Bí ẩn sự biến mất của các nền văn minh cổ


 

Nền văn hóa Harappa ở khu vực sống Ấn với những pháo đài bằng đất sét nung đã đột ngột biến mất cách đây gần 2 thiên niên kỷ. Người ta cho rằng có thể một cuộc đại chiến, hay trận động đất thảm khốc đã tiêu diệt nó.

Lịch sử loài người đã ghi nhận có tới 7 nền văn minh cổ đại như Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà, Maya… Cái còn lại của một số nền văn minh chỉ còn là những dòng chữ trong sử sách. Còn thành trì, đền đài… đã đột ngột biến mất mà nguyên nhân vẫn chưa được tìm ra.

Câu chuyện về thành Troy được gắn liền với hai trường ca của Homer là Iliad và Odyssey và với thần thoại Hy Lạp. Trong khi rất nhiều nền văn minh cổ đại để lại di tích vật chất cho hậu thế thì thành Troy được coi như một câu chuyện trong trí tưởng tượng của người xưa. Trên trái đất thời hiện đại không có dấu vết của bức thành gắn liền với cuộc chiến tranh bất hủ và con ngựa gỗ huyền thoại.

Thế nhưng theo những nghiên cứu mới đây, thành Troy (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) là có thật. Họ khẳng định rằng cách đây hơn 3.000 năm, thành Troy nằm trên một đỉnh đồi, gần bến cảng thông ra biển Aegae (hiện cảng này đã bị cát vùi lấp).

Khi những nhà buôn Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha dong thuyền từ biển Aegae tới Biển Đen, họ đều dừng chân ở Troy để tiếp tế lương thực và giải trí. Những dấu tích khảo cổ học mới được phát hiện – mảnh thuyền và cọc sắt nằm rải rác dưới những lớp đất cách thành Troy khoảng 4 km – là bằng chứng cho thấy chiến thuyền Hy Lạp từng đậu ở đây trước khi tấn công thành, giống như lời kể của Homer trong anh hùng ca Iliad.

Vì sao thành Troy biến mất? Đó là câu hỏi mà nhiều thế hệ các nhà khoa học mất công đi tìm câu trả lời. Giáo sư vật lý Amos Nur tại Đại học Stanford, Mỹ, nói: “Chúng tôi tin rằng các thảm họa tự nhiên, đặc biệt là động đất, đã đóng vai trò quan trọng trong sự mất tích bí ẩn của nhiều nền văn minh”.

Khi nghiên cứu vùng phía đông Địa Trung Hải ở cuối thời kỳ đồ đồng, Hiệp hội Địa vật lý Mỹ cũng cho rằng một trận động đất lớn có thể là thủ phạm chính đằng sau sự biến mất của nhiều thành phố như Troy, Mycenae và Knossos. Các thành phố này đã bị quét khỏi bản đồ thế giới trong khoảng năm 1.225-1.175 trước Công nguyên.

Văn hóa Harappa – những pháo đài bằng đất sét nung

Đây là nền văn hóa cổ đại nằm trong tổng thể các nền văn minh Sông Ấn, phát triển vào khoảng từ năm 2.800 đến 1.800 trước Công nguyên. Theo sử sách, nó có sự phát triển cao về kinh tế, thương mại, nông nghiệp, nghệ thuật, chữ viết… Hàng loạt đền thờ được phát hiện đã chứng minh cho sự tồn tại của nó.

Nhưng nền văn hóa này đã biến mất, nguyên nhân cho đến nay vẫn chưa rõ. Giả thuyết phổ biến nhất là người du mục Arian xuất hiện và đánh chiếm. Giả thuyết thứ hai được nhiều người chấp nhận, đó là sự biến đổi khí hậu. Vào khoảng 1.800 năm trước Công nguyên, khí hậu trong lưu vực sông Ấn thay đổi, trở nên lạnh và khô hơn. Sông Ghaggra-Hakra trở nên khô cạn làm biến đổi kiến tạo mảng. Nguồn nước của hệ thống sông bị chuyển hướng về đồng bằng sông Hằng, dẫn đến sự suy tàn của nền văn minh Harappa.

Các thuyết khác cho rằng sự suy tàn của nền văn minh sông Ấn có liên quan đến sự sụp đổ của vương quốc người Sumer, hay xung đột quân sự và bệnh tật.

Giáo sư Amos Nur và đồng nghiệp Prasad khi xem xét lịch sử địa chấn đã nhận thấy có những trận động đất thảm khốc đổ xuống vùng ven biển gần biên giới Ấn Độ – Pakistan. Theo giả thuyết của họ, một hoặc nhiều chấn động lớn có thể đã làm vỏ trái đất di chuyển, kéo theo việc chặn dòng chảy của một con sông lớn trong vùng. Nền sản xuất nông nghiệp bị phá hủy, các trận lụt nghiêm trọng xảy ra và cuối cùng vùi lấp các thành phố dưới bùn lầy.

Nền văn minh Maya

Đó là nền văn minh cổ đặc sắc được người Maya, một bộ tộc thổ dân châu Mỹ, xây dựng từ năm 1.000 trước Công nguyên. Nền văn minh Maya đạt một trình độ cao về lĩnh vực xây dựng nhà nước và kiến trúc, toán học, thiên văn học.

Những di tích khảo cổ học chứng minh, người Maya đã phát triển khái niệm “số 0” vào năm 357, sớm hơn châu Âu gần 900 năm. Họ xác định chính xác độ dài của một năm – thời gian trái đất quay hết một vòng quanh mặt trời – chính xác hơn rất nhiều bộ lịch được châu Âu sử dụng vào thời đó. Không những thế, tôn giáo của người Maya cũng rất đặc biệt vì có sự kết hợp giữa lễ nghi với các chu kỳ của vũ trụ.

Hai thành phố Quirigua (Đông Guatemala ngày nay) và Benque Viejo, vốn là trung tâm văn hóa của người Maya trong thời kỳ đỉnh cao, đột ngột biến mất vào cuối thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên.

Nhiều nhà sử học cho rằng đây là hậu quả của những cuộc chiến liên miên, ban đầu là ngay trong bộ tộc nhằm tranh giành quyền lực, sau đó là với kẻ xâm lăng là đế quốc Tây Ban Nha. Nhưng kết quả nghiên cứu của nhà địa – vật lý Robert Kovach lại cho chúng ta nguyên nhân hủy diệt khác: một trận động đất kinh hoàng.

Thanh Trì (Theo Sức khỏe & Đời sống

Bình luận về bài viết này