DIỄN ĐÀN

Xin mời click vào link bên dưới để vào diễn đàn

DIỄN ĐÀN GIAO LƯU TRAO ĐỔI THÔNG TIN VỀ DU LỊCH

29 bình luận

  1. BÀI CHÒI BÌNH ÐỊNH
    ÐÀO ÐỨC CHƯƠNG
    Các tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, đâu đâu cũng biết chơi bài chòi. Nhưng nhiều nhất là ở Bình Ðịnh, có thể nói, đây là cái nôi của trò chơi lý thú này. Cứ vào dịp Tết Nguyên đán, khắp miền quê, hội bài chòi được tổ chức trong khoảng thời gian dựng nêu, tức từ 30 tháng chạp đến mồn 7 Tết. Ðôi khi cuộc chơi kéo dài đến rằm tháng giêng âm lịch, tức từ Tết Nguyên đán đến Tết Thượng nguyên.
    SỰ HÌNH THÀNH
    Vùng đất Vijaya trở thành lãnh thổ Việt Nam từ năm 1471, dân các tỉnh phía Bắc vào định cư còn thưa thớt, nơi đây rừng núi rậm rạp đan xen với chuỗi đồng bằng nhỏ hẹp, việc trồng tỉa thường bị tàn phá bởi thú hoang. Trên những vạt đất khai khẩn, phải dựng nhiều chòi có người canh giữ, bảo vệ hoa màu. Ðể được an toàn, các chòi phải vững chắc, sàn cao quá tầm tấn công của mãnh thú và bố trí theo hình vuông, chữ nhật, hay hình thuẫn tùy theo địa hình để tiện thanh viện cho nhau. Trên mỗi chòi đều có thanh la, mõ, trống; khi thú rừng kéo đến, các âm thanh đồng loạt nổi lên rung chuyển cả rừng núi, dã thú dù gan lì đến đâu cũng phải khiếp sợ bỏ chạy và không dám bén mảng đến phá phách. Rồi có những đêm trăng thanh gió mát, đối cảnh sinh tình, giữa các chòi người ta dùng loa nói chuyện hay ca hát đối đáp nhau cho giải buồn, dần dần trở thành một mô hình sinh hoạt văn nghệ ở vùng nương rẫy.
    Theo truyền thuyết, do nhiều nghệ nhân của tỉnh nhà, đơn cử như cụ Phan Ðình Lang tức là nghệ sĩ Bốn Trang, sinh năm 1910, người xã Nhơn Thành huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, kể lại rằng lúc cụ còn trẻ đã từng nghe ông nội, ông thân và nhiều bô lão truyền lại là chính Ðào Duy Từ (1572-1634), người Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Bình Ðịnh, đã dựa theo mô hình văn nghệ ở các chòi canh miền núi mà sáng lập ra hội bài chòi. Ðáp ứng trình độ thưởng thức văn nghệ dân gian ngày càng cao, đến thế kỷ 20 người ta lập ra điệu hò để nâng cao nghệ thuật của bộ môn này. Ðiệu bài chòi theo nhịp hai, nên loại thơ lục bát, những bài vè và nói lối bốn chữ rất thích hợp với điệu bộ này. Người hô phải theo nhịp trống, nhịp sanh, có tiếng đàn tiếng kèn đệm theo, làm cho điệu hò thêm réo rắt, hấp dẫn. Người hô với chức năng quản trò, được gọi là “Hiệu”. Tùy theo tuổi tác và giới tính, người ta gọi là “anh Hiệu”, “chú Hiệu”, hay “cô Hiệu”, người này phải rành các điệu hát nam, hát khách, hát lý… thuộc nhiều thơ và ca dao, biết pha trò đồng thời ứng đối nhanh nhẹn.
    Vậy bài chòi là lối đánh bài mà người chơi ngồi trên 9 cái chòi cất sẵn. Có nơi, để giản tiện người chơi bài ngồi trên ghế thay chòi, nên gọi là bài chòi ghế. Nhưng cả hai lối chơi bài này không có tính cách sát phạt, đỏ đen, mà chỉ nặng tính văn nghệ.
    CÁCH TỔ CHỨC
    Làng xã nào muốn tổ chức cuộc chơi bài phải tìm đến những gánh bài chòi nổi tiếng mới lôi cuốn được đông người tham gia và có thể kéo dài trong nhiều ngày. Vào thập niên 1930, ở vùng An Nhơn và Tuy Phước có gánh bài chòi Sáu Cóc được nhiều người hâm mộ hơn cả. Trong tỉnh có nhiều cô, chú Hiệu tài hoa, đến nay còn truyền tụng, như các chú Bùng, Ðốc, Kim, Kích, Miệt, Ngô Quang Thắng, Tuấn Phong, Tư Liên… và các cô Ðạm, Hương, Liễu, Nhảy…
    Một gánh bài chòi có ban hô bài gồm một Hiệu chính và một hoặc hai Hiệu phụ, trong đó có đủ nam nữ thì diễn xuất mới linh hoạt. Ban nhạc thường chỉ gồm bốn người: một đàn cò, một kèn, một sanh, một trống chiến (nhỏ hơn trống chầu và lớn hơn trống tum, có dây mang trước ngực khi di chuyển).
    1.- Hội Bài Chòi
    Nơi tổ chức bài chòi thường ở sân đình, sân chùa hay sân chợ. Nói chung, nơi có khoảng đất trống bằng phẳng. Người ta cất 9 chòi, xếp chung quanh hình chữ nhật, mặt quay vào sân chơi. Tám chòi nằm dọc theo hai cạnh hình chữ nhật, mỗi bên bốn chòi, đối diện tương ứng nhau từng cặp một. Chòi trung ương ở giữa cạnh nắn hình chữ nhật. Cạnh bên kia, đối diện với chòi trung ương, là rạp hội đồng, dành cho ban tổ chức. Khoảng đất trống ở giữa là sân khấu trệt, có bốn mặt dành cho Hiệu; rạp và các chòi đều quay mặt vào sân này. Chòi được cất theo kiểu nhà sàn, trang hoàng đẹp đẽ, nền sàn cao quá đầu người, có thang lên xuống. Mái chòi lợp tranh hay lá dừa để che mưa nắng. Mặt sau và hai hông chòi che kín, chỉ chừa trống mặt trước. Mỗi chòi chứa được 4 hoặc 5 người. Trong chòi có một cái mõ và một khúc thân cây chuối hay bó rơm để người chơi găm con bài và cờ đuôi nheo. Chòi trung ương, lớn hơn cái chòi thường một ít, dùng trống thay mõ và dành riêng cho các vị có chức tước hay có uy tín trong làng muốn tham gia cuộc chơi, cũng có thể dành cho cặp vợ chồng mới cưới. Những khi không có khách đặc biệt thì người dân thường vẫn có thể ngồi chòi này.
    Rạp ban tổ chức cũng có mái che mưa nắng, trang hoàng đẹp đẽ hơn. Các cột được bó lá ngâu hay lá đùng đình để tăng thêm vẻ trang trọng. Trong rạp kê một bộ phản ngựa rộng dành cho các hương chức và quan khách có địa vị ngồi. Ðầu phản đặt một cái trống chầu dùng làm trống lệnh để ban tổ chức điều khiển cuộc chơi. Bên cạnh bộ phản có đặt hàng ghế cho ban nhạc của gánh bài chòi ngồi hòa âm.
    2.- Bộ Bài Chòi
    Trong sân, trước rạp, chỗ Hiệu đứng hô bài, có đặt ống đựng bài. Ống bài là một khúc tre lớn, rỗng ruột, cắm lỏng trên một cái cột cố định để ống bài có thể lúc lắc được. Trong ống đựng 27 thẻ bài. Ðầu nằm trong ống, chân thẻ nhô ra ngoài và đặt cao quá tầm mắt.
    Con bài làm bằng tre, đầu trên bè ra để dán lá bài lấy trong bộ bài tới. Ðầu dưới là chân thẻ nhỏ tròn như chiếc đũa, vót nhọn. Các chân bài nhuộm nửa xanh nửa đỏ, giống hệt nhau để không phân biệt được.
    Bộ thẻ bài chòi gồm 27 cặp, có tên như sau:
    Pho VĂN: Nhất Gối, Nhì Bánh, Ba Bụng, Tứ Tượng, Ngũ Rốn, Sáu Xưởng, Bảy Liễu, Tám Miểng, Chín Cu.
    Pho VẠN : Nhất Trò, Nhì Bí, Tam Quăng, Tứ Ghế, Ngũ Trượt, Lục Trạng, Thất Vung, Bát Bồng, Cửu Chùa.

