch Miễu thầm thì
Hỏi người bên đó tên gì,
Ơi hò, hò ơi,
Tên là Bến Tre.

*****

Vĩnh Long, quê tôi

Vĩnh Long, quê tôi
(Thị xã Vĩnh Long)
Tháng 3 – 2007

Quê tôi, vùng đất Vĩnh Long
Hai sông nước chảy song song hai bờ
Cổ Chiên, Sông Hậu nên thơ
Có Sông Mang Thít, se tơ hai dòng
Long Hồ, hai nửa ven sông
Vũng Liêm cũng thế, Trà Ôn cũng đồng
Bình Minh, sánh bước Tam Bình
Không kênh thì rạch, vẹn tình đôi ta
Vĩnh Long vui sống chan hòa
Cù Lao Cái Các cùng Cù Lao Mây
Vĩnh Long tôi ở bên này
Qua Cầu Mỹ Thuận, miền Tây đây rồi
Muốn thăm nét đẹp Cần Thơ
Cái Vồn – Bình Thủy, ngang bờ Hậu Giang
Vĩnh Long, còn đó âm vang
Ai qua, có nhớ bên đàng, Vĩnh Long.

*****
Trà Vinh, quê tôi

Trà Vinh, quê tôi
(Thị xã Trà Vinh)
Tháng 3 – 2007

Quê em, ở sát biển Đông
Hai bên mấp mé, hai sông, mấy bờ
Cổ Chiên, hai nhánh lững lờ
Hậu Giang, hai nẻo, đợi chờ Biển Đông
Đố anh, có biết đâu không
Trà Vinh em đó, biết không, chưa nào
Cầu Ngang, ngay cửa Cung Hầu
Trà Cú, cuối ngọn của dòng Hậu Giang
Men lên, sẽ gặp Tiểu Cần
Cầu Kè, một mối, có ngần ngại chi
Càng Long, kế đó bước đi
Qua Sông Láng Thế, gặp ngay Châu Thành
Muốn đi Duyên Hải không anh
Bốn mùa sóng vỗ gập ghình Biển Đông
Ai về, có nhớ ai không
Trà Vinh em đó, chờ mong ai về.

*****

Đồng Tháp, quê tôi

Đồng Tháp, quê tôi
(TX Sa Đéc, TX Cao Lãnh)
Tháng 3 – 2007

Ai về Đồng Tháp quê tôi
Thẳng cánh cò bay, mây ngàn lướt gió
Gạo trắng trăng thanh, bếp lửa tình nồng
Mùa hè, gọi nắng trên sông
Mùa mưa, vốc nước ven kênh xạc xào

Sông Tiền Giang, rạt rào xanh biếc
Sông Cửu Long, hai nhánh Hậu – Tiền
Ruộng đồng bát ngát phì nhiêu
Phù sa bồi đắp mỹ miều Miền Nam

Ai về Đồng Tháp quê tôi
Thương Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự
Thương Sa Đéc, Cao Lãnh, Châu Thành
Lấp Vò, mấp mé Lai Vung
Tháp Mười, ôm ấp Thanh Bình quê tôi

Đồng Tháp ơi,
Đồng Tháp ơi,

Sông Hồ, khúc rẽ Tam Giang
Đông – Tây Tân Thuận, mênh mang nỗi niềm
Đi đâu cũng nhớ Sông Tiền
Nhớ về Đồng Tháp của miền quê tôi.

*****
Cần Thơ, quê tôi

Cần Thơ, quê tôi
(TP Cần Thơ, TX Vị Thanh)
Tháng 3 – 2007

Cần Thơ quê tôi, thành phố Miền Tây,
trên đồng bằng sông Cửu Long
Cần Thơ quê tôi, nét đẹp Miền Nam,
trên một dòng nước Hậu Giang

Cần Thơ ơi, cây trái xinh tươi
Nụ ươm hoa, trổ bông bốn mùa
Cần Thơ ơi, mắt thắm môi cười
Lúa đong đưa, thuyền reo gió nắng

Như Châu Thành, Vị Thanh, Long Mỹ
Như Vị Thủy, Thốt Nốt, Ô Môn
Còn kia Phụng Hiệp vuông tròn
Như trăng mười sáu, thanh hơn trăng rằm

Cần Thơ quê tôi
Đẹp lắm ai ơi
Trường Xuân bên đó
Giai Xuân bên này
Có bờ Kênh Xáng Nàng Mau
Kênh Đứng, Cầu Nhiệm, đợi chèo đi qua

Cần Thơ, một bến sông trăng đó
Một mái chèo đưa đẩy mấy trăng
Mây nước đôi bờ lay bóng nguyệt
Cô Hằng thấp thoáng vẻ bâng khuâng

Cần Thơ ơi ! Cần Thơ ơi !

*****
Sóc Trăng, quê tôi

Sóc Trăng, quê tôi
(Thị xã Sóc Trăng)
Tháng 3 – 2007

Ai về Sóc Trăng, quê hương tôi
Cuối dòng Hậu Giang, cát lở bồi
Biển Đông tràn sóng, thi nhau vỗ
Chan bờ muối mặn, sống đầy vơi

Ai về Sóc Trăng, thương người Việt – Miên
Cả hai chung sống, qua rạch, qua kênh
Múa “Lăm Thom” nhẹ nhàng uốn khúc
Giải xà rông muôn sắc muôn màu

“Bòn tâu tư”, ai biết đâu
Long Phú bên đó, Vĩnh Châu bên này
Thạnh Trị, Mỹ Tú, dang tay
Kế Sách rộng mở, đong đầy Vị Xuyên

Như Biển Đông rạt rào sóng biếc
Như Hậu Giang, cuối ngọn vơi đầy
Sóc Trăng tôi đó, còn đây
Việt – Miên hòa ái, vui vầy tình ca

Sóc Trăng quê tôi
Muối mặn mềm môi
Đi đâu cũng nhớ
Nhớ về Sóc Trăng.

