Đến bảo tàng nghe ông bà kể chuyện

Bảo tàng thật, những câu chuyện thật, và ông bà cháu cũng thật sự là người trong nhà.

Đó là sáng kiến “mai mối” của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bắt đầu nhân Ngày gia đình VN (28-6) năm nay: các cụ ông, cụ bà của nhiều gia đình đích thân đưa con cháu đến bảo tàng và kể cho các cháu nghe những câu chuyện thật của đời mình, gắn bó với từng hiện vật nơi đây…

 

Ông Lê Kỳ Quang kể chuyện với các cháu ở bảo tàng- Ảnh: L.Điền

Và như vậy, trong hành trình cùng đưa cháu đến với bảo tàng, các cụ ông cụ bà cũng tham gia hướng dẫn, thuyết minh bằng cuộc đời của chính mình. Bởi họ là những người từng sống trong chiến tranh, trực tiếp chiến đấu hoặc trực tiếp làm công tác hậu phương…, câu chuyện của họ gần gũi với nội dung trưng bày của bảo tàng.

Giữa không gian trưng bày các hiện vật lịch sử, những cụ ông cụ bà dắt cháu đi tham quan ấy đã dừng lại, hào hứng kể cho con cháu nghe câu chuyện của mình.

Như hôm cuối tuần rồi, khi nghe giới thiệu hình ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), ông Lê Kỳ Quang (cựu chiến binh ở Q.3) đã xúc động nhớ lại những trận chống càn thời đánh Mỹ. Ông bước ra trước các cháu thiếu nhi, giọng run run: “Các cháu biết không, thời chiến tranh có những hình ảnh đau lòng lắm. Bác từng chứng kiến một trận càn ở An Giang, có bà mẹ bị bom chết rồi, nhưng đứa con còn sống bò đến vạch tìm vú mẹ để bú mà không hay mẹ chết…”.

Những ánh mắt thiếu nhi nhìn bác Quang, rồi nhìn lên hình ảnh hai anh em nằm bên vệ đường ở Sơn Mỹ. Có lẽ các cháu sẽ không ấn tượng nhiều với hình ảnh này nếu không có câu chuyện của ông Quang. Có mặt tại chỗ, em Bình Minh – học sinh lớp 4, cháu của ông Quang – thừa nhận rằng đến bảo tàng cùng ông nội, vừa nghe các cô hướng dẫn, vừa nghe ông kể chuyện, “thấy câu chuyện của ông lần này súc tích hơn”.

Hay như khi các em xem những hình ảnh về giặc Mỹ ném bom miền Bắc, cụ bà Đoàn Thị Nhung lại nhớ đến những ngày nằm hầm cùng học sinh của mình, cùng đội mũ rơm đến trường để tránh bom. Bà Nguyễn Thị Thanh Hường thì nhớ lại những ngày làm phát thanh viên đài phát thanh Giải Phóng, chứng kiến trận Điện Biên Phủ trên không…

Khi lời thuyết minh của cán bộ bảo tàng dừng lại, bà Nhung tranh thủ kể cho các cháu nghe một thời gian khó của học sinh miền Bắc sinh hoạt dưới bom đạn, bà Hường kể về cảnh tượng đổ nát của phố Khâm Thiên mà mình từng tận mắt chứng kiến.

Được nhìn hình ảnh, được xem hiện vật, lại được nghe chính ông, bà của mình kể những câu chuyện gắn bó với hình ảnh và hiện vật ấy, những người làm bảo tàng mong muốn các em không nhìn hiện vật như những thứ đã chết lặng. Mà qua đó, hiện vật như còn sống, bởi đó là những thứ từng gắn bó với ông bà của các em, đang đứng cạnh các em đây.

Tinh thần này cũng là một lý thuyết mới trong ngành bảo tàng, do tiến sĩ Santhippharp Khamasa_ard – giám đốc Bảo tàng Chianghian (Thái Lan) – chia sẻ với các cán bộ bảo tàng Việt Nam trong đợt tập huấn hồi tháng 5. Vận dụng quan niệm này, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tiên phong áp dụng tổ chức cho các thế hệ gia đình Việt Nam cùng đến bảo tàng.

LAM ĐIỀN

UNWTO phát thông điệp của Ngày Du lịch thế giới

Nhằm nâng cao vị thế của ngành du lịch trong chương trình nghị sự kinh tế và chính trị toàn cầu, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã phát đi thông điệp của Ngày Du lịch thế giới năm 2011 (27/9) là “Du lịch nối kết các nền văn hóa.”

Theo Tổng Thư ký UNWTO Taleb Rifai, đây là cơ hội quảng bá vai trò của du lịch trong quá trình đưa các nền văn hóa thế giới xích lại gần nhau và thúc đẩy hòa hợp toàn cầu.

Thông qua du lịch, hàng triệu người từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Sự tương tác giữa những người có nền tảng kinh tế, văn hóa xã hội cũng như lối sống khác nhau đã mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy sự khoan dung, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, tăng cường giá trị của sự đa dạng văn hóa.

Du lịch năm 2011 sẽ thu hút sự chú ý đến vai trò quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy tất cả các hình thức biểu hiện của các nền văn hóa, công cụ thiết yếu để phát triển du lịch bền vững.

Năm 2010, 940 triệu người trên thế giới đã đi du lịch đến các nước khác, tiếp xúc trực tiếp với các nền văn hóa vật thể như các tượng đài, công trình nghệ thuật… và văn hóa phi vật thể như âm nhạc, ẩm thực.