    Pho SÁCH: Nhất Nọc, Nhì Nghèo, Ba Gà, Tứ Xách, Ngũ Dụm, Sáu Hường, Bảy Thưa, Tám Dây và Cửu Ðiều.
    Trên mỗi con bài không ghi tên con bài, chỉ vẽ hình như kiểu siêu thực, bằng mực đen, làm ký hiệu riêng cho mỗi con bài. Ðôi khi người ta rút 3 cặp bài bất kỳ, mỗi pho rút một cặp, thế vào đó 3 cặp Yêu, màu đỏ, có tên là Lão, Thang, Chi. Nếu Lão thì gọi Ông Ầm, Thang gọi là Thái Tử và Chi gọi là Bạch Huê. Miễn sao bộ thẻ bài chòi vẫn giữ y số ấn định là 27 cặp, chia đều mỗi pho 9 cặp. Ngoài 27 thẻ bài bỏ vào ống, còn 27 con bài cũng y như vậy, đem dán vào thẻ lớn. Cú 3 con bất kỳ dán chung vào một thẻ. Có 9 thẻ phát mỗi chòi một thẻ, nên thẻ lớn còn gọi là thẻ chòi. Cũng có nơi không dán chung 3 con bài vào một thẻ lớn mà vẫn dùng 27 thẻ nhỏ, y như 27 thẻ bài đã dùng trong ống để phân phát cho 9 chòi, mỗi chòi 3 thẻ bài. Như vậy, cả hai cách, mỗi bộ bài chòi phải có 27 cặp như đã kể trên, chia làm hai phần y nhau về số lượng và tên con bài. Một phần bỏ vào ống bài để cho Hiệu bốc thăm, một phần đem phân phát cho 9 chòi.
    Trong bài chòi, tên con bài đôi khi được gọi khác. Như trong pho Văn: Nhất Gối thì gọi là Chín Gối, Nhì Bánh tức là Hai Bánh rồi đảo ngược gọi là Bánh Hai, Ngũ Rốn gọi trại Ngũ Rún hay gọi khác là Ngũ Ruột, Tám Miểng gọi trại là Tám Miếu. Trong pho VẠN: Tứ Ghế còn gọi là Tứ Móc hoặc Tứ Cẳng, Ngũ Trượt là Ngũ Trật hay Ngũ Trợt, Lục Trạng gọi là Lục Chạng. Trong pho SÁCH: Tứ Sách gọi là Tứ Gióng, Ngũ Dụm thành Ngũ Dít, Bảy Thưa là Bảy Hột.
    THỂ THỨC CUỘC CHƠI
    Một hội bài chòi, ngoài số người đến đánh bài và thân nhân của họ, còn có số người đến xem, có thể lên đến vài trăm người. Một đám hát trống, người xem thường có mặt từ lúc dạo tuồng đến khi vãn tuồng. Nhưng ở bài chòi, người xem có thể đến rồi ra về bất cứ lúc nào tùy thích, và không có lệ bán vé vào xem.
    Muốn đánh bài chòi người ta phải báo cho ban tổ chức biết để sắp xếp ở hội kế tiếp. Người đến xem không cần xin phép ai cả, cú chen vào đứng dọc theo các chòi và rạp, làm thành một vòng bao quanh sân khấu. Mỗi ngày cuộc chơi kéo dài từ sáng tới khuya. Giờ ăn chỉ nghỉ ngơi chốc lát. Ở đám bài chòi, lúc nào cũng có tiếng kèn trống, âm thanh rộn rã vang xa, lôi cuốn thúc dục:
    “Rủ nhau đi đánh bài chòi
    Ðể cho con khóc đến lòi rún (rốn) ra”.
    Trống chầu một hồi ba tiếng rống lên, giàn nhạc tiếp theo phụ họa, cuộc chơi bắt đầu. Những người tham gia leo ngồi trên chòi, do ban tổ chức sắp xếp. Người đánh bài có thể rủ bạn bè, thân nhân hay người tình lên ngồi trong chòi của mình. Ban Hiệu ra sân, thường thì một nam một nữ, nếu thêm một người nữa để thay bài thì càng tốt. Hiệu hô bài mặc áo dài đen, đội khăn đóng, thắt dây lưng đỏ, mặt đánh phấn thoa son, có khi hóa trang như là đào kép hát bội. Hiệu bưng khay đến từng chòi thu tiền và phát bài. Người ngồi trên chòi nhận bài, đem găm ở khúc chuối hay bó rơm để sẵn trên chòi. Phát bài xong, Hiệu đến trước rạp vái chào ban tổ chức rồi hô lớn: “Phát bài đã đủ cho Hiệu tính tiền”. Người điều khiển cho cuộc chơi đáp lại bằng ba tiếng trống chầu. Hiệu cúi đầu: “Dạ!”
    Trống lệnh đã cho phép. Hiệu hai tay ôm lấy ống đựng thẻ lắc mạnh nhiều lần. Khi các con bài đã trộn lẫn vào nhau, Hiệu vói tay rút một con bài. Mọi người hồi hộp chờ đợi tên con bài đang nằm trong tay Hiệu. Lúc ấy tiếng trống chầu thúc liên hồi, dàn nhạc cũng dồn dập tưng bừng, kích thích lòng mong đợi của mọi người. Nhưng Hiệu chưa vội đọc tên con bài. Anh ta múa may, vái chào mọi người rồi mới cất giọng hô điệu bài chòi bằng hai câu thơ hay cả bài lục bát tùy thích. Có điều câu cuối bao giờ cũng có chữ chỉ định tên con bài vừa mới rút được. Chẳng hạn tên con bài là Ngũ Trượt thì hô:
    “Trời mưa làm ướt sân đình
    Anh đi cho khéo trợt ình xuống đây
    Trợt quơi (ơi), Ngũ Trợt!”
    Tức thì chòi có bài trùng với con bài ấy đáp lại bằng ba tiếng mõ “cốc, cốc, cốc!”. Nếu là chòi trung ương trúng thì đánh ba tiếng trống “tum tum tum!”. Hiệu trao thẻ bài cho người chạy bài đem đến chòi trúng. Con bài ấy được găm vào khúc chuối cây hay bó rơm trên chòi. Hiệu lại tiếp tục lắc ống rồi rút con bài khác. Và cũng theo thủ tục hô bài như đã nói trên. Ban đầu trong ống có 27 thẻ bài, nhưng bớt dần theo mỗi lần rút thẻ cho đến khi có một chòi nào trúng được ba lần, tức là bài đã tới thì mới chấm dứt ván bài. Khi Hiệu hô xong con bài, nếu có chòi trúng lần thứ ba thì báo hiệu bài tới bằng một hồi mõ dài (chòi trung ương thì báo một hồi trống tum), lúc ấy, ở rạp ban tổ chức, một hồi trống chầu được gióng lên, báo hiệu xong một ván bài.
    Hiệu bưng khay tiền và một lá cờ đuôi nheo đến tận chòi có bài tới. Cờ đuôi nheo còn gọi là cờ hiệu, có hình tam giác vuông, màu đỏ bằng giấy. Trên cờ viết số thứ tự ván bài, từ đệ nhất, đệ nhị đến đệ bát. Hiệu đứng trước chòi có bài tới trịnh trọng thưa:
    -Vâng lệnh làng lãnh lấy khay tiền. Hiệu (tui) khẩn cấp điện cờ Ðệ nhất.
    Theo lệ, chòi có bài tới, muốn lịch sự phải thưởng tiền cho Hiệu, nhiều ít là do tài diễn xuất của Hiệu. Vì thế, khi dâng khay tiền, Hiệu phải trổ tài múa những động tác đẹp mắt, miệng thì ngâm thơ, hát Nam, hát Khách. Nếu gặp người tới có máu văn nghệ, hỏi đố bằng thơ, Hiệu cũng phải biết đáp bằng thơ. Chẳng hạn như câu hỏi đố:
    “Cái gì có trái không hoa?
    Cái gì không rễ cho ta tìm tòi?
    Cái gì vừa thơm vừa tho?
    Kẻ yêu người chuộng, kẻ dò tình nhân?
    Cái gì mà chẳng có chân?
    Cái gì không vú xây vần lắm con?
    Cái gì vừa trơn vừa tròn,
    Mười hai tháng chẵn không mòn chút nao?
    Cái gì mà ở trên cao?
    Làm mưa làm gió làm sao được vầy?
    Cái gì mà ở trên cây?
    Trèo lên tụt xuống khen ai là tài?
    Cái gì chỉ có một tai?
    Cái gì một mặt cái gì ngẳng lưng?
    Cái gì anh gảy từng tưng…”
    Nếu không lanh trí, có tài ứng đối, thuộc nhiều ca dao, câu đố… Hiệu khó mà vượt qua nổi. Hiệu nhanh nhẩu đáp ngay:
    “Cây súng có trái không hoa
    Tơ hồng không rễ cho ta tìm tòi
    Quế ăn vừa thơm vừa tho
    Kẻ yêu người chuộng, kẻ dò tình nhân
    Cái ốc ma không có chân
    Con gà không vú xây vần lắm con
    Sợi chỉ vừa trơn vừa tròn
    Mười hai tháng chẵn chẳng mòn chút nao
    Ông trời mà ở trên cao
    Làm mưa làm gió làm sao được vầy
    Con vượn mà ở trên cây
    Trèo lên trợt xuống khen ai là tài
    Cối xay đậu có một tai
    Trống mảng một mặt, mâm bồng ngẳng lưng
    Ðàn bầu anh gảy từng tưng…”
    Hiệu vừa đáp xong, người chủ chòi trúng khoái quá, đổ cả khay tiền xuống thưởng. Các chòi thua cuộc, chẳng buồn việc ăn thua, vẫn ném tiền xuống thưởng tài nghệ của Hiệu, người đứng xem cũng hùa theo, vãi tiền vào sân như bươm bướm lượn. Màn thưởng thức xem chừng đã mãn. Trống chầu của ban tổ chức vang lên một hồi ba tiếng, báo hiệu cuộc chơi cho ván kế tiếp. Người chạy bài đi thu con bài ở các chòi đem bỏ vào ống thăm chuẩn bị. Người xem chỉ cần nhìn cây cờ đuôi nheo cắm ở chòi trúng có đề số thứ tự thì biết hội bài này đã chơi đến ván thứ mấy.
    Thời gian cho một ván bài không chừng, tùy sự may rủi của việc bốc bài. Nhanh nhất, bốc ba lần đã thấy bài tới. Còn chậm nhất phải bốc đến lần thứ 19. Ngoài ra còn tùy thuộc vào việc hô bài của Hiệu. Nếu hô những bài dài thì chiếm nhiều thời gian. Vì vậy Hiệu thường hô những câu thai chỉ có hai hoặc bốn câu lục bát. Thỉnh thoảng mới chen một bài dài hoặc bài có tính hài hước để thay đổi không khí, tránh sự nhàm chán. Chẳng hạn như câu thai của con bài Bạch Huệ chọc cười dưới đây:
    “Con vợ tui tốt tợ tiên sa
    Coi trong thiên hạ ai mà dám beng (bì, sánh)
    Lưng khòm rồi lại da đen
    Còn hai con mắt tợ khoen trống chầu
    Giò cao đít lớn to đầu
    Lại thêm cái mặt cô sầu bắt ghê
    Việc làm trăm việc tui chê
    Chỉ thương có chút… … … … … … … ”
    Những câu thai thường có sẵn, Hiệu phải thuộc lòng hàng trăm câu. Cũng có khi Hiệu phải sáng tác hoặc chắp nối, ráp câu nọ với câu kia, miễn sao câu thai nói lên được tên con bài Hiệu vừa mới bốc. Ðể tăng sự hấp dẫn, khi hô Hiệu phải diễn tả bằng điệu bộ, nét mặt, giọng nói như một diễn viên hát bội rành nghề. Nội dung câu thai cũng luôn thay đổi. Chẳng hạn ván thứ nhất, gặp con bài Nhì Nghèo, Hiệu hô:
    “Chắp tay với chẳng tới kèo
    Cha mẹ anh nghèo chẳng cưới được em!”
    Ván thứ hai, nếu gặp lại con bài đó, Hiệu hô câu thai có nội dung khác:
    “Cây khô tưới nước cũng khô
    Vận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo”.
    Ván thứ ba Hiệu đổi khác:
    “Nhiều quan thêm khổ thằng dân
    Nhiều giàu thì lại chết trân thằng nghèo”.
    Ván thứ tư lại khác:
    “Thấy anh em cũng muốn theo
    Chỉ sợ anh nghèo anh bán em đi”.
    Ván thứ năm khác nữa:
    “Buồn từ trong dạ buồn ra
    Buồn anh ở bạc, buồn cha mẹ nghèo”
    Ván thứ sáu, vẫn còn nhiều câu khác nữa:
    “Ngày thường thiếu áo thiếu cơm
    Ðêm nằm không chiếu lấy rơm làm giường
    Dù dơi, dép bướm chật đường
    Màn loan gối phượng ai thương thằng nghèo”
    Ngoài ra tên con bài cũng được gọi trại đi hoặc đổi khác để ứng vào một câu thơ hoặc câu ca dao nào đó.
    Gọi khác chữ, chẳng hạn Bảy Thưa thành Bảy Hột. Gặp cái bài này, Hiệu sử dụng một trong hai câu thơ sau đây làm câu thai:
    “Ước gì em chửa có chồng
    Anh về thưa với cha mẹ mang rượu nồng đón em”.
    hoặc:
    “Còn duyên mua thị bán hồng
    Hết duyên buôn mít cho chồng gặm xơ
    Gặm xơ rồi lại gặm cùi
    Có ba bảy hột để lùi cho con”.
    Nói trại, chẳng hạn Ngũ Rốn thành Ngũ Rún rồi thành Ngũ Ruột:
    “Rủ nhau đi đánh bài chòi
    Ðể cho con khóc đến lòi rún (rốn) ra”
    hay:
    “Thò tay vào ngắt ngọn ngò
    Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ”.
    Suy diễn, từ Ngũ Dụm thành Ngũ Dít:
    “Một cây làm chẳng nên non
    Ba cây dụm lại thành hòn núi cao”.
    Có khi dùng câu đố làm câu thai. Trường hợp này thì nội dung của câu đố đã diễn tả tên con bài nên câu chót không cần phải trùng chữ với tên con bài nữa. Chẳng hạn gặp con bài Ba Gà, Hiệu có thể hô câu thai:
    “Mình vàng vận áo mã tiên
    Ngày ba bốn vợ tối nằm riêng một mình”
    Có trường hợp không cần nêu tên con bài mà chỉ giải nghĩa đầy đủ là được. Gặp con bài Thái Tử, có thể dùng câu:
    “Thuyền ai thấp thoáng bên bờ
    Hay thuyền ông Lữ đợi chờ con vua”.
    Ðôi khi Hiệu dùng câu thai hình tượng để suy diễn ý nghĩa con bài Tứ Cẳng (còn gọi là Tứ Ghế hay Tứ Móc):
    “Một hai bận nói rằng không
    Dấu chân ai đứng bờ sông hai người”.
    Thỉnh thoảng còn dùng những câu thai mơ hồ, người xem khó đoán được tên con bài Nhì Bánh mà Hiệu đang nắm trong tay:
    “Biết rằng ai có mong ai
    Sao trời lại nỡ xé hai thế này
    Có sao hôm mà chẳng có sao mai
    Hai đàng hai đứa tình phai hoa tàn”.
    Cũng có lúc, cả bốn câu đều nhắc đến tên con bài. Gặp con bài Chín Cu thì câu thai sau đây điển hình cho trường hợp này:
    “Tiếc công bỏ mẩn cho cu
    Cu ăn, cu lớn, cu gù, cu bay
    Cu say mũ cả áo dài
    Cu chê nhà khó phụ hoài duyên anh!”
    Còn như gặp những câu thai nêu trọn vẹn tên con bài thì Hiệu không bao giờ bỏ qua cơ hội. Chẳng hạn như con bài Ba Bụng mà dùng câu thai sau đây thì tuyệt:
    “Xét ra cho kỹ sự đời
    Ba người ba bụng không ai thời giống ai”.
    Khi bài tới ván thứ tám thì xong một hội. Lẽ ra phải chín ván vì có chín chòi đóng tiền, nhưng phải dành tiền ván thứ chín để ban tổ chức chi phí cuộc chơi và trả tiền công cho gánh bài chòi. Vậy khi vãn một hội thì ban tổ chức được một khoản tiền bằng số tiền cáp của một chòi, và cứ xong một hội thì ít nhất cũng phải có một chòi thua. Xong một hội, trống chầu vang lên một hồi rất dài. Ban nhạc cũng tạm nghỉ giải lao, chuẩn bị cho hội khác. Người đánh bài nếu muốn chơi tiếp thì vẫn ngồi trên chòi của mình, bằng không thì xuống, để chòi trống cho người khác lên thay.
    CÂU THAI TRONG BỘ BÀI CHÒI
    Như đã nói trên, một bộ bài chòi có 27 con bài. Mỗi tên con bài Hiệu phải dùng một câu thai và nội dung câu thai phải luôn luôn thay đổi khi gặp lại con bài cũ.
    1.- Câu Thai Các Con Bài Trong Kho VĂN:
    Nhất Gối, nhưng thường gọi là Chín Gối:
    “Ðêm nằm gối gấm không êm
    Gối lụa không mềm bằng gối tay em”.
    Nhì Bánh:
    “Bánh bèo trục lúc không tai
    Bánh in to hột, dện hoài đổ ra”.
    Ba Bụng:
    “Gió sao gió mát sau lưng
    Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này”.
    Tứ Tượng:
    “Ai đi ngoài ngõ ào ào
    Hay là ông tượng đạp rào ổng vô?”
    Ngũ Ruột:
    “Bởi vì chai rượu Bạch Liên
    Mai dong điềm chỉ tới miền nhà em
    Cũng vì chai rượu gói nem
    Mà cha mẹ đã gả em đi rồi
    Còn gì than thở anh ơi
    Chỉ thêm đau ruột, em có chồng rồi, biết sao!”
    Sáu Xướng:
    “Hồi nào đói rách có qua
    Bây giờ nên xưởng nên nhà lại lơ”.
    Bảy Liễu:
    “Biết đâu mà đợi mà chờ
    Tấm thân liễu yếu đào tơ gió lồng”.
    Tám Miểng:
    “Văn chương đựng không đầy lá mít
    Võ thì đá khổng bể nổi miểng sành
    Nghe vua treo bảng cũng xòng xành ra thi
    Bảng đề không biết chữ chi
    Mài nghiên múa bút có khi hết ngày”.
    Chín Cu:
    “Sự đời có bốn cái ngu
    Mai dong, hứng nợ, rập cu, cầm chầu”.
    2.- Câu Thai Các Con Bài Trong Kho Vạn:
    Nhất Trò:
    “Không ngon cũng bánh lá gai
    Dù anh có dại cũng trai học trò”.
    Nhì Bí:
    “Bình Ðịnh có núi Vọng Phu
    Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh
    Em về Bình Ðịnh cùng anh
    Ðược ăn bí đỏ nấu canh nước dừa”.
    Tam Quăng:
    “Anh đang viết liễn trong đình
    Nghe em, chồng hỏi, giật mình quăng nghiên”.
    Tứ Móc:
    “Lòng thương chị bán thịt heo
    Hai vai gánh nặng còn đèo móc cân”.
    Ngũ Trợt:
    “Bớ chị em ơi! đi chợ
    Chợ nào bằng chợ Gò Chàm
    Tôm tươi cá trụng thịt bò thịt heo
    Còn thêm bánh đúc bánh xèo
    Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên u
    Những con cá chép cá thu
    Cá ngừ cá nục cá chù thiệt ngon
    Ngó ra ngoài chợ
    Nẫu bán thịt phay
    Nem tươi chả lụa
    Rượu trà no say
    Ngó ra ngoài chợ
    Vẫn bán tranh cày
    Roi mây, lưỡi cuốc
    Nẫu bày nghinh ngang
    Ngó ra ngoài chợ
    Nẫu bán sàn sàn
    Khoai lang, bắp đỗ
    Ðục, chàng, kéo, dao…
    Xem ra chẳng sót hàng nào
    Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng vào đây mua …
    Lại còn những món bánh khô
    Xem đi xét lại nhiều đồ lắm thay
    Những còn hàng giép hàng giày
    Nón ngựa nón chóp bán rày liên thiên
    Lại còn những món nhiều tiền
    Cà rá, hột đá, dây chuyền, dầu thơm…
    Song thần An Thái
    Dừa trái Tam Quan
    Ðường cát Dương An
    Ðĩa bàn nội phủ
    Kể đủ hàng hoa…
    Cà dê, cà dĩa, cà chình
    Ơ¨t ngà, ớt bị, ớt sừng, ớt cay
    Rau răm, rau húng
    Bầu thúng, cà tây
    Mua bán bạc cây
    Những người hàng xén
    Mấy chú rón rén
    Ăn cắp thiệt lanh
    Mấy chú gian manh
    Là anh trùm chợ
    Buôn mọi bán rợ
    Mấy chú An Khê
    Ở trển đem về
    Xấp trần nài rể
    Dễ mua dễ bán
    Bánh tráng, kẹo cà
    Xoa xoa, đậu hũ
    Mè xửng , bánh canh
    Dạo hết xung quanh
    Hành ngò, cúc cải
    Dây dừa, dầu rái
    Kẹo đỗ, kẹo dừa
    Mấy chị ngủ trưa
    Nẫu mua trợt lớt”.
    Lục Trạng:
    “Bậu khoe giỏi, sao chẳng chịu đi thi
    Cú ăn xó bếp, ngủ thì chuồng trâu
    Bậu ơi tôi chẳng ưng đâu
    Trạng gì như thế có hầu cũng uổng công”.
    Thất Vung:
    “Ngó lên hòn núi chóp vung
    Thấy bảy cô gái cùng chung một nhà”.
    Bát Bồng:
    “Chầu rày đã có trăng non
    Ðể tôi lên xuống có con em bồng!”
    Cửu Chùa:
    “Con vua thì được làm vua
    Con sãi ở chùa phải quét lá đa”.
    3.- Câu Thai Các Con Bài Trong Pho SÁCH:
    Nhứt Nọc:
    “Ðò em đưa rước bộ hành
    Thuyền nan một chiếc tử sanh trọn bề
    Trải qua bãi hạc, gành nghê
    Quanh năm chèo chống, tứ bề sóng xô
    Tiếng ai văng vẳng gọi đò
    Mau mau nhổ nọc chèo qua đón người”.
    Nhì Nghèo:
    “Dầu mà hai ngả phân ly
    Mình ơi, hãy nhớ hồi khi còn nghèo”.
    Ba Gà:
    “Khôn ngoan đối đáp người ngoài
    Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
    Tứ Sách:
    “Gió đưa trăng thì trăng đưa gió
    Quạt nọ đưa đèn, đèn có đưa ai
    Trăm năm đá nát vàng phai
    Ðá nát mặc đá, vàng phai mặc vàng
    Trông cho én nhạn một lòng
    Lồng đèn thiếp xách, mâm tơ hồng chàng bưng”.
    Ngũ Dụm:
    “Một cây làm chẳng nên non
    Ba cây dụm lại thành hòn núi cao”.
    Sáu Hường:
    “Nghĩ duyên lận đận mà buồn
    Thương nhau vàng võ, má hường kém tươi”.
    Bảy Thưa:
    “Ðừng ham nón tốt dột mưa
    Ðừng ham người tốt mã mà thưa chuyện nhà”
    Tám Dây:
    “Ví dầu cha đánh mẹ treo
    Ðứt dây té xuống cũng theo tới cùng”
    Cửu Ðiều:
    “Huỳnh Kim có bến Tân An
    Có lầu Thông Nhẫn lập đàn bán buôn
    Trước kia đường vắng hơn truông
    Bây giờ trong bán ngoài buôn đầy tràn
    Trong nhà dệt nhiễu thêu hàng
    Trong sân thợ nhuộm, ngoài đàng xe hơi
    Khen cho ông Nhẫn đủ đời
    Lụa hàng cấp giá nơi nơi cũng điều”
    4.- Câu Thai Các Con Bài Trong Cặp YÊU:
    Ông Ầm:
    “Vai mang bị bạc kè kè
    Nói bậy nói bạ nẫu nghe ầm ầm”.
    Thái Tử:
    “Thuyền dời nhưng dạ chẳng dời
    Khăng khăng một lời: quân tử nhất ngôn”.
    Bạch Huê:
    “Cũng vì duyên nợ ba sinh
    Sáng trăng câu hát huê tình mà theo”
    SỰ CẢI TIẾN VÀ BIẾN THỂ CỦA BÀI CHÒI
    Hội bài chòi là một trò chơi dân gian, mang tính văn nghệ quần chúng. Tiền thân của bài chòi là sự liên lạc nhau giữa các chòi canh trên nương rẫy. Và bài chòi được hình thành và hoàn chỉnh ở đồng bằng. Thể thức chơi vẫn giữ nét độc đáo nguyên thủy, ngồi trên những chiếc chòi, nên gọi là bài chòi truyền thống.
    Bài chòi truyền thống cũng chia làm hai giai đoạn: Hiệu hô những câu ca dao ngắn, nội dung không liên quan gì đến con bài, miễn sao có chữ đồng âm với tên con bài là được; thời kỳ này gọi là bài chòi tạp. Dần dần có xen nhiều những câu thai do nghệ nhân đặt ra hoặc do Hiệu ứng chế có nội dung ăn khớp với tên con bài, như câu Nhứt Nọc dưới đây; thời kỳ này gọi là bài chòi câu.
    “Tay cầm sào chống lái
    Mắt liếc bãi lều tranh
    Ở đây đưa rước bộ hành
    Thuyền nan một chiếc tử sanh trọn bề
    Trải qua bãi bạc gành nghê
    Tứ mùa chèo chống đôi bề sóng xao
    Thú vui ngang dọc một sào
    Ngồi trong tịnh viện kẻ gào người kêu
    Tiếng ai văng vẳng kêu đò
    Mau mau nhổ nọc chèo qua rước người”.
    Sau này vì sự giản tiện, có vài nơi phá lệ cất chòi vẫn dùng 9 cái ghế thay cho 9 chiếc chòi và thể thức vẫn như cũ. Khuyết điểm của bài chòi ghế là không thể thay thế hết được chức năng của chòi nên kém phần sôi nổi, giảm sự hào hứng của người chơi bài và cả người xem. Từ hình thức bài chòi ghế, những năm đầu thế kỷ 20, có một số nghệ nhân mạnh dạn tách khỏi mô hình truyền thống để kiến tạo một lối mới gọi là bài chòi chiếu. Ðặc tính của bài chòi này không phụ thuộc vào thời vụ. Nghĩa là tổ chức lúc nào cũng được, không cần phải đợi dịp Tết Nguyên Ðán. Bài chòi chiếu cũng không có chòi. Sân khấu vẫn còn trệt nhưng đã được giới hạn trong phạm vi chiếu rải. Bài chòi chiếu cũng không còn độc diễn của Hiệu mà đã phân vai nhân vật (2 hay 3 diễn viên) nhưng còn đơn giản, chủ yếu là giọng ca mùi mẫn diễn những lớp trong các truyện tuồng như Lưu Kim Ðính, Phàn Lê Huê, Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên… Tuy vậy, sự trình diễn chỉ để giải trí và nêu tên con bài ở những câu thơ cuối lớp, chứ chưa đủ trình độ kết cấu nghệ thuật để trở thành mục diễn, nên người ta gọi là bài chòi lớp.
    Một biến cố lớn trong bộ môn bài chòi là sự ra đời của bài chòi truyện. Vào giữa năm 1933, hai nghệ sĩ sáng lập gồm Bốn Trang (tức Phan Ðình Lang người xã Nhơn Thành, An Nhơn) và Ba Nhỏ (tức Ba Huợt người xã Cát Sơn, Phù Cát) cùng với sự cộng tác của Tư Liên (Ðỗ Liên), Năm Oanh (Mỹ Chánh, Phù Mỹ) và nhiều nghệ nhân khác; lần đầu tiên trình diễn bài chòi truyện trên sân khấu sàn gỗ tại chợ An Lương xã Mỹ Chánh huyện Phù Mỹ. Ðây là lần thử nghiệm, không tránh khỏi nhiều trở ngại, nhưng nói chung vẫn gặt hái những kết quả khích lệ. Bài chòi truyện hoàn toàn dứt bỏ thể thức chơi bài truyền thống, mạnh dạn bước lên sàn sân khấu có đầy đủ phông màn. Nghệ sĩ được chọn sắm vai thích hợp với nhân vật, có hóa trang, có sự nhập vai, diễn xuất các động tác theo qui luật ước lệ và cách điệu. Làn điệu cũng phát triển để phù hợp tình cảm của mỗi nhân vật. Ngoài điệu cố hữu là hô bài chòi và điệu hát chủ đạo là Xuân Nữ (có sức gợi cảm), còn có điệu cổ bản, nói lối, Hồ quảng, xàng xê, hát Nam, hát Khách, tẩu mã, lý thượng… Về âm nhạc ngoài đờn cò, kèn, sanh, trống còn có đàn nguyệt để tạo âm non âm già phù hợp với làn điệu mới. Về trình diễn, diễn viên có thể cương vài chi tiết nhưng không được đi quá xa hoặc phản lại đề tài. Về y phục và đạo cụ cần sắm đủ các loại để trang bị thích hợp từng nhân vật. Về ánh sáng có trụ đèn lồng thắp dầu, về sau có đèn măng sông.
    Dịp Tết Giáp Tuất (1934) gánh bài chòi của ông Bốn Trang và Ba Nhỏ kiện toàn đội ngũ lập thành đoàn hát Tân Xuân đến lưu diễn ở thị trấn Gò Bồi (phủ Tuy Phước). Nhờ rút tỉa kinh nghiệm, lần này được khán giả đón nhận nồng nhiệt và bán vé thu được một số tiền lớn.
    MỘT THỜI CỰC THỊNH
    Ðánh dấu sự thành công của gánh hát Tân Xuân, nhiều nghệ nhân đầu tư vào việc lập gánh hát bài chòi chuyên nghiệp. Ðoàn lớn thì diễn tuồng truyện trên sân khấu hiện đại, đoàn cỡ trung thì diễn lớp trên sân khấu trệt trải chiếu, đoàn nhỏ thì hô bài theo lối truyền thống trên sân đất.
    Từ năm 1933 đến năm 1945 tỉnh Bình Ðịnh có trên 10 gánh hát bài chòi nổi tiếng. Các đoàn hát như Tân Xuân của Bốn Trang, Long Vân Bang của Tư Miệt, Ý Chung của Phan Ðình Chi chuyên lưu diễn ở khắp các tỉnh từ Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết đến Di Linh (Lâm Ðồng). Các đoàn khác như gánh Năm Oanh (An Lương, Phù Mỹ), gánh Ông Dần (Hoài Nhơn), Chính Oanh (Kiến Hàng, An Nhơn), Sáu Sơn (Nhạn Tháp, An Nhơn), Ông Lợi (Phước Nghĩa, Tuy Phước), gánh Ðồng Ấu của Ðinh Thảo và Bốn Dân…
    Ðội ngũ diễn viên của bộ môn bài chòi cũng khá hùng hậu, không những nhiều kép nổi tiếng như Ba Huợt, Ba Sinh, Bốn Que (tức Bốn Trang), Tư Liên, Tư Miệt, Năm Oanh, Mười Vạn, Kim Kích… mà còn có nhiều khuôn mặt nữ tài hoa “một thời vang bóng” như đào Nhảy và Dần (Hoài Nhơn), đào Trang và Ðài (An Thái, An Nhơn), đào Sanh và Ðồng (Phước Sơn, Tuy Phước), đào Bình (Phú Tài, Tuy Phước), đào Chung và Liệu (Qui Nhơn), đào Giàu, Ba Danh… Lớp diễn viên mầm non có Văn Bá, Ðinh Thị Bích Hải, Nguyễn Thị Hường, Lê Quí, Ðinh Thái Sơn… đều phát triển tài năng trước tuổi. Về âm nhạc cũng có những nghệ sĩ xuất thần như Tám Kèn (tức Nguyễn Hoài Ân), Văn Bá Anh (Mỹ Chánh, Phù Mỹ), Lưu Hạnh (An Nhơn), Nguyễn Mới, Sáu Hoạch… Về kịch bản xuất hiện nhiều tác giả soạn bài chòi truyện như: Trương Ân, Năm Oanh, Sáu Cóc với những vở ca kịch nổi tiếng như Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Tam Hạ Nam Ðường, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Công Phục Huê Dung, Lý Ân Lang Châu…
    Trong thời kỳ này ba thể hình bài chòi đều thịnh hành và không cạnh tranh lấn áp nhau. Bài chòi truyện có một chỗ đứng ở sân khấu phông màn, có rạp che chắn, lưu diễn ở các thị tứ, người xem phải mua vé. Bài chòi lớp tìm đất sống trên sân khấu chiếu khắp các làng mạc miền quê. Bài chòi truyền thống vẫn nở rộ mỗi dịp xuân về.
    THÚ TIÊU KHIỂN TRONG BÀI CHÒI
    Bản chất bài chòi là trò chơi bài của dân gian xen với ca múa do tài anh Hiệu ứng chế đồng thời có sự cộng tác, đối thoại một cách tự nhiên giữa người hô và người tham gia cuộc chơi. Nếu đưa bài chòi lên sân khấu có phông màn tức là xóa bỏ cuộc chơi, bài chòi truyện trở nên hụt hẫng, cần bù đắp vào các điều kiện sau đây mới tạo được không khí hấp dẫn: Sự tích truyện tuy có gay cấn nhưng có hậu mới thỏa mãn người xem. Kịch bản cần cải tiến mới tránh khỏi sự tẻ nhạt nhưng không làm đứt mạch truyền thống, trong đó chất liệu bài chòi phải chiếm tỷ lệ cao, nếu không sẽ bị đồng hóa với các môn nghệ thuật khác, làm thất vọng khán giả.
    Thời ấy có thành ngữ “gánh hát xà bần” để chỉ trích những gánh bài chòi diễn trò hổ lốn đã đưa hát bội, cải lương, chèo, Hồ quảng chen vào quá nửa. Ngoài ra bài chòi truyện cần có đạo diễn thành thạo, tài diễn xuất của nhân vật và giọng ca đúng điệu. Sau nữa, cách trang trí, lối trang phục và sự điều chỉnh ánh sáng rất cần thiết, làm nổi bật cảnh sắc trên sân khấu. Nhưng bài chòi truyền thống, không cần những điều kiện trên, chỉ cần một anh Hiệu tài hoa là đủ rối và tự nó đã đi vào lòng dân tộc nên có sức lôi cuốn ” Rủ nhau đi đánh bài chòi, để cho con khóc đến lòi rún ra” (Ca dao). Bởi thế, những người khắt khe lại cho rằng: chơi bài chòi là đánh bạc vì sử dụng bộ bài tới, có cáp tiền và có sự ăn thua nên mới hấp dẫn như vậy. Xin thưa “không”, chơi bài chòi không mang tính cách sát phạt của sòng bài, những người có máu cờ bạc không lấy gì làm thích thú ở cuộc chơi này. Trong lịch sử bài chòi, chưa có ai khuynh gia bại sản vì đam mê trò chơi này, và cũng chưa thấy ai giàu có vì trúng mánh bài chòi.
    Ở bài chòi, ngoài việc thử thời vận, bói hên xui vào dịp đâu năm, người ta còn tìm đến bài chòi để mua vui qua giọng hô, tài ứng đối và lối diễn trò của Hiệu. Vì vậy, đánh bài chòi là một thú tiêu khiển, một hình thức vui chơi nhẹ nhàng, tao nhã, ít tốn kém. Một hội chơi dân gian đã trở thành tập tục vào dịp đầu xuân, mang tính chất khuyến khích sáng tác và duy trì thi ca bình dân.
    Ở các tỉnh miền nam Trung phần, nhất là Bình Ðịnh ngày nay còn lưu lại rất nhiều ca dao qua lối chơi này, đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn chương bình dân của nước nhà. Tiếc rằng hội bài chòi và trò chơi truyền thống của nó từ sau năm 1945 đã mai một dần, đến nay hầu như mất hẳn…
    ÐÀO ÐỨC CHƯƠNG
    Giai Phẩm TÂY SƠN Xuân Canh Thìn 2000
    Source : http://www.lebichson.net

  2. Chao cac bac, xin cac bao vui long cho em hoi, em muon di du lich den AiCap tu tuc, xin hoi bac nao co kinh nghiem ve du lich o AiCap thi cho em xin thong tin, vi du nhu xin visa di du lich Aicap co kho khong a ? Lanh su Aicap o dau (em dang song tai tp Hochiminh), le phi xin visa la bao nhieu ? cac dich vu nhu nha hang, taxi, khach san… tai Aicap co tot va dat do khong a ??? bac nao co kinh nghiem thi phien cac bac tra loi cho em biet, em xin chan thanh cam on. Ah, em tinh di khoang 10 ngay vao thang 8, thoi tiet vao thang 8 ra sao a ??? cam on cac bac !

  3. hiện tại em đang học môn nghiệp vụ lưu trú . có một số tình huống đưa ra mà em hơi khó hiểu , > mong các anh chị có thể giúp đỡ cho em . Xin cảm ơn rất nhiều !
    các tình huống là : 1/ Có khách đặt 3 phòng ( giá mỗi phòng là 1tr2 ) theo hình thức đảm bảo nhưng không đặt cọc do lí do khách quan . Người khách hứa chắc chắn sẽ đến và sẽ trả tiền . Là lễ tân , bạn sẽ xử lí như thế nào?
    2/1 người gọi điện đặt đến KS 1 phòng với giá 80USD . Tuy nhiên giá phòng cao nhất của khách sạn là 60USD . Bạn sẽ xử lí như thế nào . Trường hợp ngược lai : đặt 60USD nhưng giá phòng thấp nhất là 80USD.
    3/Ông N.V.A là khách quen của khách sạn , ông gọi điện đặt 2 phòng đôi vs giá như cũ là (800.000) . Nhưng hiện nay tất cả đều tăng 10% . Em sẽ xử lí như thế nào ?
    4/ 1 người khách gọi đến KS , đặt phòng đơn hay VIP . Khi ông đến thì mang theo 1 con chó . Tuy nhiên khách sạn ko có dịch vụ chăm sóc chó . Em sẽ giải quyết ntn /
    Các anh chị giúp em với nhé !
    Thanks

  4. Chào các bạn diễn đàn Du lich!
    Cho mình hỏi muốn đăng ký vào diễn đàn thì làm sao nhi?
    Cám ơn!

  5. cho minh hoi mun dang ki lam thanh vien thi phai dang ki the nao? minh khong thay cho dang ki o dau ca!