*****

An Giang, quê tôi

An Giang, quê tôi
(TP Long Xuyên, TX Châu Đốc)
Tháng 3 – 2007

An Giang quê tôi, đầu nguồn Cửu Long
Đón cả hai dòng, ngay từ biên giới
Mênh mông nước chảy, khi xiết khi ròng

Tiền Giang, bên đó anh trông
Hậu Giang, em đứng chờ mong bên này
Đồng vàng thẳng cánh cò bay
Lúa vàng ửng mộng, đong đầy tình ca
Bao con kênh, rạch, nối qua
Ghe đi dưới nước, cá sa trên bờ

Em gái Hậu Giang, quê hương tôi đó
An Phú, Châu Phú, còn có Châu Thành
Chợ Mới, Phú Tân, lại có Thoại Sơn
Tân Châu, Tịnh Biên, và Tri Tôn nữa
Lại còn Vàm Láng, Châu Đốc, Thất Sơn

An Giang quê tôi
Lúa thóc đầy đồng
Ghe chạy dưới sông
Cá chèo trên nước

Cuộc sống đậm đà
Tình nghĩa mặn mà
Hậu Giang em đó
Ai còn nhớ không.

*****
Kiên Giang, quê tôi

Kiên Giang, quê tôi
(TX Rạch Giá, TX Hà Tiên)
Tháng 3 – 2007

Kiên Giang quê tôi, sông nước đôi bờ
Ai đi có nhớ, ai về có thương
Một dòng bên đục bên trong
Ai về miệt thứ, ai mong nhớ người

Kiên Giang quê tôi, một trời thương nhớ
Nhớ Rạch Giá, An Minh, Vĩnh Thuận
Nhớ Hà Tiên, Tân Hiệp, Kiên Lương
Châu Thành, Hòn Đất, Giồng Trôm
An Biên qua bến nối liền Gò Quao

Còn kia Phú Quốc xa xa
Hòn Nghệ, Hòn Rái, Hòn Tre, Mũi Dừa
Rạt rào sóng đẩy xa đưa
Thuyền không đợi bến chưa vừa lòng ai

Hà Tiên quê tôi,
Điểm cuối Miền Nam, giáp Miên giáp Thái
Rạch Giá quê tôi,
Đền Nguyễn Trung Trực, uy hiển thánh linh
Chở che non nước của mình
Chan hòa vui sống, dân tình ấm no

Hà Tiên ơi, thạch động nên thơ
Rạch Giá ơi, sóng bạc xa mờ
Một sông nước chảy hai bờ
Bên trong bên đục, ai chờ nhớ ai.

*****

Bạc Liêu, quê tôi

Bạc Liêu, quê tôi
(Thị xã Bạc Liêu)
Tháng 3 – 2007

Quê tôi, vùng đất Bạc Liêu
Ai nghe có biết nhiễu điều hay không
Bạc Liêu, không một dòng sông
Chỉ toàn kênh, rạch, không thông thì đào
Ở ngay bờ biển, mưa rào
Quanh năm sóng vỗ xạc xào, lạ chưa
Khác nào đem nắng chan mưa
Đem mưa chan nắng, cho vừa hóa công

Bạc Liêu vẫn sống bình yên
Không sông thì rạch, không kênh thì đào
Ầu ơi, í dầu
Í dầu, ầu ơi
Mình làm mình biết mình ơi
Người dân bốn huyện, một đời vẫn vui

Như Vĩnh Lợi, thì thầm biển cát
Như Giá Rai, Kênh Xáng – Cà Mau
Như Hồng Dân, nằm kế Gò Quao
Còn Phước Long, hai đầu hai tỉnh

Bạc Liêu quê tôi
Hai tiếng nhiễu điều
Hỏi ai, ai nhớ
Con người Bạc Liêu.

*****

Cà Mau, quê tôi

Cà Mau, quê tôi
(TP Cà Mau)
Tháng 3 – 2007

Mũi Cà Mau, ngàn trùng sóng vỗ
Ải Nam Quan, mù tỏa sơn khê
Hai đầu kết một bài thơ
Tạo thành hình thể dư đồ Việt Nam

Cà Mau ơi, Thới Bình có nhớ
Từ Đầm Dơi cho tới U Minh
Trần Văn Thời ru hời Cái Nước
Ngọc Hiển chùi mũi nhọn ra khơi

Nhớ thuở nào Nam Kỳ Lục Tỉnh
Nhớ thuở nào Mạc Cửu xa xưa
Nhớ Phan Thanh Giản nặng thề
Vì dân vì nước, tuẫn thân, quên mình

Thương U Minh, rừng tràm thâm thấp
Thương Sông Trẹm, nước chảy lờ đờ

Anh đi em ở lại chờ
Bên dòng Sông Trẹm sắc nhòa không pha
Mịt mờ Phú Quốc xa xa
Côn Sơn trắng xóa trùng ba sóng cồn

Hòn Khoai nho nhỏ
Rạch Tàu không xa
Cà Mau ơi, Cà Mau ơi !

*****

HƯỚNG DẪN VIẾT BÁO CÁO – ĐỀ ÁN – TIỂU LUẬN TỐT NGHIỆP

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN SINH VIÊN

LÀM BÁO CÁO

Giảng viên: Huỳnh Thanh Thi

https://i0.wp.com/img94.imageshack.us/img94/8892/hinhthi.jpg

Lời giới thiệu :
Có thể nói cáo cáo thực tập là một tác phẩm vô cùng quan trọng, và là đứa con tinh thần của thời sinh viên. Song làm thế nào, viết như thế nào, sưu tầm tư liệu như thế nào ? vào công ty thực tập phải làm gì ? thì sinh viên còn quá nhiều bỡ ngỡ và có thể nói đó là quá trình học tập. Chính vì vậy tôi soạn bản hướng dẫn này nhắm giúp sinh viên phần nào tháo gỡ các khó khăn ấy, Nếu các bạn sinh viên, các thầy cô giáo có ý kiến bổ sung thêm tôi rất hoan nghênh, mọi ý kiến phê bình tôi điều trân trọng để cuối cùng bài báo cáo thực tập của sinh viên sẽ có chất lượng hơn.

Trong khuôn khổ tài liệu này, chúng tôi thống nhất dùng Báo cáo thực tập trong điều kiện cụ thể của hệ đào tạo, sinh viên có thể thay đổi cho phù hợp.
Mục đích làm Báo cáo thực tập :
Làm báo cáo thực tập là dịp để sinh viên
– Rèn luyện các kỹ năng tổng hợp các kiến thức đã học trên mọi phương diện.
– Giúp cho sinh viên củng cố , nâng cao kiến thức thực tiễn thực tập tại doanh nghiệp.
– Làm quen với công việc thực tiễn
– Rèn luyện tính tự chủ và tinh thần trách nhiệm trong công việc.