UNWTO dự báo số khách du lịch năm 2011 sẽ tăng 4% so với năm 2010./.

Lê Bàng

Báo cáo hoạt động dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông

Vừa qua, tại Bộ VHTTDL, Ban quản lý dự án Phát triển Du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông đã có buổi báo cáo kết quả và tiến độ thực hiện với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn.

Trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hỗ trợ cho Việt Nam, Lào, Campuchia dự án “Phát triển bền vững du lịch tiểu vùng sông Mê Kông”, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững du lịch của các nước thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, hỗ trợ người nghèo và hợp tác tiểu vùng về du lịch.

Dự án được chia ra làm ba giai đoạn:

Giai đoạn một: Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê kông.

Thời gian thực hiện: 2003-2009, với tổng vốn đầu tư là 12,2 triệu đô la. Thực hiện ở các địa điểm: An Giang, Tiền Giang, Hà Nội, Lào, Campuchia.

Kết thúc giai đoạn một, Dự án đã hoàn thành tốt các mục tiêu về xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp cơ sở vật chất cho các địa phương, tiêu biểu là: Xây dựng cầu tàu Du lịch Mỹ Tho, Cầu tàu du lịch Châu Đốc, trạm kiểm soát liên hiệp Vĩnh Xương, khu xử lý rác thải núi Sam…; Du lịch cộng đồng gắn xóa đói giảm nghèo đã hoàn thành 135 hoạt động hiệu quả; Chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông hoàn thành 13 tiểu dự án với Lào, Camphuchia và 4 nước còn lại; Triển khai thành công 8 khóa đào tạo theo qui định trong dự án phát triển nguồn nhân lực…

Giai đoạn một của dự án đã được ADB kiểm tra và đánh giá cao về tính hiệu quả, đạt được yêu cầu về tính bền vững trong phát triển, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương…

Giai đoạn hai: Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Thời gian thực hiện: 2009-2014 với tổng vốn đầu tư 11,792 triệu đô la. Thực hiện ở các địa điểm tại Việt Nam: Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Nội và một số địa phương của Lào.

Nội dung hoạt động của Dự án ở giai đoạn hai về cơ bản giống giai đoạn một, tuy nhiên được bổ sung về chương trình phát triển du lịch dọc hành lang kinh tế Đông-Tây. Hiện tại, dự án đã và đang hoàn thành một số chỉ tiêu như: Thực hiện 250 hoạt động về du lịch cộng đồng gắn xóa đói giảm nghèo; Hợp tác tiểu vùng Việt Nam-Lào: Xây dựng biển quảng cáo du lịch dọc hành lang kinh tế Đông-Tây, quảng cáo các sản phẩm Du lịch trên các tạp chí quốc tế; Phát triển đào tạo nguồn nhân lực: tổ chức 26 khóa đào tạo trong nước và nước ngoài cho các cán bộ quản lý…

Hiện tại Ban quản lý Dự án và Cơ quan chủ quản là Bộ VHTTDL đang lên kế hoạch thực hiện giai đoạn ba, dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2013.

Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đã ghi nhận những cố gắng của Ban quản lý Dự án phát triển bền vững tiểu vùng sông Mê Kông, tuy gặp nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan nhưng đã hoàn thành tốt Dự án giai đoạn một, tạo uy tín không chỉ với ADB mà còn với các nước trong khu vực về hoạt động thiết lập kế hoạch và quản lý du lịch. Đồng thời, Thứ trưởng cũng có ý kiến chỉ đạo để Dự án giai đoạn 2 hoàn thành đúng tiến độ đạt được những mục tiêu đã đề ra, song song với việc lên kế hoạch cho giai đoạn 3, để hoạt động du lịch sớm có đóng góp tích cực hơn cải thiện mức sống cho người dân thu nhập thấp trong vùng dự án.

 

Mỹ Hạnh – TITC

Trui rèn ở “địa ngục trần gian”

TT – 0g30, tiếng tù và dồn dập xé ngang giấc ngủ say nồng. Vốn đã quen với những điều bất ngờ của khóa huấn luyện, nhưng bị dựng đầu dậy giữa thời khắc ngon nhất của giấc ngủ lại là điều quá bất thường với trại sinh “Đến Côn Đảo rèn bản lĩnh”.

 

Rèn luyện kỹ năng đi rừng – Ảnh: Q.LINH

Các bạn nhỏ bị dựng dậy để hành quân, giữa nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”!

Cuộc hành quân lúc 0 giờ

 

“Tôi sẽ thay đổi”

“Tôi nhận ra mình phải cố gắng nhiều hơn, dẹp bỏ những tật xấu để có thể trở nên hoàn thiện hơn. Chắc chắn khi về nhà tôi sẽ thay đổi tích cực hơn để làm vui lòng bố mẹ và không phụ lòng mong mỏi của những người đã hướng dẫn, đặt nhiều hi vọng vào tôi”.

(Trích nhật ký của trại sinh Đặng Gia Huy)

Chỉ có vài phút thay đồng phục, té nước lên mặt cho quên cơn ngái ngủ, không ai có thời gian kịp súc miệng. Từng người lần lượt được đưa lên xe, phải dò dẫm đi khi đôi mắt đã bị chiếc khăn che kín. Đến một nơi, các trại sinh níu tay nhau bước đi trong ánh trăng lờ mờ giữa đất trời Côn Đảo. Không tiếng nói, chẳng tiếng cười. Chỉ có tiếng lộp cộp của những bước chân vang lên trong tĩnh mịch của đêm.