  6. Co ban nao cho giup minh tra loi cau hoi nay voi :
    Su vai tro va anh huong cua tai nguyen du lich nhan van toi su phat trien cua nganh du lich ?
    Thanks

  7. Nhớ về bạn nhé! Chợ tình Khâu Vai
    Khâu Vai nằm trong một thung lũng đẹp, xung quanh là những dãy núi cao chót vót, xa hơn một chút là đỉnh Mã Pí Lèng quanh năm mây khói. Từ thị xã Hà Giang, đi thêm gần 150 cây số là đến Mèo Vạc, khoảng 30 cây số đường núi nữa là đến Khâu Vai.“Đợi anh hết mùa lanh, đợi anh qua mùa đào / Vượt đỉnh Mã Pí Lèng, ta tìm về với chợ tình Khâu Vai…”
    Chợ tình Khâu Vai còn gọi là “Chợ phong lưu”, có từ năm 1919, chợ họp trên một quả đồi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27.3 (âm lịch); gọi là chợ, nhưng không phải nơi để buôn bán hàng hóa, gần như không có người bán, người mua hàng hóa đúng nghĩa mà chỉ có một số người bán đồ ăn uống phục vụ cho những người về đây họp chợ.

    Vì đây là địa điểm, là nơi để người ta tìm đến với nhau, sau một năm (cũng có thể là nhiều năm) xa cách, chủ yếu là những người có mối tình chắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm, sự nhớ nhung do xa cách. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không gen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình; họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời. Nhưng sự cho phép đó, những phút giây “ngoài chồng, ngoài vợ” đó chỉ có và được phép diễn ra trong ngày chợ đó, hết ngày 27.3. “Cửa lòng” phải đóng lại, mọi hành vi tương tự đều bị coi là vi phạm luật tục và pháp luật, đều có thể bị trừng phạt tùy theo mức độ vi phạm (thực tế tại Chợ tình Khau Vai, các đôi bạn tình có thể ngồi tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27.3, chợ tình bắt đầu từ đêm 26 kết thúc vào chiều tối ngày 27).
    Người đến chợ chủ yếu là các cặp tình nhân các dân tộc: Tày, Nùng, Giấy từ các xã Nậm Ban, Niêm Sơn, Tát Ngà, Lũng Pù, Sơn Vĩ, Thượng Phùng, từ các xã của huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) sang.

    Chuyện kể rằng ngày xưa ở vùng Khau Vai có một chàng trai dân tộc Nùng, xuất thân nhà nghèo, làm ruộng, là con thứ 3 nên gọi là chàng Ba. Chàng Ba đẹp trai, khôi ngô, tuấn tú, thổi sáo rất hay, chăm làm, thương người, được rất nhiều cô gái trong làng trộm nhớ thầm yêu. Tại nhà tộc trưởng người Giấy có cô con gái út: Đến tuổi trăng rằm, xinh đẹp nhất làng, nàng hát rất hay, con nhà giầu nhưng thích đi chăn trâu, cắt cỏ, làm ruộng cùng chúng bạn; đã có biết bao nhiêu chàng trai trong vùng ngỏ lời, nhưng nàng đều khước từ, vì nàng và chàng Ba đã mê say nhau ngay từ lần đầu tiên chạm mặt. Biết tin nàng yêu chàng Ba, bố mẹ, họ hàng nhà nàng đều phản đối vì không “môn đăng hộ đối”; hơn nữa, tục lệ làng không cho lấy người khác dân tộc; càng cấm đoán, mối tình họ càng bùng cháy và họ đã hẹn nhau, trốn lên hang núi Khau Vai để sống cùng nhau. Sự việc diễn ra, đã châm ngòi cho hai bên gia đình, 2 dòng tộc tranh cãi, xô xát… máu đã đổ… thương cha mẹ, họ hàng, dòng tộc, không muốn thù hận giữa hai gia đình, dòng tộc… nên hai người đã gạt nước mắt, chia tay nhau, về nhà. Họ hẹn nhau kiếp sau sẽ nên vợ nên chồng và hàng năm cứ đúng ngày chia tay này sẽ tìm về gặp lại nhau tại núi Khau Vai… ngày họ chia tay là ngày 27.3 (âm lịch).
    Lê Trọng Lập
    Sở ngoại vụ Hà Giang

  8. Đố và đáp vốn là một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian khá phổ biến ở Bến Tre trước đây. Người già cũng như người trẻ, ai cũng được năm ba câu đố và cũng từng được người khác đố. Vì vậy, chúng ta có thể bắt gặp nhiều loại câu đố khác nhau ở bất cứ nơi nào trong tỉnh, từ vùng Chợ Lách cây trái sum suê đến vùng ven biển Thạnh Phú, Ba Tri, từ bờ sông Tiền đến bên bờ Cổ Chiên.
    Cuộc chơi có tính chất trí tuệ, linh hoạt này có thể diễn ra bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, không cần phải chọn lựa địa điểm, thời gian. Có thể đố nhau trên đồng ruộng, trong những phút nghỉ ngơi, nơi bến sông cùng chờ một chuyến đò ngang, hay trên một chuyến đò dọc, trên một chặng đường đất đi chung, hay dưới một bóng cây giữa trưa hè oi bức. Cuộc đố và đáp cũng được diễn ra ở nông thôn vào những đêm trăng thơ mộng nơi sân nhà, người tham gia quây quần quanh ấm nước chè thắm đượm tình làng nghĩa xóm. Trẻ em cũng thường đố nhau khi ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, nơi bờ kênh, hoặc trên đường tung tăng chân sáo, cắp sách đến trường. Những cuộc đố vui cũng là một cách giải trí tinh thần, vì chủ yếu người chơi dùng óc phán đoán, liên tưởng, suy luận. Có ý kiến cho rằng câu đố cũng là một bài toán – không phải là toán số học mà là “toán văn học” – đòi hỏi người giải phải tuân thủ một lôgích hợp lý, chặt chẽ theo cách riêng của câu đố. Nếu ca dao, dân ca là tiếng nói của tình cảm, thì câu đố là tiếng cười của trí tuệ, bởi vì người thi tài muốn đoán, giải đúng phải có những điều kiện như: vốn sống, kiến thức và kinh nghiệm dồi dào, có một tư duy liên hội phong phú và linh hoạt. Đồng thời cũng phải có tinh thần “cảnh giác” đối với người ra câu đố, vì lắm khi bị đánh lừa bởi kỹ thuật diễn tả để làm lạc hướng suy luận của đối phương. Câu đố càng lắt léo, càng hóc búa mà được người giải đoán đúng sẽ tạo thêm niềm thích thú tinh thần cao độ, không những cho kẻ được cuộc mà cả cử tọa tham dự cuộc chơi.
    Cũng như ca dao và nhiều loại hình văn nghệ dân gian khác, chúng ta bắt gặp ở Bến Tre những câu đố về người, về cây, về loài vật, về đồ dùng, về sinh hoạt, về chữ… vốn phổ biến ở nơi khác, thậm chí không ít câu đố có gốc gác từ nơi đất cũ được những lưu dân mang theo cùng với hành trang của mình trên bước đường di chuyển, Những câu đố này, nhất là những câu đố mang tính địa phương rõ nét. Một số ví dụ:
    Về hiện tượng vũ trụ:
    Bằng cái dĩa, sỉa xuống ao
    Đào không thấy, lấy không lên
    (Mặt trăng)
    Về thực vật:
    Đầu rồng, đuôi phượng le te
    Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con
    (Câu cau và buồng cau)
    Về động vật quen thuộc:
    Bốn ông đập đất, một ông phất cờ
    Một ông vơ cỏ, một ông bỏ phân
    (Con trâu: 4 chân, đuôi, mõm, lỗ đít)
    Về sinh hoạt:
    Anh đỏ liếm đít chị đen
    Chị đen không nói, ăn quen liếm hoài.
    (Ngọn lửa và đít nồi)
    Có thể dẫn ra một loạt trường hợp tương tự, từ cái cối giã trầu, ông bình vôi của bà mẹ đến nồi cơm, cái gáo múc nước, từ cây cỏ, vật dụng trong nhà đến chiếc xuồng, tấm lưới cho đến cả trăng, sao trên trời.
    Tuy nhiên, những câu đố chiếm số lượng nhiều nhất vẫn là những câu đố được gắn liền với cuộc sống chung quanh. Người ta có thể nhận biết nó, khi câu đố liên quan với tên đất, tên sông, các sự kiện lịch sử đã từng xảy ra ở địa phương hay sự nghiệp của một nhân vật cụ thể… Nhưng không phải khi nào cũng vậy. Rất nhiều câu đố chỉ mang dấu ấn tâm lý, tính cách con người, cảnh sắc, sản vật địa phương… mà muốn xác định phải có một sự suy đoán, liên hệ, đối chiếu công phu.
    Trước hết, đó là loại câu đố về quê hương, về những đặc sản nổi tiếng, về những nhân vật tiêu biểu. Thường thì những câu đố này vừa hàm chứa tình yêu mến, vừa pha lẫn niềm tự hào.
    Để khẳng định một vùng đất trù phú:
    Quê em ba dải cù lao
    Có dừa ăn trái, có cau ăn trầu
    (tỉnh nào?)
    Quê anh có cửa biển sâu
    Có ruộng lấy muối, có dâu nuôi tằm.
    (Huyện nào?)
    Những câu trên đây vừa thuộc dạng ca dao, vừa là câu đố. Nói chung, loại câu đố này đơn giản, ít lắt léo, nên việc đoán giải không khó.
    Dừa và cau là hai loại đặc sản nổi tiếng của địa phương – có hàng chục câu đố về cau và dừa. Tuy vậy có những câu, nếu không có sự suy luận, liên hội tốt thì không dễ đoán giải được.
    Ví dụ:
    Sông không đến, bến không vào
    Lơ lửng giữa trời làm sao có nước?
    Hoặc:
    Giữa lưng trời có vũng nước trong
    Cá lòng tong không mong lội tới.
    Hay câu đố về động tác trèo cau:
    Chân trói, tay bíu, khu nắc, mắt nhìn
    Hai tay thì tréo
    Hai chân thì trói
    Cái đít thì lắc
    Con mắt ngó chừng.
    Người ra câu đố cũng khi mượn được một tâm trạng để chỉ một loại cây trái phổ biến trong vùng:
    Một mình âm ỉ canh chầy
    Dĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh.
    (Trái sầu riêng)
    Chất trí tuệ dân gian đôi khi được vận dụng một cách thông minh, nhằm lái suy nghĩ của người đoán giải về một hướng khác để chệch mục tiêu cần tìm. Từ chỗ miêu tả một động tác hái trái vốn là một sản phẩm phổ biến ở địa phương (thực vật), người ra đố lại nhằm về một món ăn (xuất thực vật) phổ biến trong bữa cơm nhà nghèo, theo lối nói lái:
    May không chút nào nữa thì lầm
    Cau dầy không bẻ, bẻ nhằm cau ranh
    (Canh rau)
    Thực chất cái gọi là “đố”, chỉ gói tròn trong hai chữ cuối cùng.
    Đất Bến Tre cũng là nơi sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký… Loại câu đố “xuất nhân danh” ở đây cũng đã khắc họa được đặc trưng riêng về những con người đó. Có trường hợp đọc lên là có thể hiểu ngay như câu đố về cụ Đồ Chiểu:
    Quyết tâm rửa sạch quốc thù
    Ô hô cặp mắt, công phu lỡ làng.
    Hay như câu đố về người phụ nữ làm chủ bút tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở nước ta, tờ Nữ giới chung: bà Sương Nguyệt Anh.
    Đem chuông lên đánh Sài Gòn
    Để cho nữ giới biết con ông Đồ.
    Cũng có những câu đố “Xuất nhân danh” đòi hỏi người đoán giải phải có kiến thức về lịch sử như trường hợp câu đố về nhà bác học Trương Vĩnh Ký:
    Xứng danh thập bát văn hào
    Soạn nhiều sách quý giúp trào hậu lai.
    Bến Tre là một trong một số tỉnh ở Nam Bộ có phong trào học chữ Nho phát triển mạnh vào thế kỷ XIX. Những thầy đồ Huế, thầy đồ Quảng chính cũng là những tác giả loại câu đố “xuất Hán tự”. Để trả lời đúng loại câu đố này, người đoán giải bắt buộc phải biết chữ Nho:
    Chữ ngũ mà chẳng có đầu
    Chữ ngưu dưới khẩu lộn nhầu một khuôn
    (Chữ vi: vây quanh)
    Cô là con gái còn son
    Cớ sao lại để đứa con ngồi kề.
    (Chữ hảo: ưa thích)
    Từ sau khi chữ quốc ngữ được phổ biến rộng, ở Bến Tre lại có thêm một loại câu đố “xuất quốc ngữ” theo mẫu tự La-tinh.
    Nếu lối “đố tục, giảng thanh” là một đặc trưng của câu đố Việt Nam, thường tạo nên những yếu tố bất ngờ, trào lộng mà cái nghĩa ẩn của nó lắm khi làm đỏ mặt các cô gái và cả những “nhà đạo đức” đạo mạo, thì ở Bến Tre loại câu đố này, ngoài tính chất chung trên, còn mang sắc thái địa phương của một vùng sông nước, cây trái dồi dào. Chính cái tính chất trào lộng, đa ý, đa nghĩa đó làm cho cuộc đố trở nên sôi động, rôm rả, hấp dẫn, kéo theo những trận cười sảng khoái trong những cuộc chơi:
    Đem em mà bỏ xuống xuồng
    Chèo ra khúc vịnh lột truồng em ra.
    (Nghề ươm tơ thủ công)
    Rõ ràng là nếu ai chưa một lần trông thấy cảnh cô thợ ươm tơ vừa bỏ những chiếc kén tằm vào nồi nước sôi, vừa dùng đôi đũa để điều khiển mối tơ ra cho đều thì khó đáp nổi câu đố trên. Câu đố cũng phản ảnh một giai đoạn lịch sử (ươm tơ, dệt lụa) của đất Ba Tri từ hơn nửa thế kỷ trước.
    Hoặc câu đố nói về động tác của người ngư dân làm nghề đóng đáy trên các cửa sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên…
    Canh một thì trải chiếu ra
    Canh hai xét vú, canh ba rà mồm
    Canh tư khởi ép sự dồn
    Canh năm cuốn chiếu, rửa trôn, việc rồi.
    Cái nghề lao động khá vất vả trên sông nước này lại được người ra câu đố miêu tả như một cuộc “mộng du” theo trình tự thời gian từ canh một cho chí canh năm: “trải chiếu” (giăng đáy), “xét vú” (kiểm tra rốn đáy), “rà mồm” (rà soát lại miệng đáy), “cuốn chiếu”, “rửa trôn” (kết thúc một đêm vật lộn trên sóng nước). Cách miêu tả này dễ gây cho người giải đoán một sự liên tưởng chệch hướng, dễ nghiêng về phía cái tục.
    Hoặc câu đố về một loại trái cây quen thuộc:
    Bằng cổ tay treo ngay đầu cột
    Ăn cơm rồi, bắt lột áo ra.
    (Trái chuối tráng miệng sau bữa cơm)
    hay một loài cây (xuất mộc) thường thấy mọc ở các giồng cát vùng Thạnh Phú, Ba Tri:
    Đêm khuya gà gáy o o
    Kiếm mùng em vợ lén bò chun vô.
    (Cây chó đẻ)
    Rõ ràng cái nội dung hàm ý phê phán hành vi phi đạo đức của những anh chàng “dê” nào đó để đánh lừa người đi tìm lời giải đoán.
    Ở Bến Tre, cũng như nhiều tỉnh khác ở Nam Bộ, câu đố còn được vận dụng trong hát đối đáp:
    Thấy anh ăn học Sài Gòn
    Em đây xin hỏi trăng tròn mấy đêm?
    hoặc:
    Thấy anh ăn học Bắc Kỳ
    Em đây hỏi thiệt con bò gì không kêu?
    (Con bò in trên thẻ sôcôla, hay hộp sữa)
    Những cuộc điều tra, khảo sát điền dã, cho thấy ở Bến Tre không có lối đố nói (không vần), đố Kiều như nhiều nơi khác, và lối đố mẹo, đố đoán cũng rất ít xuất hiện.
    (Theo http://www.bentre.gov.vn)

  9. Sông Mã bắt nguồn từ dãy núi Bon Kho thuộc huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), chảy theo hướng tây bắc – đông nam qua huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La), các huyện Mường Ết, Xiềng Khọ, Sốp Bau (tỉnh Hủa Phăn – Lào), huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), các huyện của tỉnh Thanh Hóa:
    Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Sầm Sơn… rồi đổ ra ở dòng chính là sông Mã (cửa Hới – Lạch Trào) cùng hai phân lưu là sông Tào (cửa Lạch Trường) và sông Lèn (cửa Lèn – Lạch Sung).

    Sông Mã có tổng chiều dài 512 km, trong đó đoạn chảy trên tỉnh Điện Biên dài 58 km (11%), đoạn chảy qua tỉnh Sơn La dài 82 km (16%), đoạn chảy qua tỉnh Hủa Phăn (Lào) dài 102 km (20%), đoạn chảy qua tỉnh Thanh Hóa dài 270 km (53%). Diện tích lưu vực sông Mã là 28.400 km2, phía bắc lưu vực sông Mã giáp lưu vực sông Đà và sông Bôi, phía tây là lưu vực sông Mê Kông, phía nam là lưu vực sông Hiếu và sông Yên, phía đông là biển Đông. Trong 28.400 km2 diện tích của lưu vực sông Mã, phần diện tích của các địa bàn như sau: tỉnh Điện Biên: 2.150 km2 (7,5%), tỉnh Sơn La: 4.600 km2 (16,2%), tỉnh Hủa Phăn (Lào): 10.310 km2 (36,3%), tỉnh Hòa Bình: 1.790 km2 (6,3%), tỉnh Thanh Hóa: 8.900 km2 (31,3%), tỉnh Nghệ An: 650 km2 (2,28%).

    Hệ thống sông Mã có 90 sông nhánh: 40 sông nhánh cấp I; 33 nhánh sông cấp II; 16 nhánh sông cấp III; và 1 nhánh sông cấp IV. Trong 40 sông nhánh cấp I có 5 sông diện tích lưu vực từ 1.000 km2 trở lên là: Nậm Khoai, Nậm Lương (sông Luồng), sông Lò, sông Bưởi và sông Chu. Tổng lượng nước của hệ thống sông Mã là 20,1 km3/năm.

    Sử cũ gọi là sông Lỗi Giang; ngoài ra còn có nhiều tên gọi khác như sông Tất Mã, Lễ, Định Minh, Nguyệt Thường, Hội Thường. Cũng giống như nhiều dòng sông khác của Việt Nam, có rất nhiều cách giải thích khác nhau về tên gọi của sông Mã:

    Cách giải thích thứ nhất: Người Kinh ở vùng đồng bằng Thanh Hóa cho rằng “Mã” là một từ Hán – Việt có nghĩa là “Ngựa”. Sông có tên gọi “Mã” vì dòng nước chảy xiết, nhanh và mạnh như ngựa phi, và “sông Mã” có nghĩa là “sông Ngựa”.

    Cách giải thích thứ hai: Sông Mã có nghĩa là “sông Mẹ”. Mạ trong tiếng Việt xưa (nay còn lưu lại trong phương ngữ miền Trung) vốn có nghĩa là “Mẹ”. Những con sông lớn ở vùng Đông Nam Á thường được gọi cái tên có nghĩa “Mẹ”. Ví dụ: tiếng Việt có sông Cái, rào Cái = sông Mẹ; tiếng Thái Lan có Menam = sông Mẹ; tiếng Mông cổ có Meklong = sông Mẹ.

    Vậy tên gọi sông Mã không ngoài quy luật đặt địa danh nêu trên trong toàn vùng, có nghĩa sông Mã = sông Mạ = sông Cái (nghĩa là “sông Mẹ”).

    Cách giải thích thứ ba: Người Thái ở xã Mường Lèo và một số vùng khác thuộc huyện Sốp Cộp và huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) gọi tên của sông là “Nậm Mạ”. Cách gọi này xuất phát từ việc ở đầu nguồn của sông có nhiều cây “Pháp mạ” (rau mạ) nên đã lấy tên của loại rau đặt tên cho con sông là “Nậm Mạ” (sông cây rau mạ).

    Có thể thấy kiểu đặt tên sông hoặc địa danh như vậy khá phổ biến trong vùng người Thái cư trú ở khu vực Tây Bắc Việt Nam. Ví dụ: “Nậm Rốm” thì “Rốm” (chính xác “Rôm” là “cây Lát”; “Nậm Rốm” có nghĩa là “sông cây Lát”. Hồ “Pa Khoang” thì “Pa” (chính xác “Pà”) là “rừng”, còn “Khoang” là “cây Trúc”; hồ “Pa Khoang” có nghĩa là hồ “rừng Trúc”. Ngã ba “Pa Háng” thì “Háng” là “cây Dang”; ngã ba “Pa Háng” có nghĩa là ngã ba “cây Dang”. Dốc “Pù Pa vai” thì “Pù” là “Núi”, “Pa vai” là “cây Mây”; Dốc “Pù Pa vai” có nghĩa là dốc “núi cây Mây”. Sông Hồng đoạn chảy qua tỉnh Phú Thọ được gọi là “sông Thao”, có nguồn gốc từ ngôn ngữ Tày – Thái cổ: “Nậm Tao”. Người Việt ảnh hưởng cách gọi này nên đã đặt tên là “sông Thao”. Hoặc bản “Co Cài” có nghĩa là bản “Cây Đào”…

    Cách giải thích thứ tư: Các tộc người Lào và Phu Thay ở một số vùng thuộc các huyện Mường Ết, Xiềng Khọ, Sốp Bau của tỉnh Hủa Phăn (Lào) gọi tên của sông là “Nậm Má”. Trong ngôn ngữ của cư dân vùng này thì “Nậm” là “nước”, “Má” là “dâng cao”. “Nậm Má” có nghĩa là nước của dòng sông hay dâng cao tràn bờ và gây lũ lụt vào mùa mưa.

    Sông Mã bắt nguồn từ không gian văn hóa Thái và chảy qua 4 không gian văn hóa Thái, Lào, Mường, Việt. Trong đó văn hóa Việt chịu nhiều ảnh hưởng và tác động của Nho giáo, Đạo giáo (dù không sâu đậm như vùng đồng bằng sông Hồng)…; văn hóa Lào chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo (dù không sâu đậm như vùng dọc theo sông Mê Kông); văn hóa Thái và Mường hầu như không bị tác động của các yếu tố trên. Có thể nói đây là khu vực “phi Hoa, phi Ấn”! Vậy mà cả 4 tộc người (4 giá trị văn hóa) đều gọi tên là sông Mã. Vấn đề đặt ra là tộc người nào gọi tên sông Mã đầu tiên để tộc người khác bị ảnh hưởng, hay là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong cách đặt tên sông của các tộc người?

    Từ những nội dung đã phân tích, tôi cho rằng cách giải thích thứ nhất là cảm tính, suy diễn, thiếu cơ sở thực tiễn; còn 3 cách giải thích sau đều căn cứ vào ngôn ngữ và văn hóa của cư dân trong không gian sinh tồn nơi dòng sông chảy qua. Mặc dù nghĩa của từ “mạ”, “má” khác nhau nhưng khi phát âm lại tương đối giống nhau, đặc biệt là khi viết theo chữ cái la tinh đều có phụ âm “m” và nguyên âm “a”. Do vậy, các tộc người gọi tên sông theo cách của mình và chấp nhận cách gọi tên sông của tộc người khác, tất cả đều gọi là sông Mã.