Các thắc mắc khi làm báo cáo thực tập
Trong quá trình làm báo cáo thực tập tốt nghiệp hay nhận nhiệm vụ thực tập sinh viên cần nhớ và trả lời các câu hỏi lớn như sau :
1. Làm gì ?
2. Làm như thế nào ?
3. Kết quả ra sao ?
Trả lới tốt được 3 câu trên sinh viên sẽ thành công và dễ dàng giải quyết vấn đề khó khăn.
Làm gì ?
Là các nhiệm vụ được giao hoặc tự mình xác định cần phải giải quyết.
làm như thế nào ?
Nhận định đánh giá những công việc tại cơ quan thực tập.
Ghi chép lại các tài liệu tham khảo, website v.v.v tham khảo để trích dẫn và sắp xếp vào phần phụ lục.
Nội dung rõ ràng, hình ảnh minh họa chi tiết, phù hợp với yêu cầu.
Thiêt kế các chương trình chi tiết và nội dung thuyết minh phù hợp.
Kết quả ra sao ?
Kết quả mình làm sau khi hoàn thành bài báo cáo, nội dung, hình ảnh.v.v.
Đánh giá kết quả, so sánh với ý muốn ban đầu, so sánh với bài báo cáo của người khác.
Đề ra phương hướng khắc phục những cái chưa giải quyết được,…
Yêu cầu đối với sinh viên
Sinh viên phải nắm vững nội dung sẽ báo cáo
Sinh viên phải tuyệt đối tuân thủ quy định về nhân viên thực tập tại công ty, nội quy, giờ giấc, cách đồng phục và các quy định riêng của từng công ty. Và chọiu sự quản lý của nhân viên Hướng dẫn thực tập tại công ty.
Sinh viên phải có trách nhiệm gặp giáo viên hướng dẫn hàng tuần để báo cáo công việc đã làm trong tuần và xin ý kiến về cáccông việc tiếp theo. Thờigian gặp giáo viên được sắp xếp theo lịch của nhà trường. Nếu torng điều kiện cho phép có thể liên lạc qua e mail.
Trong thời gian sinh viên đi thực tế phải báo cáo với giáo viên hướng dẫn.
Kỷ luật :
Trước khi tốt nghiệp, khoa tỗ chức hội đồng xét duyệt tư cách bảo vệ tốt nghiệp và xem xét nghiêm túc các trường hợp sau:
– Sinh viên cả đợt làm báo cáo thực tập không gặp giáo viên Hương dẫn sau lần giao nhiệm vụ đầu tiên, hàng tuần không báo cáo tiến độ thực hiện sẽ bị xử lí như không thực tập
– Đến hạn nộp báo cáo mà không nộp sẽ bị xem như không làm báo cáo thực tập
– Sinh viện tự ý bỏ thực tập, bị cơ quan ( nơi thực tập báo cáo về cơ quan)
Các bước tiến hành khi làm báo cáo thực tập tốt nghiệp.
1. Nhận đề tài
2. đi tìm tài liệu tham khảo tại các thư viện, các cơ quan trường học… hoặc qua bạn bè… Đây là khâu rất quan trọng, có tài liệu tham khảo tốt sẽ đảm bảo cho công việc sau này.
3. Viết đề cương báo cáo thực tập
4. báo cáo sơ bộ với giáo viên hướng dẫn tình hình thực hiện đề cương và kết quảthực tập.
5. Hoàn chỉnh báo cáo thực tập tốt nghiệp.
6. Nộp báo cáo cho giáo viên huớng dẫn và duyệt lần cuối.
7. Nộp báo cáo cho khoa.
8. Chuẩn bị trình bày và báo cáo về bài viết của mình.
Trình bày báo cáo thực tập.
Font chữ :
Quy định cỡ chữ 13 New Time Roman hoặc Arial cỡ chữ 12
Khỗ giấy :
Khổ giây A 4 , lề trái 4.0, lề phải 2,5, lề trên 2,0 , lề dưới 2,0
Bìa :
Chữ trình bày bìa phải thât đơn giản, không chọn font chữ cầu kỳ phức tạp.
Công cụ viết báo cáo : Các tư liệu thu thập được tại cơ quan thực tập, đĩa CD, lưu các nội dung báo cáo
Một số vấn đề về bản quyền :
Sinh viên không được copy các bài báo cáo thực tập của các sinh viên khoá trước của trường khác.
Các copy trích dẫn phải tuyệt đối có ghi chú nguồn.
Thời gian nộp báo cáo:
– Thời gian nộp bản nháp trước 2 tuần hạn nộp báo cáo
– Nộp cho trường trước 7 ngày khi báo cáo.
Bố cục bài báo cáo thực tập:
Các lưu ý :
Đánh giá kết quả :

CÔNG VIỆC ĐIỂM
1 Mức độ thời sự của bài báo cáo 15
2 Nội dung hấp dẫn hợp lý của bài báo cáo 45
3 Tinh thần thái độ làm việc 15
4 Khả năng đọc sách tham khảo 5
5 Khả năng tổng hợp kiến thức và tiếp thu tạo cơ quan thực tập 10
6 HÌnh thức trình bày báo cáo tốt nghiệp 5
7 Thời hạn hoàn thành và nộp báo cáo 5

Báo cáo trước lớp bằng powerpoint 15 phút và phản biện (nếu có):

THAM KHẢO CÁCH TRÌNH BÀY BỐ CỤC TRÌNH BÀY TRANG BÌA

===========================

HƯỚNG DẪN
TRÌNH BÀY BÁO CÁO CHI TIẾT SEMINAR

Để thống nhất cách trình bày báo cáo chi tiết Seminar, Thầy đã tham khảo các hướng dẫn và đưa ra một số vấn đề cần thiết khi trình bày một đề tài – luận văn tốt nghiệp như sau:

1. Trang bìa (xem mẫu Ở trên)
2. Trang bìa trong (trình bày giống trang bìa)
3. Trang lời mở đầu (không đánh số trang, xem mẫu kèm theo)
– Viết ngắn gọn.
– Nói rõ lý do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu, tình hình nghiên cứu, phạm vi và phương pháp nghiên cứu, kết cấu của đề tài…..
4. Trang Lời cảm ơn: (không đánh số trang, xem mẫu kèm theo)
5. Trang Nhận xét của cơ quan tác giả thực tập (nếu có); không đánh số trang, xem mẫu kèm theo.
6. Trang Nhận xét của giảng viên hướng dẫn (không đánh số trang, xem mẫu kèm theo)
Giảng viên hướng dẫn nhận xét các vấn đề:
– Kết cấu, phương pháp trình bày.
– Cơ sở lý luận.
– Tính thực tiễn và khả năng ứng dụng của luận văn, đồ án.
– Các hướng nghiên cứu của đề tài có thể tiếp tục phát triển cao hơn.
– Kết quả: Đạt ở mức nào? (hoặc không đạt). Không cho điểm vào trang nhận xét này.
8. Trang Mục lục (không đánh số trang, xem mẫu kèm theo)
9. Trang Danh mục các bảng biểu, sơ đồ, hình,.. (không đánh số trang, xem mẫu kèm theo)
10. Phụ lục: đưa vào sau trang cuối cùng của chương cuối cùng của đồ án, luận văn (xem mẫu kèm theo)
11. Cách thể hiện báo cáo chi tiết (xem các mẫu kèm theo)
– Bắt đầu đánh số trang từ trang đầu tiên của chương 1
– Báo cáo chi tiết viết trên khổ giấy A4
– Bìa là loại giấy cứng khổ giấy A4, màu xanh hoặc vàng nhạt,
– Viết theo chương, mục, các tiểu mục (không viết theo phần rồi mới đến chương, mục, tiểu mục,…)
– Mỗi trang được trình bày theo quy định (xem mẫu kèm theo).
– Tài liệu tham khảo bắt buộc phải ghi, đưa vào sau phụ lục, xếp theo thứ tự abc
– Chữ viết ở các trang của đồ án, luận văn là size 13, Font Times New Roman, không được dùng các kiểu chữ dạng thư pháp.
– Không được trích các câu tục ngữ, thành ngữ, sử dụng các hoa văn, hình vẽ để trang trí hoặc làm đề dẫn ở đầu mỗi trang, mỗi chương, mục,…,
– Chữ in màu đen; hình vẽ, đồ thị, lô gô của trường ĐHCN…có thể in màu.
– Các chú thích phải đánh số và viết ghi chú ở cuối mỗi trang.
– Hạn chế viết tắt, nếu phải viết tắt phải mở ngoặc và đóng ngoặc (…) để giải nghĩa ngay từ các chữ viết tắt đầu tiên, sau đó liệt kê thành trang, đưa vào sau các trang Danh mục các Bảng, biểu, hình,…
– Cách đánh số các chương mục, tiểu mục phải theo quy định (xem mẫu kèm theo)

Chúc các bạn làm tốt bài báo cáo của mình

=================================================

ĐỐI VỚI BÁO CÁO VỀ LỮ HÀNH

Giai đoạn 1: Công tác chuẩn bị trước khi đi tour thực tập. Giai đọan này rất quan trọng.

Các bạn sẽ thu thập tư liệu, tìm hiểu về các điểm tham quan mình sẽ đến ( báo trí, sách vở, internet…). Nếu các bạn có chuẩn bị tài liệu trước sẽ giúp bạn có cái nhìn khái quát về điểm tham quan và phần thuyết minh trên xe của bạn sẽ tốt hơn. Các bạn sẽ được cập nhật những kiến thức mới và hay từ các thầy hướng dẫn. Đại bộ phận sinh viên các trường đại học ngành du lịch không chuẩn bị gian đọan này. Nên đa phần HDV tại các trường Đại Học yếu về kiến thức so với các Trường Trung cấp du lịch rất nhiều. (Mình đã được đi rất nhiều tour thực tập với sinh viên Đại Học và học viên Trung Cấp Du Lịch).

Giai đoạn 2: Khảo Sát Thực Tế Tour Thực Tập.

Chuẩn bị giấy viết, máy ghi âm, máy chụp hình, USB …. ( nên làm việc theo nhóm từ 3 đến 4 người)

_ Giấy viết để vẽ lại sơ đồ đường đi, ghi những điểm quan trọng mà thầy HDV trình bày (chỉ cần nội dung chính vì đã có máy ghi âm nên bạn kg cần ghi chi tiết); vẽ lại sơ đồ tại điểm tham quan.
_ Máy chụp hình có 2 chức năng quan trọng đó là: ghi lại những khỏang khắc đáng nhớ và thời gian mình dừng chân tại điểm ( vì trong File hình có thời gian rất chính xác)
_ Máy ghi âm sẽ giúp bạn có được tòan bộ nội dung tòan bộ chuyến thực tập

Giai đoạn 3: Làm bài báo cáo thực tập nộp cho trường (1 tháng); đây là giai đọan quan trọng nhất và cuối cùng; đánh giá lại tòan bộ thành quả, công tác chuẩn bị của bạn trong suốt thời gian qua của bạn. Nếu như, bạn làm tốt bài báo cáo bạn sẽ được điểm cao, kiến thức bạn sẽ rất vững, tự tin thuyết minh khi bạn tác nghiệp …

Cơ Cấu Nội Dung 1 Bài Báo Cáo Thực Tập

1. Nhận Xét Của Giảng Viên
2. Lời Cảm Ơn
3. Lời Mờ Đầu
4. Lịch Trình Chuyến Đi Thực Tế
5. Sơ Đồ Chuyến Đi Thực Tế
6. Thuyết Minh Theo Tuyến
7. Thuyết Minh Tại Các Điểm Tham Quan
8. Giới Thiệu Đôi Nét Về Tỉnh Và Thành Phố Mình Đến
9. Các Điểm Tham Quan Nổi Tiếng Khác
10. Những Dịch Vụ Tại Điểm
11. Khách Sạn Và Nhà Hàng
12. Các Dịch Vụ Vui Chơi Giải Trí
13. Định Hướng Phát Triển Du Lịch
14. Các Công Ty Lữ Hành
15. Đôi Nét Về Đặc Sản-Ẩm Thực
16. Các Chương Trình Du Lịch
17. Nhận Xét – Đánh Giá của Sinh Viên
18. Giá Cả Một Số Dịch Vụ
19. Kết Bài
20. Giá Tour
21. Tài Liệu Tham Khảo

(trích web vietnamtoursim.edu)

Tuổi thơ tôi…

Những ngày còn nhỏ, tôi đã có một tuổi thơ trọn vẹn, đúng nghĩa của nó.