Và cuộc hành quân mới chỉ bắt đầu. Men theo lối đi sau lưng trại Phú Tường – nơi một thời được gọi là chuồng cọp – họ đi mà chưa hề biết đích đến nơi đâu. Những bãi cỏ ướt đẫm sương đêm sột soạt dưới chân. Con đường ngoằn ngoèo đi theo chấm đỏ nhỏ xíu của những dấu chân nhang. Chui hàng rào kẽm gai, băng qua đồi cát, lội mương nước quá đầu gối. Đích đến cuối cùng hiện ra trước mắt – nghĩa trang Hàng Dương – nơi yên nghỉ của những tên tuổi đã đi vào lịch sử.

Anh Quang Cường (Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM – đơn vị tổ chức trại huấn luyện) – cho biết: “Cuộc hành quân giữa thời khắc như thế, với điểm đến như thế sẽ ít nhiều rèn luyện sự dũng cảm, giúp các bạn chiến thắng nỗi sợ hãi đôi khi do chính mình tự tạo ra”. Hà Giao – một trong tám nữ trại sinh – nói: “Thắp hương trước mộ chị Võ Thị Sáu, tôi càng khâm phục sự anh dũng của các liệt sĩ và nhận ra rằng mình phải yêu đất nước nhiều hơn nữa”.

Khát vọng từ xà lim

Có vô số thử thách đưa trại sinh đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ngày thứ hai, trong những bộ bà ba nâu và đen, mỗi trại sinh bước vào hành trình bằng sự trải nghiệm chưa từng nghĩ đến trong đời – sắm vai tù nhân chính trị trong chính các xà lim giam giữ tù nhân Côn Đảo năm xưa. Trong vòng 30 phút, các bạn được biết thế nào là không gian của trại tù, là chiếc cùm chân, là cảm giác ngột ngạt đến khó thở.

Tại hai phòng biệt giam, sáu trại sinh còn nếm trải cảm giác đặc biệt hơn số đông còn lại. Tình huống đưa ra cho các “nữ tù nhân”: Nếu mỗi tuần chỉ có một gàu nước, bạn làm cách nào để giữ lấy nguồn nước hiếm hoi ấy? Trong ánh sáng le lói của chiếc cửa sổ bé xíu, ba “nữ tù” đúc kết: “Chiếc áo sẽ là phương tiện giữ nước để sử dụng tới giọt cuối cùng”.

Trong khi đó, ba “nam tù nhân” ở phòng biệt giam cách đó không xa cùng giải quyết bài toán cách nào để sinh tồn trong lao tù. Thiện Thư chia sẻ: “Tôi không biết lúc ấy các cô chú nghĩ gì nhưng nếu là tôi, cách tốt nhất chính là đoàn kết lại, chúng tôi sẽ chia sẻ những câu chuyện về gia đình, nhưng tuyệt đối chỉ là những điều vui, không kể chuyện buồn. Đó sẽ là cách giữ cho tinh thần sáng suốt chờ đến ngày thắng lợi cuối cùng”.

Có một nữ trại sinh khá đặc biệt: Thanh Mai, cô bé nhỏ nhất đoàn, đã đi tìm cho ra chuồng cọp mang số 30 trong dãy chuồng cọp Pháp vì đó là nơi bà nội của mình – nữ tù Huỳnh Ngọc Thanh (Mười Thanh) – bị giam năm xưa. Mai nói: “Bà nội cũng kể cho mình nghe nhiều, còn cho coi phim tư liệu nhưng mình chưa cảm nhận được hết những gì xảy ra. Đến đây thì mình hiểu hơn gian khó mà bà nội mình và các đồng đội đã trải qua”.

Từ những xà lim im lìm ấy, có bao nhiêu khát vọng được thổi bùng lên trong suy nghĩ của những trại sinh đều là lứa 9X. Trần Thiện Nghĩa bộc bạch: “Có thể mình chưa hiểu hết gian khó của các cô chú ngày xưa nhưng nhận ra rằng mình sẽ phải cố gắng hơn. So với các cô chú ngày xưa, những khó khăn mình gặp hôm nay chẳng là gì và tự hứa với lòng sẽ không than vãn mà luôn tìm cách giải quyết mỗi khi gặp vướng mắc trong cuộc sống”.

 

Tôi nhìn lại tôi

Đêm chia tay tại cầu tàu 914 lịch sử, có những giọt nước mắt đã rơi trong tiếng sóng biển nối nhau đều đặn vỗ bờ. Có bạn đã ước giá như chuyến đi không phải là bốn ngày mà là… nửa tháng, để được sống, được chia sẻ với nhau nhiều hơn nữa. Thậm chí có bạn còn muốn, nếu có thể, sẽ sống ít nhất một năm tại mảnh đất thiêng liêng này.

Phút lắng đọng sau những ngày hoạt động liên tiếp cũng đủ để nhiều bạn kịp nhìn lại mình. Một phút nói thật về chính mình, về những cảm nhận sau những trải nghiệm làm nhiều bạn rơi nước mắt. Thiện Thư chia sẻ: “Tôi đã nhận ra một điều rất đơn giản mà trước đây chưa từng nghĩ đến, đó là phải biết quan tâm đến những người xung quanh. Tôi từng nghĩ chỉ cần biết chính mình là đủ, nhưng đến lúc này tôi đã nghĩ lại”.