  10. giải thích tên sông Mã theo http://www.thanhhoafc.net

  11. Lật nhà hàng nổi 2 tầng, nhiều người mất tích

    Chiều 20/5, chiếc tàu chở thực khách của khu du lịch Dìn Ký, tỉnh Bình Dương đang quay trở lại bến bất ngờ gặp gió lớn bị lật xuống sông. Ít nhất 15 người mất tích trong đó có nhiều trẻ nhỏ.
    Khách sạn bằng thuyền của khu du lịch. Có kích thước nhỏ hơn thế này, nhà hàng nổi bằng thuyền có sức chứa khoảng 100 thực khách. Ảnh: Nguyệt Triều.

    Theo thông tin ban đầu, 18h30 ngày 20/5, tàu 2 tầng của khu du lịch Dìn Ký, chi nhánh cầu Ngang chở theo hàng chục du khách ăn uống, di chuyển chậm trên sông Sài Gòn thì bất ngờ trời mưa to kèm gió lớn. Quay đầu về bến cách bờ chừng 100 m tàu bất ngờ chao đảo, lật ngang khiến nhiều người bị chìm xuống sông.

    Hơn chục xe cấp cứu cùng lực lượng chức năng có mặt khẩn trương cứu hộ cứu nạn. Ông Lê Văn Đức (quê Bến Tre) nhận là thuyền trưởng con tàu bị nạn đã đến trình diện và được cơ quan công an cách ly lấy lời khai.
    Lựu lượng cứu hộ được điều động rất đông đến hiện trường
    Lựu lượng cứu hộ được điều động rất đông đến hiện trường. Ảnh: Nguyệt Triều.

    Theo ghi nhận ban đầu của cơ quan chức năng, tại thời điểm xảy ra tai nạn, ở lầu 1 đang tổ chức sinh nhật cho con trai ông Quách Lương Tài. 15 người tại đây được xác định mất tích trong đó có 5 trẻ em. Riêng gia đình ông Tài có tới 6 người gặp nạn bao gồm 2 đứa con. Chỉ mình ông Tài thoát ra được, bơi vào bờ. Còn trên tầng 2 của con tàu, cơ quan chức năng chưa xác định được có người hay không.

    Gần 22h đêm, hàng chục cảnh sát, 10 thợ lặn từ TP HCM đã được huy động cùng lực lượng địa phương khẩn trương cứu hộ.
    Nhiều người trèo lên cây cổ thụ ở phía bờ để ngóng chờ tin tức từ lực lượng cứu hộ.
    Nhiều người trèo lên cây cổ thụ ở phía bờ, ngóng chờ tin tức từ lực lượng cứu hộ.
    * Xem thêm ảnh cứu hộ tại hiện trường

    Anh Phạm Xuân Long, một trong những người thoát nạn kể, lúc đó trời mưa to, các cửa trên tàu đều đóng chặt để tránh nước tạt vào. Khi tàu chạy về bến bất ngờ một cơn gió to làm tàu lật ngang. “Nhiều người trên tàu hốt hoảng cầu cứu. Tôi đập bể cửa sổ tàu, thoát được ra ngoài, nhưng em gái tôi và cháu trai (9 tuổi) con bà chị bị mắc kẹt bên trong”, anh Long bàng hoàng kể.

    Anh Đồng Xuân Vũ, quê ở Thái Nguyên cho biết, em gái Đồng Thị Thanh Hoa (23 tuổi) cũng bị nạn trên tàu khi đi ăn sinh nhật cùng nhóm bạn trong công ty. Khi hay tin anh vội lao xuống nhưng hiện trường đã bị phong tỏa. Hiện anh vẫn chưa biết được tin em gái mình sống chết ra sao.
    TP HCM đã chi viện cả chục thợ lặn xuống hiện trường
    TP HCM đã chi viện cả chục thợ lặn xuống hiện trường. Ảnh: Nguyệt Triều.

    Suốt đêm qua, 6 chiếc ca nô quần đảo liên tục nhưng vẫn chưa xác định được vị trí con tàu gặp nạn. Chiếc tàu 2 tầng đã chìm nghỉm dưới lòng sông. Do dòng nước chảy siết, việc cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn.

    Theo nhiều người dân, Tàu du lịch Dìn Ký những ngày cuối tuần rất đông khách. Thường tàu chạy trên sông Sài Gòn, khi tới cầu sắt Phú Long, giáp quận 12 (TP HCM) thì ngược lại trở về địa phận Bình Dương.

    Tàu này thuộc quản lý của Khu du lịch xanh Dìn Ký cầu Ngang nằm ở xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây được quảng cáo là khu du lịch độc đáo mang nét dân dã của miền sông nước Nam Bộ với các dịch vụ chèo thuyền, tham quan đường sông bằng ca nô, nhà hàng nổi trên sông.
    http://vnexpress.net

  12. Thăm đảo Đàn Bà ở Mexico

    (TNTS) Trong dịp đến Cancun, thành phố ven biển phía đông của Mexico, chúng tôi được thăm đảo Isla Mujeres cách Cancun chừng 45 phút đi tàu. Đây là nơi ngày xưa dân tộc Mayan thờ nữ hoàng của họ nên có tên là đảo Đàn Bà.

    Đảo nhỏ, chỉ dài 7 km, rộng 650m, nhưng luôn thu hút rất đông du khách nhờ bãi biển nước xanh như ngọc đang ôm lấy bờ cát trắng mịn trải dài. Du khách có thể đặt mua tour ngay khách sạn, sẽ có xe đến đón và tàu chở qua đảo chơi, đi từ sáng đến chiều bao cả ăn uống và đưa đi chơi. Nếu muốn đi rẻ hơn thì bắt taxi hay đón xe bus đến bến tàu tự mua vé qua đảo. Khi lên xe, bạn chỉ cần nói bác tài xế ngừng ở bến mình muốn đến là yên tâm ngay…

    Ảnh: shutterstock

    Ngồi trên tàu hỏa tốc hành, nhìn xuống mặt nước thấy rõ cả đáy biển mặc dù tàu chạy nhanh và biển rất sâu. Nước trong và cát trắng nên chúng tôi thấy cả những ngọn cỏ rong mọc ở dưới đáy. Ở đây họ có sẵn kính lặn cho du khách dùng để xem cá nếu mình không có mang theo và có hướng dẫn viên đưa khách đi bơi xem cá. Cá ở đây lớn hơn gang tay và rất dạn. Khi tôi có thức ăn, chúng tới thành bầy cả trăm con để ăn và có thể bắt cá bằng tay được. Sau đó ghe đưa chúng tôi đến bãi biển Garafón ăn trưa. Thức ăn được đặt sẵn ở một nhà hàng nhỏ, gồm cá nướng dùng với cơm, đậu xào theo kiểu “Mễ”, rau xà lách và bánh tráng Mễ (tortilla).

    Khu phố chính của Isla Mujeres rất nhộn nhịp hàng quán, nên ai muốn mua sắm thổ sản thì cứ sang đây. Quán nước và khách sạn bình dân rất nhiều. Khách sạn giá chỉ 35 USD/phòng cho hai người, bao luôn ăn sáng. Những khách sạn mini thu hút khá nhiều du khách thanh niên nam nữ độc thân trẻ tuổi đến từ Na Uy, Thụy Điển, Mỹ, Pháp, Canada…

    Nhà cửa trên đảo sơn đủ thứ màu rất chói chang, trộn chung hỗn hợp: hồng, tím nhạt, vàng, cam, đỏ, xanh lá cây… nhìn rất ngộ nghĩnh và bắt mắt. Isla Mujeres cũng có nhiều chỗ đi chơi khác. Cách tham quan đảo tốt nhất là thuê xe điện golf cart giá 45 USD cho nguyên ngày. Ngoài ra, cũng có taxi đưa bạn đi bất cứ đâu giá từ 5-10 USD tùy theo đi xa hay gần.

    Chúng tôi ghé thăm trại nuôi đồi mồi (đến mùa, đồi mồi lên bờ đẻ trứng vào ban đêm, người ta đem trứng về hồ “nuôi” cho đến lớn rồi thả ra biển lại), những hồ nuôi đồi mồi đủ loại và cỡ khác nhau. Tại đây cũng có nuôi những con vật khác sống dưới biển như: sao biển, các loại ốc và cá lạ…

    Tôi thích vào buổi chiều khi tất cả tàu bè đã về lại Cancun, Isla Mujeres trở nên vắng lặng. Ngồi ở bãi biển nhìn nước trong xanh với những ngọn sóng li ti đánh vào bờ và xem mặt trời lặn, thật thú vị.
    http://www.thanhnien.com.vn

  13. ai biet tai lieu, thong tin ve le hoi hien dai, cu the chinh xac la ve le hoi hien dai festival Hue thi lien he voi minh nhe! thank! minh dang lam bao cao tot ngiep. mminh co rat it thong tin ve festival hue.

  14. Dấu xưa xe ngựa… đất Thủ – Bình Dương…

    Cùng nhắc đến hình ảnh chiếc xe ngựa, nhưng trong câu thơ đầy xúc cảm của Bà Huyện Thanh Quan: “Dấu xưa của xe ngựa hồn thu thảo” thì mênh mông một nỗi u hoài muôn thuở của con người trước sự phế hưng biến đổi cùng năm tháng: “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Còn “dấu xưa xe ngựa…” sắp nói sau đây là nỗi buồn man mác, khi nhớ về chiếc xe thổ mộ (xe ngựa) cụ thể, một hình ảnh quen thuộc đã gắn liền với cuộc sống của cư dân Bình Dương từ những năm tháng xa xưa cho đến tận thời gian gần đây. Thế mà hiện nay đã gần như vắng bóng trên đường phố và cả đường làng ở vùng nông thôn Bình Dương.

    Trở lại thời mới khai khẩn miền đất mới phương Nam, đất Thủ Dầu Một là một trong những cái nôi hình thành chiếc xe thổ mộ ở Nam bộ. Trong từ điển tiếng Việt miền Nam, học giả Vương Hồng Sển giải thích: “Xe thổ mộ là chiếc xe do một ngựa kéo dùng chở hàng hóa cho khách bộ hành vùng ngoại ô Sài Gòn, Chợ Lớn, Lái Thiêu” (sđd trang 643). Có nhiều giải thích vì sao xe ngựa được gọi là xe thổ mộ. Về nguồn gốc, địa chí thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xe ngựa của Nam bộ là phỏng theo mô hình kiểu xe song mã của Âu châu. Các nhà văn Sơn Nam, Nguyễn Nguyên giải thích “thổ mộ” bắt nguồn từ hai chữ “thảo mã” nghĩa là loại xe dùng ngựa để chở cỏ của người Trung Quốc. Người khác cho rằng, trước đây việc chở quan tài để chôn xa phải dùng đến xe ngựa đưa đến chỗ đất (thổ) mồ mả (mộ), nên quen gọi xe ngựa là xe thổ mộ (theo ông Hoàng Anh SGGP số 375/1998). Nhưng số đông tác giả cho rằng, vì mui chiếc xe có hình khum khum mu rùa, giống như nấm mộ (mả đất) nên xe được gọi là xe thổ mộ. Ngoài ra có nhiều cụ già Bình Dương lại khẳng định rằng, thổ mộ là tên gọi xe Thủ Dầu Một do nói nhanh, nói gọn của người Nam bộ mà thành. Cách giải thích trên, nhất là giải thích xe thổ mộ là tên để chỉ xe ngựa Thủ Dầu Một còn phải được tìm hiểu thêm. Nhưng rõ ràng, đất Thủ Dầu Một – Bình Dương có nhiều mối quan hệ trong việc hình thành, sáng tạo cũng như việc sớm sử dụng một cách rộng rãi và lâu dài đối với chiếc xe thổ mộ này.

    Từ cuối thế kỷ XIX, đất Thủ Dầu Một là nơi nghề thủ công phát triển mạnh, kinh tế giao thông hàng hóa rộng khắp nhờ vào nguồn nhân lực, thợ lành nghề đông đảo, nguyên vật liệu gỗ rừng, khoáng sản đặc dụng, dồi dào, lại ở vị trí thuận lợi cho việc giao thương đường thủy, đường bộ, tạo nên một quang cảnh tấp nập “trên bến dưới thuyền”, nhu cầu đi lại, chuyên chở hàng hóa rất lớn. Đường bộ, ngoài đôi chân, phương tiện giao thông gần như duy nhất là xe ngựa, vì thế nghề chế tác xe thổ mộ và nghề chuyên chở bằng loại xe này nhanh chóng phát triển. Sự phát triển này còn ghi rõ trong các bài vè, câu hát, ca dao… và trong bài vè chợ Thủ dưới đây cho thấy cùng với nghề mộc (trại cưa) nghề xe thổ mộ rất thịnh hành, số xe tại bến xếp thành hàng dài để chở khách:

    “Xuống tới đầu chợ

    Trại cưa trước mặt

    Thổ mộ có hàng

    Rủ nhau soạn bàn

    Đi về Bưng Cải

    Mênh mông đại hải

    Khắp cả Châu Thành”

    (Vè chợ Thủ – trích Dân ca Sông Bé, NXB Tổng hợp 1991, trang 49)

    Từ xưa nay, chợ Thủ Dầu Một luôn là ngôi chợ trung tâm của tỉnh lỵ, chợ đầu mối đưa nhận khách và hàng hóa đi về giữa Thủ Dầu Một và Sài Gòn – Gia Định hoặc giao nối đi về các thị trấn làng xã trong tỉnh. Vì thế trong bài “Vè 47 chợ” đã mô tả nét đặc biệt về sự nhộn nhịp ra vào “dọc ngang” của đoàn xe thổ mộ tại ngôi chợ quan trọng hàng đầu này:

    “…Thiên hạ thất kinh

    Là chợ Hớn Quản

    Khô như bánh tráng

    Là chợ Phan Rang

    Xe thổ mộ dọc ngang

    Là chợ Thủ Dầu Một

    Khỏi lo ngập lụt

    Là chợ Bưng Cầu…”

    (Vè 47 chợ)

    Theo nhiều tài liệu, vào đầu thế kỷ XX, phương tiện giao thông của cả miền Đông Nam bộ chỉ có khoảng năm ba chiếc ô tô (lúc bấy giờ gọi là xe điện), chạy các tuyến đường Sài Gòn – Chợ Lớn, Sài Gòn – Hóc Môn, Sài Gòn – Thủ Dầu Một. Đó là những chiếc xe đò còn rất thô sơ, nhưng chỉ những người quyền quý, có tiền mới dám sử dụng. Còn đa số dân lao động thường đi bộ, khá hơn thì đi xe thổ mộ, nhất là khi có hàng hóa cần phải chuyên chở thường phải dùng đến loại xe ngựa này. Vì vậy, xe thổ mộ có cơ hội phát triển nhanh. Các cơ sở đóng xe ngựa và nuôi ngựa đã sớm được hình thành và cũng hình thành luôn cả một đội ngũ chuyên làm nghề đánh xe ngựa. Tuy xe ngựa đã xuất hiện nhiều nơi ở Nam bộ, nhưng vào thời ấy cả vùng Đông Nam bộ chỉ có vài ba nơi có khả năng sản xuất được chiếc xe ngựa và thường dùng loại phương tiện này là ở Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Dầu Một và Lái Thiêu. Hai trong 4 địa danh ấy nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương ngày nay; Điều đó cho thấy, xe thổ mộ thời xa xưa đã rất phát triển ở Bình Dương. Người ta vẫn gọi xe sản xuất tại đây là xe Thủ Dầu Một để phân biệt với xe nơi khác. Hơn thế, trong việc truyền miệng trong dân gian, nhiều người còn tin rằng chợ Thủ, chợ Lái Thiêu là cái nôi đầu tiên sản sinh ra chiếc xe “thùng Thủ”, tức là chiếc xe ngựa – xe thổ mộ đã nói trên.

    Nhiều cụ già đất Thủ cho rằng ở các vùng Tương Bình Hiệp, Tân An, Hiệp An, Phú Cường có nhiều cơ sở đóng thùng xe rất đẹp, bền chắc và trang nhã. Còn nơi làm bánh xe, trục xe bền chắc hơn cả là vùng Thuận Giao, An Thành vì nơi đây có nhiều thợ rèn lành nghề.

    Theo các tác giả Pháp là L.De Grammont và Baurac, các chiếc xe song mã sang trọng được đưa vào đất Bình Dương và miền Đông Nam bộ để phục vụ cho một số quý tộc, quan lại Pháp vào những năm 90 thế kỷ XIX. Thấy loại xe này đẹp và tiện dụng, người thợ Bình Dương vốn khéo tay liền mô phỏng để chế tác ra chiếc xe thổ mộ. Việc mô phỏng này thành công dễ dàng, vì ở Bình Dương không chỉ có thợ mộc giỏi mà còn có nhiều loại gỗ quý tốt cứng chắc để làm xe. Lúc đầu trục xe, căm xe làm bằng gỗ cứng, về sau cải tiến làm bằng sắt do các thợ rèn tài nghệ đảm nhiệm, nên xe càng chắc chắn di chuyển càng thêm dễ dàng. Từ chỗ thùng xe đóng không mui, sau cải tiến thành có mui che mưa nắng thêm tiện lợi. Ban đầu chưa có đèn chuông, về sau có gắn đèn chai lồng và lục lạc để báo hiệu… Đặc biệt, khi hoàn chỉnh một chiếc xe, việc chọn giống ngựa ô, ngựa khỏe ở vùng Tân Sơn Nhất, Gò Vấp, Hóc Môn là một bổ sung rất quan trọng để chiếc xe thổ mộ được đưa ra sử dụng. Kiểu dáng, kích thước của chiếc xe thổ mộ có thể thay đổi cho thích hợp tùy theo công việc sử dụng, nhưng nói chung, vẫn luôn có sự cải tiến cho đẹp hơn, tiện dụng hơn. Kích cỡ xe thổ mộ về sau dài và rộng hơn xe thời trước.

    Xe thổ mộ có lợi thế là rẻ tiền, gọn nhẹ, đi lại được nhiều nơi có địa hình phức tạp, nhất là phù hợp với số đông người lao động thời bấy giờ. Nếu tính từ lúc ra đời, xe thổ mộ đất Thủ đã tồn tại trên 100 năm. Trước năm 1945, Bình Dương có rất nhiều xe ngựa, riêng tại chợ Thủ có 3 bến xe thổ mộ với gần 50 chiếc. Tiền xe một người đi xấp xỉ tiền một tô hủ tiếu cho đoạn đường trung bình 10km.

    Nhiều người cho rằng vị tiền bối của nghề đóng xe ngựa ở Thủ Dầu Một là cụ Trần Văn Ký, sinh năm 1883. Nhưng người sắm xe thổ mộ sớm nhất tại vùng đất này là ông Hương quản Luốc ở xã Định Hòa (gần chợ Bưng Cầu, thị xã Thủ Dầu Một).

    Người cũng nổi danh về nghề đánh xe ngựa mà còn nhiều nơi đều biết tiếng không ai khác hơn là người con trai của vị tiền bối Trần Văn Ký nói trên: đó là ông Sáu Xích, đã có hơn 40 tuổi nghề. Theo ông Sáu, nghề đóng xe ngựa từ xưa không có trường đào tạo mà chỉ là nghề truyền thụ trong gia đình: cha dạy con, con dạy cháu. Cũng theo ông Sáu, phần gay go nhất trong các công đoạn đóng xe vẫn thuộc về phần gia công bánh xe và các bộ phận chịu lực tải, phần thân xe và gọng kéo thì đơn giản. Bánh xe là phần chịu tải chính phải tuyệt đối bảo đảm trong quá trình chế tạo. Một bánh xe ngựa có 6 miếng đà, 12 thanh căm phải làm bằng gỗ giáng hương hoặc gỗ chò. Khó khăn nhất đòi hỏi tay nghề cao là khâu làm sao cho vành đai đế niềng 6 miếng vỏ khít mí.

    Hiện nay, nghề xe thổ mộ không còn hoạt động nữa, nhưng Bình Dương vẫn còn là nơi hiếm hoi ở miền Đông Nam bộ có khả năng phục chế được nhiều kiểu xe ngựa trước đây để phục vụ cho nhu cầu của một số cơ sở, trung tâm điện ảnh, du lịch ở phía Nam.

    Riêng ông Sáu Xích vừa nói ở trên, nhờ vào kinh nghiệm tay nghề và uy tín cá nhân, ông nhận được hợp đồng tái tạo xe ngựa cho các khu du lịch trong nước và khách nước ngoài. Nhiều loại xe ngựa như xe kính (xe ngựa chở khách có hai cửa), xe lá liễu có mui đều được ông chế tác theo yêu cầu của nơi đặt hàng. Giá một chiếc xe thổ mộ ít nhất cũng trên mười mấy triệu đồng, xe lá liễu thì còn cao giá hơn. Ông Sáu cũng cho biết xu hướng thẩm mỹ của khách mua xe hiện nay: “Chừng mấy năm gần đây yêu cầu thẩm mỹ trong cách trang trí cũng bắt đầu có xu hướng cổ chuộng xưa, cho nên tôi cũng sản xuất theo đơn đặt hàng những chiếc xe thổ mộ, xe lá liễu thu nhỏ để trang trí…”.

    Được biết số đơn đặt hàng của các quán cà phê lớn, sang trọng ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh càng gia tăng đối với sản phẩm bánh xe ngựa do ông sản xuất để dùng vào việc trang trí có tính hoài cổ này. Giả một bánh xe ngựa (không dùng để chạy) hơn cả triệu bạc.

    Tương tự như vậy, theo nghệ nhân Trần Văn Trí, chủ cơ sở mỹ nghệ Trung Trí cũng cho biết nghề làm bánh xe bò ở các vùng Hưng Định, Vĩnh Phú cũng có cơ may phục hồi đáng kể. Những bánh xe bò làm ra ở đây không phải dùng cho chiếc xe bò mà được xuất khẩu qua nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản… để trang trí các khu du lịch, khu resort của họ (Báo Tuổi Trẻ số 256 ngày 18-9-2008).

    Một nghệ nhân khác cũng rất nổi tiếng, không phải vì ông chỉ có tài phục chế được các cỗ xe ngựa của Bình Dương xưa, mà trực tiếp tham gia nhiều bộ phim ở nhiều nơi, nhiều phim trường gần mấy chục năm nay, để làm sống lại hình ảnh, bóng dáng của chiếc xe ngựa vùng quê Nam bộ, mà tiêu biểu hơn cả là chiếc xe ngựa Bình Dương do chính ông phục chế và sử dụng trong nhiều phim. Người đó là ông Hai Sộp, con trai của vị tiền bối trong nghề xe thổ mộ là ông Hương quản Luốc đã nói trên. Ông Hai Sộp hiện ở gần Cầu Ngang, chợ Búng, thị trấn An Thạnh. Ông có cả một khu đất rộng dùng cho tàu ngựa là cơ sở để phục chế xe ngựa.

    Từ năm 1990, ông Hai đã được mời xuống Long Xuyên đóng phim: “Thời thơ ấu” (kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Sáng) đi bằng chính chiếc xe ngựa do ông chế tác. Sau đó, ông lại xuống Cần Thơ tham gia phim “Chân trời nơi ấy” (đạo diễn Trần Vịnh), tiếp theo là các phim “Trường xưa kỷ niệm” (tại Bình Dương), “Giai điệu quê hương”, “Mùi đu đủ xanh”, “Người Bình Xuyên”… Cũng trong năm 1990, một hãng phim truyền hình Pháp mời ông hỗ trợ cho 9 chiếc xe ngựa (theo yêu cầu của hãng) để thực hiện bộ phim “Người tình”. Thành công của phim này có những đóng góp không nhỏ của ông.