Tôi còn nhớ như in cái thuở dọn nhà về khu tập thể mới. Nhà tôi nằm ngoài bìa, giáp mí với cánh đồng cỏ bao la… Lúc đó người ta còn làm hàng rào bằng cây mủ, không biết tên gọi nó là gì, chỉ biết cây nó màu xanh, có hoa màu đỏ, nhụy hoa ngọt ngọt, thân và lá cây có nhiều mủ. Đám con nít tụi tôi hay gập đôi cái lá lại rồi kéo nhẹ ra hai bên để thấy màng mủ trong veo có nhiều màu sắc biến ảo trên đó như cầu vồng. Hồi đó khoái lắm, gọi là “tivi màu” không à… Giờ đây chẳng biết cái loại cây ấy có còn hiện hữu không nữa…

Tuổi thơ của tôi ngoài những giờ học trên trường về chỉ biết chơi, chơi và chơi. Đúng với nghĩa của nó. Hầu như không ngày nào là tụi tôi không tụm lại để chơi, đủ thứ trò trên trời dưới đất. Con trai thì chơi tạt lon, tạt tượng, con gái thì chơi búp bê, đồ hàng… Hồi nhỏ tôi mít ướt, mà khoái chơi với mấy thằng con trai, chơi tạt lon thua xiểng liểng, chạy muốn đừ, khóc quá trời quá đất khóc rồi cũng được tụi nó nhường, nghỉ tạt lon, chuyển sang chơi cái khác.

Trò chơi tập thể thì có vô số, chơi từ chiều đến tối vẫn chưa hết. Không biết bây giờ con nít còn chơi “keng” không, chứ hồi xưa tụi tôi ngày nào cũng chơi “keng” hết. Keng ba chữ chán òm, vậy mà hồi đó khoái gì đâu á… Được chạy nhảy là khoái à. Rồi chơi Năm mười, Rồng rắn lên mây, Lùa vịt, Em bé tập đi, Cá sấu lên bờ… Cái trò này nghĩ mới mắc cười chớ… Đứa làm cá sấu đứng dưới sân, mấy đứa còn lại đứng trên cái nền cao hơn chút xíu, miệng thì cứ hét “Cá sấu cá sấu lên bờ, người ta người ta xuống nước…” rồi ù té chạy xuống, chạy lên… đơn giản vậy thôi á… mà nhỏ chơi sung lắm kìa.

Chiều chiều là tụi tôi hay ra cánh đồng cỏ bên hông nhà để bắt cào cào, châu chấu, nhiều không kể xiết luôn á, con nào con nấy to đùng,… giờ muốn nhìn mặt một con cào cào hỏng biết có không, trừ khi ra tiệm bán đồ ăn cho chim thì có mà mấy con đó suy dinh dưỡng nặng luôn! Ngoài đồng cỏ có một loại hoa dại màu trắng như hoa cúc, dễ thương lắm, hoa thì nhỏ, nằm trên một cái cọng màu xanh dài ngoằng, tụi tôi hay bứt thật nhiều rồi tết lại thành vòng đeo tay, đeo cổ, hoặc đội đầu làm công chúa, dễ thương lắm nghen! Rồi chơi thả diều, tôi nhỏ xíu, chừng 5, 6 tuổi gì à, đâu có biết làm diều, được mấy anh con trai phân công làm cái vòng tròn nhỏ gắn đuôi diều, mà cũng tí tởn lắm, chỉ có việc dán miếng giấy thôi à. Bây giờ mỗi khi ra đường, vô tình bắt gặp một cánh diều trên sân thượng nào đó, là tôi lại nhớ về cái tuổi thơ đầy ắp trò chơi của mình…

Đồng cỏ còn đem đến cho tụi tôi một trò chơi thú vị nữa là “đá gà”…Tôi không biết loại cỏ đó là gì, chỉ biết hình như “hoa” của nó là cái phần dài dài, nhám nhám, được bứt ra làm “gà”, “trường gà” dã chiến gồm có 2 cây đinh, 2 cục đá, đào một khe dưới đất, cắm 2 cây đinh ở 2 đầu, quàng một sợi dây thun wa, rồi cho 2 con “gà” lên 2 đầu, lấy đá cà đầu đinh cho dây thun rung lên làm cho 2 con “gà” tiến sát vô nhau, con nào bị hất xuống đất trước coi như thua… Chừng nào mới có dịp đá gà lại đây?

Nghĩ cũng lạ, cứ mỗi khi nhắc đến tuổi thơ là tôi lại bị kích động lên như vậy đó. Thích quá mà! Con nít thành thị ngày nay dường như đã mất đi tuổi thơ của chúng rồi… Hay là, một khái niệm tuổi thơ mới đã được định hình, với những trò games trên máy tính, với phim hoạt hình, băng đĩa ca nhạc, với đồ ăn thức uống cao cấp… Để rồi mỗi em được trang bị thêm một cặp mắt kiếng dày cui, với những cái đầu nhét đầy chữ nghĩa mà thật ra là không sáng tạo được bao nhiêu… Tôi thấy thương cho tuổi thơ hiện đại quá. Mà tôi cũng thương cho tuổi thơ của tôi nữa. Vì những hình ảnh ấy không thể nào sống lại được… Những đêm trung thu xách lồng đèn đi khắp xóm, giống y như bài hát “Tết trung thu đốt đèn đi chơi, em đốt đèn đi khắp phố phường”…những ngày hè lội mưa đi hái phượng làm bướm, chơi bắn bì,…

Thế nên, tôi luôn dành một chỗ đẹp nhất, an bình nhất trong tâm hồn mình cho tuổi thơ tôi, nơi mà tiếng cười không bao giờ tắt, để nó mãi theo tôi trong suốt cuộc đời… Điều hiếm hoi tôi có thể tự hào về bản thân mình: tôi đã có một tuổi thơ tươi đẹp…