Lặng lẽ hơn, trại sinh Tuấn Vinh tự đúc kết: “Tôi từng băn khoăn việc đi nghĩa vụ quân sự, nhưng sau kỳ trại này tôi chắc chắn một điều khi Tổ quốc gọi, tôi sẵn sàng hiến dâng sức lực và cuộc đời dù nhỏ nhoi của mình. Kết thúc kỳ trại, kết thúc những suy nghĩ ích kỷ cho bản thân”.

Nói như lời gợi mở của anh Hà Trung Thành (Trường Cán bộ TP.HCM): “Dù các bạn làm gì, ở bất cứ đâu thì hãy nhớ mãi những giây phút này, khi chúng ta bên nhau, được cùng chia sẻ với nhau mọi điều. Nhưng quan trọng nhất, mỗi bạn hãy luôn ghi nhớ hai chữ Việt Nam trong tim, để thấy yêu và có trách nhiệm hơn với đất nước thân yêu của mình”.

 

Những bài học phong phú

 

Trại sinh với những giây phút trải nghiệm trong vai “tù nhân chính trị” tại nhà tù Côn Đảo năm xưa – Ảnh: Q.LINH

Trong bốn ngày, các trại sinh trải qua rất nhiều bài huấn luyện. Từ leo núi rèn thể lực đến vượt rừng để khám phá khả năng làm việc nhóm, xây dựng tinh thần đồng đội. Các bạn cũng đã có những giây phút trải nghiệm trong các trại giam với vai tù nhân hay du thám nhiều địa điểm hấp dẫn nổi tiếng của Côn Đảo. Ngoài ra, không chỉ tự lo mọi sinh hoạt hằng ngày như rửa chén, giặt đồ, sắp xếp chỗ ngủ, kỷ luật quân đội, các trại sinh còn được rèn luyện kỹ năng đi rừng, đánh cá, dò sóng điện thoại và nhiều chuyên đề chia sẻ kỹ năng nhận diện bản thân, sức mạnh của niềm tin…

Trại “Đến Côn Đảo – rèn bản lĩnh” do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức. Đây là một trại kỹ năng sống nằm trong chuỗi huấn luyện Học kỳ trong quân đội do nơi đây tổ chức suốt mùa hè này.

QUỐC LINH

Nguồn gốc cơm lam

Nói đến cơm lam với chúng ta đã không còn xa lạ, đó là món ăn quen thuộc và là đặc sản của các dân tộc thiểu số niềm núi như Thái, Tày, Nùng, Dao… Tuy nhiên nguồn gốc hay sự ra đời của nó thì không phải ai trong chúng ta cũng đều biết. Chúng tôi xin nói đến sự ra đời của món cơm đặc biệt này.

Theo những lời kể của các già làng thì ngày xưa đồng bào các dân tộc thiểu số sống chủ yếu trong ở rừng, ở trên các định núi cao, cuộc sống du canh du cư theo mùa vụ nên không nơi nào họ ở được đến hai mùa nương dẫy, do đặc điểm của nương dẫy là độ dốc cao nên sau khi canh tác và thu hoạch thì vùng đất đó không còn màu mỡ như trước nữa và đồng bào biết nếu còn canh tác tiếp thêm một mùa vụ nữa thì sẽ không thu hoạch được như mùa trước.

Cứ như thế, hôm nay ở núi này ngày mai lại ở ngọn núi khác, nên cuộc sống của đồng bào rất khó khăn và thiếu thốn đủ thứ, từ việc làm nhà cửa cũng rất tạm bợ, đến đồ dùng trong nhà như xoong, nồi, bát… cực kỳ thiếu thốn vì thế đông bào đã nghĩ ra nhiều cách nấu ăn trong hoàn cảnh không có những vật dụng cần thiết đó, sau khi thu hoạch mùa vụ hạt thóc đã được đâm chày thành hạt gạo và ở nơi núi rừng luôn có sẵn gỗ, cây nứa, cây mét…

Và từ đó đồng bào đã nghĩ ra một cách làm cho gạo chín thành cơm mà không cần đến xoong hay nồi là sau khi ngâm gạo thì cho gạo vào trong ống nứa, rồi cho nước vào trong ống, và cuối cùng là cho ống nứa vào đống lửa vừa nướng vừa xoay, dùng ngón tay ấn thấy mềm đến đau là cơm đã chín đến đó hoặc khi thấy mùi thơm của cơm thì cũng lúc cơm đã chín và sau đó chỉ cần bóc vỏ nứa đi là có cơm ăn.

Cách nấu đó vừa nhanh vừa tiện mà cơm lại rất thơm và ngon, được đồng bào duy trì cho đến ngày nay và gọi đó là cơm lam. Từ “lam” là cách nói của đồng bào Thái và nó không phải là danh từ, mà là một động từ theo tiếng Kinh thì có nghĩa là “nướng”. Nguồn gốc ra đời của món cơm lam đặc sản là vậy.

Tượng gỗ với người Banar ở Tây Nguyên

Người Bahnar có câu: “Khẽi ning nơng, pơm bơxát” nghĩa là “tháng nghỉ làm nhà mồ”, tháng nghỉ đó lại là mùa hội, mùa vui, mùa “uống tháng, ăn năm, trâu đâm, lợn mổ”.
Không chỉ của người Bahnar mà còn của người Giarai, Êđê và nhiều tộc người khác ở Tây Nguyên. Làm nhà mồ có nghĩa là tổ chức lễ hội bỏ ma hay bỏ mả. Do đó, không phải ngẫu nhiên lễ bỏ mả lại là lễ hội lớn nhất, tưng bừng nhất, vui nhất, mang tính văn hóa nhất và cũng mang tính cộng đồng nhất của Tây Nguyên. Chính nhà mồ, tượng mồ – những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân gian độc đáo của Tây Nguyên được ra đời vào dịp lễ hội thường niên này.