    Nhờ chiếc xe ngựa Bình Dương và tài năng của mình, ông đã nghiễm nhiên thành “diễn viên đánh xe ngựa” đặc biệt và quý hiếm vì đồng thời là nhà cung cấp đạo cụ cho các hãng phim trong và ngoài nước ở các cảnh quay có sử dụng ngựa hoặc xe ngựa.

    Ngoài việc “đóng phim”, ông còn đem ngựa, xe ngựa tham gia các lễ hội lớn như Festival Huế và thường nhận đóng vai phục chế các kiểu xe theo đơn đặt hàng của các hãng phim, các khu du lịch như: Bình Quới, Văn Thánh…

    Sở dĩ ông làm được nhiều việc chung quanh cái nghề (chế tác và sử dụng ngựa) tưởng chừng như đã đi dần vào sự quên lãng vì ông có được vốn hiểu biết sâu sắc về nghề này. Nhất là nhờ ông có được lòng say mê và cả sự quý trọng nghề truyền thống của cha ông. Được biết, khi nghề sản xuất và chạy xe thổ mộ ở Bình Dương đã không thể tồn tại và phát triển nữa, các đồng nghiệp của ông đều chuyển nghề… Bao nhiêu đồ phụ tùng xe ngựa của bạn bè giải nghệ, ông đều thu mua, gom lại chất đầy kho. Không ngờ sau đó trở thành “kho tư liệu” quý hiếm không dễ ai cũng có được. Nói về con người đặc biệt này, nhạc sĩ Võ Đông Điền – một nhạc sĩ nổi tiếng ở Bình Dương đã viết: “Giữa cái tất bật hối hả của cuộc sống công nghiệp vẫn còn có một người âm thầm muốn níu lại hồn quê”. Người đó chính là nghệ nhân Hai Sộp.

    Như thế, nghề chế tác và chạy xe thổ mộ là một nghề truyền thống khá lâu đời, gắn bó, quen thuộc với cư dân Bình Dương trong nhiều thập kỷ. Tuy nay nghề này không còn hoạt động nữa, nhưng vẫn còn ghi lại nhiều dấu ấn đậm nét trong trí nhớ nhiều người ở đây. Hình ảnh chiếc xe ngựa trên các nẻo đường làng, trong các lễ hội, đám cưới quê… đã từng tồn tại như một nét sinh hoạt văn hóa của người Bình Dương và có lẽ của cả vùng quê Đông Nam bộ xưa. Vì thế, đến nay vẫn có nhiều người, trong đó không ít người trẻ tuổi vẫn luôn hy vọng rằng, chiếc xe thổ mộ thân quen ấy rồi sẽ tái hiện ở đâu đó trong những không gian của các lễ hội hoặc ở các khu du lịch văn hóa, sinh thái của đô thị Bình Dương cũng như các đô thị đang trên đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa…

    H.H – H.A
    http://www.sugia.vn

  15. NGƯỜI ĐÓNG XE THỔ MỘ CUỐI CÙNG

    Bỏ nghề bác sĩ ở thị thành để về quê gắn bó cuộc đời với những chiếc xe thổ mộ, ông luôn đau đáu nỗi niềm gìn giữ biểu tượng văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ.

    Bước qua cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng lão xà ích Trần Văn Hai, tức Hai Sộp (Hưng Định, Thuận An, Bình Dương) vẫn minh mẫn, tinh anh lạ thường.

    Xưởng đóng xe thổ mộ của Hai Sộp là nơi hiếm hoi còn lưu giữ lại những kiểu dáng xe ngựa xưa với những kỹ thuật chế tạo bí truyền.

    Duyên nợ với xe thổ mộ

    Xe thổ mộ là loại phương tiện đi lại phổ biến ở Sài Gòn-Gia Định vào những năm 80 của thế kỷ XIX. Theo sử sách lược ghi, xe thổ mộ bắt nguồn từ kiểu cỗ xe song mã của Pháp, sau đó được người dân miền Nam chế tác lại cho phù hợp với điều kiện và địa hình của miền quê sông nước.

    Hình ảnh chiếc xe ngựa với những tiếng kêu lách cách và cặp bánh gỗ to đã trở nên thân thương, quen thuộc với bao thế hệ người miền Nam. Bình Dương được xem là kinh đô khởi nguồn của dòng xe này. Xe thổ mộ đã dần vắng bóng, người ta chỉ có thể nhìn ngắm nó qua những bức ảnh hay trong các viện bảo tàng văn hóa dân gian. Vậy mà đến ngày nay, ở mảnh đất Bình Dương có một ông lão ngoài 70 tuổi vẫn chung thủy một đời làm anh xà ích.

    Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề xà ích, từ nhỏ ông Hai đã cùng cha rong ruổi khắp xứ miệt vườn Nam Bộ. “Ngày ấy gia đình tôi có hai chiếc xe thổ mộ chuyên đón hàng ở Chợ Lớn, Lái Thiêu, chợ Thủ Dầu Một… đi các tỉnh miền Tây và ngược lên vùng Bình Phước, Tây Ninh. Đường sá đi lại khó khăn nên xe ngựa là loại phương tiện duy nhất mang hàng hóa đến giao thương với các vùng. Những chuyến đi xa như thế có khi kéo dài gần nửa tháng” – ông Hai kể lại. Hành lý mang theo trong mỗi chuyến đi của cha con ông là bộ đồ nghề dùng để sửa chữa và đóng mới xe thổ mộ. “Đến mỗi vùng đất, nếu có người yêu cầu đóng xe thì cha tôi sẽ nán lại vài ngày đóng giúp họ. Tiền công mà mọi người trả thường là các loại gỗ quý, bền đẹp được đưa về làm vật liệu đóng xe thổ mộ”. Nhiều người biết tiếng xe ngựa ông Ký (cụ thân sinh của ông Hai) vừa gọn nhẹ, bền đẹp mà giá cả lại bình dân nên đến đặt hàng ngày càng đông. Từ một xưởng đóng xe nhỏ chủ yếu phục vụ dân trong vùng, ông Ký đã mở rộng xưởng, thuê thêm nhân công, chế tác ra nhiều kiểu dáng xe ngựa mới. Nhưng dù có xưởng đóng xe, ông Ký vẫn theo nghề xà ích, nhận chở hàng hóa cho khách thương khắp miền.

    Dù đã bước qua tuổi 70 nhưng ông Hai vẫn rong ruổi cùng chiếc xe thổ mộ. Ảnh: TẤN TÀI

    Vốn có niềm đam mê với những chiếc xe thổ mộ nhưng ông Hai phải rẽ sang con đường khác để đi học nghề bác sĩ theo ý nguyện của gia đình. Những năm tháng theo học ngành y ở Sài Gòn không làm ông quên được những chuyến đi xa cùng tiếng kêu lách cách của xe thổ mộ. “Mỗi lần có dịp về nhà, tôi lại chạy ra xưởng, học cha tôi cách đóng, thiết kế xe thổ mộ. Nó cuốn hút tôi một cách kỳ lạ, ngay trong lúc ngủ tôi cũng nghĩ đến cách cài nhíp xe sao cho cân bằng hai bên” – ông Hai nhớ lại. Tốt nghiệp ĐH Y khoa Sài Gòn, ông Hai về làm việc tại BV Chợ Rẫy. Gần hai năm sau thì cha ông qua đời, ông Hai trở về kế nghiệp cha, vừa làm anh xà ích vừa tiếp quản xưởng sửa chữa, đóng xe thổ mộ, tiếp tục thực hiện giấc mơ từ ngày xưa bé.

    Những kỹ thuật bí truyền

    “Xe thổ mộ tuy nhìn đơn giản nhưng có những yêu cầu rất khắt khe và chế tác kỳ công. Kích thước chiều dài, chiều rộng, chiều cao của thùng xe phải cân bằng, đúng quy định. Ngoài ra trên thùng xe phải trổ ba cửa sổ với khoảng cách đều nhau” – anh Trần Hữu Chinh (con trai cả ông Hai) giải thích. Để đóng được một chiếc xe thổ mộ truyền thống, ngoài tay nghề và vốn hiểu biết về loại xe này đòi hỏi người thợ phải kiên trì, nhẫn nại. Các chi tiết của xe thổ mộ phải chính xác, có độ cheo, độ xê dịch để khi di chuyển không bị chao. Khó nhất là giai đoạn đặt nhíp, cân bằng khung xe, có khi phải mất 4-5 ngày mới hoàn thiện.

    Vật liệu làm xe thổ mộ cũng thuộc “hàng độc”, bởi phần lớn làm từ gỗ giáng hương hoặc gỗ cây chò – hai loại gỗ quý, bền và có độ đàn hồi cao. Để có được hai loại này, ông Hai và anh Chinh phải lặn lội qua tận Lào đặt mua về. “Mỗi bánh xe được ghép từ sáu mảnh gỗ gắn với 12 chiếc tăm cắm vào trục bánh xe. Sau đó, dùng vòng sắt quấn quanh bảo vệ bánh gỗ tạo thành một chiếc vành và dùng nệm cao su nịt chặt vòng ngoài. Bánh xe được làm hoàn toàn từ gỗ và cao su” – ông Hai giảng giải. Để biết “đẳng cấp” của chiếc xe thổ mộ, theo ông Hai, phải dựa vào tiếng kêu lách cách phát ra đều đều ở bánh xe. Nếu tiếng kêu đó giống với tiếng chuông ở cổ ngựa thì đó là hàng xịn.

    Trong khu xưởng của ông Hai hiện có gần 10 chiếc xe ngựa các loại như calet, lá liễu, chim phượng… Hầu hết chúng là sản phẩm tâm huyết của ông qua bao năm. “Các mẫu xe này đều có nguồn gốc từ xe thổ mộ nhưng đã được cải tiến cho phù hợp với nhu cầu của từng giai đoạn. Nhiều người đến đặt mua xe ngựa rất thích các loại xe cải tiến theo lối phương Tây, bởi nó mang nét giản dị, gần gũi rất Việt Nam nhưng cũng tráng lệ chẳng khác gì xe ngựa của nữ hoàng Anh” – ông Hai ví von.

    Đau đáu “… hồn thu thảo” (*)

    Trong căn nhà mái cũ rêu phong, ông Hai vẫn còn lưu giữ chiếc xe ngựa gần 200 năm tuổi do chính ông tổ nghề Văn Văn Luốc đóng lúc sinh thời. Dù đã trải qua hơn một thế kỷ lăn bánh nhưng chiếc xe vẫn chắc chắn, không bị thời gian làm hư hại. “Nó là báu vật của người xưa truyền lại, trong đó ẩn chứa nhiều câu chuyện ly kỳ về cuộc đời cụ tổ. Bao tinh hoa của người thợ đều được dồn vào chiếc xe nên nó mang cái hồn riêng của người nghệ nhân” – ông Hai tâm sự. Hơn nửa cuộc đời gắn bó với xe thổ mộ nhưng đến lúc tóc bạc trắng ông Hai vẫn chưa hiểu được kỹ thuật chế tác ra chiếc xe cổ này. Mỗi chi tiết, mỗi cách lắp ráp đều chính xác đến từng li. Loại gỗ dùng để đóng xe có xuất xứ từ Miến Điện và ngày nay khó kiếm ra loại gỗ thay thế. “Ngày trước cha tôi được cụ tổ nhận làm đệ tử và truyền dạy những kỹ thuật đóng xe thổ mộ. Sau này ra mở xưởng riêng, cha tôi vẫn phải nhờ cụ Luốc về chỉ dạy. Hoàn thành chiếc xe này được hai tháng thì cụ mất, để lại kiệt tác cuối đời cho cha tôi” – ông Hai kể lại.

    Gắn bó với xe thổ mộ từ ngày tóc còn để chỏm, ông Hai đã sưu tầm được những vật liệu chế tạo xe thổ mộ như nhíp, trục, nhông… ngót nghét cả trăm năm tuổi. Ông xem chúng như bảo vật, nhiều người đến hỏi mua với giá cao nhưng ông nhất quyết không bán mà chỉ lưu truyền lại cho thế hệ con cháu về sau. “Ước nguyện lớn nhất của đời tôi là bảo tồn những chiếc xe thổ mộ xưa, bởi nó là nét văn hóa truyền thống, là cái hồn xưa của người Nam Bộ” – ông Hai bùi ngùi.

    Tình cờ một lần ông Hai được đạo diễn của một đoàn làm phim mời đóng vai xà ích trong bộ phim truyền hình dài tập. Hình ảnh lão xà ích già bên chiếc xe thổ mộ cổ mang đậm chất sông nước miền Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

    Ông Hai từng góp mặt trong nhiều bộ phim như Đất phương Nam,Công tử Bạc Liêu,Người đẹp Tây Đô… “Đó là những vai xà ích, không diễn xuất gì nhiều nhưng thấy mình trên tivi cũng đã vui lắm rồi” – ông cười hóm hỉnh.

    Lão xà ích Hai Sộp trong một cảnh quay về Nam Bộ xưa (ảnh chụp lại).

    Tháng 9-2010, ông và chiếc xe ngựa tự chế của mình được đoàn làm phim mời ra miền Trung tham gia bộ phim lịch sử cổ trang Trở về Thăng Long. Ông cho biết đó là chiếc xe ngựa được thiết kế dành riêng cho vai vua Quang Trung trong những lần tiến quân ra Bắc. Đích thân ông và hai người con trai phải làm việc ròng rã hơn ba tháng trời mới đóng xong.

    TẤN TÀI
    http://phapluattp.vn

  16. Bát trân trong ẩm thực cung đình Việt Nam xưa

    Những năm gần đây, người phương Tây có khuynh hướng nghiên cứu, học tập những nét tinh túy trong ẩm thực Việt Nam. Đây là một nét văn hóa đặc sắc mà phải trải qua hàng nghìn năm, dân tộc ta mới vun đắp được. Miếng ăn, thức uống của vua chúa không những phải ngon, đẹp, tinh, giàu chất dinh dưỡng mà còn mang tính chất y lý trong từng nguyên liệu sử dụng để đạt được sự trường thọ cho người ăn.

    Bát trân là 8 món ăn quý hiếm mà xưa kia chỉ dành cho giới vua quan. Bao gồm:
    1 – Nem công: Nem là món ăn đặc biệt của người Việt được chế biến không qua nấu nướng. Thực phẩm tự chín bằng sự lên men vi sinh do tác động của các gia vị có tính nóng (riềng, tỏi, tiêu…) phối hợp vào nguyên liệu chính là thịt đùi công được giã mịn.
    Công là một loài chim có bộ lông đẹp, thường sống ở các cây cao hoặc gò cao. Đến mùa giao tình thường xòe cánh múa vũ điệu để gọi bạn. Con người rất thích thưởng ngoạn các vũ điệu ấy. Việc săn bắt công để cung cấp thịt hàng ngày phục vụ chế biến thức ăn không phải dễ dàng. Thịt công có tính giải độc. Khi ăn nem công, thịt công hấp thụ vào máu có khả năng giải các thứ độc tố mà người lỡ ăn phải. Chính đây là điều then chốt để hiểu vì sao nem công lại là món ăn quý.
    Như trên đã nói, tính mạng của các bậc đế vương luôn được đặt hàng đầu. Việc tranh giành ngôi báu khiến con người cố sát, đầu độc nhau trong lịch sử của nhiều triều đại không phải là không có. Do đó, món ăn này được xem như “thần hộ mạng”.

    2 – Chả phượng: Chim phượng là chim đực. Chim cái được gọi là hoàng. Loài chim phượng chỉ sống ở núi cao, ít người trông thấy. Thịt phượng được giã mịn, nêm gia vị, gói vào lá chuối thật kín rồi hấp chín. Cũng như chim công, thịt chim phụng vừa có chất dinh dưỡng, vừa có tác dụng dược tính nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe.

    3 – Da tây ngưu: Loại thú tây ngưu hay còn gọi là tê ngưu chỉ sống ở trong các rừng sâu, ăn toàn loại cây cỏ có gai. Hình dạng tây ngưu rất xấu xí. Người xưa kể rằng, mỗi khi ra suối uống nước, tây ngưu nhìn xuống suối, thấy bộ dạng mình xấu xí quá, con vật hổ thẹn quậy cho nước thật đục rồi mới uống. Da tây ngưu cứng, dày, duy nhất ở nách có một đám da rất mỏng. Nếu biết bắn hay đâm vào điểm ấy mới làm con vật chết. Phần da nách ấy, ngâm nước cho mềm, nấu thành món ăn rất ngon và bổ dưỡng.

    4 – Bàn tay gấu: Gấu đực gọi là bi, gấu cái gọi là hùng. Thú vật này có cổ dài, chân cao, đi được bằng hai chân. Gấu có sức mạnh, có thể dùng hai chân trước khuân cả tảng đá lớn. Chúng rất giỏi leo cây, thích ăn mật ong ở các tổ trên cành cao. Lúc đói hoặc lúc trú đông, gấu có thể ở trong hang không ra ngoài, không có thực phẩm thì chỉ liếm bàn tay (hai chân trước) để sống. Bàn tay gấu là một món ăn rất ngon và bổ dưỡng.

    5 – Gân nai: Loài nai lớn hơn loài hươu. Giống nai đực có gạc. Nai ưa xuống ở núi. Vào tiết hạ chí, nai đực thường rụng sừng. Sừng non của nai gọi là lộc nhung, là một vị thuốc tráng dương, bổ thận, tăng sinh lực, nhưng phải biết cách bào chế và sử dụng. Gân nai lại được dùng để chế biến món ăn, rất ngon.
    Khi làm thịt, dùng lửa thui đùi nai, cạo sạch lông. Cho giò vào nước luộc mềm. Dùng dao nhọn xẻ tách gân ra khỏi phần bắp thịt. Cho gân nai vào phiêu trong nước có ít muối và dấm cho trắng. Khi gân đã mềm, cắt khúc, hầm chung gân nai với các nguyên liệu: tôm khô, măng củ đậu, chả lụa… trong nước hầm gà đã lọc trong veo. Nêm gia vị vừa ăn khi các nguyên liệu đã chín mềm.

    6 – Môi đười ươi: Đười ươi là một giống khỉ lớn, có thể đi bằng hai chân như người. Theo sách An Nam chí thì đười ươi chỉ ưa sống trong hang núi, không bao giờ đi theo một đường nhất định. Muốn bắt được đười ươi, con người phải lừa đặt be rượu và các đôi dép da trên đường chúng đi qua. Giống đười ươi hay bắt chước nên uống rượu rồi mang dép như loài người mà nó đã từng thấy. Lúc này chúng vừa say vừa đi xiêu vẹo, người săn thú mới dễ dàng bắt được.
    Môi đười ươi ngon, dùng chế biến các món sơn hào dâng vua chúa. Ngày nay, giống thú này rất quý hiếm, cần phải ra sức bảo vệ.

    7 – Thịt chân voi: Voi là loài vật to nhất trong loài thú bốn chân. Nó rất thông minh, lanh lợi. Thịt voi rất nhạt nhẽo, người đời vẫn thường nói “mười voi không được bát nước xáo”. Khi voi chết, người ta thường chỉ lấy ngà voi. Ở bàn chân voi có một lớp thịt gân mềm, chế biến thành món ăn rất ngon. Nó là một thực phẩm rất khó kiếm nên chỉ dành dâng vua chúa thưởng thức.

    8 – Yến sào: Là tổ của loài chim hải yến (én biển) là một thực phẩm cao cấp vô cùng quý giá: Việt Nam là một trong 8 quốc gia trên thế giới có yến sào.
    Yến sào có nhiều loại: yến huyết, quan địa, bài… mỗi loại đều có giá trị chất lượng khác nhau, nhưng tất cả đều có giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị kinh tế lớn.
    Bản thân yến sào không phải là một món ăn ngon, mùi yến sào tanh tanh, vị nhạt nhạt nhưng ăn nó sẽ được bồi bổ thần kinh, gân cốt, chữa bệnh kiết, chống suy nhược và kéo dài tuổi thọ.
    Yến sào có thể chế biến nhiều món ăn:
    – Chè yến.
    – Chè yến sào hạt sen.
    – Yến thả.
    – Bồ câu tiềm yến sào.
    Ngày nay, trong 8 loại thực phẩm quý hiếm trên chỉ còn yến sào là vẫn dễ dàng tìm kiếm và được phép sử dụng. 7 thứ còn lại, một số loài đã tuyệt chủng hoặc nếu còn, đều thuộc danh mục các thú vật quý hiếm phải hết sức bảo vệ và gìn giữ. Nhưng chúng ta vẫn còn có thể tái hiện các tiệc cung đình bằng chính những nguyên liệu cao cấp mà nguồn tài nguyên phong phú của Việt Nam có thể cung cấp: yến sào, vi cá, bóng cá, hải sâm, cua gạch, tôm hùm, sò huyết, bào ngư để thu hút nguồn khách quốc tế khi họ đến với Việt Nam.

    VnExpress.net

  17. MỘT CHỮ QUAN TRỌNG TRÊN VÉ MÁY BAY

    Là hành khách thường xuyên bay, có thể bạn đã thấy trên tấm vé (bây giờ thường chỉ còn vé điện tử in trên giấy trắng) ngoài các thông tin về ngày, giờ chuyến bay cất cánh, số hiệu chuyến bay, điểm đến… còn có một chữ cái Latinh ở phần mã vé. Chữ ấy rất quan trọng. Vì chỉ một chữ đã đủ “mô tả” bạn là hành khách nào, mua vé loại gì và tuỳ theo tình huống mà bạn sẽ được nhân viên hãng hàng không ứng xử ra sao ở sân bay.

    Ngay hạng ghế phổ thông cũng có nhiều “phân hạng” khác nhau. Trên máy bay, không có sự phân biệt phục vụ khách đi vé có chữ “Y” (vé mua trọn gói) hoặc “Q” (vé giảm giá), nhưng mã chữ vẫn rất quan trọng. Nó là dấu chỉ cho biết chuyến bay của bạn không thuộc loại được tính điểm tích luỹ hành khách bay thường xuyên (với các chữ V, Q, G, N hoặc T của Singapore Airlines là những vé không cộng điểm) hoặc loại vé không thể nâng cấp lên ngồi ở hạng thương gia. Muốn được ưu ái này, vé của bạn cần có các chữ Y, B hoặc M, là mã chỉ dẫn cho đại lý vé biết sẽ xếp bạn ở đâu trong danh sách chờ.

    Những mẫu tự được các hãng ấn định cho các bậc trong hạng phổ thông có thể khác nhau, nhưng cũng có vài ba chữ được sử dụng chung. Hầu hết các hãng đều dùng “Y” là dấu hiệu phổ biến chỉ bậc cao nhất ở hạng phổ thông. Loại vé này thường được hoàn lại tiền đầy đủ, chủ yếu được khách thương gia mua vào phút chót, là vé đắt nhất nhưng được sử dụng linh hoạt nhất. Vài mẫu tự khác thường được các hãng hàng không sử dụng: “J” hay “C” dùng cho hạng thương gia (Business class), “F” và “P” biểu thị cho hạng nhất (First class) hoặc hạng phổ thông đặc biệt (Premium, Executive, Deluxe economy, trung dung giữa hạng thương gia và hạng phổ thông).