Một chút tản mạn về biển quê hương …

Ngày còn bé, ước mơ lớn nhất là ngày nào cũng được đi tắm biển. Ba thường lấy đó làm phần thưởng, rằng nếu con được 10 điểm ba sẽ chở đi tắm biển 1 tuần. Nhà thì không gần biển, xe máy lúc đó cũng còn rất hiếm, đứa trẻ 7 tuổi lúc đó là tôi vô cùng háo hức, cố gắng đạt thật nhiều điểm 10 để buổi chiều được tung tăng chạy giỡn trên bãi cát với đám bạn gần nhà như đã hẹn trước ( không biết ba má tụi nó có treo giải thưởng như mình không nhỉ ^^), mỗi đứa cầm một miếng bánh tráng giòn tan hòa quyện vị thơm ngọt của nước dừa quê hương, cãi nhau chí chóe xem đứa nào “bơi” giỏi hơn rồi bị các bậc phụ huynh mắng vì tội ra xa bờ quá. Chỉ có mỗi mình là được ưu tiên, vì ba tôi quê gốc gần Sa Huỳnh mà lại dạy thể dục nữa. Ba cầm tay dắt ra đến chỗ nước sâu tới cằm. Thật ra lần đầu tiên tôi cảm thấy rất sợ nước do chưa biết bơi mà, nhưng nắm chặt tay ba thì lại thấy yên tâm vì biết chắc mình được an toàn. Ba nhấc bổng tôi lên đặt trên vai. Từ trên bờ vai đó, tôi tung người nhảy xuống mặt nước (như kiểu các vận động viên nhảy cầu trên TV ấy), vừa hét lên thích thú tưởng tường mình đang … bay. Đây là 1 trò chơi yêu thích đã theo tôi trong suốt thời thơ ấu, mặc dù không ít lần cắm đầu xuống bị nước vào miệng vào mũi cay xè, mặn chát.

Lớn lên 1 chút, những lần bạn bè họp mặt hoặc cả lớp rủ nhau đi chơi thế nào đích đến cũng là biển : nhặt vỏ ốc vỏ sò, rượt đuổi nhau đến mệt nhoài chỉ vì một đứa nào đó lỡ “nhúng” một đứa khác xuống biển. Số là trốn đi chơi, tụi con gái hay sợ ướt quần áo về sẽ bị phát hiện nên đã xắn quần qua gối mà cũng chẳng dám chạm chân xuống nước. Nhưng sau một hồi mải nghịch, cả đám đều ướt nhẹp, thống nhất với nhau là không tha cho cái đứa nào còn … khô. Xong kéo nhau lên bờ ăn ốc, ăn trái cây, lại cười đùa rôm rả, như không có những ngày học hành vất vả vừa qua ^^ Mỗi lần xuống thăm nhà ông bác họ (ở gần biển, là ngư dân thứ thiệt !), thích thú nhất là được bơi thuyền thúng câu mực và đuổi còng gió (ai biết con còng nó ra làm sao chỉ giùm Sel với >”<). Đêm đến thì cùng các anh chị em họ kéo nguyên đám ra bãi ngủ, ngắm trăng sao. Sáng ra có thể thức dậy sớm ngắm mặt trời lên, tôi còn nhớ mãi lần đầu tiên được nhìn thấy ông mặt trời như một quả cầu lửa lớn thật là lớn vén mây từ dưới biển từ từ xuất hiện, mặt biển lúc sáng sớm màu xanh lục, nối liền với bầu trời hồng nhạt điểm vài cụm mây trắng. Bình yên biết mấy !!

Năm lớp 10, sau một trận đá bóng cuối tuần, cả bọn lại kéo nhau đi biển. không ai nghĩ đó là ngày định mệnh đến cướp đi của chúng tôi một người bạn. Đứng trước biển, thương T, nghĩ đến những người thân (hoặc quen) vì mưu sinh mà phải mãi mãi ở lại trong lòng đại dương lạnh lẽo, cứ thế tôi để mặc nước mắt tuôn trào. TÔI GHÉT BIỂN ! Từ hôm đó, thời gian cuốn tôi theo dòng chảy của nó với bài vở, hoạt động ở trường và những kỳ thi căng thẳng. Hơn nữa người thân cũng dè chừng, không muốn lũ chúng tôi đi nghịch nước. Chẳng thăm biển lấy một lần !!
Đậu vào ĐH, tíu tít chia vui với nhau cũng như an ủi những đứa thành_công_bị_trì_hoãn. Ăn uống liên hoan gì rồi cũng kéo nhau xuống biển, hát hò mãi đến khuya. Cảm giác được vùng vẫy giữa làn nước trong xanh, tự do và quên đi hết những âu lo trong cuộc sống. Biển lại giang rộng vòng tay ôm ta vào lòng, bao dung và đầy thương yêu như một người mẹ với đứa con đi xa lâu ngày mới trở về … Tôi lờ mờ nhận biết rằng tôi sẽ mãi mang trong lòng nỗi nhớ vị mặn của muối biển khi đi xa khỏi nơi này .

Đất Sài thành không có biển. Phố phường tấp nập đông đúc người và xe, nhiều lúc thèm lắm khoảng không gian rộng rãi của quê nhà. Giờ mới nhận ra thì đã không còn nhiều những dịp về thăm quê. Chẳng biết sau này cuộc sống tất bật có cho phép tôi dừng lại để ngắm biển mỗi bình minh hay hoàng hôn xuống, hay thả hồn mơ mộng theo cánh diều trên bãi cát hay không, nhưng chắc chắn ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ gắn liền với biển sẽ còn mãi theo tôi trong hành trang bước vào đời …

Thân tặng micheal57 – người Bạn đồng hương !

Nằm ở miền Tây Nam bộ, là cửa ngỏ đi về đồng bằng sông Cửu long, Long An nằm ở tọa độ 10°21′-12°19′ Bắc và 105°30′-106°59′ Đông, phía bắc giáp tỉnh Tây Ninh và Vương quốc Campuchia trên chiều dài biên giới 137,5 km, phía nam giáp tỉnh Tiền Giang, phía tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía đông giáp Thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích 4491,87 Km2, dân số khỏang 1.376.600 người, gồm thị xã Tân An và 13 huyện trực thuộc…

“Anh gửi gì trong gió trong mây

Để sáng nay em lên Vàm cỏ tây

Hương tràm e ấp sau màn lá

Mà khắp trời mây hương tỏa bay”

Nếu có một lần xuôi nhẹ mái chèo dọc sông Vàm Cỏ, bạn sẽ thấy một vùng đất hiền hòa bình dị với những con người thật thà chân chất. Quê Tôi đó! nơi hai con sông Vàm Cỏ Đông và Tây hòa mình ra biển lớn, nơi in đậm chiến tích lẫy lừng của anh hùng Nguyễn Trung Trực đốt tàu giặc làm hao tốn biết bao giấy mực của các nhà lịch sử và cũng là nơi đã lưu dấu những kỷ niệm tuổi thơ Tôi mà ” đi đâu xa cũng nhớ về”.