Người Tây Nguyên quan niệm chết nghĩa là bắt đầu cuộc sống mới ở một thế giới khác – thế giới bên kia, thế giới của hồn ma. Bởi vậy, khi người chết đã ra đi là ra đi vĩnh viễn để sống cuộc sống khác. Ngôi nhà mồ, những pho tượng mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả hay cuộc chia tay, cuộc vui cuối cùng giữa người sống và người chết. Để người chết ra đi thanh thản và có cuộc sống đầy đủ ở thế giới bên kia, hôm làm lễ bỏ mả, người sống không chỉ làm nghi thức sinh thành cho người chết mà còn chia của cải cho người chết đem đi.

Cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, ở Tây Nguyên, nghi thức sinh thành được quan niệm và thể hiện qua hành động giao hoan. Hiện giờ, nghi thức đó không còn nữa, nhưng theo lời kể của các cụ già, trước đây, vào những đêm bỏ mả trai gái được tự do quan hệ tình ái. Hình ảnh hay khái niệm sinh thành được thể hiện rất cụ thể và đậm nét ở tượng nhà mồ.

Nếu đến các khu nhà mồ Tây Nguyên ta sẽ như lạc vào cả một mê cung của rừng tượng gỗ với rất nhiều những hình tượng khác nhau và cách thể hiện khác nhau. Thế nhưng, chỉ cần đi nhiều một chút, để ý một chút, là sẽ nhận ra một hàng số xuyên suốt qua các nhóm tượng: Hình ảnh về một sự sinh thành. Thông thường, ở hai bên cửa nhà mồ đều có một cặp tượng trai gái hoặc đang phô bày cơ quan sinh dục của mình hoặc đang giao hoan. Đứng bên cặp tượng trai gái đó, là tượng người đàn bà chửa, còn ở các góc rào xung quanh nhà mồ là tượng những hài nhi đang ngồi.
Mặc dầu khi được hỏi, đồng bào thường trả lời là làm tượng nhà mồ cho vui, cho đẹp, nhưng tính phổ biến của ba loại tượng vừa kể trên khiến chúng tôi nghĩ rằng, lớp tượng mồ đầu tiên là lớp tượng biểu hiện ý niệm về sự sinh thành.
Sở dĩ chúng tôi gọi lớp tượng này là lớp tượng đầu tiên vì ở không ít khu nhà mồ, nhất là ở các vùng xa ta chỉ gặp ba hình ảnh: Giao hoan, đàn bà chửa và hài nhi. Vì để thể hiện một hình tượng, một ý niệm, nên những con người ở lớp tượng mồ cổ không phải là một con người cụ thể mà là “con người chung” “con người khái quát” hay “con người vũ trụ”, còn ngôn ngữ của điêu khắc là ngôn ngữ gợi chứ không tả.

Một điều khá đặc biệt và đáng lưu ý nữa của lớp tượng mồ thứ nhất này là bố cục đồng hiện ý – ba hình ảnh hay ba hành động diễn ra trong ba thời gian kế tiếp nhau: giao hợp, chửa, hình h ài nhi, được thể hiện cùng một lúc trên một mặt phẳng của lối rào quanh nhà mồ. Do vậy, chúng tôi gọi phong cách đầu của tượng nhà mồ Tây Nguyên là phong cách biểu tượng gợi tả – đồng hiện ghi ý. Không phải ngẫu nhiên mà người Tây Nguyên gọi những tượng mồ lớp xưa này là “hình” chứ không phải “tượng” (tiếng Giarai là rup, tiếng Bahnar là mêu).

Nếu thống kê hết tên gọi rồi xếp vào một bảng danh mục, ta sẽ phải ngạc nhiên trước sự phong phú và đa dạng về nội dung của tượng nhà mồ Tây Nguyên, vì hầu như toàn bộ cuộc sống của con người đều được nghệ nhân dân gian thể hiện lên các tác phẩm của mình.
Thế nhưng cả bức tranh cuộc sống sinh động đó lại nhằm phục vụ cho người chết. Người Tây Nguyên tạc những tượng mồ ở nhà mồ để những người đó đi hầu cho người chết ở thế giới bên kia. Tuy nội dung hay ý nghĩa của các hình tượng thì phong phú như vậy, nhưng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên lại gọi gộp tất cả những tượng mồ loại này vào một nhóm – những người hầu (tiếng Giarai – hlun, tiếng Bahnar – đích).