    Mã ký tự trên vé của bạn càng tốt thì sẽ có nhiều cơ hội hơn, có thể được thêm ưu đãi dành cho khách bay thường xuyên, nếu ở thứ hạng cao. Tốt nhất, bạn nên đăng ký sớm: ngoài việc xếp thứ tự theo giá tiền, các hãng còn ưu tiên cho khách theo thứ tự đăng ký và nếu kiểm tra thông tin trên mạng 24 giờ trước khi bay, thậm chí bạn còn có thể được kiểm tra hành lý qua mạng.
    Ngoài ra, giá vé của các hạng không chỉ quan trọng cho việc giữ chỗ, mà qua đó còn cho biết là loại vé phổ thông có thể nâng cấp (có chữ Y, B, và M). Nếu muốn tích luỹ điểm để làm khách bay thường xuyên, bạn nên tránh mua vé khuyến mãi của các hãng bay truyền thống thường áp dụng vào mùa thấp điểm.

    Theo SGTT

  18. THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI SẼ CÓ CHỢ ĐÊM

    UBND thành phố Quảng Ngãi vừa chấp thuận cho Công ty Cổ phần Truyền thông Rồng Việt, thành phố Hồ Chí Minh đầu tư, tổ chức chợ đêm Sông Trà.

    Theo UBND thành phố Quảng Ngãi, việc cho Công ty Cổ phần Truyền thông Rồng Việt tổ chức chợ đêm Sông Trà nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, ẩm thực, tham quan vào ban đêm của nhân dân thành phố Quảng Ngãi và du khách; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, kích cầu tiêu dùng và lưu thông hàng hóa, tạo sức sống và nét văn hóa mới cho thành phố Quảng Ngãi về đêm.

    Theo đó, địa điểm hoạt động của chợ nằm trên tuyến đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ đường Quang Trung đến đường Chu Văn An), thuộc phường Lê Hồng Phong và Trần Phú. Chợ đêm Sông Trà có quy mô khoảng 150 gian hàng, được chia thành 2 khu vực.

    Trong đó khu vực thương mại hàng hóa là 110 gian hàng và khu vực ẩm thực gồm 40 gian hàng, với các mặt hàng kinh doanh như hàng tiêu dùng, hàng lưu niệm, quần áo, giầy dép, thời trang, mỹ phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, kim khí điện máy, hàng đặc sản địa phương, ẩm thực…

    Thời gian thực hiện là 4 năm, được tính từ tháng 9/2011. Chợ đêm Sông Trà sẽ là chợ đêm đầu tiên ở Quảng Ngãi.

    (Theo báo Quảng Ngãi)

  19. THANH HÓA: NÁO NỨC TRẨY HỘI LAM KINH 2011

    Tưởng nhớ, tôn vinh Anh hùng dân tộc Lê Lợi, hằng năm cứ đến ngày 22/8 âm lịch (ngày giỗ vua Lê Thái Tổ), nhân dân huyện Thọ Xuân cũng như cả tỉnh Thanh Hóa và du khách khắp nơi lại đổ về trảy hội Lam Kinh.

    Lễ hội năm nay sẽ được tổ chức trong hai ngày 18 và 19/9 (tức ngày 21 và 22/8 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thọ Xuân, quê hương của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, vùng “Ðịa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa.

    Ðây là sự kiện nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công lao sự nghiệp vĩ đại của Anh hùng dân tộc Lê Lợi – Ðức Thái Tổ Cao Hoàng đế, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, giành lại độc lập dân tộc, sáng lập triều nhà Lê, mở ra một thời kỳ phát triển thịnh vượng của đất nước trong thời kỳ phong kiến tự chủ. Lễ hội Lam Kinh bắt đầu hình thành và được tổ chức từ sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà vào ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433) và thi hài được đưa về an táng tại quê hương Lam Sơn. Ðể thuận lợi cho việc cáo yết tại lăng miếu, các triều vua đã cho dựng điện và các tòa Thái miếu để thờ cúng. Vì vậy Lam Sơn được gọi là Lam Kinh.

    Trải qua năm tháng chiến tranh và thời gian, các công trình kiến trúc ở Lam Kinh dần đổ nát, hoang phế, sinh hoạt lễ hội cũng bị mai một. Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của di tích Lam Kinh, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các công trình như xây dựng nhà bia, lăng mộ, đường nội bộ, đền thờ Lê Thái Tổ, đền thờ Lê Lai, xây dựng cầu Bạch, nạo vét, kè sông Bạch, hồ Tây, giếng Ngọc, nhà trưng bày, các tòa miếu 4, 5, 6. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng tỉnh, chính quyền và nhân dân địa phương đã tiến hành phục dựng lại lễ hội Lam Kinh. Từ năm 1995 đến nay, lễ hội đã được tổ chức thường xuyên hằng năm với quy mô hoành tráng và ngày càng có sức cuốn hút, lan tỏa tới nhiều vùng, miền, thu hút du khách ở trong nước và ngoài nước. Lễ hội tái hiện nhiều nghi thức tế lễ thời Lê như: màn trống hội có biểu diễn đánh trống đồng và trống da các loại, trình diễn cờ hội, rước kiệu cùng các nghi thức tế lễ từ thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông truyền lại. Phần hội sẽ là các chương trình nghệ thuật thể hiện các sự kiện lịch sử trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Ðông Quan, Vua Lê Thái Tổ đăng quang, Phát huy hào khí Lam Sơn… Trong thời gian lễ hội còn có những trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh như: trò Xuân Phả, trò Chiêng, trò Sanh Ngô, dân ca Ðông Anh, dân ca sông Mã, thi đấu vật, đấu võ dân tộc; hội trại các làng văn hóa; trưng bày các hiện vật, cổ vật thời Lê; trưng bày giới thiệu tiềm năng du lịch và sản phẩm ẩm thực của địa phương và nhiều hoạt động nghệ thuật khác như chiếu phim, biểu diễn chèo, chương trình ca nhạc tân cổ giao duyên…

    Ðể chuẩn bị cho Lễ hội Lam Kinh 2011, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng các ngành liên quan và chính quyền các huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc, TP Thanh Hóa chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng và công tác tổ chức lễ hội, chuẩn bị các đơn vị nghệ thuật tham dự lễ hội. Tổ chức tốt lễ hội sẽ góp phần quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa, hình ảnh về con người, thiên nhiên xứ Thanh ở trong nước và nước ngoài, thu hút đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích để nơi đây trở thành điểm hành hương của du khách trở về cội nguồn lịch sử dân tộc.

    (Nguồn: Báo Nhân Dân)

  20. Ý NGHĨA CỦA NỤ CƯỜI

    Có một ông chủ kinh doanh sang Nhật Bản công tác. Tuy là người thành đạt nhưng ông rất khiêm tốn và luôn chia sẻ thành công với nhân viên của mình. Sau khi hoàn tất công việc, ông đến một siêu thị để mua các món quà cho nhân viên trước khi về nước. Khi ông bước vào siêu thị, một người phụ nữ dáng vẻ nhỏ nhắn đón chào ông bằng một nụ cười nồng ấm khiến ông rất hài lòng và không thể quên thái độ thân thiện đó. Và ông nhận thấy người phụ nữ kia đều dành nụ cười tươi như thế cho mọi khách hàng.
    Nhà kinh doanh bắt đầu tự hỏi tại sao cô ta cứ cười mãi như một cái máy thế. Đứng cười mãi suốt ngày như thế thì thật chán! Ông bèn bước đến hỏi: “Chào cô, không phải là cô đang cố làm công việc này đấy chứ? Cô đã làm như thế này bao lâu rồi?”. Người phụ nữ mỉm cười: “Thưa ông, tôi đã làm việc này 10 năm nay rồi và tôi rất yêu công việc của mình”. Nhà kinh doanh hết sức ngạc nhiên, hỏi tiếp: “Lý do gì khiến cô yêu thích nó?”. Người phụ nữ lại nở nụ cười: “Vì nhờ công việc này mà tôi được cống hiến cho đất nước mình”.

    Nhà kinh doanh tiếp lời: “Cô cống hiến cho đất nước bằng cách cười sao?”. “Vâng, thưa ông” – người phụ nữ đáp – “Tôi cười với tất cả khách hàng đến đây để họ thấy hài lòng và thoải mái. Khi đó, họ sẽ mua sắm nhiều hơn, ông chủ của tôi sẽ vui hơn và tôi sẽ được trả lương nhiều hơn. Hơn nữa, khi có đông khách hàng, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng lên, sẽ cần có thêm nhiều nhà máy và nhiều công ăn việc làm được tạo ra, mọi người trên đất nước tôi đều hạnh phúc. Không chỉ thế, vì phần đông khách hàng của chúng tôi là người ngoại quốc nên sẽ có thêm nhiều cơ hội giao thương, như thế nước tôi sẽ ngày càng thịnh vượng hơn. Những người như ông sẽ đến nước tôi thường xuyên hơn và có thể ông sẽ kể về chúng tôi với bạn bè và gia đình ông. Thế nên, đất nước chúng tôi sẽ có thêm nhiều du khách, nhiều ngoại tệ, nhiều việc làm và nhiều người sẽ hạnh phúc. Như vậy là tôi đã cống hiến cho đất nước mình rồi”.

    Thái độ và suy nghĩ của người phụ nữ về công việc đã khiến nhà kinh doanh kia hết sức ngạc nhiên và khâm phục. Ông chào cô rồi ra về. Từ sau đó, ông đã cố gắng truyền đạt thái độ ấy cho các nhân viên của mình.

    ((TT&VH)

  21. LÀNG NẰM TRONG THÀNH PHỐ – LÀNG NGHỆ NHÂN HÀM LONG

    Rộng gần 8ha, chạy dài 1km cặp bờ sông Sài Gòn, Làng nghệ nhân Hàm Long (P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2) không chỉ là một không gian mở cho các nghệ sĩ, những người yêu thích nghệ thuật, mà đang dần trở thành một điểm đến của du lịch TPHCM.

    Đường bộ tới làng hơi trúc trắc, phải qua hai chặng, nếu cứ nhất định “nào ta cùng buýt!”, phải đi xe số 43 tuyến Văn Thánh – Cát Lái, tới bến Chợ Chiều đường Nguyễn Thị Định xuống, “tăng bo” bằng xe ôm thêm vài phút nữa.

    Tới ngôi nhà mang tên “Kỳ Long” – một trong sáu nhà to nhất làng, gặp ngay họa sĩ Lý Khắc Nhu, ông mừng rỡ: “Xe ôm mà cũng biết tới Hàm Long, như thế làng bắt đầu… nổi tiếng rồi!”. Hỏi về đường sông tới làng, họa sĩ dẫn sâu vào khuôn viên, phía sau nhà, mé sông Sài Gòn: “Mai mốt, tàu có thể ghé vô đây.

    Cũng có một hai công ty du lịch thí điểm mở tour đường sông Sài Gòn trong ngày, cho tàu thử ghé, nhưng do ở đây chưa có cầu tàu, lại phải canh khi con nước lên cao, tàu mới ghé vào được. Để giúp làng thành một điểm du lịch, ngành văn hóa-du lịch của thành phố năm qua bắt đầu có hỗ trợ thông tin, thi thoảng có tour du lịch đưa khách tham quan. Chủ nhân các ngôi nhà trong làng là nghệ sĩ, tính tình cũng nghệ sĩ, lại chưa biết làm dịch vụ, nên làng chủ yếu mở rộng cửa cho các họa sĩ, nhất là người trẻ tới chơi, sáng tác…”
    Họa sĩ Lý Khắc Nhu giới thiệu về cây sơn và công đoạn thực hiện tranh sơn mài. Ảnh: Â.T
    Họa sĩ Lý Khắc Nhu giới thiệu về cây sơn và công đoạn thực hiện tranh sơn mài. Ảnh: Â.T

    Cũng có nhiều khách vãng lai nghe tiếng mà tìm tới làng một cách tự phát. Lại có những người nước ngoài như mấy họa sĩ Singapore sang vẽ tranh, đoàn sinh viên Mỹ – Trường Doanh nghiệp Winscosin thuộc ĐH Tổng hợp Winsconsin-Madison tháng 3 vừa rồi tới đưa mấy chục sinh viên tới nhà “Kỳ Long” của họa sĩ Nhu tìm hiểu về văn hoá nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

    Nhà “Kỳ Long” có 6 khu: Phòng thư pháp – thủy mặc, Phòng triển lãm chung của các họa sĩ, chỗ làm sơn mài, chỗ làm gốm Chăm, Phòng trưng bày tranh sơn mài, Phòng điêu khắc – nơi họa sĩ Lý Khắc Nhu dự định làm bảo tàng nho nhỏ các bức tượng của 54 dân tộc. Nhà chủ yếu bằng gỗ lợp tranh, cái đơn giản, cái được chạm trổ, nằm dưới những tán cây xanh mướt. Họa sĩ Nhu ra vườn, tự hào khoe cây sơn 3 tuổi, có lẽ là cây sơn duy nhất ở Sài Gòn được mang giống thẳng về từ Phú Thọ.

    “Tôi mang về 3 cây, chỉ sống được một, có lẽ do không hợp thổ nhưỡng khí hậu, cây lên chậm, nhưng như vậy cũng đủ để khách hình dung về cây sơn. Một cây sơn, thường 5 năm mới cho nhựa, nhựa đủ độ bám, 300 cây mới cất được một ký sơn. Khi có khách tới, tôi lại giới thiệu các công đoạn làm tranh sơn mài theo lối truyền thống Việt Nam…”

    Ý tưởng hình thành làng Hàm Long có từ 15-16 năm trước, đầu tiên là tìm một chỗ thoáng rộng cho mấy họa sĩ sáng tác. Người khởi xướng là hoạ sĩ Thanh Châu được phong chức “Già làng”. 30 nghệ nhân, 15 họa sĩ quây quần với nhau. Nổi bật là 6 căn của các hoạ sĩ Thanh Châu – với nhiều tranh sơn dầu, ký ức về chiến tranh, Hồ Hữu Thủ – người hiện được phong là “lão làng sơn mài” của TPHCM với nhiều tranh trừu tượng, nhà của Lý Khắc Nhu – trưng bày nhiêu tranh thủy mặc, lụa, “Nguyễn’s Art Garden” của họa sĩ Hoài Hương tái tạo không gian nhà vườn Huế mang dáng dấp kiến trúc xưa cung đình, nhà sàn Art của Bạch Trường Sơn là ngôi nhà Mường, vườn tượng và nhà thờ cổ của Dương Đình Hùng… Mỗi nhà một phong cách, thể hiện tính khí của chủ nhân.

    Làng có chung một “hương ước” là không được xây biệt thự kín cổng cao tường, hàng rào thấp, có cổng thông nhau, nhà phải xây theo phong cách nhà Việt truyền thống ba miền. Hai nhà có khuôn viên rộng nhất là nhà của họa sĩ Nguyễn Hoài Hương và của họa sĩ Lý Khắc Nhu, sát cạnh nhau, nằm ngay khúc giữa.

    Họa sĩ Nhu khiêm tốn: “Làng cũng chưa hoàn chỉnh lắm đâu. Từ từ làng sẽ trở thành làng nghệ thuật”. Trong tương lai, làng Hàm Long sẽ phát triển theo hướng phát triển quy hoạch dọc sông Sài Gòn trong tổng thể phát triển chung của TPHCM. Nếu tính từ mé bờ sông, làng sẽ phải lùi vào bởi sẽ có một con đường rộng 25m chạy thẳng từ đảo Kim Cương tới cầu Phú Mỹ, chạy ngang. “Như thế, sẽ có vườn tượng trải dài 1km dọc sông Sài Gòn – làng Hàm Long sẽ là một điểm đến đẹp của TPHCM”, họa sĩ Lý Khắc Nhu nói.

    Thùy Ân

  22. NGHĨA TRANG HOẠN QUAN DUY NHẤT Ở VIỆT NAM

    Những ngôi mộ cô đơn, lặng lẽ nơi bốn bức tường của nghĩa trang cũng chính là cuộc đời của các hoạn quan khi xưa.

    Dẫu không có gì là vĩnh cửu và sẽ đi vào quên lãng bởi thời gian nhưng nhìn cảnh tượng 25 nấm mồ của các Thái giám trơ trọi phủ kín rêu phong và ít người lai vãng, vẫn không chút chạnh lòng thầm trách hậu thế đã hững hờ…

    Cuối đời, các Thái giám triều Nguyễn phải cư trú ở một ngôi nhà phía bắc hoàng thành gọi là Cung Giám viện. Họ không có con nối dõi, do đó không có người chăm lo hương hỏa khi đã chết. Càng trở về già họ càng ý thức rõ về điều đó.

    Người xưa vốn rất coi trọng nghĩa vụ truyền giống, phê phán, kết tội nặng những kẻ tuyệt chủng: Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại (Có ba điều bất hiếu, lớn nhất là không có con nối dõi tông đường). Vì thế họ bị người đời coi thường, khinh rẻ.

    Sống với mặc cảm ấy nên họ luôn bị dằn vặt. Đối với tổ tiên, cha mẹ, họ tự coi mình là tội nhân bất hiếu; đối với bản thân, họ không thoát khỏi cái cảnh trăm năm cô đơn, và đến khi nhắm mắt, sẽ trở thành loài ma lang thang, không nơi nương tựa.

    Vào những đêm trăng đẹp, nhân công việc nhàn rỗi, các Thái giám trải chiếu ngồi trò chuyện với nhau. Câu chuyện của họ trở nên rầu rĩ, thê lương; “là chim thì phải biết bay, qua chiều mới tới tối; là ngựa là phải có bờm, cơn gió thì ắt có trái mùa”. Đó là quy luật tự nhiên. Còn các Thái giám triều Nguyễn sau khi chết không có người chăm lo, thờ tự. Họ khóc và nước mắt cứ thế tuôn rơi.

    Thế là họ cùng tìm cách giải quyết. Các Thái giám chọn chùa Từ Hiếu làm nơi lo hậu sự cho mình. Chùa Từ Hiếu nằm ở thôn Dương Xuân Thượng II (xã Thủy Xuân, TP Huế, Thừa Thiên – Huế), là ngôi chùa cổ vào loại đẹp bậc nhất xứ Huế.

    Phía trước chùa có dòng suối nhỏ chảy róc rách, núi Ngự Bình trấn phía Đông Nam, phía Tây Bắc có dòng sông Hương uốn quanh. Chùa được dựng năm 1841 do nhà sư Nhất Định làm trụ trì.

    Các Thái giám triều Nguyễn cùng nhau quyên góp tiền bạc, ruộng đất để tôn tạo, mở rộng chùa Từ Hiếu. Ngoài cúng tiền bạc, ruộng đất vào chùa, họ còn soạn văn, khắc bia chùa và cúng tiền câu đối. Bên cạnh đó các Thái giám triều Nguyễn còn thu hút nhiều khoản công đức khác cúng dâng chùa từ triều đình như Vua, Hoàng thái hậu…

    Từ đây chùa Từ Hiếu là nơi lo nhang đèn cho họ khi chết, khi sống họ có thể đi lánh mình, ra vào có bầu bạn tâm sự, ốm đau có thể chăm sóc lẫn nhau, chết và táng được đưa tiễn cùng nhau. Cũng từ đây người ta gọi chùa Từ Hiếu là chùa Thái giám, và đây cũng là nghĩa trang Thái giám duy nhất của Viêt Nam.

    Cách ngôi chính điện của chùa Từ Hiếu khoảng 50m về phía bên trái là khu mộ của Thái giám triều Nguyễn. Số mộ đếm được là 23 ngôi, có 2 ngôi mộ gió chưa có Thái giám được chôn. Trong đó, 21 ngôi còn nguyên vẹn, có bia khắc tên tuổi, quê quán, pháp danh, chức vụ và ngày mất.

    Rõ ràng nhất là bia số 22 (ở dãy trong cùng) có khắc: Hoàng triều Cung Giám viện, quảng vụ Nguyễn Hầu, người ở thôn Nhi, xã Hoàng Công, tổng Hoàng Công, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội. Mất ngày 15 tháng giêng năm Khải Định thứ V (1920).

    Các ngôi mộ có 3 dãy, hàng thứ nhất mộ to, hàng thứ ba mộ nhỏ hơn hàng thứ hai vì được xếp theo chức vụ của quan Thái giám xưa. Những ngôi mộ này được bao bọc bởi một dãy tường rào cao 1,78 m, dài 26,3 m, rộng 19,5 m với kiến trúc la thành hình chữ nhật bao ôm xung quang diện tích 1.000 m².

    Cổng chính giữa có đặt một tấm bia đá được dựng từ năm 1901 do Cao Xuân Dục soạn, ghi lại những tâm sự của Thái giám triều Nguyễn: “Trong khi sống chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên lặng, khi đau ốm chúng tôi đến lánh mình và sau khi chết được an táng cùng nhau. Sống hay chết ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh”.

    Ngày giỗ chung cho các Thái giám triều Nguyễn là vào ngày rằm tháng 11 hàng năm. Nhưng có một điều đặc biệt là dù các ngôi mộ vẫn đứng đó bao nhiêu năm tháng theo sự biến đổi của thời gian nhưng rất ít người biết đến sự tồn tại của nghĩa trang này, các ngôi mộ rêu phong phủ kín, không gian vắng lặng không một bóng người qua lại.

    Mặc dù nằm trong khuôn viên chùa Từ Hiều nhưng khách thập phương chỉ quan tâm đến cúng bái, hành hương và không ai để ý đến các ngôi mộ này. Theo trụ trì bây giờ của chùa Từ Hiếu cho biết, nếu không có các sư của chùa quét dọn và hương khói thì chắc các ngôi mộ này đã bị hủy hoại theo thời gian rồi. Những ngôi mộ mang số kiếp cô đơn, lặng lẽ nơi bốn bức tường của nghĩa trang này cũng chính là cuộc đời của các hoạn quan khi xưa.

    (Theo GĐ&XH)

  23. KỸ NĂNG PHỤC VỤ BÀN – BAR
    Chủ biên: TS. Trịnh Xuân Dũng

    BÀI 1. SỰ CHUẨN BỊ CỦA NHÀ HÀNG TRƯỚC KHI PHỤC VỤ
    1. Kỹ thuật trải khăn bàn
    2. Kỹ thuật đặt bàn cho bữa trưa (bữa tối)
    3. Kỹ thuật đặt bàn cho bữa sang đầy đủ
    4. Kỹ thuật đặt khay cho bữa sáng
    5. Kỹ thuật sắp đặt tủ dụng cụ
    6. Phương pháp tổ chức, sắp xếp đặt bàn trong nhà hàng
    BÀI 2. BƯNG BÊ
    1. Kỹ thuật mang ly bằng tay
    2. Kỹ thuật mang ly bằng khay
    3. Kỹ thuật mang dĩa ăn chính
    4. Kỹ thuật bưng bê khay
    5. Phương pháp sử dụng khăn phục vụ
    BÀI 3. CHÀO HỎI, LẤY YÊU CẦU VÀ PHỤC VỤ KHÁCH
    1. Cách chào hỏi và sắp xếp chỗ ngồi cho khách
    2. Cách giới thiệu thực đơn và lấy yêu cầu
    3. Kỹ thuật sử dụng thìa, dĩa trong Silver service
    4. Cách phục vụ một bữa ăn
    5. Cách phục vụ một bữa ăn sáng tại phòng
    BÀI 4. THU DỌN

    1. Kỹ thuật thu dọn đĩa ăn chính và thìa, dĩa
    2. Kỹ thuật thêm, bớt một bộ đồ ăn
    3. Kỹ thuật thay gạt tàn thuốc lá
    BÀI 5. HÓA ĐƠN VÀ THANH TOÁN
    1. Kỹ thuật làm hóa đơn thanh toán
    2. Đưa hóa đơn cho khách như thế nào
    3. Cách chấp nhân thanh toán như thế nào
    BÀI 6. PHỤC VỤ ĐỒ UỐNG CÓ CỒN VÀ KHÔNG CỒN
    1. Kỹ thuật phục vụ rượu vang
    2. Kỹ thuật phục vụ sâm banh
    3. Qúa trình chuẩn bị và pha cà phê Irish
    4. Kỹ thuật phục vụ trà, cà phê
    BÀI 7. VỆ SINH
    1. Vệ sinh cá nhân
    2. Vệ sinh trong công việc
    3. Kỹ thuật sử dụng mày hút bụi ẩm
    4. Kỹ thuật sử dụng máy hút bụi
    5. Kỹ thuật lau dọn nhà hàng
    BÀI 8. AN TOÀN
    1. Phòng chống cháy – những thông tin cần biết
    2. Phòng chống tai nạn – Những điểm mấu chốt cần nhớ
    3. An toàn – Những điểm cần nhớ
    4. Cần làm gì khi hỏa hoạn xảy ra
    5. Cần làm gì khi tai nạn xảy ra
    BÀI 9. KỸ NĂNG GIAO TIẾP
    1. Gi ới thiệu về kỹ năng giao tiếp
    2. Như thế nào là một người bán hàng
    3. Kỹ thuật trả lời các yêu cầu của khách
    4. Đáp ứng yêu cầu đặc biệt của khách là người già, trẻ em, người tàn tật….
    5. Xử lý, giải quyết những phàn nàn và lời khen
    6. Cách đối xử với khách rắc rối
    7. Để làm việc có hiệu quả trong tổ
    PHỤ LỤC
    1. Bảng dụng cụ
    2. Thuật ngữ về thức ăn và đồ uống

  24. TỤC KÉO VỢ CỦA NGƯỜI MÔNG Ở SAPA

    Tục kéo vợ là một biểu hiện rõ nét trong văn hóa của người Mông . Họ thường dùng từ kéo cô dâu hay kéo vợ.