Quê tôi còn nghèo lắm, nếu Bạn muốn kiếm tìm những tiện nghi hiện đại của chốn phồn hoa đô hội thì sẽ rất khó, nhưng nếu bạn tìm một không gian yên bình thanh thóat, một nét đặc trưng rất riêng của vùng phù sa châu thổ thì đến nơi rồi đấy!. Có bao giờ Bạn nghe đến đặc sản gạo Nàng thơm Chợ đào chỉ dùng để tiến vua chưa, đặc sản quê tôi đấy, nằm ở huyện Cần Đước tỉnh Long An, chỉ duy nhất vùng Chợ đào được trời phú cho thổ nhưỡng thích hợp cho cây lúa Nàng thơm phát huy hết tính tuyệt vời của nó mà một lần ăn sẽ nhớ mãi.Nếu Bạn là người thích du lịch sinh thái, có tấm lòng hướng về thiên nhiên, xin Bạn một lần ghé Đồng Tháp Mười, nơi tập trung hàng trăm lòai động thực vật quý hiếm. Bạn sẽ hít hà với món canh chua cá linh bông điên điển cùng cá rô kho tộ, hay lâng lâng ngây ngất với vài xị đế Gò đen kèm cá lóc nướng trui mà ê a sáu câu vọng cổ. Đêm về có thể bạn sẽ khó ngủ , bởi hương tràm thoang thỏang hòa quyện cùng hương vị mật ong rừng thơm ngát làm bạn lâng lâng cả buổi. Bạn là người có tâm hồn ăn uống, xin mời bạn dạo bước về Châu Thành, những vườn Thanh long trãi dài trước mặt, nhưng bạn phải biết cách chọn những trái chín lại ở nước thứ hai, thật căng mọng và nhớ cầm nguyên trái mà cắn nhe, cái hương vị ngọt thanh ngay đầu lưỡi không lẫn vào đâu được, đi xuống chút nữa bạn nhớ ghé về Long Trì, những ruộng dưa hấu bạt ngàn sẽ níu chân bạn, bạn nhớ chuẩn bị bao để thồ nha, vì có thể bạn sẽ mua về làm quà cho người thân đấy bởi giá rẽ ơi là rẽ. Long Trì cũng là nơi tổ chức lễ hội Rằm ông tiêu hàng năm thu hút biết bao nam thanh nữ tú trẩy hội. Ngược về Bến Lức, bạn sẽ thấy những trái thơm ” tổ chảng” mà giá chỉ có 1000 đồng, hay bạn sẽ thưởng thức một ly rượu sữa được nấu duy nhất tại Gò Đen mà chỉ là dân Long An bạn mới biết chỗ mua. Đặc biệt về Thủ Thừa, bạn sẽ cùng hòa mình vào không khí thu họach mía, để hiểu nỗi nhọc nhằn của người dân khi phải đổ máu mà đổi hạt cơm, để mà thấu đáo hơn khi dạy con cháu ” Con yêu ba…cây mía là làm ra bột ngọt Ajinomoto hả ba…”. Nếu bạn có máu đỏ đen, xin cùng Tôi về Đức Hòa, nơi các lò huấn luyện ngựa đua của trường đua Phú Thọ đều tập trung ở đây, bạn sẽ tận tay sờ nắn các ” cu-rơ” ngựa trong sự thích thú, muốn thay đổi khẩu vị, bạn cùng tôi làm một chầu ngựa bảy món, hơi nồng, hơi tanh nhưng ăn thì nhớ mãi, còn buồn miệng kiếm món ăn chơi thì xin ra sau nhà, thò tay nắm lấy chùm đậu phộng ( lạc ) giật lên một cái, lặt lấy củ đem luộc, chu choa ơi cái vị béo ngậy đọng ngay trong miệng, muốn ăn mãi không thôi…

Ủa mà sao kể hòai không hết vậy ta!? chắc cái nghĩa cái tình quê hương đã thấm sâu vào máu thịt, cái thủy cái chung cứ tuôn trào trong huyết quản nên hể nhắm mắt lại là hình ảnh từng ngóc ngách quê hương cứ lượn lờ phía trước. Quê mình là vậy đó, là dòng sông là tiếng hát là lời mẹ ầu ơ gói hành trang cho con bước vào đời, là bến nước là cầu ao mà khi bôn ba xứ người ta không thể nào quên được: ” Quê hương là gì hở mẹ, mà cô giáo dạy phải yêu, quê hương là gì hở mẹ, ai đi xa cũng nhớ về “…

TẢN MẠN VỀ QUÊ HƯƠNG

Bạn đã bao giờ đến quê hương tôi chưa?.

Quê hương tôi không có con sống xanh biếc. Chỉ có những khúc sống ngoằn ngèo, ngầu đục phù sa. Quê hương tôi có luỹ tre xanh. Trưa rợp nắng tre ôm nhau ru ngủ. Quê hương tôi không có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mà chỉ có những ngày mưa tầm tã và những ngày nắng cháy rực màu da.

Quê hương tôi không có gốc đa, bến nước, sân đình. Chỉ có những con đường mòn lầy lội. Cứ mỗi chiều tôi đứng ngóng mẹ về chưa?.

Tôi yêu quê tôi qua tình làng, nghĩa xóm, qua chén nước mưa ngọt ngào tôi uống cạn lúc cháy môi.

Tôi yêu quê tôi vì nơi đó có giọt mồ hôi, có mẹ tảo tần, có cha cày ruộng.

Quê hương tôi suốt đời còn da diết. Dù đi bất cứ nơi nào nhưng kí ức về quê nghèo vẫn sống mãi trong tôi.

Quê tôi quan họ Bắc Ninh

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất quan họ Bắc Ninh, nơi những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm cùng câu à ơi của tiếng mẹ đã ru tôi lớn dần theo năm tháng cuộc đời.

Những câu ca, tiếng hát của các liền anh, liền chị vào dịp lễ hội làm lòng tôi xao xuyến. Mỗi khi ai đó cất giọng hát câu quan họ, tôi lại nhớ quê da diết, nhớ người mẹ tần tảo sớm hôm nuôi tôi ăn học. Nhớ lắm! Ước gì thời gian trở lại để tôi có thể gọi hai tiếng “mẹ ơi”.