Rất có thể, cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, xưa kia ở Tây Nguyên, người hầu hay tù binh đã bị chôn theo các tù trưởng lớn. Chính dấu ấn của thời “chiến tranh bộ lạc” xa xưa mà các truyện cổ và sử thi Tây Nguyên thường nói tới, đã còn để lại dấu ấn lên nội dung nhà mồ.
Giờ đây, người Tây Nguyên tạc lên tượng nhà mồ những con người hay những con vật với một ước muốn là những người mà vật đó sẽ theo hầu hạ người chết ở thế giới bên kia. Những con người, những con vật ở lớp tượng mồ thứ hai này tuy cụ thể rồi những cũng vẫn là những con người hay những con vật chung chung: người đánh trống, phụ nữ giã gạo, thợ rèn, lính Pháp, người thợ chụp ảnh, chàng thanh niên, cô gái, cầu thủ đá bóng, con voi, con chim, con cú… Tất cả những hình tượng đó nhấp nhô quanh nhà mồ và tạo ra cả một bức tranh sinh động về cuộc sống để người chết sẽ mang đi sau lễ bỏ mả.
Dần dà, theo thời gian, nội dung của lớp tượng mồ thứ hai đã lấn dần để rồi át hẳn cả lớp nội dung trước đó. Ở nhiều nhà mồ, những tượng đáng lý phải thể hiện ý niệm về sự sinh thành, đã phải “chuyển mình” thành hình ảnh những người theo hầu người chết: những cặp trai gái giao hoan biến thành những chàng trai, cô gái, hay đàn ông, đàn bà, những hình ảnh hài nhi biến thành tượng người buồn, người khóc…
Do nội dung trở nên phong phú hơn, sinh động hơn, gần cuộc sống hơn, nên ngôn ngữ tạo hình của lớp tượng thứ hai cũng bớt trừu tượng đi để đến với ngôn ngữ của tả.

Nếu tượng mồ lớp cũ trừu tượng và mang tính chất khái quát bao nhiêu thì tượng mồ mới hiện thực và sinh động bấy nhiêu. Nếu ở các tượng mồ lớp trước tính biểu tượng là chính thì ở tượng mồ lớp sau lại là tính hiện thực. Thế nhưng, cái thực của tượng mồ lớp thứ hai vẫn được thể hiện chủ yếu bằng các nét, các khối mang tính gợi và tính khái quát chứ không bằng ngôn ngữ tả đến từng chi tiết.

Chính những đặc tính khái quát chứ không bằng ngôn ngữ tả đến từng chi tiết. Chính những đặc tính khái quát và gợi cảm của ngôn ngữ tại hình cũng như của hình tượng tạo ra nét hoành tráng của tượng nhà mồ Tây Nguyên. Những pho tượng mồ, mặc dầu không lớn vì phải khuôn vào thân cây gỗ, cứ như nở tung ra và vươn cao lên trong không gian.

Dựa vào những đặc trưng của nội dung hình tượng và ngôn ngữ tạo hình, chúng tôi tạm gọi phong cách thứ hai của tượng nhà mồ Tây Nguyên là phong cách tả thực – trần thuật – một phong cách gần với phong cách của sử thi.
Trong những thập niên gần đây, những thay đổi trong cuộc sống sinh hoạt và những tiếp xúc mới rộng rãi hơn đã có những tác động không nhỏ vào tượng mồ Tây Nguyên. Những người thợ tạc tượng dân gian Tây Nguyên hiện nay thích làm cho tượng của mình giống như thực hơn, cầu kỳ chi tiết hơn. Vì vậy, tượng nhà mồ mất dần tính trầm tư, khái quát và hoành tráng vốn có của mình. Nội dung tượng thì ngày càng nhiều thêm, trong khi đó, tính nghệ thuật thì ngày một mất đi. Bởi thế mà giờ đây lên Tây Nguyên, dù vào mùa đẽo tượng, ta không còn gặp nhiều tác phẩm nghệ thuật tượng mồ đẹp như xưa nữa.

Theo phong tục của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tượng mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả và chỉ có tác dụng trong những ngày hội lễ mà thôi. Sau lễ bỏ mả, thì ngôi nhà mồ cùng những tượng mồ cũng bị bỏ luôn. Năm tháng, nắng mưa sẽ dần dà làm hư hỏng rồi tan biến những tác phẩm nghệ thuật tượng mồ vào với đất…

TẠI SAO NGƯỜI VIỆT CỔ CÓ TỤC XĂM MÌNH

Một trong những tục cổ xưa nhất của người Việt là xăm mình. Tục này phải kéo dài mãi cho đến cuối thế kỉ thứ XIII, đầu thế kỉ thứ XIV mới chấm dứt. Có người nói rằng, bởi tục này mà tên nước đầu tiên của người Việt là Văn Lang. Hẳn nhiên, cách giải thích ấy chưa đủ sức thuyết phục, nhưng dẫu sao thì tục xăm mình cũng là một trong những tục cổ nhất và tồn tại thuộc vào hàng lâu dài nhất ở nước ta.

Về nguyên nhân xuất hiện của tục này, sách Lĩnh Nam chích quái (phần Hồng Bàng thị truyện) viết như sau:
“Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói:
– Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại.
Nói rồi, Vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thuỷ quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy.
Ở buổi đầu mở nước, mọi thứ vật dụng của dân chưa đủ. Dân phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ ống làm chiếu, lấy gạo nếp nấu rượu, lấy cây quang lang làm thức ăn, lấy cầm thú cá tôm làm mắm, lấy củ gừng làm muối, đao canh thuỷ chủng. Đất sản nhiều gạo nếp. Lấy ống bương thổi mà ăn. Làm nhà sàn mà ở để tránh cọp, chó sói làm hại. Cắt tóc ngắn để tiện vào rừng. Con mới vừa sinh ra thì lấy lá chuối lót cho nằm. Có người chết thì gõ vào cối không cho xóm giềng nghe thấy để kéo nhau đến giúp. Con trai con gái lấy nhau, trước hết dùng gói muối làm lễ hỏi rồi sau đó mới giết trâu, giết dê để ăn mừng thành vợ thành chồng. Cùng nhau đem cơm nếp vào buồng để ăn, vợ chồng mới thành thân, vì lúc đó trầu cau chưa có”.