    Truyền thống người Mông Sa Pa vốn rất tôn trọng nhau, nhất là phái nam tôn trọng phái nữ gần như mẫu hệ, phụ chủ đã ăn sâu vào tiềm thức con người nơi đây. Trong cuộc sống đời thường cái gì to cũng là của người mẹ kể từ chức quan, nhà cửa, ruộng nương… Ngược lại người mẹ, người vợ rất thương người cha, người chồng. Những hình ảnh người đàn ông say rượu nằm ngủ cạnh đường người phụ nữ cầm ô che nắng, tay dắt ngựa chở chồng về bản là một hình tượng đẹp chỉ có ở người Mông.

    Tục kéo vợ là một biểu hiện rõ nét trong văn hóa của người Mông . Họ thường dùng từ kéo cô dâu hay kéo vợ. Trong cuộc sống mặc dù đôi trai gái yêu nhau đắm đuối, từng thề thốt cùng chung sống với nhau cả đời, lúc lấy nhau thật cũng phải tổ chức kéo thì cô gái mới chịu về nhà chồng, không có cô gái nào tự bước chân về nhà chồng cả, ý nghĩa chính của việc kéo vợ thể hiện sự danh giá của người con gái qua ba nghĩa chính:

    – Thứ nhất: Cô gái không bị xã hội đánh giá thấp hèn cam chịu chay theo con trai một cách mù quáng hạ thấp mình để hầu hạ nhà trai.

    – Thứ hai: Người con trai thực sự cần lấy cô gái làm vợ thật với thiên chức của người mẹ mới tổ chức kéo vợ, thể hiện thái độ rõ ràng cụ thể.

    – Thứ ba: Tránh sự đồn thổi tai tiếng xấu của xã hội và sự ngược đãi sau này của người chồng và người nhà trai.

    * Chuẩn bị đi kéo vợ: Khi đã được nhà trai cho phép con trai được lấy vợ, cả nhà tập trung cùng lo, cho người đi mời phù dâu, phù rể, cô chú cùng đi giúp kéo vợ, đoàn người kéo vợ thường có ít nhất 5 người chính thức và một số người khác phụ giúp. Một cô gái trẻ chưa có chồng khác họ nhà trai làm phù dâu, một chàng trai khác họ với nhà trai chưa có vợ làm phù rể, một người anh hoặc bác ruột có hiểu biết cầm trịch, và chú rể chồng của cô dâu, một người thường là bà cô hay bà dì đại diện mẹ chú rể với một số bạn trai trẻ biết cách kéo vợ đi giúp chàng trai kéo vợ. Tiêu chí những người được chọn tham gia đoàn người kéo vợ gồm 03 tiêu chí chính:

    – Thứ nhất: Phù dâu, phù rể phải là người chưa có chồng, chưa có vợ, có lối sống đạo đức tốt, kính trên, nhường dưới, nói năng nhẹ nhàng có hiểu biết.

    – Thứ hai: Người cầm trịch và người nữ đại diện cho nhà trai là những người có vợ chồng, con cái đầy đủ (không hoá vợ, hoá chồng), làm ăn phát đạt sống có uy tín với bản làng.

    – Thứ ba: Tất cả số người này phải biết cách kéo vợ, bởi cách kéo vợ của người Hmông là cả nghệ thuật sống thực sự, chính cô gái bị kéo là người chịu ảnh hưởng lớn, nếu không biết cách kéo, khi kéo sẽ bị sứt đầu mẻ chán làm đau đớn cho người bị kéo, khi đôi co với người thân và cô gái bên nhà gái.

    Trước khi đi cả đoàn người hội ý thống nhất, khi đi chia theo tốp để tránh sự nghi ngờ của người khác. Con trai và phù rể đi trước, phù dâu và người đại diện mẹ nhà trai theo sau, người đàn ông cầm trịch nhà trai và tốp con trai đi kéo hộ đi sau cùng. Khi tới điểm hẹn nhà trai bố trí sẵn cho con trai mình hẹn gặp người yêu đến cùng tâm sự tại một địa điểm thuận lợi như đón đường nhà gái đi làm, đi chợ hay đi chơi xuân ngày tết… Mọi người nấp vào các bụi rậm hai bên đường để lại chàng trai và phù rể dạo bộ để đón gặp bạn gái, khi thấy người yêu xuất hiện thì chàng trai chủ động chào hỏi tán tỉnh giữ chân cô gái lại nói chuyện một lúc để cô gái không đề phòng nữa.

    Bắt đầu kéo:

    Chàng trai tán tỉnh cô gái một lúc thấy thuận lợi, chàng trai tóm lấy tay cô gái nói: Lần này ta kéo nàng về làm vợ ta đây. Nói xong chàng trai giữ chặt lấy người yêu lại, những người kéo giúp sám vào hai người biết kéo tì vai vào nách cô gái, quẳng hai cánh tay vào vai của hai người kéo giữ chặt lại cứ thế nhấc bổng cô gái lên mà chạy về nhà chồng, kéo kiểu này là người biết cách kéo, không gây thương tích cho người bị kéo, chân người bị kéo không chạm đất, không có lực giằng co, không đánh trả được, mồm không thể cắn ai được. Hai người kéo cô gái đi một quãng xa thấy mệt thì hạ cô gái xuống và giữ chặt, hai người khác đến thay thế và đưa cô gái về đến nhà trai.

    Nếu như gặp phải sự phản ứng gay gắt của người nhà gái thì hội kéo cứ thế kéo cô dâu đi, để lại người cầm trịch hát đối đáp với người nhà gái, chú rể ở lại với người cầm trịch để tạ lỗi với người nhà gái, phù dâu, phù rể cùng cô dâu về nhà trước. Khi về đến gần nhà trai, đoàn người kéo vợ cử một người chạy trước về báo với những người chờ sẵn trong nhà như bố, mẹ hay các cô, chú của chú rể bắt một đôi gà, một gà mái tơ, một gà trống chưa gáy đợi sẵn ở cửa chính khi đoàn người kéo cô dâu về đến đó thì người đó làm lý gọi hồn.

    Lúc đoàn người về đến cửa thì chưa vội đưa cô dâu vào nhà, người ta giữ cô dâu, chú rể ở ngoài cửa chính, người làm lý đốt ba nén hương tay cầm đôi gà huơ huơ chân, cào cào từ đầu đến chân cô dâu, chú rể lẩm bẩm gọi hồn, xong xuôi mang gà mổ thịt làm cơm tiếp đãi đoàn người đi giúp kéo cô dâu. Trong bữa cơm này nhà trai mời một người có hiểu biết cùng ăn cơm, sau đó giúp nhà trai sang nhà gái báo tin cho nhà gái biết, nhà trai đã kéo được con gái họ về làm dâu nhà trai. Nhà trai mang lễ vật báo tin là một gói thuốc lá tự trồng, một sừng trâu rượu. Khi người báo tin đến nhà gái, nhà gái đi mời ông bác hay chú đến nhà đại diện cho nhà gái tiếp người báo tin. Người báo tin mời thuốc, mời rượu cho người đại diện nhà gái và cả những người có mặt trong nhà gái xong, người báo tin chính thức rót hai chén rượu đưa cho người đại diện nhà gái và dạm hỏi lễ vật mà nhà gái cần thách và thời gian để làm lễ cưới. Khi đã được nhà gái công bố các lễ vật xong, người báo tin về nhà trai báo lại toàn bộ sự việc các loại lễ vật cho nhà trai, thời gian để hai bên tổ chức lễ cưới.

    Từ khi kéo được cô dâu về, nhà trai bố trí cô dâu và phù dâu ngủ chung ba đêm, sáng thư ba giã bánh dầy đưa cô dâu về nhà lấy đồ thay. Đoàn người đi sang nhà cô dâu lấy đồ gồm cô dâu, chú rể, phù dâu, cha hay mẹ chú rể, khi đến nhà gái chú rể phải quỳ lậy tất cả các thành viên nhà gái để làm quen. Nhà gái tổ chức bữa cơm tiếp đãi nhà trai, tại bữa cơm này người đại diện nhà gái bà dì hay bà cô hỏi cô gái thật kỹ có thể chung sống cả đời với nhà trai được không? Khi đến nhà gái, cô gái vui vẻ trả lời và đồng ý về làm dâu nhà trai. Thấy vậy nhà gái yên tâm dọn đồ tư trang của cô gái cho cầm về nhà chồng bắt đầu một cuộc sống mới được ăn nằm chung như vợ chồng thật, mọi việc chuẩn bị cho đám cưới bắt đầu. Nếu như vừa đến nhà gái người con gái buồn rầu, khóc lóc van xin cha mẹ không muốn về nhà trai thì hôn nhân chấm rứt từ đó.

    Việc làm này gần như tạo điều kiện cho cô dâu tương lai được về sống thử với nhà trai trong thời gian ba ngày, nếu qua cảm nhận trong ba ngày đó được cô dâu chấp thuận thì cuộc sống làm dâu được chính thức bắt đầu diễn ra, nếu không coi như đã chấm dứt.
    Theo: Tục kéo vợ của người Mông ở Sapa

  25. VĂN HÓA CHIẾC NÓN VỆT NAM
    ThS.Nguyễn Văn Bốn

    Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á với khí hậu nhiệt đới gió mùa, có lượng mưa cao vào loại nhất nhì trên thế giới. Hàng năm, lượng mưa trung bình khoảng1.500 mm, có nơi tới 2000 mm – 3000 mm. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho động thực vật phát triển phong phú và đa dạng. Chính vì vậy, mà con người Việt Nam vừa phải ứng phó và tận dụng môi trường tự nhiên một cách linh họat để mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc. Người Việt Nam sống gắn bó và hòa hợp thiên nhiên. Những gì mà có lợi của tự nhiên thì con người tận dụng, còn những gì có hại thì phải cùng nhau đối phó sao cho phù hòa hợp với tự nhiên. Trong đó việc ăn mặc, đi lại, đắp đê, ở thuộc văn hóa đối phó với môi trường tự nhiên mà chính là sự ứng xử với khí hậu, thời tiết trong cuộc sống của người dân nông nghiệp trồng lúa nước.
    Việc ứng phó với thời tiết, khí hậu, con người Việt đã biết tận dụng các chất liệu trong tự nhiên để biến đổi chúng thành những vật dụng mang lại ích lợi cho cuộc sống lao động cũng như trong sinh họat thường ngày của họ. Với chiếc nón là sản phẩm văn hóa được biến đổi từ những sản phẩm sẵn có của tự nhiên để đối ứng với cái nắng, cái mưa trong cuộc sống hàng ngày của người dân . Nó cũng là một sản phẩm văn hóa, cùng với chiếc áo dài đã tạo nên một nét đẹp duyên của người phụ nữ Việt. Vậy chiếc nón đội đầu là vật bất ly thân không thể thiếu trong công việc đồng áng được để che nắng che mưa.

    1. Sơ lược về sự hình thành nón Việt Nam
    Chiếc Nón của người Việt đến nay có lịch sử hình thành từ rất xa xưa. Với nghề nông nghiệp lúa nước và sống trong môi trường tự nhiên như vậy thì con người đã biết tận dụng những gì sẵn có trong tự nhiên để đối phó với khí hậu mưa nắng, có thể là những bóng câyhoặc lá cây để bảo vệ cơ thể mình. Quá trình đó cứ tiếp diễn như vậy, cùng với sự phát triển của tư duy và công cụ lao động là cơ sở hình thành cách thức làm chiếc Nón. Hình ảnh tiền thân của chiếc Nón đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh vào khoảng từ 2500-3000 TCN. Chiếc Nón đã hiện diện trong đời sống hàng ngày của người Việt, trong cuộc sống cũng như trong chiến đấu giữ gìn đất nước, nó còn đi vào các truyền thuyết, cổ tích, ca dao tục ngữ, thơ và những bài hát… Theo một số tư liệu lịch sử thì nghề làm Nón có từ thời Nhà Trần, khoảng thế kỷ 13.
    2. Nguyên liệu để làm nón
    Chiếc nón được làm từ ba loại vật liệu chủ yếu: Tre hoặc các vật liệu khác vừa có độ cứng, độ dẻo để làm vành, khung, lá mây, lá cọ hay các loại lá khác để lợp và sợi móc ngày nay như: cước, lụa để khâu và nguyên liệu làm quai… Ngoài ra trong quá trình làm Nón, người Việt còn sử dụng các phụ liệu khác để trang trí và dễ dàng trong việc hoàn thành sản phẩm một cách nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến công dụng cũng yếu tố thẩm mỹ của nó.
    3. Các loại nón Việt
    Nón cũng nhiều chủng loại khác nhau: mỗi loại cho mỗi đối tượng khác nhau khi sử dụng: nón Tam Giang dành cho các ông, bà nhiều tuổi; nón lá cho nhà giàu, quyền quý; nón tu lờ giành cho nhà sư; nón chéo vành giành cho lính. Chiếc nón Việt Nam tiêu biểu cho nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Nón lá của đàn ông thì hình nón, đàn bà thì hình dẹt, kích thước của nó có thể bằng một bánh xe nhỏ. Nón dẹt được làm bằng lá một cây gồi lớn. Những chiếc lá đã cắt, gắn trên một khung tre, được khâu bằng dây tre chắc chắc hơn và dễ làm hơn lông đuôi ngựa. Đầu tiên những lá đó được làm trắng ra bằng lửa hay ánh nắng. Nón lá gồi không sơn bao gồm một loại thượng hạng của tỉnh như: Nghệ An (nón Nghệ) một loại nón trung bình làm ở Hà Nội (nón ba tầm), và loại dưới (nón lá túi).Một số nón được sơn (nón sơn) và đỉnh nón được lồng vào một cái chóp nhỏ bằng sắt tây. Các nón khác, của Quảng Nam, được làm bằng cách xếp chồngnhau những lá dứa rất nhẵn đặt cách nhau khoảng 1mm gọi nón dứa. Nón của sư sãi, kích thước rất lớn, gọi nón thầy tu. Xứ Huế mà chúng ta biết đến thoát, nhẹ nhàng và duyên dáng hơn.
    Một chi tiết không kém phần quan trọng, làm cho cái nón sử dụng dễ và mảnh mai, thanh tú hơn đó là chiếc quai. Thời xưa, quai nón được làm bằng mây hoặc lạt tre, tuy nó được trauchuốt, vót rất mỏng và mềm nhưng góc độ thẩm mỹ chưa cao, vẫn còn độ cứng. Dần dần kỹ nghệ dệt vải phát triển, con người đã thay thế cái quai nón bằng một băng vải nhỏ, với đủ màu sắc và mềm mại hơn. Chi tiết tuy là nhỏ nhoi này đã tôn thêm nét duyên dáng cho người đội nón bội phần.
    Nguồn: Báo Hà Nội mới
    Trái lại với nón lá là mũl ông chim, mũ vải và mũ lông đuôi ngựa, làm tại Hà Nội ở phố Mã Vĩ. Nó có cả mũ của trẻ nhỏ, để hở đỉnh đầu có tác dụng làm cho cái nóng ẩm bốc hơi đi, vì sợ ảnh hưởng không cho sọ cứng lại, từ thế kỷ XI quy định cho các quan văn võ phải đội; mũ đầu ve sầu, cánh chuồn (có hai cánh hai bên), đuôi cáo cho các vị tiến sĩ, cử nhân và tú tài, tướng ra trận đội mũ trụ ( bằng chất liệu cứng để chống binh khí)… còn nhà vua thì đội mũ miện Mũ là loại đồ đội đầu ôm sát và kín tóc ( miền nam gọi chung cả mũ và nón là “nón”); sau này có mũ lưỡi trai, mũ ca-lô,mũ cát… Các loại nón: 1.Nón giâu, 2. Nón cụp, 3. Nón thầy tu, 4. Nón ba tầm phụ nữ Hà Nội thường đội, 5. Nón Nghệ cũng giành cho phụ nữ đội, rộng và đẹp hơn nón ba tầm, bên trong có trang điểm bằng những sợi chéo nhau được làm ở Nghệ An, Nón giang làm bằng lá cọ khâu bằng sợi giang mang sắc thái của Hà Nội, 7. Nón sơn, 8. Nón giứa, 9. Nón lòng chảo, 10. Nón thúng, 11. Nón chân tượng, 12. Nón quai thao [Huard Pvà Durand M.1954: 264].
    4. Chức năng của chiếc nón Việt
    Con người sử dụng để chống lại môi trường tự nhiên bảo vệ sức khỏe tức là che mưa che nắng. Chúng ta biết rằng người dân làm nông nghiệp thường phải đối chọi với thời tiết mưa nắng thất thường trong công việc đồng áng hàng ngày. Người nông dân một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưngcho trời. Công việc chính của họ là gắn với trời và đất, họ làm việc không theomột thời gian nhất định nào cả. Họ ra đi có thể là lúc sáng sớm cho đến trưangả bóng tròn họ với ra về. Với tính chất công việc như vậy, họ luôn cầu mongcó một sức khỏe tốt để công việc không bị ngắt đoạn.
    Do vậy, thường ngày họ ra đồng ngoài những dụng cụ lao động thì họ còn phải cónhững vật bất ly thân đó chính là chiếc nón. Nó trở thành người bạn đồng hànhvà gắn bó với công việc của họ, một người thân bảo vệ họ tránh được cái nắng,cái gió và những cơn mưa bất chợt đến. Như vậy hình ảnh chiếc nón chiếm một vịtrí quan trọng nhất là trên đầu, cơ thể con người chúng ta thì mỗi một bộ phận đều có tầm quan trọng riêng. Nhưng chiếc đầu là bộ phận quan trọng bậc nhất vìnó chứa đựng não và các cơ quan có chức năng điều khiển các bộ phận khác trên cơ thể. Vì thế, cần được che chở thật tốt và cũng vì lẽ đó làm cho chiếc nón cóchỗ treo trang trọng. Trong mỗi gia đình của người nông dân Việt Namđều có tìm một vị trí nào đó để treo chiếc nón của mình sao cho để bảo vệ nó một cách tốt nhất sau mỗi khi họ sử dụng trong những công việc hàng ngày.
    Ngoài ra chiếc nón còn được người nông dân Việt Nam sử dụng một cách linh họat khác. Khi trong công việc đồng áng hàng ngày khi cần nó có thể là chiếc khau dùng để tát nước vào ruộng đây chính là phát huy và khai thác công dụng của chiếc nón một cách linh họat. Đôi khi chiếc nón cũng trở thành vật để đựng những đồ vật nhẹ nhàng thay cho chiếc thúng chẳng hạn. Nhiều khi nó cũng trở thành một chiếc quạt để mang lại những luồng gió khi thời tiết nóng nực và chiếc nón có thêm một chức năng như một chiếc quạt. Nhiều khi nó còn được conngười sử dụng thay cho chiếc lồng bảo vệ những thức ăn cho con người tránh khỏi những con vật xâm phạm đến thức ăn, đây chính là sự bảo vệ sức khỏe con người trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực. Có những lúc chiếc nón còn giống như một phươngthuốc để cầm máu cho người nông dân khi họ bị côn trùng cắn chẳng như bị conđỉa cắn người nông dân dùng ngay chiếc lá làm vật dụng cầm máu thay cho khikhông có bông. Chiếc nón cũng làm cho người nông dân có một giấc ngủ tạm thời sau những công việc vất vả khi họ phải nghỉ ngoài đồng, khi đó nó có tác dụngche nắng, ánh sáng. Chiếc nón có gương còn tác dụng làm đồ để ngắm soi, trang điểm khuôn mặt khi không ở nhà.
    Nón không chỉ có giá trị sử dụng, giá trị tinh thần, mà còn là một sản vật để làm quà mang đặc trưng cho các vùng miền như: nón Huế, nón làng Chuông Hà Nội bây giờ và Hà Tây xưa, nón Quai Thao (Bắc Ninh)… Với ý nghĩa trên nghề làm nón ởmột số địa phương đã mang lại đời sống vật chất của họ nâng cao hơn. Khách du lịch trong nước hay du khách quốc tế mỗi khi đến cố đô Huế – một di sản văn hóavật thể của nhân loại, sau khi tham quan, tìm hiểu các điểm du lịch khi ra về họ thường hay mua chiếc nón về làm quà tặng cho người thân hoặc làm kỷ niệm chochuyến đi.
    5.Văn hóa chiếc nón
    Văn hóa là sản phẩm của conngười. Văn hóa và con người là hai khái niệm không tách rời nhau. Con người thoát thai khỏi tự nhiên khi nào thì văn hóa xuất hiện từ lúc ấy. Con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, đồng thời chính bản thân con người cũng là một sảnphẩm văn hóa. Tự nhiên là cái có trước, tự nhiên quy định văn hóa.

    Nguồn:htt://www.hanoimoi.org.vn
    Thứ nhất, tự nhiên tạo nên người; con người tạo nênvăn hóa; văn hóa là sản phẩm trực tiếp của con người và gián tiếp của tự nhiên.
    Thứ hai, trong quá trình sáng tạo văn hóa, con người vẫn phải sử dụng năng lực tự nhiên tiềm tàng của chính mình (mọi sản phẩm tinh thần đều gắn liền với bộ não là cái vật chất tự nhiên sinh ra chúng).
    Thứ ba, trong quá trình sáng tạo văn hóa, con người vẫn phải sử dụng các tài nguyên phong phú của tự nhiên.
    Vậy thì chiếc nón là sản phẩm của con người làm ra từ trong những nguyên liệu có sẵn của tự nhiên. Nhưng để trở thành một sản phẩm mang yếu tố văn hóa nó phải gắn với tính lịch sử, còn phải có tính giá trị, tính nhân sinh. Với những điều kiện đó chiếc nón là một sản phẩm văn hóa của cưdân nông nghiệp trồng lúa nước. Nón là một biểu tượng ứng xử văn hoá:“Văn hóa là một hệ thống giá trị mang tínhbiểu tượng do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn,trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” [Trần NgọcThêm 2005:21].
    Một sản phẩm văn hóa ra đời xuất phát từ nhu cầu tinh thần và nhu cầu vật chất. Vậy trong nó đã bao gồm cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Chiếc nón được con làm ra để thỏa mãn nhu cầu của người dân, nó cũng là vật dùng để ứng xử giữa con người với nhau. Chẳng hạn như trong tình yêu giữa nam và nữ thì nó giống như một kỷ vật để làm cầu nối chuyện tình cảm, sự vui buồn, giận hờn hay sự chia ly… Điều này được chứng minh qua một số câu ca dao người Việt:

    Nón em nón bạc quai vàng,

    Thì em mới dám trao chàng cầm tay.