Đi qua nhiều vùng quê khác nhưng tôi thấy chưa có đâu đặc biệt như quê tôi bởi cứ mỗi độ Tết về, xuân sang là các làng đều có ngày hội riêng. Ở vùng tôi, hội to nhất được biết đến là hội Lim. Hội bắt đầu vào khoảng 11 Tết âm lịch và kết thúc vào 15 âm. Vào ngày hội Lim, các làng đều dựng một trại riêng để hát quan họ phục vụ cho người dân và khách thập phương về thưởng thức. Các liền anh với chiếc áo the và các liền chị với chiếc áo mớ ba mớ bảy cùng nón quai thao, khăn xếp cất lên những câu quan họ ngọt ngào “người ơi người ở đừng về” khiến cho những ai đã đến đều không muốn bước chân về, muốn nghe câu quan họ mãi thôi.

Những câu ca quan họ không chỉ được hát vào những dịp lễ hội mà ngày nay nó còn được biết đến như một nét riêng ở quê tôi vì nó được biểu diễn ở các đám cưới. Tôi đã đi dự đám cưới ở một số nơi nhưng chưa đâu có hát quan họ trong dịp lễ ăn hỏi hay vu quy. Đó phải chăng là một nét riêng mà chỉ Bắc Ninh mới có?

Quê tôi – vùng quê thân thương, tôi tự hào không chỉ bởi có câu quan họ làm say lòng người mà còn có các đình chùa cổ kính, lâu đời. Bạn đã bao giờ đến đền Bà Chúa Kho, chùa Bút Tháp, Phật Tích, Dâu, Keo chưa…? Nếu bạn chưa từng ghé qua thì tôi khuyên bạn hãy một lần tới đó đi. Lòng bạn sẽ thanh thản với không gian tĩnh lặng và thế giới tâm linh của cửa Phật, tâm hồn của bạn sẽ được gột rửa. Bạn sẽ tìm được về với sâu thẳm của lòng mình. Lòng nhẹ nhõm hơn khi cuộc sống bớt toan tính…

Và hơn cả mỗi khi đi xa tôi thầm ước được trở về quê nhà nhanh chóng. Bởi nơi ấy có những con người lam lũ, vất vả với cuộc sống mưu sinh đầy bộn bề, lo toan từng bữa ăn cho đàn con nhỏ. Trong đó có mẹ tôi, các bác tôi, bà tôi, những cô bác hàng xóm… Ngâm chân trong nước lạnh cấy lúa, vất vả quanh năm chỉ mong hai vụ lúa bội thu bán thêm được ít tiền gói ghém cho con lên thành phố nhập học. Lòng tôi chợt xót xa khi nghĩ giờ này mọi người vẫn phải ngâm chân trong bùn lạnh giá của mùa đông.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng con người quê tôi sống rất có tình cảm, đùm bọc nhau. Nhà ai có công to việc lớn gì là cả làng xúm vào giúp đỡ. Những nhà nào có người ốm đau thì mọi người đều đến hỏi thăm tận tình. Món quà đôi khi chỉ là cân đường hộp sữa hay có khi chỉ là câu hỏi thăm nhưng như thế thôi cũng đủ làm lòng người ấm áp.

Quê hương ơi! Hai tiếng thân thương gợi cho tôi bao kỉ niệm không phai của tuổi thơ. Những buổi chăn trâu, cắt cỏ, thả diều… Dù đi đâu, ở đâu thì một người con như tôi làm sao quên được. Yêu quê biết mấy, tôi nghĩ mình càng phải phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành người con đáng tự hào của vùng đất Kinh Bắc, cùng chung tay xưng dựng làng quê giàu đẹp hơn.

Hương Nguyễn

Xây dựng chiến lược đổi mới sản phẩm, phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều sản phẩm nhưng tiềm năng chưa được khai thác đúng mức. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL xác định cần tập trung phát triển nhanh và bền vững gắn với nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc thù của vùng, thu hút đầu tư phát triển du lịch cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo.

Trước mắt, từ nay đến năm 2010, du lịch ĐBSCL tập trung khắc phục tình trạng trùng lắp sản phẩm và cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, công ty lữ hành kinh doanh dịch vụ du lịch. Một số tỉnh vùng ĐBSCL đã liên kết hợp tác như các tỉnh Kiên Giang, An Giang và thành phố Cần Thơ xây dựng “Chương trình hợp tác phát triển du lịch đến năm 2010” tạo thành tam giác du lịch trọng điểm vùng ĐBSCL. Tỉnh Vĩnh Long liên kết với thành phố Cần Thơ triển khai chương trình hợp tác toàn diện, tổ chức các đoàn Famtrip giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch và gắn kết các điểm du lịch, khu du lịch của hai địa phương; phát triển mạnh du lịch dịch vụ, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch homestay… Riêng Công ty cổ phần du lịch Cửu Long hợp tác với khách sạn Continental – Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2009-2015, trong đó tập trung tổ chức các chương trình du lịch đường thủy nhằm khai thác tuyến hạ lưu sông Mekong, thiết kế các chương trình du lịch riêng lẻ phục vụ cho từng đối tượng du lịch khác nhau như: du lịch hè, cuối tuần, hội nghị, du lịch khám phá, du lịch nghỉ dưỡng…

Hiệp hội Du lịch ĐBSCL khuyến khích phát triển các chương trình tour có gắn kết với du lịch cộng đồng, thu hút lao động địa phương vào các hoạt động du lịch qua đó tăng thu nhập cho người lao động. Một số dự án du lịch cộng đồng đang triển khai tại ĐBSCL như dự án phát triển du lịch Mekong thực hiện tại tỉnh An Giang và Tiền Giang, chương trình phát triển du lịch bền vững ủng hộ người nghèo thực hiện tại tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Tỉnh Vĩnh Long xây dựng chương trình phát triển “Mỗi làng một nghề từ nay đến năm 2015” gắn kết với du lịch nhằm thu hút du khách đến tham quan các làng nghề như: làng nghề gốm đỏ ven sông Cổ Chiên, làng nghề đan thảm lục bình ở các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, làng nghề sản xuất tàu hủ ky huyện Bình Minh, làng nghề sản xuất bánh tráng Lục Sỹ Thành huyện Trà Ôn…
(Theo Báo Cần Thơ)