Chinh phục thiên nhiên vùng đồng bằng sông nước là cả một quá trình lâu dài, phức tạp và cực kì khó khăn. Hình ảnh những con thuồng luồng gây thương tích cho dân có lẽ chính là một trong những biểu hiện của sự phức tạp và cực kì khó khăn đó.
Dân gặp khó thì kêu Vua, Vua ân cần chỉ cho dân tất cả những gì mình biết. Lời chỉ dẫn ấy, đúng sai thế nào thì ta đã quá rõ, nhưng điều quan trọng hơn lại chính là ở chỗ trên dưới như cha con một nhà, nghĩa tình đằm thắm biết là bao.
Bấy giờ, hễ người Việt là xăm mình, hễ ai xăm mình là người Việt. Bạn thích hay không thích tục xăm mình, đó là việc riêng của bạn, nhưng, trông lại ngàn xưa, xin bạn hãy ghi nhận cho rằng, chính tục ấy đã góp phần làm cho Hán và Việt biệt lập rõ ràng, và cũng chính nhờ sự biệt lập rõ ràng ấy, giờ này, bạn mới có thể ung dung mà nói: non sông ta…
Đời sống của cổ nhân ra sao, đoạn ghi chép ngắn ngủi trên kể cũng đã nói khá rõ. Kính thay, một thời chắt chiu cần mẫn, thương thay, một thời gian truân! Đi giữa giang sơn gấm vóc, xin chớ vô tâm quên tổ tiên ngàn đời.

Gần 30 năm tìm kho báu của Vua Hàm Nghi: Nguyễn Hồng Công “đã chạm vào cửa kho báu”?

Ngày 20.6, chúng tôi lại vào Hóa Sơn, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), địa điểm ông Nguyễn Hồng Công đang tìm kho báu.
 
Ông Nguyễn Hồng Công từ chối tiếp xúc và không cho chụp ảnh – Ảnh: Xuân Vương

Lúc 13 giờ 30, gặp ông Đinh Xuân Đại, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn, hỏi chuyện và nhờ ông Đại chỉ cách gặp được ông Nguyễn Hồng Công. Ông Đại nói: “Việc ông Công tìm được vàng thật hay không thì xã không biết. Vì ông Công không báo cáo với chính quyền”. Tuy nhiên, ông Đại một mực cho rằng: “Ông Công mắc bệnh hoang tưởng. Ông ta mới trở lại Hóa Sơn được hai tháng và mới dựng xong căn lều nhỏ chứ chưa đào…”.

14 giờ, chúng tôi làm việc với ông Đinh Thanh Tiến, Trưởng công an xã Hóa Sơn. Ông Tiến cho biết: “Ông Công đi khỏi nơi đào vàng từ ngày 19.6. Sáng 20.6, công an xã viết giấy triệu tập và cùng lực lượng biên phòng đóng trên địa bàn xã tìm ông về trụ sở làm việc nhưng chưa thấy ông ấy đâu cả”.

Khoảng 14 giờ 45 phút, công an xã tìm thấy ông Công và đưa về trụ sở UBND xã. Sau khi làm việc khoảng 1 tiếng, ông Công rời khỏi trụ sở ủy ban.

Chúng tôi tiếp cận nhưng ông lẩn tránh, không chịu tiếp xúc. Thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên, ông tỏ thái độ rất bực bội rồi bỏ chạy thẳng về phía trước, lội băng qua con suối cạn. Chúng tôi cố gắng vượt lên thì ông quay mặt đi và lấy tay che ống kính máy ảnh. Trông ông dạo này khỏe hơn nhiều so với những ngày một mình chui sâu trong lòng đất đào từng xô đất đá xách ra.

Công an xã Hóa Sơn cho biết trước đó không lâu, ông có đến trao đổi với công an rằng ông đã tìm thấy kho báu trong hang cây đa (miệng hang có cây đa). Ông đưa tay vào và đã chạm được cửa kho báu. Nhưng lúc đó, nhìn trong hang ra ngoài sáng, ông thấy có người chặn lại. Hỏi ai chặn thì ông nói đó là người bị giết sau khi chôn vàng hiện về ngăn cản.

Ông Đinh Thanh Tiến, Trưởng công an xã Hóa Sơn, cho biết khi đến làm việc ở trụ sở ủy ban, ông Công có cầm theo tờ trình ghi ngày 11.6.2011 mà chúng tôi đã dẫn ở bài trước, tờ trình vẫn chưa được gửi đi.

Trong tờ trình này, ông Công viết rằng qua quá trình nghiên cứu và tự giải mã nay ông đã tìm được nơi cất giấu của cải của vua Hàm Nghi. Nhưng liền sau đó ông lại viết:

“Nhưng thực ra đây là công trình xây dựng, nơi cất giấu kho báu của vua Tự Đức trước khi quân Pháp xâm chiếm ba tỉnh miền Đông, Sài Gòn – Gia Định. Đây là công trình có sự chuẩn bị chu đáo, được lựa chọn và lợi dụng vào một hẻm núi do hai khe nhỏ tạo nên. Sau khi chuyển hai con suối cạn chảy về hai hướng phía trên, họ đã cải tạo lòng khe thành một đường hào sâu 18m, dài 100m. Miệng hai bờ sông rộng 50m, đáy rộng 2m với tỏa y là 50 độ, phía dưới đáy xếp đá hộc, có kẽ hở để thoát nước và sát vách bên phải từ ngoài vào để hở 3×5 cm. Từ 9m trở lên chắn ngang 5 dãy đá, mỗi dãy dày 5m, cao 9m đè ngang lên dãy đá chặn dọc phía dưới, mỗi dãy đá chắn ngang dài 50m. Sau đó lấp đất đá ngang bằng với mặt bằng tự nhiên của sườn khe và phủ lên 1m đất. Sau đó toàn bộ bề mặt 5.000 mét vuông đất được lợp phía trên một lớp đá hộc. Những hòn đá được gắn dày và to 0,5m tạo cho giống đá tự nhiên…”.