    Qua cầu ngả nón trông cầu,

    Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu.

    Qua đình ngả nón trông đình,
    Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiều. (1)
    Những câu ca dao trên đã phần nào nói được chiếc nón còn là một vật làm tin của đôi lứa yêu nhau. Hay chiếc nón cũng được ví như người con gái có những thời kỳ như chiếc nón trải qua các giai đọan: mới, cũ dần, cũ hẳn… và người con gái khi còn trẻ đẹp, duyên dáng thì nhiều người đeo đuổi còn hết duyên tức là nhan sắc đã tàn phai. Hay câu ca dao sau:

    Chòng chành như nón không quai,
    Như thuyền không lái như ai không chồng.

    Nguồn:htt://www.hanoimoi.org.vn
    Với ý nghĩa nói nỗi lòng, thân phận người phụ nữ trong hoàn cảnh cô đơn trống trải, tình thế bếp bênh, chòng chành, không vững chắc. Chính là hình ảnh ẩn dụ của người đàn bà nhiều tuổi mà không chồng, tức là không có chỗ dựa về tinh thần.
    Nón với đời sống văn hóa tinh thần trong một số hoạt động lễ hội dân gian, sinh hoạt văn nghệ, đặc biệt trong Quan họ Bắc Ninh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…Để nhớ ơn công lao của những ông tổ nghề làm nón một số địa phương hàng năm có tổ chức lễ hội như: hội Lim ỏ Bắc Ninh diễn ra vào ngày 13/1 âm lịch trong trang phục bao giờ cũng có hình ảnh của chiếc nón. Nam Quan họ làm sang với chiếc ô đen, còn nữ Quan họ e thẹn núp sau vành nón ba tầm:

    Chẻ tre đan nón ba tầm,
    Để cho người đội hôm rằm tháng giêng.
    Nón ba tầm (còn gọi nón thúng quai thao) được bện bằng lá cọ mỏng, khâu bằng móc trắng như cước, phía trong có thêu thùa hay dùng những mảnh gương nhỏ xếp thành hình hoa, hình rồng phượng hay hoa lá;quai nón được se bằng tơ tằm có màu vàng hoặc màu trắng, đầu quai có 2, 3 thaođược kết một cách nghệ thuật. Với khúc hát Quan họ Bắc Ninh, chàng trai và cô gái hát đối dao duyên , cô gái bao giờ cũng cầm trên tay chiếc nón ba tầm. Nó giúp cho cô gái giấu khuôn mặt ửng hồng của mình khi chàng trai hát những lời bóng gió xa xôi về mối tình của chàng, hoặc khi cô gái muốn kín đáo ngắm khuôn mặt bạn tình của mình mà không để cho chàng biết.
    6.Vănhóa biểu tượng của chiếc nón
    Có thể nói mọi họat sáng tạo của con người ra các giá trị văn hóa vật chất cũng như những giá trị văn hóa tinh thần đều xuất phát trên cơ sở nhu cầu của con người. Như vậy chiếc nón ở đây là một sản phẩm văn hóa của cư dân nông nghiệp làm ra để ứng xử với môi trường tự nhiên, cũng là một vật trang điểm cho con người thêm đẹp hơn. Tức là nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ với chiếc áo dài và chiếc nón mang trên đầu là hình ảnh của người con gái Việt Nam. Thông qua đó mà biết được tính nết, hình dáng và nét đẹp duyên dáng độc đáo riêng của người phụ nữ Việt Nam.

    Còn duyên nón cụ quai tơ,

    Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong.

    Chưa chồng nón thúng quai thao,

    Chồng rồi nón rách quai nào thì quai. (1)
    Ý nghĩa biểu tượng của chiếc nón có những đặc điểm phù hợp với phụ nữ Việt Nam, với tính tình giản dị, tần tảo chịu khó, nhẹ nhàng, duyêndáng khi chúng ta nhìn thấy nó. Có nghĩa là khi chúng ta cũng như khách du lịchnước ngoài nhắc đến phụ nữ Việt Nam bao giờ cũng gắn với tà áo dài và chiếc nón đội trên đầu. Chiếc nón đã tạo nên hình ảnh cho sự khác biệt về vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam với phụ nữ Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua biểu tượng văn hóa trên.
    Ngày nay, chiếc nón Việt còn là một biểu tượng cho văn hóa Việt Nam.Cùng vơi thời gian thì vật chất sẽ bị hủy hoại do chiến tranh, môi trường tự nhiên…, cho nên vật chất chỉ ổn định trong thời gian tồn của vật thể ấy. Còn cái tinh thần nào đã tồn tại được với thời gian thì sẽ mang tính trường tồn rất cao, khó mà thay đổi được như: tính cách dân tộc thì vô cùng vững bền. Nếu văn minh (civilization)chỉ ra trình độ phát triển của xã hội, thì bản sắc văn hóa (cutural identity) chỉ ra bề dày lịch sử;đó là những giá trị tồn tại lâu bền hơn cả trong nền văn hóa Việt Nam. Trong ca dao Việt Nam mới có câu:

    Trăm năm bia đá thì mòn,

    Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. (2)
    Cái tinh thần được vật chất hóa mới trở thành sản phẩm. Sự hình thành, giá trị vật chất cũng như giá trị tinh thần mà chiếc nón mang trong mình cả giá trị văn hóa. Thông qua hình ảnh chiếc nón sẽ làm cho chúng thấy đây chính là biểu tượng cho người phụ nữ trong quá khứ, hiện tại và trong cả tươnglai. Nó sẽ đẹp và ngà càng hoàn thiện hơn cả về nội dung, hình thức hay chính là hình thể và trí tuệ của người con gái Việt trong thời đại hiện nay và mãi mãi.
    Với người phụ nữ Việt với khuôn mặt ngời sáng cùng với nụ cười e ấp giấu sau vành nón trắng thường gây nên những cơn địa chấn trong lòng khách đa tình khao khát cái đẹp vừa bí ẩn vừa cách xa hiện thực. Thi nhân mặc khách thường ví chiếc nón với vầng trăng viên mãn khoan thai ngự trên đỉnh trờitròn như biểu tượng của nữ tính vĩnh hằng. Từ lâu nay, hình ảnh ngưòi phụ nữ thướt tha trong tà áo dài truyền thống với chiếc nón lá hoặc áo tứ thân, nón Quai thao đã in đậm vào trong tâm thức của người Việt. Chiếc nón lá theo người phụ nữ trên mọi nẻo đường. Nó còn là một vật phẩm rất có giá trị, do vậy mà còn là kỷ vật để cho trai gái trao tặng nhau, người ta có quý trọng nhau thì chiếc nón trở thành một món quà thân thiết thể hiện tình cảm của đôi bên. Xa xưa chiếc nón còn là sản vật cống tiến cho Hoàng hậu, công Chúa thể hiện sắc thái từng vùng miền. Nón chính là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Nếu ở một nơi xa xôi nào đó không phải trên đất nước Việt Nam, bạn nhì thấy chiếc Nón lá hay tà Áo dài, đó chính là dấu hiệu nhận diện ra hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
    Ngày nay mặc dù đời sống văn hóa vật chất cũng như văn hóa tinh thần không ngừng được nâng cao, sự du nhập và ảnh hưởng văn hóa hải ngoại nhưng biểu tượng của chiếc nón Việt Nam vẫn thuần túy nguyên hình của nó. Dù ở bất cứ nơi đâu, từ rừng núi hẻo lánh, trên đồng ruộng , trong đời sống thường ngày cũng như trong các loại hình nghệ thuật thì hình ảnh chiếc nón vẫn mãi là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam.
    Tài liệu tham khảo sử dụng khi viết bài:
    1. Đoàn Văn Chúc 1997: Văn hóa học. – HN: Nxb Văn hóa thông tin.
    2. Huard P., Durand M.1954. Hiểu biết về Việt Nam. – HN: Nxb Khoa học xã hội.
    3. Lữ Huy Nguyên – Đặng Văn Lung – Trần Thị An 1998. Ca dao tục ngữ Việt Nam. – HN: Nxb Giáo dục.
    4. Trần Ngọc Thêm 1997/2001: Tìmvề Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam. – Tp. Hồ Chí Minh.
    5. Trần Ngọc Thêm 2005: Lý luận văn hóa học, “tập bài giảng”.- Tp. Hồ Chí Minh.
    6. Tổng cục Du Lịch 2002: Non nước Việt Nam. – HN: Nxb Văn hóa thông tin.
    htt://vinaseek.com
    htt://www.vietnamtourism.com
    htt://www.hanoimoi.org.vn

    (1) Lữ Huy Nguyên – Đặng Văn Lung – Trần Thị An1998. Ca dao tục ngữViệt Nam.– HN: Nxb Giáo dục. Tr. 172.

    (1) Lữ Huy Nguyên – Đặng Văn Lung – TrầnThị An 1998. Ca dao tục ngữViệt Nam.– HN: Nxb Giáo dục. Tr. 116; 127.

    (2) Lữ Huy Nguyên – Đặng Văn Lung – Trần Thị An1998. Ca dao tục ngữViệt Nam.– HN: Nxb Giáo dục. Tr. 145/

  26. Có rất nhiều tài liệu phù hợp với chuyên nghành du lịch đấy các bạn, các bạn thử vào website: http://detaihay.net/forum.php
    Có rất nhiều bài luận văn, chuyên đề, tiểu luận, báo cáo..mẫu đấy

  27. Mình muốn gia nhập để học hỏi thêm nhiều điều về người làm du lịch .

  28. KINH NGHIỆM SỐNG SÓT GIỮA RỪNG GIÀ NAM CÁT TIÊN

    Chỉ có 1,5 lít nước dùng cho 24 giờ, không có bất kỳ phần lương thực nào đem theo, tôi phải trải qua 24 giờ kinh khủng nhất khi chống chọi với cơn đói lả, với những bước chân luồn rừng nặng trĩu đeo bám theo nỗi ám ảnh về các loài côn trùng, rắn độc đang ẩn náu dưới tán rừng già Nam Cát Tiên.

    Đấy mới chỉ là bài học cơ bản về kỹ năng sống sót giữa rừng hoang mà tôi có dịp trải nghiệm.

    Amazon và Nam Cát Tiên

    Mở đầu cho câu chuyện rừng rú tôi muốn đề cập đến một nhân vật quen thuộc với màn ảnh Việt trong các phim “Bẫy Rồng,” “Dòng máu anh hùng,” phim quảng cáo truyền hình với các vai đánh đấm đầy mạo hiểm.

    Đấy là David Minetti, từng là một tay đấm có số má trên võ đài của môn võ tổng hợp Mix Martial Art (MMA) nổi danh ở Pháp và châu Âu những năm 2000, đã từng vô địch toàn châu Âu năm 2002.

    Tính mạo hiểm, cộng với nỗi nhớ rừng đã ăn vào máu, nên khi đến Việt Nam, ngoài chuyện khai mở ra môn võ MMA, David thường tìm đến rừng, và Nam Cát Tiên là lựa chọn quen thuộc.

    Khi đến Nam Cát Tiên, David nhận ra tiềm năng của vùng rừng đặc hữu này, anh cho biết: “Khoảng bảy năm trước, khi tôi đến vườn quốc gia Nam Cát Tiên, không có một loại hình dã ngoại nào mang tính thử thách hay khám phá, chỉ có tour đến bàu sấu, nhưng Nam Cát Tiên có diện tích hơn 75.000ha, và tôi nghĩ có thể làm gì đó khác biệt. Thế là tôi đến đây thường xuyên hơn để gặp gỡ ban quản lý, giải thích cho họ về việc tổ chức những chuyến đi rừng, học cách sống sót giữa rừng hoang, để những người tham gia học thêm những kỹ năng sống và hiểu thêm về thế giới tự nhiên trong rừng.”

    Và thế là David tập hợp những bạn bè có cùng sở thích, đa phần là người nước ngoài, tham gia những chuyến đi rừng để David huấn luyện các kỹ năng sống bổ ích,

    David chia sẻ: “Khóa học sống sót giữa rừng hoang do tôi tổ chức một phần vì tôi có kinh nghiệm khi phục vụ trong quân đội Pháp ở vùng rừng Amazon, và tôi cũng học từ những người địa phương cách thức họ sinh tồn trong đời sống hoang dã của rừng rậm, đây cũng là một trong những bài học quý giá đối với tôi. Những người tham gia khóa học này đều có khao khát khám phá thiên nhiên, và tôi dạy cho họ biết cách làm thế nào tồn tại để thoát ra khỏi rừng khi họ không có gì trong tay.”

    Hành trình hành xác

    Nghe rủ rê về chuyến đi rừng đầy thú vị kéo dài 24 giờ, người tham gia chỉ được mang 1 con dao, 1,5 lít nước, tự đến điểm định sẵn giữa rừng theo máy định vị và qua đêm ở đó… không có thực phẩm đem theo, hành trình hứa hẹn một thử thách không đơn giản.

    Bữa sáng cuối cùng trước khi bước vào thử thách chỉ là đĩa mì xào ở trại tập trung ngay vườn quốc gia Nam Cát Tiên, tôi cùng gần chục bạn nước ngoài mới quen đã sẵn sàng cho việc tra tấn bản thân suốt 24 giờ kế tiếp.

    Nắng lên một gay gắt hơn, chúng tôi đi dưới tán rừng chưa đầy 2 giờ đồng hồ, ai nấy lè lưỡi vì nắng nóng, những chai nước đã bắt đầu vơi. Tôi cố nhịn không dám uống nước dù khô rang cả cổ, bởi ở cái nóng này mà chiều mình một tí thì 1,5 lít nước chẳng mấy chốc sẽ hết veo.

    Ông bạn Gert đến từ Đan Mạch lê cái bụng béo ị, mồ hôi vã như tắm, miệng lầm bầm sao mình tự nhiên lại cắm đầu vào chốn hành xác này làm gì cho khổ. Đáp lại là những nụ cười xã giao nhưng méo xệch, cũng phải, bởi ai cũng thấy mình thật dại khi tham gia đi rừng như thế này.

    Rồng rắn đi mãi, đến xế trưa, nắng dội gắt cả đỉnh đầu, những bước chân chậm lại, và thật may mắn khi đi ngang một dòng suối nhỏ, chẳng ai bảo ai, cứ thế trầm mình xuống nước như trâu đầm. Lúc này mới thấy cái đã, cái sướng khi cơn khát được giải tỏa nhờ nước suối mát rượi.

    Giải quyết xong vụ nóng và khát, đi tiếp chẳng bao lâu thì cơn đói ập đến, vẫn chưa đến điểm dừng cuối cùng. Rừng càng rậm và khó đi hơn, đến xế chiều thì miệng đắng lại, bao tử teo tóp, réo sùng sục, may mà đến điểm dừng ngay bờ suối. Cả đoàn lại lao đầu vào việc phát quang, học bài học đầu tiên là cách mắc võng, tạo chỗ nghỉ đêm giữa rừng.

    Tinh thần cả đoàn xuống thê thảm, ai nấy mặt ngu ngơ, thất thần, David mở lòng thương, phát cho vài lưỡi câu bé tẹo và cuộn chỉ để mọi người tự đi đào trùn câu cá lo cho bữa tối. Từ chiều đến tối mịt, cả nhóm câu được khoảng chục con cá bự chảng bằng… ngón tay trỏ, bắc lên bếp đổ nước suối vào luộc nhừ. Bữa tối thịnh soạn chỉ có thế.

    Mấy ông Tây ban đầu còn giữ máu lịch sự, rụt rè nhường nhau cái nắp vung múc miếng cá nấu nhừ tử nhấm nháp, húp húp cái vị ngọt ngọt, tanh tanh, chẳng ra làm sao cả, nhưng đấy là món bổ dưỡng duy nhất để giảm cái lọc xọc của bao tử đang kêu gào vì đói sau một ngày luồn rừng đầy mệt mỏi.

    Chỉ sau vài lần chuyền tay nhau, cái háu đói đập tan tự ái, chẳng ai giữ kẽ nữa, ngửa cả nồi ra húp sồn sột, chưa giáp vòng nồi cá đã cạn veo cả nước, tìm một cọng xương nhỏ cũng không còn. Tây-Ta ai nấy chùi mép, thèm thuồng, tiếc hùi hụi một bữa ngon chóng vánh.

    Rắn độc và những bài học sống sót

    Đêm khuya, David lại dẫn dắt sang một bài học khác sởn gai ốc hơn, miêu tả về các loại rắn độc ở vùng Nam Cát Tiên và cách phòng trị rắn cắn với lời mở đầu: “Có đến 70% các loại rắn độc thường xuyên hoạt động, săn mồi vào ban đêm.” Câu nói ấy làm Vincent – đến từ Mỹ – sợ đến độ lúc đi ngủ không dám về võng một mình.

    David phát cho mỗi người một tấm hình in bốn loại rắn quen thuộc của vùng rừng nhiệt đới và giới thiệu: “Với rắn lục lửa, loài này rất hung hăng, chúng không bao giờ cảnh báo bạn, chỉ cần bạn lai vãng gần nó sẽ tấn công bạn ngay lập tức. Rắn hổ mây thì có thể tầm nhiệt của cơ thể người để phòng thủ và tấn công nếu xâm phạm vào lãnh địa của chúng. Còn với rắn hổ mang, chúng sẽ cảnh báo trước bằng cách vươn mình lên, phùng mang ra để thủ thế, còn một loại nữa hay gặp là rắn cạp nong, loài này ban ngày thì rất ngu ngơ, thường rúc đầu trốn ánh sáng, nhưng ban đêm thì rất nhanh nhạy và nguy hiểm, một cú đớp dính phải thì vô phương cứu chữa.”

    David giới thiệu một hộp nhỏ với kích cỡ hai bàn tay úp lại, và gọi đó là hộp sống sót, chứa đựng các vật dụng cần thiết và luôn ở bên mình trong những hành trình luồn rừng.

    Thật hài hước khi dụng cụ quan trọng nhất trong hộp sống sót là cái bao cao su. Chị em nghe thì e thẹn, các ông Tây thì khoái chí cười khành khạch, đầu óc nghĩ ngay đến công dụng cơ bản của nó.

    Quả thật đã gọi là đi lạc trong rừng mà còn nghĩ đến chuyện dùng bao cao su thì thật là có óc tưởng tượng siêu phong phú, với David thì khác: “Nhìn nó bé tẹo thế, nhưng nó có thể giúp bạn đựng được từ 2–3 lít nước, sau đó bạn tháo vớ và bọc bên ngoài, thế là bạn đã có một túi đựng nước tốt, đủ cho bạn sống sót ít ra là trong vài ngày.”

    Bên cạnh đó còn có vài vật dụng trong hộp sống sót cần có như thuốc chống dị ứng, thuốc sốt rét, vài lưỡi câu, một chiếc la bàn. Thực tế thì có rất nhiều thứ hữu dụng hơn như một con dao đa năng, hoặc một chiếc gương nhỏ để phản chiếu ánh sáng mặt trời gây chú ý.

    Sau những bài học về sơ cứu rắn cắn, cách băng bó vết thương, chúng tôi giải tán để qua đêm trên chiếc võng giữa rừng, ôm bụng đói chờ đến sáng hôm sau học tiếp những bài học mới.

    Trời vừa sáng, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng chim, gà rừng, tiếng vượn hú vang dội, chúng tôi đi ra khoảng rừng thưa để học cách đặt bẫy các loại thú nhỏ, chỉ với sợi dây gút và vài động tác đơn giản, một chiếc cần bẩy để bẫy thú hoàn tất, David chia sẻ: “Đây chỉ là bài học đơn giản nhất mà tôi cung cấp cho các bạn, những kỹ năng như mắc võng, lấy lửa, đặt bẫy tìm thức ăn, cách chuẩn bị cho một chuyến đi rừng, cách phân biệt các loại rắn nguy hiểm và cách né tránh nó, mục đích tôi muốn những người tham gia biết cách tôn trọng thiên nhiên hơn. Rõ ràng nếu bạn không biết gì về rừng bạn sẽ cảm thấy sợ hãi.”

    Chúng tôi bắt đầu học tiếp một kinh nghiệm từ bài tập tình huống đặt ra khi bị rơi máy bay vào khu rừng rậm mà không có gì trong tay.

    David nói: “Đầu tiên hãy cố gắng tìm nguồn thức ăn ngay tại nơi bạn bị nạn, và cầm cự ở đó khoảng 15 ngày, bởi người ta bắt buộc sẽ tổ chức những cuộc tìm kiếm cứu nạn. Nếu qua thời gian đó mà không ai đến cứu, hãy tự giải thoát bằng cách tìm đường ra, nhưng bạn sẽ đi đâu, khi không có la bàn, không có GPS. Có ai có ý tưởng gì không? Thế này nhé, bạn hãy đi quanh, định hướng kỹ để cố tìm một dòng sông hay con suối, nếu bắt gặp được rồi, hãy đi xuôi dòng chảy sẽ đến sông, từ sông sẽ ra biển. Theo cách này thì cơ may tìm ra con người rất cao, vì ngay cả những bộ tộc trong rừng, họ cũng thường sống ở vùng gần sông suối. Chưa kể nguồn nước cũng chính là thứ cần thiết giúp bạn cầm cự trong rừng.”

    Hành trình trở về cũng là một thử thách bởi nguồn nước 1,5 lít của mỗi người hầu hết đều đã cạn. Mệt mỏi, đói khát, nhưng điều đó không có nghĩa gì bởi bù lại tôi và những người bạn đồng hành đã học được nhiều bài học cần thiết, bổ ích cho kỹ năng sống khi đối mặt với những tình huống một mình giữa rừng hoang.

    “Rắn bị điếc, chẳng có con nào nghe thấy âm thanh, nếu bạn gặp rắn trong rừng mà cố hét toáng lên làm chúng sợ, thì quên điều đó đi, nhưng nếu bạn tạo ra âm thanh bằng việc dậm chân xuống đất, các loài rắn sẽ dần dần tránh xa bạn,” David Minetti nói.

    Để tham gia vào các hành trình thử thách đi rừng cùng David, trên facebook có nhóm “K1 Jungle trekking in Vietnam,” hầu hết mỗi tháng đều có thông tin về chuyến đi, ai cũng có thể đăng ký tham gia.

    David nói về các lớp học: “Có bốn cấp độ cho người tham gia, cấp độ một là lớp căn bản kéo dài 24 giờ với 1,5 lít nước, có bạt che mưa, võng. Cấp độ 2, 3 kéo dài 48 giờ, phải tự tạo chỗ ở cho mình, không được mang theo nước. Cấp độ 4 dành cho những người có khả năng chịu đựng tốt và đã từng học qua những lớp căn bản, phải qua kiểm tra thể lực, mới được tham gia. Hành trình đi rừng dài 72 tiếng, người tham gia tự tìm đường đến đích mà không có dụng cụ gì hỗ trợ, kể cả lương thực và nước uống”..
    (Sưu tầm)

Gửi phản hồi cho maiphuong Hủy trả lời