Ông Công mô tả, khi làm xong công trình thì trả lại dòng chảy tự nhiên cho hai dòng suối để xóa dấu vết, sau đó đặt tên cho khe, thôn, làng xã… để nhớ nơi cất giấu. Ông Công cho rằng để tạo ra công trình như thế vào thời điểm đó phải cần 200 quân lính làm việc trong 3 năm, khai thác một lượng đất đá 30 triệu mét khối…

Ông viết: “Để trả lời được bí ẩn công trình này, tôi phải trả giá mất gần 30 năm và tiêu tốn gần 2 tỉ đồng. 1.825.000.000đ” (con số sau chắc ý ông muốn nói chính xác ra). Từ đó, ông yêu cầu được hưởng 20% giá trị kho báu thay vì 10% như các tờ trình trước.

Ông Đinh Thanh Tiến cho biết thêm, trong cuộc làm việc nói trên, ngoài việc đưa tờ trình, ông Công còn đề nghị cán bộ xã đề nghị lên huyện, tỉnh lập am thờ để cúng bái vong linh nghĩa quân và những người chôn kho báu trước khi khai quật. Còn nếu không lập am thờ thì bản thân ông cũng “không dám sờ vào” mà tỉnh có muốn khai quật cũng không được.

Lãnh đạo UBND, công an xã yêu cầu ông Công đăng ký tạm trú tại địa phương thì khi đi đâu phải báo tạm vắng; muốn làm (đào bới tìm kho báu) phải xin phép để xã trình lên trên; từ nay ông không được tiếp xúc với người lạ, không được tự ý cung cấp thông tin không xác thực làm cho mọi người hiếu kỳ tìm đến và có thể đào bới gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Công hứa chấp hành.

Cũng như ông Công đã hứa chấp hành nhiều năm trước, yên ắng một thời gian, ông lại tiếp tục công việc tìm kho báu giữa chốn rừng thiêng với một suy đoán hết sức mơ hồ.

Ông đã gần 60 tuổi và đã mất 30 năm cô độc.

Nguyễn Thế Thịnh – Quang Nam – Xuân Vương

Đột nhập vườn ‘ma cây’ ở Melbourne

Một trong những điểm thành công nhất nơi đây là đánh trúng vào tâm lý tò mò của con người.

vuon-ma-cay1

Tại một thị trấn nhỏ Marysville ở thành phố Melbourne, phía Nam Châu Úc, một khu vườn “bí mật” mang tên Bruno Torf thu hút hàng trăm khách du lịch tới tham quan. Quả thực, vườn điêu khắc của họa sĩ Bruno Torfs trở thành một điểm thu hút tuyệt vời, bởi nó đánh vào tâm lý tò mò khai phá bản năng của con người. Tới đây bạn như bước vào một không gian của một khu rừng nhiệt đới huyền ảo chưa đựng vô số những bất ngờ thú vị.

Với hơn ba trăm bức tranh và tác phẩm điêu khắc, cuộc hành trình của bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này tới bất ngờ khác. Cảm xúc khi khám phá ra những khuôn mặt người, những bóng dáng như bị vùi vào quên lãng sẽ khiến bạn cứ miên man muốn bước tiếp và sẵn sàng cho một khám phá nho nhỏ khác. Chắc chắn khu vườn độc đáo này sẽ khơi gợi cho bạn cảm giác về những câu chuyện cổ tích, về những con ma cây, người đá ma mãnh.

Bruno Torfs đã thành công tuyệt đối khi tạo một trong những trải nghiệm kì lạ và sâu sắc nhất thế giới, truyền cảm hứng cho rất nhiều con người yêu nghệ thuật và kĩ năng làm vườn.

vuon-ma-cay2

vuon-ma-cay3

vuon-ma-cay4

vuon-ma-cay5

vuon-ma-cay6

Theo ione.net

Du lịch “nuôi gà con lấy trứng”

Một gia đình người Mỹ ở bang Carolina vừa cho ra mắt một gói du lịch – nông nghiệp có tên gọi “Thuê gà con” để phát triển ngành du lịch nông nghiệp ở địa phương và kiếm thêm thu nhập.

du-lich-nuoi-ga-con-lay-tru

Gà con “cho thuê” ở nông trại Legare – Ảnh: Reuters

Với 25 USD, mỗi khách du lịch đến thăm nông trại gia đình họ Legare khi ra về sẽ được cung cấp hai gà con, một thùng giấy cactông làm lồng nuôi gà và một sách hướng dẫn nuôi gà ở vườn nhà. Khách du lịch sẽ đem gà về nuôi thoải mái, sau đó đem chú gà đã lớn quay trở lại nông trại để nhận được trứng gà miễn phí tại nông trại.

Gia đình nhà nông Legare cho biết 70% thu nhập của họ lại từ các loại hình du lịch nông nghiệp.

Theo Tuổi trẻ (Nguồn Reuters)